Covid-19 và tranh cãi về cơ chế đồng thuận tạo ra hàng loạt thách thức với WTO, khiến tổ chức thương mại toàn cầu này suy giảm ảnh hưởng.
Đến Geneva dự cuộc họp cấp cao Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đầu tiên kể từ năm 2017, bộ trưởng thương mại các nước thành viên cuối tuần này cần tìm giải pháp cho hàng loạt thách thức chồng chất.
WTO cần tìm hướng giải quyết phù hợp cho vấn đề an ninh lương thực ngày một đáng lo khi chiến sự Ukraine gây thiếu hụt nguồn cung. Ngoài ra, những thách thức như ứng phó đại dịch Covid-19 hay tình trạng trữ lượng cá toàn cầu dần cạn kiệt vẫn còn nguyên tính cấp bách. Nhiều quốc gia thành viên đang mong muốn thảo luận nghiêm túc về cải cách toàn diện WTO để giải quyết những vấn đề này.
WTO được thành lập năm 1995 nhằm thúc đẩy thương mại tự do trên toàn cầu. Tuy nhiên, giới quan sát nhận định tổ chức gần đây dần trở nên lạc hậu so với những biến động trong thương mại thế giới.
Từ năm 2013 đến nay, WTO chưa đạt được thỏa thuận thương mại nào mới. Cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO bị tê liệt khi Mỹ, dưới thời chính quyền tổng thống Donald Trump, chặn bổ nhiệm thẩm phán mới tại Cơ quan Phúc thẩm thường trực với lý do chính sách nội bộ bị can thiệp quá mức.
Tổ chức cũng đang mắc kẹt giữa cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, với cao điểm là cuộc chiến thương mại dưới thời tổng thống Trump và lệnh cấm vận thương mại nhắm vào Nga sau sự kiện sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
WTO còn chia rẽ sâu sắc về quyền lợi giữa nhóm nước phát triển và đang phát triển. Những nền kinh tế lớn như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chuyển dịch từ toàn cầu hóa sang xu hướng đưa chuỗi sản xuất về nước hoặc ưu tiên cho những đối tác cùng đồng minh thân thiết, nhằm hạn chế tác động từ đại dịch và xung đột lên chuỗi cung ứng.
"Với những diễn biến mới, thương mại toàn cầu và chủ nghĩa đa phương, hai trụ cột của WTO, đang đối diện thách thức nhiều hơn cơ hội", Tổng giám đốc Ngozi Okonjo-Iweala hồi tháng 4 chia sẻ tại tổ chức Quỹ Hội đồng Ngoại Thương Quốc gia của Mỹ.
Bà nhấn mạnh thương mại toàn cầu đã giúp người dân nhiều nơi trên thế giới thoát nghèo và kêu gọi thế giới cần tiếp tục đầu tư, tăng cường đa phương hóa thay vì trở lại với chủ nghĩa bảo hộ.
Kelly Ann Shaw, luật sư từng đại diện Mỹ trong các vụ kiện ở WTO và có thời gian làm việc cho chính quyền tổng thống Trump, nhận định WTO không có nguy cơ sụp đổ trước các thách thức hiện tại, nhưng mức quan tâm dành cho tổ chức ngày một ít đi rõ rệt.
Những khó khăn của WTO phần lớn xuất phát từ chính cấu trúc tổ chức. Mọi quyết định lớn đều phải thông qua đồng thuận từ toàn thể 164 thành viên.
Roberto Azevedo, tổng giám đốc WTO nhiệm kỳ 2013-2020, nhận định ảnh hưởng của tổ chức đã suy giảm đáng kể từ thỏa thuận thương mại lớn gần nhất được ký tại Bali, Indonesia năm 2013 nhằm đẩy mạnh giao thương.
Theo Azevedo, các thành viên WTO liên tục bất đồng trên nhiều vấn đề vì tổ chức thiếu sự lãnh đạo và cam kết đối với chủ nghĩa đa phương.
Trong bài phát biểu trước Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) ở Mỹ, ông mô tả tổ chức đã chia thành ba nhóm: những nước hài lòng với cấu trúc hiện tại, những nước cho rằng WTO không còn cần thiết và những nước muốn WTO thay đổi mạnh mẽ nếu muốn tiếp tục tồn tại. Ông cho rằng Mỹ thuộc nhóm cuối cùng.
"Xây dựng đồng thuận với 164 thành viên, kỳ vọng mỗi thành viên có chung quyết định trong mọi vấn đề lớn nhỏ, là chuyện vô cùng khó, nếu không nói là bất khả thi", Azevedo nhận định.
WTO bắt đầu kỳ họp cấp cao lần này vào ngày 19/6 với tình trạng chia rẽ rõ rệt. Một trong những vấn đề gây nhiều bất đồng nhất là đề xuất miễn trừ áp dụng luật bảo vệ sở hữu trí tuệ cho vaccine và thuốc điều trị Covid-19. Đề xuất này do Ấn Độ cùng Nam Phi dẫn đầu, cho rằng ý tưởng này sẽ đảm bảo nguồn cung vaccine cho các nước thu nhập thấp và vừa.
Với nguồn cung vaccine hiện nay dồi dào hơn trước, một số chuyên gia kỳ vọng vấn đề bản quyền công nghệ sẽ hạ nhiệt trên bàn đàm phán WTO. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden giữa năm ngoái đã tuyên bố ủng hộ áp dụng đề xuất với thời hạn nhất định.
Tuy nhiên, sáng kiến thúc đẩy bình đẳng vaccine vẫn vấp phải phản đối quyết liệt từ ngành dược ở phương Tây và các chính phủ châu Âu. Đại diện bốn bên Mỹ, EU, Ấn Độ và Nam Phi tiếp tục đàm phán căng thẳng đến phút chót trước tuần họp của WTO. Người điều phối đối thoại Okonjo-Iweala, cựu chủ tịch liên minh vaccine toàn cầu Gavi, không cho biết liệu các bên đã đạt được thỏa thuận đột phá nào hay chưa.
"Tôi lạc quan một cách thận trọng rằng chúng ta sẽ đi đến văn bản chính thức về thỏa thuận này cho các bộ trưởng thông qua", Đại sứ Sierra Leon tại WTO Lansana Gberie, chủ tịch ủy ban giám sát thảo luận về vaccine, tuần trước chia sẻ.
Trong khi đó, một số chuyên gia lo ngại một phương án thỏa hiệp sẽ khiến tất cả các bên không hài lòng. Nó có thể không đạt được biện pháp miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ rộng lớn như Ấn Độ và Nam Phi đề xuất, trong khi ngành dược thế giới lo lắng về khả năng các sản phẩm chủ chốt của họ tiếp tục bị miễn trừ về quyền sở hữu trí tuệ mỗi khi xảy ra khủng hoảng y tế.
"WTO đáng ra phải giải quyết vấn đề này hơn hai năm trước, vào tháng 3/2020, khi đại dịch vừa bùng phát", cựu phó tổng giám đốc Alan Wolf chia sẻ. "Đáng ra chúng ta phải đạt được thỏa thuận hoặc bộ quy tắc ứng xử về chia sẻ nguồn cung vaccine hạn chế. WTO lẽ ra phải ứng phó kịp thời và hiệu quả hơn".
Thanh Danh (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét