Thứ Ba, 11 tháng 1, 2022

Livestreamer Trung Quốc tham chiến mặt trận ngoại giao

Tại triển lãm hồi tháng 11/2021, đại sứ Sri Lanka được một livestreamer Trung Quốc hỗ trợ bán trà, rượu và các nông sản xuất khẩu khác từ nước ông.

Đây là lần đầu tiên Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona tham gia một buổi phát trực tiếp (livestream), trong nỗ lực quảng bá và bán các sản phẩm xuất khẩu của nước ông cho hơn 300.000 người xem. Không khí gượng gạo và rào cản ngôn ngữ khiến phần mở đầu của buổi livestream không mấy suôn sẻ.

Tuy nhiên, đông đảo khán giả đã nhiệt tình bình luận chào đón Kohona, đặc biệt sau khi Liu Meixi, livestreamer người Trung Quốc phụ trách hỗ trợ Đại sứ Sri Lanka, khuyến khích ông vẫy tay trước camera và dạy ông cách nói câu "Xin chào những người bạn Trung Quốc của tôi" bằng tiếng Trung.

Với buổi phát này, Kohona trở thành đại sứ tiếp theo tại Trung Quốc sử dụng công cụ livestream để giới thiệu các mặt hàng của đất nước mình cho người tiêu dùng Trung Quốc, đồng thời góp phần quảng bá nền kinh tế lớn thứ hai thế giới như một thị trường đầy tiềm năng có thể làm giàu cho người dân ở quê hương họ.

Khi mới tham gia nền tảng livestream, các nhà ngoại giao nhận được những người dẫn nổi tiếng và người có tầm ảnh hưởng tại Trung Quốc tích cực giúp đỡ. Họ đã thu hút đông đảo người theo dõi trên một thị trường được công ty phân tích Internet iiMedia định giá 961 tỷ nhân dân tệ (149 tỷ USD) vào năm 2020.

Theo bình luận viên Jack Lau của SCMP, giới chức và các doanh nghiệp Trung Quốc đã gián tiếp hỗ trợ những người có tầm ảnh hưởng này và biến livestream thành một kênh ngoại giao độc đáo, giúp kết nối công chúng Trung Quốc với quốc gia đối tác.

Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona (phải) và livestreamer Liu Meixi tại đại sứ quán Sri Lanka ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.

Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Palitha Kohona (phải) và livestreamer Liu Meixi tại đại sứ quán Sri Lanka ở Bắc Kinh. Ảnh: SCMP.

Đối với đại sứ Kohona, lợi ích thương mại Sri Lanka nhận được từ buổi livestream vô cùng rõ rệt. Trước hàng trăm khán giả, Kohona giới thiệu các loại trà ông dùng vào buổi sáng và buổi tối, nói rằng làn da khỏe mạnh của mình là nhờ những sản phẩm từ dầu dừa của Sri Lanka, như một người bán hàng chuyên nghiệp. Trong vòng vài phút, toàn bộ nông sản ông quảng bá được bán hết với những cuộc điện thoại đặt hàng tới tấp.

"Ngày nay, công việc của các nhà ngoại giao là bán sản phẩm. Kinh doanh cũng là việc của nhà ngoại giao. Do các đại sứ và nhà ngoại giao đại diện cho đất nước, chúng tôi cần quảng bá sản phẩm của mình ở quốc gia sở tại. Chúng tôi cần khuyến khích đầu tư theo nhiều cách", Kohona cho biết.

Liu, livestreamer hỗ trợ Kohona, vốn đã kết bạn với một số đại sứ tại Trung Quốc thông qua chương trình truyền hình mà cô phỏng vấn họ về nền văn hóa và kinh tế quê hương. Những buổi livestream và chương trình trò chuyện giữa Liu với các đại sứ do chính cô tài trợ và sản xuất. Tuy nhiên, Liu tiết lộ giới chức đã bảo đảm công việc của cô, tạo điều kiện mở rộng phạm vi tiếp cận.

Chương trình của Liu có tên Khách mời Đại sứ quán, được phát trên Propeller TV, kênh đầu tiên tại Anh thuộc sở hữu của người Trung Quốc, đồng thời nhận được sự hỗ trợ từ công ty Truyền thông Văn hóa Trung Quốc do Bộ Tài chính Trung Quốc gián tiếp sở hữu.

Trong số những người Liu từng phỏng vấn có các đại sứ Venezuela, El Salvador, Rwanda và Maldives tại Trung Quốc. Liu cho biết các nhà phân tích kinh tế kỹ thuật số tại Bộ Thương mại Trung Quốc đã tư vấn cho cô về cách đặt câu hỏi và những điểm cần thảo luận. Liu sẽ dạy các đại sứ nói tiếng Trung, khuyến khích họ nói tốt về Trung Quốc, giới thiệu cho họ về các lễ hội và ẩm thực nước này, những điều mà cô cho rằng giúp lan tỏa "năng lượng tích cực".

"Nhiều đại sứ là bạn tôi, nên cảm giác như đang thực hiện một chương trình với bạn bè vậy. Với tư cách một người làm truyền thông, mục tiêu lớn nhất của tôi là bám sát chiến lược quảng bá đất nước, kể câu chuyện của Trung Quốc và lan tỏa tiếng nói của Trung Quốc", Liu cho hay.

Nhiều khách mời được Liu phỏng vấn sau đó xuất hiện trên kênh livestream của cô để quảng bá sản phẩm từ đất nước họ. Hiệu quả thúc đẩy quan hệ ngoại giao thông qua hoạt động bán lẻ trên livestream tại Trung Quốc được thể hiện gần đây nhất trong trường hợp của Afghanistan.

Trung Quốc đang tỏ ra dè dặt trong công nhận chính quyền Taliban tại Afghanistan, nhưng vẫn tìm cách phát triển quan hệ hợp tác gần gũi hơn với họ. Dường như nhằm giải quyết tình thế này, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát một buổi livestream của Lý Giai Kỳ, "ông hoàng" bán hàng qua livestream tại Trung Quốc, cùng phóng viên Vương Băng Băng của CCTV và một phóng viên nói tiếng Pashtun của Afghanistan.

Trong vòng hai giờ, họ đã bán hết 26 tấn hạt thông, một trong những loại nông sản giúp người Afghanistan thu lợi nhuận. 22 sản phẩm khác từ các nước châu Á và châu Phi cũng được rao bán trong buổi livestream này, nhưng CCTV cho hay hạt thông được ưa chuộng nhất.

Với 42 triệu người xem và mức doanh thu 60 triệu nhân dân tệ (9,4 triệu USD), buổi livestream thậm chí có khả năng giúp xoa dịu phần nào cuộc khủng hoảng tại nước láng giềng phía tây của Trung Quốc. Afghanistan phụ thuộc chặt chẽ vào nguồn viện trợ nước ngoài, nhưng không còn có thể tiếp cận chúng kể từ khi Taliban lên nắm quyền hồi tháng 8/2021.

Trung Quốc vẫn gặp khó khăn thúc đẩy quyền lực mềm bên ngoài lãnh thổ thông qua lĩnh vực nghệ thuật. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mục tiêu "kể câu chuyện hay về Trung Quốc" là một phần trong nhiệm vụ tăng cường tiếng nói toàn cầu của nước này, đồng thời tạo ra "môi trường dư luận hữu ích cho quá trình cải cách và phát triển".

James Kimonyo, đại sứ Rwanda tại Trung Quốc từng nhiều lần livestream để bán cà phê, mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của quốc gia Đông Phi, phản đối quan điểm rằng công cụ này chỉ phục vụ lợi ích của Trung Quốc.

Đại sứ Rwanda tại Trung Quốc James Kimonyo (giữa) trong một buổi livestream quảng bá cà phê với livestreamer Xueli (trái). Ảnh: SCMP.

Đại sứ Rwanda tại Trung Quốc James Kimonyo (giữa) trong một buổi livestream quảng bá cà phê với livestreamer Xueli (trái). Ảnh: SCMP.

"Bất cứ ai coi đây là cách Trung Quốc mở rộng quyền lực mềm, thậm chí nói rằng họ muốn đẩy châu Phi vào bẫy nợ hay thuộc địa hóa châu Phi, đều sai lầm. Điều này dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Chúng tôi coi đây là hợp tác đôi bên cùng có lợi", Kimonyo cho biết, nói thêm rằng mọi dự án Trung Quốc đầu tư đều phù hợp với các ưu tiên quốc gia của Rwanda.

Kimonyo lần đầu livestream vào tháng 1/2020 và bán được 2.000 gói cà phê hạt trong khoảng 10 phút. Ông cho biết các buổi livestream đã thúc đẩy những nông dân trồng chè và cà phê tăng sản lượng. Giá cả cũng tăng lên bởi nhu cầu cao hơn, từ đó tạo ra lợi nhuận lớn hơn.

Chen Zhen, giảng viên cấp cao tại Đại học Nghệ thuật London, cho rằng những buổi livestream của các đại sứ được công chúng Trung Quốc đón nhận nhờ quảng bá của truyền thông nhà nước. "Chúng phù hợp với định hướng toàn cầu hóa, thị trường hóa và thể hiện sức mua mạnh mẽ của Trung Quốc", Chen giải thích.

Theo Đại sứ Kohona, quốc gia đối tác của Trung Quốc cũng được hưởng lợi nhờ những buổi livestream như vậy. Ông cho rằng quan hệ sâu sắc hơn giữa Trung Quốc và Sri Lanka có thể phát triển trong công chúng hai nước thông qua nền tảng livestream, từ đó giúp mở rộng quyền lực mềm và trao đổi văn hóa Sri Lanka tại Trung Quốc.

"Rốt cục thì quan hệ không chỉ được xây dựng dựa trên các khoản đầu tư và thương mại. Những điều đó quan trọng, nhưng chúng tôi cũng cần tạo ra hình ảnh Sri Lanka tốt đẹp hơn, như một đất nước thân thiện và nồng nhiệt", Đại sứ cho hay.

Ánh Ngọc (Theo SCMP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét