Thứ Tư, 5 tháng 1, 2022

Tiêm kích F-35A Hàn hỏng nặng trước khi hạ cánh bằng bụng

Toàn bộ hệ thống trên tiêm kích F-35A, trừ thiết bị điều khiển và động cơ, ngừng hoạt động và buộc phi công hạ cánh bằng bụng ở Seosan.

Phó tổng tham mưu trưởng không quân Hàn Quốc Shin Ok-chul hôm qua tiết lộ thêm thông tin về vụ tiêm kích F-35A mài bụng xuống đường băng hôm 4/1, cho biết phi cơ bắt đầu gặp sự cố khi bay ở độ cao nhỏ.

"Phi công nghe thấy hàng loạt tiếng động lớn và phải kiểm tra các thiết bị trên máy bay. Toàn bộ hệ thống ngừng hoạt động, trừ thiết bị điều khiển và động cơ. Phi công quyết định ở lại máy bay và tìm cách tiếp đất bằng bụng tại căn cứ Seosan", tướng Shin nói trong phiên điều trần với các nghị sĩ quốc hội Hàn Quốc.

Tiêm kích F-35A Hàn Quốc bay thử tại Mỹ năm 2018. Ảnh: Lockheed Martin.

Tiêm kích F-35A Hàn Quốc bay thử tại Mỹ năm 2018. Ảnh: Lockheed Martin.

Lực lượng cứu hỏa tại sân bay đã phun bọt chữa cháy để hạn chế nguy cơ tiêm kích bốc cháy khi mài bụng xuống đường băng. Phi công tiếp đất an toàn và không bị thương. Đây là lần đầu tiên một tiêm kích F-35 thực hiện hạ cánh bằng bụng.

Quân đội Hàn Quốc xác nhận thông tin về sự cố, nhưng chưa công bố hình ảnh cũng như mức độ thiệt hại của chiếc F-35A. Mọi hoạt động của dòng F-35A trong biên chế không quân Hàn Quốc đã bị đình chỉ để điều tra.

Giới chuyên gia nhận định Seoul có thể tốn nhiều thời gian và tiền bạc để sửa chữa hư hỏng, do phi cơ sử dụng sơn phủ đặc biệt, cùng với đó là nhiều bộ phận composite và cấu trúc khung thân phức tạp của tiêm kích để bảo đảm khả năng tàng hình.

Đây cũng là sự cố đầu tiên với tiêm kích tàng hình Hàn Quốc được tiết lộ, nhưng các chiến đấu cơ F-35 trong biên chế không quân Mỹ từng nhiều lần gặp sự cố với càng đáp. Một chiếc F-35A thuộc Không đoàn tiêm kích số 388 của Mỹ từng sập càng ở căn cứ Hill hồi tháng 6/2020, khiến phần mũi với nhiều cảm biến bị đập mạnh xuống đường lăn.

Hàn Quốc ký hợp đồng mua 40 tiêm kích F-35A của Mỹ năm 2014 trị giá khoảng 6,6 tỷ USD. Seoul cũng lên kế hoạch mua thêm 20 chiếc F-35 với giá 3,3 tỷ USD năm 2019, trong đó có phiên bản F-35B với khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng để triển khai cho tàu sân bay hạng nhẹ dự kiến vận hành từ năm 2033.

Tiêm kích F-35 được coi là thành phần quan trọng trong chiến lược tấn công phủ đầu của Hàn Quốc nhằm răn đe Triều Tiên.

F-35A là phiên bản tiêm kích tàng hình được phát triển cho không quân Mỹ và các nước đồng minh. Đây là biến thể nhỏ và nhẹ nhất trong dòng F-35, có khả năng cơ động cao hơn nhiều so với mẫu F-35B thủy quân lục chiến và F-35C hải quân, cũng là mẫu F-35 duy nhất mang pháo GAU-22/A cỡ nòng 25 mm trong thân.

Vũ Anh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét