Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Djokovic nói gì về vaccine?

Tay vợt số một thế giới Djokovic không tiết lộ mình đã tiêm vaccine Covid-19 hay chưa, nhưng từng bày tỏ quan điểm phản đối tiêm chủng.

Novak Djokovic, ngôi sao thể thao 34 tuổi người Serbia, từng tuyên bố anh "phản đối tiêm vaccine" hồi tháng 4/2020, trước khi thế giới phát triển thành công vaccine Covid-19.

Anh sau đó làm rõ quan điểm rằng mình "không phải là một chuyên gia" và sẽ "giữ tư duy mở" về vaccine, nhưng muốn "được lựa chọn thứ gì là tốt nhất cho cơ thể".

Djokovic phản ứng sau khi thua một điểm trước tay vợt Dominic Thiem người Australia tại giải quần vợt Australia Mở rộng ở Melbourne ngày 2/2/2020. Ảnh: AFP

Djokovic phản ứng sau khi thua một điểm trước tay vợt Dominic Thiem người Australia tại giải quần vợt Australia Mở rộng ở Melbourne ngày 2/2/2020. Ảnh: AFP

Trong buổi phát sóng trực tiếp trên Facebook, Djokovic giải thích anh "không muốn bị người khác ép phải tiêm vaccine" để được di chuyển hay tham gia các giải thi đấu. Anh cũng "tò mò về tình trạng sức khỏe cũng như cách con người sử dụng sức mạnh của trao đổi chất để có trạng thái tốt nhất chống lại mầm bệnh như Covid-19".

Tại Serbia, quê hương của Djokovic, nơi chưa đầy 50% dân số tiêm chủng đầy đủ vaccine Covid-19, bình luận của anh bị nhà dịch tễ học chính phủ Predrag Kon chỉ trích, cáo buộc tay vợt này "tạo ra nhận thức sai lầm".

Djokovic cũng từng đưa ra nhiều "tuyên bố khoa học" đáng ngờ. Trong cuốn sách "Serve to Win", Djokovic kể rằng năm 2010, một chuyên gia dinh dưỡng đã yêu cầu anh cầm mẩu bánh mỳ bằng tay trái, rồi ấn chặt vào tay phải của anh. Tay vợt khẳng định anh "yếu đi trông thấy" khi cầm mẩu bánh mỳ và đây là bằng chứng cho thấy anh "không dung nạp gluten".

Trong một buổi phát sóng trực tiếp trên Instagram, Djokovic từng tuyên bố suy nghĩ tích cực có thể "thanh lọc" nước ô nhiễm bởi "các nhà khoa học đã chứng minh phân tử trong nước phản ứng với cảm xúc của con người".

Theo tiến sĩ David Nunan, một nhà khoa học cấp cao tại Đại học Oxford, "những tuyên bố như vậy khó là thực tế đúng đắn, ít nhất là theo các lý thuyết và thực tiễn khoa học hiện nay".

Hồi đầu đại dịch, vợ của Djokovic đã đăng lại một thuyết âm mưu về sóng 5G tạo ra Covid-19 trên Instagram và bài đăng bị mạng xã hội dán nhãn tin thất thiệt.

Djokovic hôm 5/1 bay tới Australia để bảo vệ chức vô địch giải đơn nam Australia mở rộng, mang theo một giấy miễn trừ tiêm chủng được chính quyền bang Victory, nơi tổ chức giải đấu, chấp thuận. Tuy nhiên, chính phủ liên bang Australia cho rằng Djokovic đã không cung cấp đủ bằng chứng về miễn trừ y tế, nên đã hủy visa và yêu cầu anh rời khỏi Australia ngay sau khi máy bay hạ cánh.

Giấy miễn trừ của Djokovic đã khiến dư luận Australia sôi sục, khi nhiều người cho rằng đây là "cái tát vào mặt 20 triệu người đã tiêm chủng" ở nước này để góp phần chống lại đại dịch.

Reuters nhận định Djokovic có thể là nạn nhân của một cuộc chiến chính trị ở Australia, giữa chính phủ liên bang cánh hữu của Thủ tướng Scott Morrison và chính quyền thiên tả bang Victoria do Thủ hiến Dan Andrews đứng đầu.

Theo hệ thống liên bang của Australia, các bang và vùng lãnh thổ có thể phê duyệt đơn miễn trừ y tế của người nước ngoài. Tuy nhiên, chính phủ liên bang là bên kiểm soát cửa khẩu, sân bay và có thể phủ quyết bất kỳ quyền miễn trừ nào được các bang cấp. Bang Victoria phê duyệt đơn miễn trừ y tế cho Djokovic, nhưng chính phủ liên bang hủy visa của anh sau chưa đầy một ngày.

Djokovic quyết tâm theo đuổi vụ kiện quyết định của chính quyền Australia. Anh đang ở khách sạn dành cho người nhập cảnh trái phép, chờ phiên điều trần dự kiến diễn ra vào 10/1. Nếu không thành công trong vụ kiện, Djokovic có thể bị cấm nhập cảnh vào Australia ba năm.

Hồng Hạnh (Theo BBC)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét