Amanda Howard không thích giữ những chiếc hộp chứa đầy thư mà cô nhận được từ vô số kẻ giết người hàng loạt trong ngôi nhà của gia đình ở thành phố Sydney, Australia. Thay vào đó, nữ tác giả của những câu chuyện về tội phạm có thật, lưu trữ chúng cùng các vật phẩm rùng rợn khác trong phòng thu podcast của cô.
"Có những thứ bạn thực sự không muốn nhìn thấy hay giữ chúng xung quanh mình", cô chia sẻ. "Đôi lúc thật kinh khủng khi nghĩ đến việc tôi viết về những người này hoàn toàn chỉ vì họ đã giết người khác."
Howard, 47 tuổi, đã trao đổi thư từ với những kẻ giết người hàng loạt trong hơn 25 năm qua và được biết đến rộng rãi với biệt danh "người tâm tình" của sát nhân hàng loạt. Cô bắt đầu tò mò về tâm trí của những kẻ giết người từ khi còn đang theo học chuyên ngành tội phạm tại Đại học New South Wales.
Trong một tiết học trên lớp nghiên cứu về kẻ sát nhân tàn ác nhất Australia Ivan Milat, Howard đã phát hiện ra những chi tiết không chính xác về vụ án từ sách giáo khoa.
"Tôi đã nghĩ 'tại sao mình phải đọc một thứ gì đó từ bên thứ ba thuật lại trong khi mình có thể đến gặp và nói chuyện trực tiếp với những người này?'", Howard cho hay.
Kể từ đó, cô và Milat đã trao đổi, nói chuyện với nhau qua thư trong hơn hai thập kỷ. Bị kết án thực hiện 7 vụ giết người song Milat luôn tỏ vẻ ngây thơ, vô tội trước Howard. Cuối mỗi bức thư, y luôn ký tên bằng cách vẽ nhân vật hình que có vầng sáng trên đầu từ những cuốn sách nổi tiếng của tác giả Leslie Charteris.
Milat bị tuyên 7 án tù chung thân vào năm 1996 sau khi giết hại 7 khách du lịch bụi và chôn giấu thi thể các nạn nhân trong khu rừng Belanglo, phía nam bang New South Wales.
Y lừa tất cả nạn nhân bằng cách cho họ đi nhờ xe. Trong số nạn nhân có hai công dân Australia, ba công dân Đức và hai người Anh. Milat ra tay rất tàn độc. Một người bị hắn chặt đầu. Có nạn nhân bị bắn 10 viên đạn vào đầu, có người bị đánh đến mức xương vỡ vụn.
Milat chỉ là một trong rất nhiều kẻ giết người hàng loạt mà Howard đã duy trì liên lạc suốt nhiều năm.
Trong 20 năm, cô đã liên tục viết thư cho Bobby Joe Long, kẻ sát nhân hàng hoạt người Mỹ đã giết và cưỡng hiếp ít nhất 10 phụ nữ ở Florida. Tuy nhiên, "sợi dây" kết nối hai người đã đứt vào tháng 5/2019 khi Joe Long bị xử tử.
Howard cũng trao đổi thư với sát nhân khét tiếng nước Mỹ Roy Norris hay "nữ sát thủ hàng loạt tồi tệ nhất" Kathleen Folbigg.
Roy Norris cùng đồng phạm là Lawrence Sigmund Bittaker đã bắt cóc, hiếp dâm, tra tấn và giết hại 5 cô gái trẻ ở Nam California, Mỹ, trong vòng 5 tháng vào năm 1979.
Folbigg đến từ New South Wales, Australia, bị tòa án phạt 40 năm tù vào năm 2003 vì giết 4 đứa con của mình. Tuy nhiên, Folbigg vẫn luôn khẳng định mình vô tội và cho rằng cái chết của các con bà là do hội chứng tử vong đột ngột ở trẻ sơ sinh (SIDS), thuật ngữ chỉ chung cho các trường hợp trẻ em chết bất ngờ không rõ lý do.
Cuối thập niên 1980, Folbigg kết hôn và sinh bé trai tên Caleb. Nhưng khi mới 19 ngày tuổi, bé đột tử và được xác định nguyên nhân là do SIDS. Gần hai năm sau, Patrick, người con thứ hai, chết lúc 8 tháng tuổi. Theo thông tin trên giấy chứng tử, cậu bé bị mù, mắc chứng động kinh và chết vì ngạt thở.
Người con thứ ba, bé gái tên Sarah, tử vong năm 1993 khi 10 tháng tuổi và cũng được nhận định là do SIDS. Tháng 3/1999, người con cuối cùng của Folbigg, bé gái tên Laura, chết khi 18 tháng tuổi vì nguyên nhân "không được xác định".
Folbigg bị nghi ngờ giết con do đơn tố cáo của chồng, người nảy sinh nghi ngờ sau khi đọc nhật ký của vợ. "Tôi cảm thấy như là người mẹ tồi nhất trên Trái Đất, và tôi sợ Laura sẽ bỏ tôi mà đi, như Sarah. Tôi biết tôi nóng tính và đôi lúc ác với con bé (Sarah). Và nó đã ra đi, với một chút giúp đỡ. Điều này không thể xảy ra lần nữa. Tôi xấu hổ với chính mình. Tôi không thể kể chuyện này với chồng vì anh ấy sẽ lo lắng khi để con cho tôi trông", Folbigg viết trong nhật ký.
Trong thư gửi đến thống đốc bang New South Wales hồi giữa tháng 3 năm nay, 90 nhà khoa học hàng đầu Australia, trong đó có hai người từng nhận giải Nobel, đã lên tiếng ủng hộ Folbigg. Theo họ, chứng cứ mới về mặt di truyền cho thấy 4 con của Folbigg chết vì lý do tự nhiên. Từ đó, các nhà khoa học gọi trả tự do cho Folbigg để chấm dứt "bản án oan" này.
Howard cho biết muốn viết thư cho những kẻ sát nhân trên khắp thế giới để có thể hiểu tường tận câu chuyện của họ và đi sâu vào tâm trí họ.
"Họ đều thú vị theo những cách riêng", cô chia sẻ.
Bức thư gây ám ảnh nhất mà Howard nhận được là từ Arthur Shawcross, kẻ giết người sông Genesee. Shawcross có sở thích quái dị là ăn thịt các nạn nhân của mình.
"Hắn ta từng gửi cho tôi một công thức nấu ăn với chính tôi là nguyên liệu chính", Howard kể. "Hắn nghĩ điều đó thú vị, tôi thì không".
Howard thỉnh thoảng cũng gặp những tình huống "dở khóc dở cười" với các "bạn thư" của mình. Cô từng từ chối hai lời cầu hôn từ hai sát nhân hàng loạt người Mỹ đang ngồi tù, nhận được phong bì chứa một lọn tóc của sát nhân Joe Long hay những bức thư viết tay được xịt nước hoa sau cạo râu rẻ tiền.
"Chúng thực sự gây khó chịu bởi tôi bị dị ứng!", cô cho hay.
Howard đã viết nhiều cuốn sách về tội phạm và có một chương trình podcast mang tên Những quái vật giết người.
Cô coi việc viết thư cho những kẻ sát nhân là một phần công việc của mình. "Tôi nói chuyện với họ về những thứ bình thường, hỏi họ về cuộc sống, kỳ nghỉ gia đình của họ ra sao khi họ còn nhỏ. Tôi nghĩ họ thích những cuộc đối thoại với tôi", Howard nói.
Theo cô, tất cả sát nhân hàng loạt đều đặc biệt theo cách riêng nhưng có chung một đặc điểm. "Họ đều mong muốn được tôn thờ nhưng họ không nhận được điều đó từ tôi. Tôi không chơi đùa với những người này", Howard khẳng định.
Vũ Hoàng (Theo 9News)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét