Quan chức Mỹ nói Nga đang "đánh trống trận" và cảnh báo Moskva có thể phát động chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine.
"Tiếng trống trận đã vang lên và những lời đe dọa ngày càng lớn", đại sứ Mỹ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) Michael Carpenter nói sau phiên họp ngày 13/1 của nhóm.
"Chúng ta phải xem xét điều này một cách rất nghiêm túc", Carpenter đề cập đến đợt tập trung lực lượng và khí tài của quân đội Nga gần biên giới với Ukraine. "Chúng ta phải chuẩn bị cho tình huống xảy ra leo thang".
Carpenter đưa ra cảnh báo sau khi các đại diện Mỹ, NATO và Nga tổ chức đàm phán về vấn đề Ukraine song không đạt được đột phá. Trong lúc triển vọng ngoại giao và hạ nhiệt căng thẳng bị nghi ngờ, các quan chức Nga tuyên bố họ có thể chuyển sang nhiều lựa chọn quân sự.
Các quan chức Mỹ và Nga đều tỏ ra bi quan sau cuộc họp của OSCE ngày 13/1 tại Vienna, Áo. Đây là phiên họp thứ ba trong tuần mà Mỹ, các đồng minh NATO và Nga tham dự. Phương Tây muốn Nga theo đuổi các biện pháp ngoại giao và giảm căng thẳng, thay vì huy động hàng chục nghìn quân nhân tới gần biên giới Ukraine.
Tuy nhiên, phía Nga tỏ ra thất vọng và cho thấy sẵn sàng từ bỏ các cuộc thảo luận nếu Mỹ cùng NATO không đáp ứng được các đề xuất an ninh của họ. Trong số các đề xuất này có đảm bảo rằng Ukraine không bao giờ được phép gia nhập NATO và liên minh dừng mở rộng hướng đông. Mỹ và NATO cho rằng những đề xuất của Nga là không có cơ sở.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết các cuộc đàm phán "rơi vào ngõ cụt hoặc khác biệt trong cách tiếp cận", do Mỹ và NATO sẽ không giải quyết yêu cầu của Nga về ngăn Ukraine gia nhập liên minh. Ryabkov nói không thấy lý do gì để hai bên tiếp tục đàm phán, dù Mỹ cho biết họ có thể tiếp tục trong tuần sau.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000-100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực. Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ.
Moskva tháng trước đưa ra loạt đề xuất an ninh với phương Tây nhằm tìm cách giảm hiện diện quân sự của NATO xuống mức những năm 1990. Nga cũng yêu cầu NATO đảm bảo không mở rộng liên minh về phía đông hoặc triển khai vũ khí, lực lượng ở các quốc gia thuộc Liên Xô cũ.
Nguyễn Tiến (Theo CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét