Nỗ lực tăng ảnh hưởng bằng vaccine của Trung, Nga bị ảnh hưởng, khi sản phẩm của họ kém hiệu quả trước Omicron hoặc chưa được WHO phê duyệt.
Hai loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất của Trung Quốc, gồm Sinopharm và Sinovac, đều sử dụng virus bất hoạt để tạo ra phản ứng miễn dịch, công nghệ cũ hơn nhiều loại vaccine mRNA được ưa chuộng ở Mỹ và châu Âu.
Kể từ khi đại dịch bùng phát Trung Quốc đã sử dụng hai loại sản phẩm này để thúc đẩy chiến lược "ngoại giao vaccine" nhằm giành ảnh hưởng ở nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là các nước nghèo khó tiếp cận vaccine. Nỗ lực đó thành công phần nào, cho đến khi biến chủng Omicron xuất hiện.
Theo một nghiên cứu hẹp của Đại học Giao thông Thượng Hải và một phòng thí nghiệm cùng thành phố, người tiêm ba mũi vaccine bất hoạt có khả năng chống lại Omicron "thấp đáng kể", nhưng không nói rõ liệu mức này có đủ để bảo vệ cơ thể trước biến chủng mới hay không.
Điều này làm dấy lên câu hỏi về cách Trung Quốc tiêm tăng cường cho 1,4 tỷ dân, trong đó hơn 80% đã được tiêm chủng và chủ yếu sử dụng Sinopharm và Sinovac.
Tuy nhiên, những lo ngại về hiệu quả của hai loại vaccine dường như không chỉ giới hạn ở Trung Quốc, khi chúng đã được phân phối rộng rãi trên thế giới, theo Adam Taylor, biên tập viên của Washington Post.
Tại Singapore, chính phủ tuần trước cho biết ba liều Sinopharm hoặc Sinovac không đủ để cung cấp mức độ bảo vệ và người dân sử dụng hai loại vaccine này sẽ phải tiêm liều thứ tư 9 tháng sau mũi ba.
"Nếu không, tình trạng tiêm chủng đầy đủ của bạn sẽ mất hiệu lực. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các địa điểm như trung tâm mua sắm, nhà hàng, thư viện", Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung nói.
Phạm vi ảnh hưởng có thể rộng hơn thế. Kể từ tháng 8 năm ngoái, cả hai công ty Sinovac và Sinopharm đều cung cấp một lượng đáng kể vaccine cho Covax, chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn. Một số nguồn tin cho hay các quốc gia nhận vaccine thông qua sáng kiến này hiện ít quan tâm tới vaccine Trung Quốc cho mũi tăng cường.
Dữ liệu do UNICEF tổng hợp vào cuối tháng 12/2021 cho thấy các lô hàng của Sinopharm và Sinovac được gửi đi thông qua các thỏa thuận song phương, đa phương hay quyên tặng cho Covax đã giảm trong những tháng cuối năm 2021, từ mức cao nhất hơn 100 triệu liều mỗi loại hồi mùa hè xuống còn khoảng một nửa vào tháng 11-12.
Trong khi đó, vaccine Sputnik V là hy vọng chính của Nga trong "cuộc chiến vaccine" với phương Tây. Moskva đã chạy đua với thời gian để sớm ra mắt loại vaccine sử dụng công nghệ vector virus vào năm 2020. Những người ủng hộ nhấn mạnh đây là "loại vaccine Covid-19 được đăng ký đầu tiên".
Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Gamaleya cùng Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) hiện phủ nhận bất kỳ ý kiến nào cho rằng Sputnik V có khả năng bảo vệ yếu hơn trước Omicron. Tài khoản Twitter dành riêng cho Sputnik V đã đăng nhiều thông tin nhằm nhấn mạnh làn sóng ca nhiễm đang gia tăng ở những nước không sử dụng vaccine của Nga.
Tuy nhiên, Sputnik V đang phải đối mặt với vấn đề cấp bách nhất là chưa được quốc tế công nhận. Không giống như Sinopharm và Sinovac, vaccine của Nga chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hay các cơ quan y tế lớn của phương Tây phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp.
Những người hậu thuẫn Sputnik V cho rằng loại vaccine này sẽ sớm được chấp thuận. "Chúng tôi tin rằng có thể cung cấp cho Covax khoảng 200 triệu liều mỗi năm, thậm chí 200-300 triệu liều", Kirill Dmitriev, CEO của RDIF nói hồi tháng 10/2021. "Chúng tôi chỉ cần WHO phê duyệt để làm việc với Covax".
Trong nhiều tháng, các quan chức WHO đã từ chối phê duyệt Sputnik V, với lý do ban đầu là thiếu dữ liệu cần thiết từ các nhà phát triển vaccine. "Dữ liệu dự kiến được gửi vào cuối tháng 12/2021 và tôi hy vọng quá trình này được nhanh chóng hoàn tất sau đó", Hans Kluge, giám đốc WHO châu Âu, nói trong cuộc phỏng vấn cuối tháng 12.
Thái độ chần chừ của WHO gây tác động đáng kể với vaccine Nga. Nhiều nước, trong đó có Mỹ, chỉ chấp nhận khách nhập cảnh được tiêm chủng đầy đủ loại vaccine được WHO công nhận. Không chỉ người Nga bị ảnh hưởng bởi quy định này, hàng triệu người sử dụng vaccine Sputnik V ở Mỹ Latinh chịu chung cảnh ngộ.
Không nằm trong danh sách sử dụng khẩn cấp của WHO chỉ là một trong số những vấn đề của Sputnik V. Số người tiêm vaccine này ở Nga tương đối thấp và một số nơi cũng phàn nàn về tốc độ giao hàng chậm. Theo dữ liệu của UNICEF, chưa tới 80 triệu liều Sputnik V và phiên bản một mũi tiêm Sputnik Light được chuyển ra nước ngoài trong năm 2021.
Con số này thấp hơn nhiều so với 528 triệu liều Sinopharm và 729 triệu liều Sinovac, theo dữ liệu của UNICEF, và kém xa con số 1,5 tỷ liều Pfizer được sử dụng bên ngoài nước Mỹ.
"Ở một mức độ nào đó, điều này có vẻ là thất bại lớn đối với Trung Quốc và Nga, hai quốc gia đã sử dụng vaccine nội địa như một phần trong chiến lược ngoại giao", bình luận viên Taylor viết.
Cả Trung Quốc và Nga từng nhiều lần đặt câu hỏi về mức độ an toàn của vaccine phương Tây, gồm cả các loại vaccine sử dụng công nghệ mRNA như Pfizer và Moderna. Các công ty Trung Quốc đang tự nghiên cứu vaccine mRNA và một công ty Nga cũng từng cố gắng phát triển loại tương tự vào năm 2020, nhưng có rất ít thông tin về chúng.
Mỹ và châu Âu cũng gắn các khoản quyên góp vaccine của họ với các mục tiêu chính sách đối ngoại, theo Taylor. Quan chức y tế Mỹ dưới thời tổng thống Donald Trump đã vận động Brazil từ chối vaccine Sputnik vào năm 2020 với lý do rằng Nga có mục đích xấu, theo một tài liệu được Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh công bố sau đó.
Một số người từng hy vọng vaccine của Nga và Trung Quốc có thể lấp đầy khoảng trống vaccine trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng ngay cả trước khi Omicron xuất hiện, giả thuyết này cũng vấp phải vấn đề. Các quốc gia có chương trình tiêm chủng thành công nhờ Sinopharm và Sinovac đã chứng kiến ca nhiễm gia tăng trong mùa hè năm ngoái, làm giảm niềm tin của dư luận với chúng. Việc WHO chưa phê duyệt Sputnik V cũng khiến Nga khó có thể đạt tham vọng cung cấp vaccine cho thế giới.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng nếu quốc tế tăng nhu cầu sử dụng vaccine của Nga và Trung Quốc cùng một số loại vaccine ko phải mRNA khác, áp lực cung ứng với vaccine mRNA sẽ giảm. Báo cáo tuần trước của một nhóm nhà hoạt động ước tính thế giới có thể cần 22 tỷ liều vaccine mRNA để làm đại dịch chậm lây lan vào năm 2022, cao hơn 15 tỷ so với con số ước tính trước đó.
"Kịch bản như vậy có thể được xem là chiến thắng cho ngoại giao vaccine của Mỹ và châu Âu. Nhưng nếu bất kỳ sự thiếu hụt nào không thể được bù đắp bằng các loại vaccine khác, đó sẽ là tổn hại lớn cho thế giới", Taylor cho hay.
Thanh Tâm (Theo Washington Post)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét