Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Bức ảnh nhà tù Guantanamo ám ảnh nước Mỹ 20 năm

Cảnh tượng 20 người mặc áo tù màu cam quỳ gối bên hàng rào kẽm gai tại Guantanamo trở thành nỗi ám ảnh với nước Mỹ suốt hai thập kỷ qua.

Ngày 11/1/2002, trung sĩ hải quân Mỹ Shane T. McCoy nâng máy ảnh trên hàng rào dây thép gai sáng loáng vừa mới dựng, chụp cảnh tượng 20 người mặc quần áo tù màu cam tại Trung tâm Giam giữ vịnh Guantanamo. Họ đều bị bịt mắt và miệng, cúi đầu, bắt chéo chân khi quỳ gối trên nền đất rải đá dăm, ngay cạnh hàng rào kẽm gai.

"Khi đó tôi chỉ đang thực hiện nhiệm vụ của mình", McCoy kể lại. "Tôi được giao nhiệm vụ chụp bức ảnh đó. Tôi phải làm điều đó và gửi ảnh cho đơn vị". Bộ Quốc phòng Mỹ sau đó công bố ảnh được McCoy chụp.

Bức ảnh lập tức châm ngòi cho cuộc tranh luận về những gì mà Mỹ đang làm tại nhà tù Guantanamo đặt ở khu vực vịnh cùng tên, cơ sở được mở vào tháng 1/2002 và hoạt động tới ngày nay. Đây cũng là một trong những bức ảnh ám ảnh nhất về chính sách giam tù nhân của Mỹ trong thế kỷ 21.

Tù nhân mặc áo cam quỳ trên nền đất tại nhà tù Guantanamo tháng 1/2022. Ảnh: US Navy.

Tù nhân mặc áo cam quỳ trên nền đất tại nhà tù Guantanamo tháng 1/2022. Ảnh: US Navy.

Vào tháng 1/2002, vài tháng sau vụ tấn công khủng bố kinh hoàng vào tòa tháp Trung tâm Thương mại Thế giới ở New York, các đồng minh của Mỹ ở Afghanistan và Pakistan bắt hàng trăm tay súng bị nghi là thành viên al-Qaeda, tổ chức bị Washington cáo buộc thực hiện vụ tấn công 11/9. Những tù nhân này được bàn giao cho Mỹ, song Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) khi đó chưa thiết lập mạng lưới nhà tù bí mật của mình.

Không quân Mỹ điều một vận tải cơ chở nhóm tù nhân đầu tiên đến căn cứ hải quân ở vịnh Guantanamo. Trung sĩ McCoy được giao nhiệm vụ chụp ảnh ngày mở cửa nhà tù tại căn cứ này, còn được gọi là Trại X-Ray, nơi giam giữ khoảng 780 người trong nhiều năm. Hiện có 39 tù nhân cuối cùng trong nhà tù Guantanamo.

Hình ảnh 20 tù nhân đầu tiên của nhà tù Guantanamo quỳ gối trên đất được truyền thông Mỹ thường xuyên dùng lại trong các bài viết về cơ sở này. Những người biểu tình phản đối nhà tù Guantanamo mặc áo màu cam và tái hiện cảnh tượng. Thậm chí phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau này cũng bắt tù nhân mặc quần áo màu cam trước khi hành quyết họ.

Vài giờ trước khi 20 tù nhân đầu tiên được chuyển tới, thủy quân lục chiến Mỹ chịu trách nhiệm thiết lập Trại X-Ray. Họ dựng phòng giam thô sơ bằng cách hàn các container lại với nhau. Chuẩn tướng Michael Lehnert mô tả tù nhân bị đưa tới đây là "những kẻ xấu xa nhất trong đám kẻ xấu" bị bắt ở Afghanistan.

Tuy nhiên, trong số 20 tù nhân đầu tiên, 8 người được trả tự do khi cựu tổng thống George W. Bush rời nhiệm sở năm 2009, chỉ còn hai người bị giam tới nay. Không ai trong số này bị buộc tội liên quan tới vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001.

Quân cảnh Mỹ áp giải một tù nhân tại nhà tù Guantanamo tháng 2/2002. Ảnh: AP.

Quân cảnh Mỹ áp giải một tù nhân tại nhà tù Guantanamo tháng 2/2002. Ảnh: AP.

Trong phiên điều trần trước Thượng viện Mỹ hồi tháng 12/2021, thiếu tướng về hưu Lehnert nhận định Trại X-Ray do ông thành lập là một sai lầm và đi ngược lại giá trị Mỹ. Lehnert hối thúc chính phủ đóng cửa nhà tù Guantanamo.

McCoy kể lại rằng 11/1/2002 là một ngày dài, sau khi tung đồng xu với một đồng nghiệp và phải nhận nhiệm vụ chụp ảnh nhóm tù nhân đầu tiên được chuyển tới X-Ray. McCoy tới căn cứ, chụp một loạt ảnh, chọn ra khoảng 100 tấm, viết chú thích và gửi về Washington.

Khoảng một tuần sau đó, các hãng truyền thông kêu gọi Lầu Năm Góc minh bạch về hoạt động của nhà tù Guantanamo. Dư luận Mỹ lúc đó bất bình sau khi chứng kiến ảnh chụp từ camera hồng ngoại cho thấy lính Mỹ dẫn giải những tù nhân Afghanistan rách rưới, đầu chụp túi vải.

Để xoa dịu dư luận, Bộ Quốc phòng Mỹ quyết định công bố 5 bức ảnh được McCoy chụp để chứng minh rằng họ tuân thủ các quy định của Công ước Geneva về đối xử với tù nhân. Thế nhưng, nhiều người Mỹ lập tức cho rằng những bức ảnh thể hiện sự tàn bạo và cách đối xử "thiếu tình người" với tù nhân.

"Thay vì thể hiện sự quan tâm, chăm sóc với các tù nhân, những bức ảnh đó lại đổ thêm dầu vào ngọn lửa chỉ trích, hoài nghi chúng tôi", Victoria Clarke, phát ngôn viên của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Donald Rumsfeld lúc đó, kể.

McCoy cho rằng Lầu Năm Góc đã sai lầm khi không giải thích đầy đủ hơn về những gì xảy ra trong bức ảnh. Các tù nhân bị buộc quỳ chéo chân để họ không thể nhanh chóng đứng dậy và bỏ chạy, tương tự cách cảnh sát kiểm soát người bị bắt.

Mũ và găng tay giúp bảo vệ những tù nhân này khỏi cái lạnh trong khoang hàng của vận tải cơ đưa họ khỏi Afghanistan tới Guantanamo. Bịt mắt và bịt tai nhằm ngăn các tù nhân tương tác với "kẻ thù được cho có thể liên lạc và âm mưu tấn công giải thoát họ", còn khẩu trang màu lam nhằm ngăn nguy cơ lây lan bệnh lao.

Rumsfeld khẳng định các tù nhân lúc đó đang chờ vào trại và không bị giam giữ trong tình cảnh như vậy, cho biết "thật không may khi hình ảnh đó được công bố". Lầu Năm Góc sau đó rút các bức ảnh, song nhiều hãng thông tấn lớn đã đăng chúng.

Khi Rumsfeld tới Guantanamo vào cuối tháng 1/2002, McCoy gặp riêng ông và xin lỗi. Tuy nhiên, Rumsfeld nói rằng McCoy chỉ làm nhiệm vụ được giao và không cần xin lỗi ông. McCoy cho biết đã chụp rất nhiều bức ảnh về hoạt động của nhà tù Guantanamo, song không gì bằng ảnh chụp những tù nhân đầu tiên ngày 11/1/2002.

Khi đi nghỉ cùng gia đình vào mùa hè năm 2021, McCoy nhìn thấy bức ảnh được treo trong một nhà tù cũ ở Philadelphia, nơi từng giam trùm gangster Al Capone. "Bức ảnh có tên tôi trên đó", McCoy nói. "Tôi chẳng còn ngạc nhiên khi thấy nó ở bất cứ nơi nào, dù chưa bao giờ tưởng tượng được rằng 20 năm sau vẫn thấy bức ảnh đó được dùng".

Nguyễn Tiến (Theo NY Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét