Thứ Ba, 14 tháng 6, 2022

Gần 50 nước chỉ trích Trung Quốc tại LHQ

Gần 50 nước quan ngại cáo buộc Trung Quốc ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, trong khi Bắc Kinh bác bỏ, gọi động thái này là "đạo đức giả".

"Chúng tôi tiếp tục quan ngại sâu sắc tình hình nhân quyền ở khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương", đại sứ Hà Lan tại Liên Hợp Quốc Paul Bekkers phát biểu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ ở Geneva, Thụy Sĩ hôm 14/6.

Thay mặt 47 quốc gia ra tuyên bố chung về tình hình người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, ông Bekkers chỉ ra một số "báo cáo đáng tin cậy", vốn bị Trung Quốc kiên quyết bác bỏ, rằng hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam tùy tiện trong khu vực.

"Có những báo cáo về việc giám sát rộng rãi đang diễn ra, phân biệt đối xử nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ và những dân tộc thiểu số khác", ông nói thêm.

Tuyên bố chung cũng bày tỏ lo ngại trước "các báo cáo về tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt, hạ nhục con người, cưỡng bức triệt sản, bạo lực tình dục và giới tính, lao động cưỡng bức và tách trẻ em khỏi cha mẹ".

"Tôi tiếp tục kêu gọi Trung Quốc khẩn cấp giải quyết những lo ngại này và chấm dứt việc giam tùy tiện người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ cũng như các dân tộc thiểu số khác", đại sứ Hà Lan nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh cung cấp cho các nhà điều tra và chuyên gia LHQ "quyền tiếp cận có ý nghĩa và không bị ràng buộc" để quan sát tình hình thực địa một cách độc lập.

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trước nhà thờ Hồi giáo Id Kah tại thành phố Kashgar, Tân Cương năm 2017. Ảnh: Reuters.

Cảnh sát Trung Quốc tuần tra trước nhà thờ Hồi giáo Id Kah tại thành phố Kashgar, Tân Cương năm 2017. Ảnh: Reuters.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet được cấp quyền thăm Tân Cương tháng trước, đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền LHQ tới Trung Quốc sau 17 năm. Tuy nhiên, bà phải đối mặt với những chỉ trích gay gắt vì không lên tiếng cứng rắn hơn trước những hành vi bị cáo buộc của Trung Quốc trước và trong chuyến đi.

Trong tuyên bố chung, các nước yêu cầu "quan sát chi tiết hơn, bao gồm cả những hạn chế mà chính quyền Trung Quốc áp đặt đối với chuyến thăm" của bà Bachelet.

Đại sứ Trung Quốc Chen Xu phản ứng giận dữ với tuyên bố chung, chỉ trích Hà Lan và các nước tham gia ký kết tung tin "dối trá và đồn thổi để công kích Trung Quốc".

"Chúng tôi dứt khoát bác bỏ những cáo buộc này", ông Chen nói, đồng thời chỉ trích các quốc gia ký tuyên bố là "đạo đức giả" và "nỗ lực thao túng chính trị".

Đại sứ Trung Quốc ca ngợi chuyến thăm của bà Bachelet, nhấn mạnh rằng nó đã "nâng cao hiểu biết của bà về con đường phát triển nhân quyền của Trung Quốc".

Người đứng đầu Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng đang đối mặt áp lực ngày càng tăng trong việc công bố báo cáo bị trì hoãn từ lâu về tình hình nhân quyền ở Tân Cương, mà các nhà ngoại giao cho rằng đã sẵn sàng trong nhiều tháng. Bachelet, người thông báo sẽ không theo đuổi nhiệm kỳ thứ hai, hôm 13/6 cam kết báo cáo sẽ được công bố trước khi bà mãn nhiệm ngày 31/8.

Trong tuyên bố chung, các nước hối thúc bà Bachelet "công bố nhanh chóng" và cung cấp "thông tin thêm về tiến trình". Trong khi đó, ông Chen chỉ trích "cái gọi là báo cáo cường điệu về Tân Cương", chỉ ra rằng nó không được Hội đồng Nhân quyền yêu cầu và "hoàn toàn không nên được công bố".

Một số nước như Belarus, Cuba và Triều Tiên khẳng định không nên công bố báo cáo. Đại sứ Venezuela Hector Constant cũng đồng tình, kêu gọi đánh bại "chiến dịch tin tức giả liên tục chống lại Tân Cương và Trung Quốc".

Trung Quốc bị cáo buộc giam hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải huấn ở Tân Cương và bị cưỡng bức lao động. Trung Quốc bác bỏ cáo buộc, mô tả các cơ sở này là trung tâm giáo dục và dạy nghề nhằm đẩy lùi chủ nghĩa cực đoan.

Mỹ và một số nước phương Tây cáo buộc hành động của Trung Quốc ở Tân Cương là "diệt chủng". Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã thông qua luật cấm tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Tân Cương vì cáo buộc lao động cưỡng bức.

Trung Quốc nhiều lần chỉ trích phương Tây, gọi đây là những cáo buộc trên là vô căn cứ, can thiệp công việc nội bộ, xuyên tạc sự thật, kiềm chế đà phát triển của nước này và vi phạm luật pháp quốc tế.

Huyền Lê (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét