Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Khủng hoảng Kazakhstan đe dọa lợi ích Trung Quốc

Hàng loạt lợi ích kinh tế của Trung Quốc ở Kazakhstan có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu cuộc khủng hoảng tại nước này không sớm được kiểm soát.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình 7/1 gửi thông điệp ủng hộ Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev trong bối cảnh hỗn loạn đang lan rộng tại nước này vì các cuộc biểu tình. Ông khẳng định Trung Quốc sẵn sàng ủng hộ nỗ lực của Kazakhstan nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng.

Biểu tình bùng phát sau khi chính phủ Kazakhstan quyết định ngừng trợ giá khí đốt hóa lỏng (LPG), khiến giá loại nhiên liệu này ở nhiều nơi tăng gấp đôi. Hàng nghìn người đã đổ xuống đường, đốt phá, gây bạo loạn, đẩy đất nước vào cuộc khủng hoảng lớn nhất trong nhiều thập kỷ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ở Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: China Daily.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev ở Bắc Kinh hồi năm 2019. Ảnh: China Daily.

"Trung Quốc kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực nào làm suy yếu ổn định và đe dọa an ninh Kazakhstan, phá hoại cuộc sống bình yên của người dân Kazakhstan. Chúng tôi cũng phản đối các thế lực bên ngoài cố tình tạo bất ổn và kích động 'cách mạng màu' ở Kazakhstan", hãng thông tấn Xinhua dẫn lời ông Tập.

Chủ tịch Trung Quốc cũng khẳng định ông phản đối mọi nỗ lực làm tổn hại đến mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

"Trung Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ cần thiết để giúp Kazakhstan vượt qua khó khăn. Bất chấp rủi ro và thách thức, Trung Quốc vẫn là người bạn kiêm đối tác tin cậy của Kazakhstan", ông cho hay.

Kazakhstan, quốc gia giàu dầu mỏ từ lâu được coi là nền tảng ổn định ở Trung Á, có chung đường biên giới dài 1.700 km với Trung Quốc và quan hệ kinh tế giữa hai nước đang ngày càng phát triển.

Trung Quốc những năm gần đây liên tục cảnh báo về nguy cơ bạo lực và chủ nghĩa khủng bố tràn sang từ các quốc gia láng giềng, đặc biệt là tại khu vực Tân Cương. Dù tình hình Tân Cương đã ổn định phần nào, Pan Guang, chuyên gia cấp cao tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, lưu ý nguy cơ này vẫn có thể xảy ra nếu tình hình ở Kazakhstan xấu đi.

Tới nay, giới chức Trung Quốc vẫn phản ứng thận trọng trước bất ổn ở Kazakhstan. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 7/1 tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ giới chức Kazakhstan khôi phục trật tự, đồng thời phản đối can thiệp từ nước ngoài.

Ông cho biết thêm Bắc Kinh sẽ thúc đẩy để Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, khối an ninh gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Pakistan và 4 quốc gia Trung Á khác, tham gia giải quyết khủng hoảng ở Kazakhstan.

Kazakhstan là quốc gia chủ chốt trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhằm xây dựng mạng lưới giao thông và thương mại kết nối giữa châu Á, châu Âu và châu Phi . Nước này đã đầu tư hơn 17 tỷ USD vào các dự án ở Kazakhstan, theo cơ quan Theo dõi Đầu tư Toàn cầu Trung Quốc thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ. Vì thế, bất kỳ bất ổn nào ở Kazakhstan cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng nặng nề về kinh tế tới Trung Quốc.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại song phương giữa Trung Quốc và Kazakhstan đạt 20,8 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước đó. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Kazakhstan và lần đầu tiên trở thành điểm đến xuất khẩu lớn nhất của nước này vào năm ngoái.

Năm 2013, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã chi 5 tỷ USD mua 8,33% cổ phần tại mỏ dầu khổng lồ Kashagan của Kazakhstan. Một số dự án cơ sở hạ tầng khác mà Trung Quốc đầu tư gồm có các nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời, trung tâm hậu cần và trang trại điện gió.

Đường ống khí đốt Trung Quốc - Trung Á, bắt đầu từ Turkmenistan và Uzbekistan, chạy qua miền nam Kazakhstan và kết thúc tại Khorgas thuộc khu tự trị Tân Cương phía tây bắc Trung Quốc, đi vào hoạt động từ năm 2009.

Theo dữ liệu từ cơ quan hải quan, Trung Quốc từ tháng một đến tháng 11 năm ngoái nhập khẩu 4,02 triệu tấn khí đốt tự nhiên từ Kazakhstan.

Tòa nhà chính phủ bị đốt phá tại thành phố Almaty của Kazakhstan hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Tòa nhà chính quyền bị đốt phá tại thành phố Almaty của Kazakhstan hôm 5/1. Ảnh: Reuters.

Nhờ các khoản đầu tư từ Sáng kiến Vành đai và Con đường, cảng cạn Khorgos, nằm gần biên giới Kazakhstan - Trung Quốc, đã chuyển mình thành một trung tâm hậu cần công nghệ tiên tiến và một khu sản xuất công nghiệp, thu hút lượng lớn vốn của Trung Quốc.

Yang Jin, chuyên gia tại Viện nghiên cứu Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, nhận định tình hình bất ổn tại Kazakhstan chắc chắn là mối đe dọa đối với các khoản đầu tư của Bắc Kinh, ít nhất là trong ngắn hạn.

"Nếu bất ổn tiếp tục lan rộng, mức độ tác động và rủi ro cũng sẽ tăng lên. Chúng ta phải cảnh giác với những dự án của mình ở Kazakhstan, như các đường ống dẫn dầu và khí đốt cùng những dự án lớn khác có thể bị phá hủy", ông cho hay.

Theo Feng Shaolei, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nga tại Đại học Sư phạm Hoa Đông, Trung Quốc cần theo dõi chặt chẽ tình hình, nhưng nhờ nỗ lực can thiệp của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO), bất ổn dường như đã được kiềm chế.

Kazakhstan là thành viên CSTO, cùng với Nga, Belarus, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan. Đây là liên minh quân sự do Moskva dẫn đầu, tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong đó cả khối có trách nhiệm bảo vệ an ninh cho bất cứ thành viên nào bị nước ngoài tấn công.

Lưu ý rằng bất ổn tại Kazakhstan bùng phát từ tình trạng giá nhiên liệu tăng cao, Feng nhấn mạnh Trung Quốc nên "coi đây là một động lực cũng như lời cảnh báo" để cải thiện an ninh năng lượng của mình.

Vũ Hoàng (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét