New Zealand kêu gọi Trung Quốc lên án chiến dịch của Nga ở Ukraine, nói Bắc Kinh hưởng lợi từ quy tắc quốc tế và nên duy trì quy tắc đó.
"Lịch sử đã nhiều lần cho chúng ta thấy khi các nước lớn coi thường chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ mà không bị trừng phạt, điều đó không tốt, đặc biệt với các nước nhỏ như New Zealand", Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu tại Hội nghị Kinh doanh Trung Quốc ở thành phố Auckland hôm nay.
"Và đó là lý do với tư cách thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc của Trung Quốc, cũng như phù hợp với cam kết của New Zealand đối với Hiến chương LHQ, chúng tôi tiếp tục thúc giục Trung Quốc nói rõ họ không ủng hộ hành động của Nga. Chúng tôi cũng đã kêu gọi Trung Quốc sử dụng cách tiếp cận và ảnh hưởng của họ để giúp chấm dứt xung đột", bà Ardern nói thêm.
Theo Thủ tướng New Zealand, tác động của cuộc chiến ở Ukraine là toàn cầu, vượt xa khỏi châu Âu và có thể cảm nhận được ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Bà tiếp tục kêu gọi tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế, điều bà cho rằng Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều.
"Nhìn lại hơn 50 năm qua, rõ ràng Trung Quốc và New Zealand đều là những nước hưởng lợi lớn từ hòa bình, ổn định và thịnh vượng tương đối trong khu vực của chúng ta và trên toàn cầu", bà nhấn mạnh. "Các quy tắc, chuẩn mực và thể chế làm nền tảng cho sự ổn định, thịnh vượng như LHQ tiếp tục giữ vai trò không thể thiếu".
Bà nhắc lại những bình luận gần đây về "các vấn đề ở Thái Bình Dương" và cho biết New Zealand "liên tục bày tỏ quan ngại của chúng tôi về cưỡng chế kinh tế, nhân quyền, Tân Cương và Hong Kong".
New Zealand gần đây duy trì quan điểm cứng rắn về an ninh và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Nam Thái Bình Dương, một phần do hiệp ước an ninh giữa Trung Quốc và Quần đảo Solomon hồi đầu năm. Tuy nhiên, New Zealand vẫn phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc.
Thủ tướng Ardern nói rằng ngay cả khi "Trung Quốc trở nên quyết đoán hơn trong theo đuổi các lợi ích", chính phủ của bà sẽ "ủng hộ các cách tiếp cận và kết quả phản ánh lợi ích, giá trị của New Zealand, đồng thời lên tiếng về những vấn đề" đi ngược lại lợi ích, giá trị của họ.
New Zealand liên tục bày tỏ quan ngại đối với Trung Quốc về những cáo buộc cưỡng bức kinh tế, vi phạm nhân quyền và đặc biệt vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, người biểu tình Hong Kong và gần đây nhất là nguy cơ quân sự hóa Thái Bình Dương. Trong một số trường hợp, New Zealand tham gia ra tuyên bố chung về những lo ngại này.
Bà Ardern lưu ý xử lý những khác biệt trong mối quan hệ giữa hai nước không phải lúc nào cũng dễ dàng và "không có gì đảm bảo".
Trung Quốc cùng Ấn Độ là hai nền kinh tế lớn không áp lệnh trừng phạt Nga do chiến dịch quân sự ở Ukraine. Hai nước tăng mua dầu của nước này, bất chấp sức ép từ phương Tây. Bắc Kinh đã kêu gọi các bên trong xung đột ở Ukraine đàm phán hòa bình, nhưng không chỉ trích Moskva.
Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn trong các lĩnh vực chính trị, thương mại, quân sự và khẳng định tình hữu nghị "không giới hạn". Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Nga, với lượng giao dịch năm ngoái đạt 147 tỷ USD, tăng hơn 30% so với năm 2019. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong cuộc điện đàm tháng 6 nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng Bắc Kinh sẽ tiếp tục ủng hộ Moskva về vấn đề chủ quyền và an ninh.
Căng thẳng biên giới leo thang với Serbia khiến cảnh sát Kosovo đóng hai cửa khẩu, trong khi NATO tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng can thiệp.
Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bắt đầu leo thang sau khi chính phủ của Thủ tướng Kosovo Albin Kurt hôm 31/7 yêu cầu người Serbia sống trong vùng lãnh thổ này phải chuyển đổi sang biển số xe Kosovo trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ 1/8.
Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khoảng 50.000 người Serbia sống ở phía bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp, dù Kosovo đã tuyên bố độc lập 14 năm trước.
Chính phủ Kosovo cũng quyết định kể từ 1/8, tất cả công dân từ Serbia đến Kosovo phải xin giấy phép nhập cảnh tại biên giới. Thủ tướng Kurti tuyên bố đây là động thái có đi có lại vì Serbia áp dụng quy tắc tương tự cho người Kosovo đến Serbia.
Để phản đối quyết định trên, người biểu tình Serbia sống ở khu vực biên giới đã lái xe tải và các loại máy móc hạng nặng phong tỏa các con đường dẫn đến hai cửa khẩu Jarinje và Bernjak, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Cảnh sát Kosovo buộc phải đóng hai cửa khẩu này.
"Chúng tôi kêu gọi công dân sử dụng cửa khẩu khác", cảnh sát cho biết trên Facebook, thêm rằng súng đã nổ "về phía các đơn vị cảnh sát nhưng may mắn không ai bị thương".
Cũng theo thông báo của cảnh sát, người biểu tình giận dữ đã đánh đập một số người Kosovo đi qua các con đường bị chặn và một số ôtô bị tấn công. Tiếng còi báo động không kích đã vang lên hơn ba giờ tại thành phố Mitrovica, phía bắc Kosovo, nơi chủ yếu là người Serbia sinh sống.
"Bầu không khí đã sôi sục", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho hay, cảnh báo rằng nước này "sẽ thắng" nếu người Serbia bị tấn công. Trong khi đó, ông Kurti cáo buộc ông Vucic châm ngòi "tình trạng bất ổn".
Một năm trước, khi người Serbia biểu tình vì lý do tương tự, chính phủ Kosovo đã triển khai lực lượng cảnh sát đặc biệt, trong khi Serbia đưa bay máy bay chiến đấu đến gần biên giới.
Lực lượng Kosovo (KFOR), lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu, ra tuyên bố nói rằng tình hình an ninh ở phía bắc Kosovo căng thẳng và "sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa". Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Italy, quốc gia thành viên NATO, đã xuất hiện tại thành phố Mitrovica hôm 31/7.
Theo RT, các binh sĩ KFOR đã được đặt trong tình trạng báo động cao, với một đoàn xe quân sự lớn khoảng 30-40 chiếc tiến về biên giới giữa Kosovo và Serbia. Cảnh sát đặc nhiệm Kosovo cũng đang điều động thiết bị và nhân sự tới khu vực.
"Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để giữ môi trường an toàn và an ninh ở Kosovo, phù hợp với nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc", KFOR tuyên bố.
Nga, một trong những nước không công nhận Kosovo, nói rằng chính quyền ở Pristina, thủ phủ Kosovo, cũng như những người ủng hộ EU và Mỹ nên ngăn chặn hành động khiêu khích, tôn trọng quyền của người Serbia ở Kosovo.
Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, nhưng người Serbia chiếm đa số tại khu vực phía bắc không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhóm dân tộc này.
Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.
Sau cuộc gặp với đại sứ Mỹ tại Kosovo Jeffrey Hovenier, chính quyền Pristina cam kết hoãn thực thi quy định mới trong 30 ngày, với mong muốn "tất cả rào cản được dỡ bỏ và tự do đi lại hoàn toàn được thiết lập".
Ủy viên chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ca ngợi quyết định của Pristina và cho biết ông hy vọng "mọi rào cản sẽ được dỡ bỏ ngay lập tức".
Phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO duy trì 3.770 nhân viên ở Kosovo. Năm 2013, hai nước cam kết tham gia quá trình đối thoại do EU bảo trợ để tìm cách giải quyết các vấn đề tồn tại, nhưng đạt được rất ít tiến bộ.
Ảnh vệ tinh cho thấy lực lượng Nga dựng cầu phao qua sông Dnieper ở tỉnh Kherson, sau khi cầu đường sắt Antonovsky hư hại vì trận pháo kích của Ukraine.
"Cầu phao tại tỉnh Kherson đã được dựng. Radar khẩu độ tổng hợp (SAR) chụp ảnh hôm nay. Cây cầu cũ đã bị hỏng có màu tím, cầu phao có màu xanh", chuyên gia H.I. Sutton phân tích ảnh vệ tinh chụp ngày 29/7.
Một quan chức quân sự Mỹ cấp cao sau đó cho biết Ukraine đã tập kích cây cầu cũ, đây là lý do khiến lực lượng Nga dựng cầu phao qua sông Dnieper ở tỉnh Kherson. "Họ dường như tìm cách vượt sông và quay lại Crimea", quan chức Mỹ nhận định.
Ảnh vệ tinh độ phân giải cao được Planet Labs chụp ngày 28/7 cho thấy cầu đường sắt Antonovsky, nằm gần cầu đường bộ cùng tên, qua sông Dnieper bị hư hại, dường như do trúng đạn từ Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS) của Ukraine.
Oliver Alexander, chuyên gia thuộc nhóm thu thập thông tin tình báo mở OSINT, nhận định một hoặc hai rocket HIMARS đánh trúng cây cầu, hai quả khác bắn trúng gần đó. "Không đoàn tàu nào có thể qua cầu trong tương lai gần", Oliver Alexander cho biết.
Sau hơn 5 tháng chiến sự, lực lượng Ukraine gần đây tăng cường đánh phá các cây cầu và điểm vượt sông trọng yếu ở tỉnh miền nam Kherson, trong đó có cầu đường sắt và đường bộ Antonovsky, cũng như đập thủy điện gần thành phố Novaya Kakhovka.
Quan chức tỉnh Kherson do Nga bổ nhiệm cho biết các vụ pháo kích của Ukraine "làm phức tạp một chút cuộc sống của dân chúng", song khẳng định kết quả chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga sẽ không bị ảnh hưởng dưới bất cứ hình thức nào.
Giao tranh giữa lực lượng Nga và Ukraine ở khu vực miền nam gần đây leo thang. Lực lượng Ukraine liên tục tuyên bố tấn công các kho đạn và chỉ huy sở của Nga tại tỉnh Kherson bằng pháo phản lực HIMARS do Mỹ cung cấp. Trong khi đó, Nga phóng tên lửa nhằm vào vị trí của Ukraine dọc theo bờ biển. Tuy nhiên, các khu vực hai bên kiểm soát được nhận định ít thay đổi.
Zoila Lecarnaque Saavedra tự đóng dấu số phận khi đồng ý chuyển một kiện hàng từ Peru tới Hong Kong, khiến bà ngồi tù hơn 8 năm.
25% tù nhân ở Hong Kong là phụ nữ, phần lớn là người ngoại quốc nghèo khổ bị lừa hoặc cưỡng ép vận chuyển ma túy. Saavedra, 60 tuổi, chờ bị trục xuất sau khi được trả tự do. Bà ngồi trên giường tầng trong phòng trọ chật chội hôm 9/5, kể lại tình cảnh năm 2013 dẫn bà đến con đường lao lý.
Chồng bà, trụ cột gia đình ở Lima, thủ đô Peru, khi đó đã bỏ đi mà Saavedra lại cần phẫu thuật mắt. Tin tức lan truyền khắp khu phố, một phụ nữ tiếp cận Saavedra, đề nghị bà bay tới Hong Kong lấy đồ điện tử miễn thuế về bán lại kiếm lời với tiền công 2.000 USD.
"Họ thường tìm những người đang trong tình trạng kinh tế bấp bênh", Saavedra nói. "Họ săn lùng con mồi khắp nơi và lần này tìm thấy tôi".
Những người như Saavedra được gọi là "con la" ma túy. Họ không liên quan đến các băng nhóm ma túy nhưng được những tổ chức này thuê, cưỡng ép hay lừa vận chuyển chất cấm xuyên biên giới. Các băng nhóm coi đây là cách tìm thế thân để tránh nguy cơ thành viên tổ chức bị bắt.
Người phụ nữ có chiều cao khiêm tốn, gương mặt đầy nét khắc khổ, muốn cảnh báo cho người khác không lâm vào hoàn cảnh như mình. Giọng bà run run khi kể lại khoảnh khắc bị nhân viên hải quan giữ và nhận ra sẽ không được gặp mẹ và con gái trong nhiều năm.
"Tôi nghĩ về tổn thương gây ra cho gia đình, cho con cái, cho mẹ tôi, bởi họ là những người cảm thấy tồi tệ hơn tôi, chính vì thế mà tôi đau lòng", bà vừa khóc vừa nói.
Nhân viên hải quan tìm thấy hai áo khoác bên trong vali của Saavedra chứa đầy bao cao su, bên trong là 500 gram cocain dạng lỏng. Hy vọng được xử nhẹ, Saavedra nhận tội dù khẳng định không hề biết về số cocain và cũng không được trả tiền.
"Chủ mưu thì vẫn tự do, không bị bắt, tôi không rõ tại sao ", bà nói.
Câu chuyện của Saavedra quá quen thuộc trong nhà tù nữ ở Hong Kong. Các nhà hoạt động, tình nguyện viên, luật sư và phạm nhân cho hay những người ngoại quốc vận chuyển ma túy chiếm phần lớn trong số tù nhân nữ. Cơ quan Cải huấn Hong Kong cho biết 37% tù nhân ngoại quốc là nữ nhưng từ chối bình luận nguyên nhân.
Hong Kong, điểm trung chuyển hàng không và hàng hải nhộn nhịp ở châu Á, từ lâu đã trở thành trung tâm toàn cầu cho hoạt động giao thương cả hợp pháp lẫn trái phép.
Trước đại dịch, sân bay Hong Kong là một trong những địa điểm nhộn nhịp, có hệ thống kết nối tốt nhất thế giới. Các băng nhóm ma túy thích sử dụng phụ nữ làm "con la", vì cho rằng họ ít bị cơ quan chức năng chú ý.
Thống kê cho thấy 25% trong số 8.434 người ngồi tù ở Hong Kong năm ngoái là phụ nữ, tỷ lệ cao nhất toàn cầu, theo cơ sở dữ liệu World Prison Brief. Qatar xếp thứ hai với 15%. Chỉ 16 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác có tỷ lệ trên 10%.
John Wotherspoon, 75 tuổi, giáo sĩ trong nhà tù, đã tiếp xúc với phạm nhân buôn lậu ma túy hàng chục năm. Ông cho hay phần lớn "con la" nữ là người nước ngoài dễ bị tổn thương. "Họ thường bị cưỡng ép dưới nhiều hình thức trên phương diện kinh tế, thể chất, tình cảm", ông nói.
Wotherspoon thường xuyên đi lại tới các nước Mỹ Latinh, cố gắng giúp đỡ gia đình những người bị bắt, thậm chí từng đối đầu với nhóm buôn người.
Ông dự rất nhiều vụ xử án ma túy tại tòa án Hong Kong, quyên góp cho người bị kết án, giúp duy trì trang web nêu tên một số kẻ mà ông cho rằng đáng lẽ phải là vào tù, dựa theo lời khai của phạm nhân. "Vấn đề là những kẻ chủ mưu, những con cá lớn, ít được nhắc đến", ông nói.
"Con la" ma túy là mục tiêu dễ dàng với cảnh sát và công tố viên ở Hong Kong, nơi nhận tội sớm có thể giảm 1/3 thời gian ngồi tù. Việc bào chữa rất khó khăn bởi luật ma túy Hong Kong khá khắt khe. Người buôn bán, vận chuyển từ hơn 600 gram cocain có thể phải ngồi tù 20 năm.
Năm 2016, Caterina, công dân Venezuela, bị kết án 25 năm tù sau khi không thuyết phục được bồi thẩm đoàn rằng mình bị ép vận chuyển ma túy. Cô cho hay bị một băng đảng ở Brazil bắt cóc khi tới phỏng vấn tuyển dụng. Caterina bị cưỡng hiếp, gia đình bị đe dọa, tới khi cô đồng ý bay sang Hong Kong.
"Chúng coi tôi như cỏ rác, tôi rất sợ chúng sẽ giết mình", người phụ nữ 36 tuổi đang ngồi tù ở Hong Kong, nói.
Cô mang thai trước khi bị bắt cóc và sinh con trai trong tù. Caterina kháng cáo bất thành.
"Tôi làm việc nhiều năm với những người dễ bị tổn thương nhưng trường hợp của cô ấy khiến tôi luôn trăn trở", Patricia Ho, luật sư giúp Caterina kháng cáo, nói. "Tôi không thể gạt đi suy nghĩ nếu lâm vào hoàn cảnh tương tự, mình cũng hành động giống cô ấy".
Luật sư Ho cho hay một trong những vấn đề lớn nhất đội ngũ bào chữa đối mặt là Hong Kong thừa nhận nạn buôn người nhưng không có luật cấm cụ thể. Điều này nghĩa là công tố viên, thẩm phán, bồi thẩm đoàn hiếm khi cân nhắc phải chăng những người vận chuyển ma túy là nạn nhân buôn người.
"Cô ấy bị ép phải phạm tội bằng hình thức vũ lực hay cưỡng ép, với tôi, điều đó hoàn toàn phù hợp định nghĩa buôn bán người", luật sư Ho nói.
Một số người biết mặt hàng mình sẽ phải vận chuyển nhưng không còn cách nào khác là chấp nhận rủi ro vì hoàn cảnh.
Trang Facebook của Marcia Sousa giống như mọi thanh niên Brazil, đầy ảnh selfie khoe tóc mới tết hay tiệc tùng với bạn bè trên bãi biển. Nhưng 4 năm trước, cô dừng cập nhật. Sousa bị bắt ở sân bay Hong Kong khi mang theo hơn 600 gram cocain lỏng trong áo lót.
Trước tòa, Sousa khai xuất thân trong gia đình nghèo ở miền bắc Brazil, mẹ phải chạy thận, còn cô đang mang thai nhưng bố đứa trẻ đã ruồng bỏ. Sousa sinh con trong tù lúc chờ xét xử.
Trong buổi tuyên án, thẩm phán Audrey Campbell-Moffat cho rằng cô gái 25 tuổi có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhận tội sớm, hợp tác khai báo, báo cáo của nhà tù cho thấy cô là người mẹ tốt biết chăm sóc con. Công tố viên đề nghị mức án 20 năm tù nhưng thẩm phán đã ấn định mức 10,5 năm.
"Tôi đã cố hết sức để thẩm phán tha thứ. Tôi biết mình phạm tội nhưng tôi làm vì con", Sousa nói vài tuần sau đó. "Tôi đã rất tức giận nhưng sau đó nhận ra thẩm phán đã tuyên án đúng. Bà ấy rất công bằng".
Trong vài năm đầu, Sousa được phép chăm sóc con trai trong tù. Nhưng khi gần ba tuổi, cậu bé được đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em tới khi đủ lớn để về với gia đình ở Brazil.
"Thằng bé khóc suốt, bỏ ăn", Sousa kể lại tình hình vài tuần đầu sau khi hai mẹ con phải chia tay. Bây giờ cô chỉ nghĩ tới chuyện được đoàn tụ với con. "Tôi đang nghĩ về tương lai, tôi muốn chăm sóc con trai".
Nhưng tương lai đó bị đẩy xa hơn khi công tố viên hồi tháng 7 kháng cáo thành công với lý do bản án quá nhẹ. Sousa lĩnh thêm hai năm tù.
Covid-19 tấn công ngành hàng không thế giới khiến số lượng "con la" giảm mạnh. Những kẻ buôn ma túy chuyển sang giao hàng qua bưu điện và chuyển phát nhanh, thông qua tàu container và máy bay chở hàng hóa.
Nhưng khi đại dịch lắng dịu, những "con la" ma túy chắc chắn trở lại, nghĩa là nhiều phụ nữ như Saavedra sẽ bị những kẻ buôn lậu và con nghiện lôi kéo vận chuyển ma túy.
Tháng trước, Saavedra bị trục xuất khỏi Hong Kong. Bà đã mơ tới ngày này suốt nhiều năm. Saavedra tươi cười đẩy hành lý qua sảnh sân bay Lima bắt xe về nhà.
"Tôi khóc vì gần 9 năm rồi tôi mới về nhà", bà nói. "Mẹ tôi, các anh chị em của tôi, con tôi, đang đợi tôi. Cả gia đình đang đợi tôi ở nhà".
Tân tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho rằng cựu lãnh đạo Gotabaya Rajapaksa về nước lúc này có thể tiếp tục làm gia tăng căng thẳng.
"Tôi không cho rằng đã đến lúc ông ấy trở lại", ông Wickremesinghe nói trong một cuộc phỏng vấn với báo Wall Street Journal ngày 31/7, đề cập đến người tiền nhiệm Rajapaksa. "Tôi không thấy dấu hiệu nào về việc ông ấy sẽ trở lại".
Rajapaksa rời khỏi đất nước vào ngày 13/7 do áp lực từ làn sóng biểu tình ở trong nước. Ông sau đó nộp đơn từ chức qua email và được quốc hội chấp thuận. Cựu tổng thống Sri Lanka hiện ở Singapore với tư cách dân thường.
Tân tổng thống Wickremesinghe được cho là vẫn giữ liên lạc với người tiền nhiệm để giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bàn giao hành chính và các công việc quan trọng khác của chính phủ.
Bandula Gunawardena, người phát ngôn nội các Sri Lanka, ngày 26/7 cho biết ông Rajapaksa "sẽ về nước" nhưng không biết chính xác thời điểm. Ông nhấn mạnh cựu tổng thống không lẩn trốn và cũng không sống lưu vong.
Ông Rajapaksa đã trở thành tâm điểm chỉ trích của những người biểu tình Sri Lanka. Họ cho rằng ông đã phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới suy thoái kinh tế, lạm phát tăng vọt và kho dự trữ ngoại tệ cạn kiệt, khiến đất nước lâm vào khủng hoảng.
Nhiều người biểu tình, bao gồm nông dân, giáo viên, sinh viên và các nhà sư Phật giáo, cho rằng chính sách tài chính sai lầm của ông Rajapaksa và các anh em của ông dẫn đến giá mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Lạm phát hiện là gần 55% và lạm phát lương thực đã vượt 80%.
Loạt nước EU áp dụng các chính sách thắt lưng buộc bụng khí đốt như tắm nước lạnh, tắt bớt đèn, khi nguồn cung từ Nga bị thắt chặt.
Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt từ nay đến tháng 3/2023, do lo ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giới quan sát đánh giá chính sách "thắt lưng buộc bụng" khí đốt này là cần thiết để EU đề phòng kịch bản thảm họa vào mùa đông, nhưng cũng là thử thách rất lớn, đòi hỏi các thành viên áp dụng những biện pháp tiết kiệm triệt để.
Đức giờ đây trở thành một trong những bên tiên phong trong "cuộc chiến khí đốt" với Nga. Không có nơi nào nỗi sợ về viễn cảnh Nga cắt hoàn toàn nguồn cung lớn hơn ở Đức, nơi tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu.
Để đạt mục tiêu giảm tiêu thụ khí đốt, các thành phố ở Đức đang tắt đèn chiếu sáng tại khu tưởng niệm công cộng, ngừng hoạt động đài phun nước và sử dụng nước lạnh trong bể bơi. Quạt sưởi và lò sưởi đốt gỗ cũng "cháy hàng" khi người dân chuẩn bị cho kịch bản thiếu khí đốt vào mùa đông.
Hanover, thuộc bang Hạ Saxony, trở thành thành phố lớn đầu tiên ở Đức công bố các biện pháp tiết kiệm năng lượng. Các tòa nhà ở Hanover sẽ chỉ được sử dụng máy sưởi với nhiệt độ phòng không quá 20 độ C từ ngày 1/10 đến 31/3 năm sau, trong khi điều hòa di động và quạt sưởi bị cấm hoàn toàn.
Bộ trưởng Năng lượng Pháp ngày 24/7 thông báo quy định mới, cấm bật các biển quảng cáo dùng đèn từ 1h đến 6h sáng ở mọi thành phố, ngoại trừ khu vực sân bay và ga tàu, với mức phạt trường hợp vi phạm tối đa là 1.500 euro. Pháp cũng cấm các cửa hàng để hở cửa trong khi đang bật điều hòa hoặc máy sưởi, với mức phạt 750 euro.
Các cơ sở công cộng cũng được yêu cầu điều chỉnh nhiệt độ điều hòa cao hơn vào mùa hè và thấp hơn vào mùa đông, trong khi người dân sẽ phải tắt thiết bị phát wifi và TV trong khi đi vắng, cũng như tắt đèn trong các phòng không sử dụng.
Trong bài phát biểu trên truyền hình nhân ngày quốc khánh Pháp 14/7, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan chính phủ và hộ gia đình tiết kiệm năng lượng hơn nữa, trong bối cảnh Nga có thể dừng cung cấp khí đốt và xung đột tại Ukraine kéo dài.
Đây là lần đầu tiên Tổng thống Pháp đề cập khả năng đối mặt kịch bản thiếu năng lượng, như trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ thập niên 1970. Giới chức Pháp trước đó cho rằng với thế mạnh vốn có về điện hạt nhân, nước này ít phụ thuộc vào khí đốt Nga, nhưng giờ đây họ cũng phải đặt mục tiêu cắt giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong hai năm tới.
Đầu tháng 7, Italy ban hành kế hoạch khẩn, yêu cầu tắt đèn chiếu sáng xung quanh các tượng đài, các cơ sở kinh doanh phải đóng cửa sớm vào lúc 19h. Italy nhập khẩu đến 95% tổng lượng khí đốt mà nước này sử dụng, 40% trong số đó đến từ Nga.
Kể từ tháng 5, các tòa nhà công cộng, ngoại trừ bệnh viện hoặc viện dưỡng lão, đã được thông báo điều chỉnh nhiệt độ điều hòa không dưới 19 độ C vào mùa hè và không quá 27 độ C vào mùa đông, kèm mức phạt 500-3.000 euro đối với những ai không tuân thủ. Quy định này sẽ có hiệu lực đến tháng 4/2023.
Hy Lạp cũng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga, với 40% nguồn cung đến từ nước này. Vào tháng 6, Athens đã công bố các chính sách mới với mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng 10% trong năm nay, 30% vào năm 2030, trong đó quy định nhiệt độ điều hòa không dưới 27 độ C vào mùa hè.
Chính phủ Hy Lạp đã công bố một kế hoạch trị giá 640 triệu euro để cải tạo cửa sổ, hệ thống sưởi và làm mát, lắp đặt các tấm chắn ánh sáng trong các tòa nhà công cộng.
Giới chức Ireland cũng kêu gọi người dân cắt giảm sử dụng xăng dầu và tiêu thụ ít năng lượng hơn khi ở nhà. Cơ quan Năng lượng Bền vững Ireland (SEAI) khuyến cáo các hộ gia đình giảm nhiệt độ máy sưởi trong khu vực sinh hoạt xuống 20 độ C và 15-18 độ C trong hành lang và phòng ngủ, đồng thời tiết kiệm điện khi sử dụng máy rửa bát và máy giặt.
"Đừng đổ đầy ấm khi đun nước pha cà phê trong giờ giải lao, chỉ nên đun sôi lượng nước cần thiết", công ty Điện lực Ireland khuyến cáo dân văn phòng.
Tây Ban Nha, quốc gia không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng từ Nga, cũng đồng ý cắt giảm 7-8% lượng tiêu thụ khí đốt để hỗ trợ mục tiêu chung của EU. Bộ trưởng Môi trường Teresa Ribera ngày 28/7 kêu gọi người dân sử dụng năng lượng "thông minh nhất có thể". "Chúng ta có thể kéo rèm, sử dụng điều hòa đúng cách và nhắc nhở lũ trẻ tắt đèn", bà khuyến cáo.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez ngày 29/7 xuất hiện tại một buổi họp với áo sơmi trắng, không cài cúc cổ và áo vest, để kêu gọi tiết kiệm năng lượng. "Tôi muốn các bạn lưu ý rằng tôi không đeo cà vạt. Điều này có nghĩa chúng ta đều có thể tiết kiệm năng lượng", ông Sanchez nói. "Tôi đã đề nghị các bộ trưởng, công chức và muốn cả nhân viên công ty tư nhân cùng không đeo cà vạt nếu không cần thiết".
Ông Sanchez không nêu rõ bỏ đeo cà vạt giúp tiết kiệm năng lượng thế nào, nhưng lời khuyên này được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Môi trường Tây Ban Nha kêu gọi bật điều hòa không khí ở 27 độ C, cao hơn đáng kể so với mức người dân nước này thường thiết lập.
Nick Eyre, giáo sư về chính sách năng lượng và khí hậu tại Đại học Oxford, cho rằng hành động làm gương của các quan chức chính phủ, như Thủ tướng Sanchez, là tiền đề cần thiết để EU tiết kiệm năng lượng cho mùa đông khắc nghiệt.
"Người dân thường không hưởng ứng những chính trị gia chỉ biết nói mà không làm", giáo sư Eyre nói. "Chỉ cần giảm nhiệt độ máy sưởi đi một độ trong mùa đông, châu Âu đã có thể tiết kiệm được 10 tỷ mét khối khí đốt, tương đương lượng khí đốt tiêu thụ hàng năm của Áo".
Đức Trung (Theo Guardian, Politico, BBC, NY Times)
Thống đốc Kentucky Andy Beshear cho biết ít nhất 28 người chết, trong đó có 4 trẻ nhỏ, sau khi bang này hứng đợt mưa lũ "nghìn năm có một".
Thống đốc Kentucky Andy Beshear hôm 31/7 cho hay sau đợt mưa lũ xối xả vào tuần trước, chính quyền đang nỗ lực làm việc để cung cấp thực phẩm cùng nơi trú ẩn cho hàng nghìn người dân phải sơ tán.
Nhiều ngôi nhà ở Kentucky đã bị lũ cuốn trôi sau những ngày mưa lớn mà Thống đốc Beshear miêu tả là "một trong những điều tồi tệ nhất trong lịch sử bang". Lực lượng cứu hộ đang nỗ lực tìm kiếm, cứu trợ các nạn nhân.
Giới chức Kentucky cảnh báo số người chết vì mưa lũ có thể tiếp tục tăng, trong khi tình hình thời tiết có thể cản trở công việc cứu hộ. Cơ quan Thời tiết Quốc gia dự báo một số đợt mưa lớn và bão sẽ kéo dài tới hết ngày 2/8, trong đó cảnh báo lũ lụt được phát đến sáng 1/8 ở miền nam và miền đông bang Kentucky.
Thống đốc Beshear trước đó cho biết giới chức khu vực có thể phải "tìm kiếm các thi thể trong nhiều tuần" khi lực lượng cứu hộ di chuyển tới các khu vực xa xôi hơn.
Đợt lũ lụt này là thảm họa lớn thứ hai tấn công Kentucky trong vòng 7 tháng, sau đợt lốc xoáy khiến gần 80 người thiệt mạng hồi tháng 12/2021. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố tình trạng thảm họa ở Kentucky hôm 26/7, cho phép phân bổ nguồn tài trợ liên bang về bang.
Giới chuyên gia nhận định các trận mưa lớn gắn liền với biến đổi khí hậu đã gia tăng đáng kể trong vòng 100 năm qua. Đánh giá khí hậu quốc gia của chính phủ Mỹ cho thấy khả năng xảy ra các trận mưa lớn ở khu vực phía đông bang Kentucky cao hơn 20-40% so với những năm 1900.
Những binh sĩ ở tiền tuyến miền đông Ukraine cho biết các loại vũ khí tinh vi của phương Tây giúp họ đẩy lùi đà tiến công của quân Nga.
Năm cột khói bốc lên từ một sườn đồi phía bắc Bakhmut, thành phố nông nghiệp đã bị Nga bắn phá suốt nhiều tuần qua.
"Đây không còn là cuộc sống của chúng tôi. Không có nơi nào an toàn. Tôi thực sự ước gì cuộc sống của mình kết thúc", Anna Ivanova, cụ bà 86 tuổi lưng còng chống gậy nhổ cỏ dại trong vườn, nói khi hai máy bay gầm rú trên đầu.
Mười phút sau, năm tiếng nổ lớn vang lên từ những cánh đồng hướng dương ở phía tây. Bất kỳ ai đến gần khu vực tiền tuyến ở Donbass, từ thành phố Sloviansk ở phía bắc tới các ngôi làng gần Donetsk ở phía nam, đều có thể chứng kiến những cuộc bắn phá dữ dội của lực lượng Nga.
Nhưng ở một góc cánh đồng lúa mì phía ngoài Donetsk, Dmitro, chỉ huy một đơn vị pháo binh Ukraine, cho thấy một bức tranh khác về tình hình chiến sự. "Họ không khai hỏa liên tục. Tần suất bắn của pháo binh Nga đã giảm một nửa, thậm chí khoảng 2/3", anh nói.
Dmitro nói khi đứng cạnh một khẩu pháo tự hành hướng về phía nam lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Đó là pháo Caesar, một trong số những vũ khí hiện đại phương Tây xuất hiện ngày càng nhiều trên chiến trường Ukraine. Dmitro và nhiều người ở Donbass tin rằng những vũ khí này đang giúp Ukraine đảo ngược tình thế.
Với một tiếng nổ chói tai, khẩu Caesar khai hỏa một quả đạn nhắm vào đơn vị bộ binh Nga và một khẩu đội pháo cách đó 27 km.
"Chúng tôi giờ tập kích chính xác hơn nhiều. Chúng tôi có thể tấn công họ từ khoảng cách xa hơn", Dmitro nói. Chỉ trong một phút, khẩu pháo tự hành của Dmitro bắn thêm hai quả đạn và nhanh chóng di chuyển trước khi quân Nga có cơ hội phản pháo.
Trong vài tuần gần đây, người dân và binh sĩ Ukraine vui mừng khi xem các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy nhiều vụ nổ lớn tại lãnh thổ mà Nga kiểm soát. Nhiều thông tin cho hay đây là những kho đạn lớn cách xa tiền tuyến của Nga.
"Hãy lắng nghe sự im lặng đó", Yuri Bereza, chỉ huy một đơn vị tình nguyện có nhiệm vụ bảo vệ Sloviansk, cho biết. "Tất cả là nhờ những khẩu pháo có độ chính xác cao mà chúng tôi được cung cấp. Trước đây, một khẩu pháo của chúng tôi phải đấu với 50 khẩu pháo Nga, nhưng giờ tỷ lệ này còn khoảng 1/5. Lợi thế của họ giờ không đáng kể và thậm chí có thể xem là cân bằng với chúng tôi".
Nhưng giống như Dmitro, Bereza nhấn mạnh rằng Ukraine cần nhiều vũ khí phương Tây hơn để phát động một cuộc phản công hiệu quả.
"Họ không thể đánh bại chúng tôi và chúng tôi hiện chưa thể đánh bại họ. Chúng tôi cần thêm nhiều thiết bị, đặc biệt là xe thiết giáp, xe tăng, phòng không. Nếu không có, thiệt hại về người sẽ rất lớn", Bereza nói.
"Lý tưởng nhất là chúng tôi có lượng vũ khí phương Tây nhiều gấp ba số đã gửi", Dmitro cho hay.
Nhưng vũ khí không phải là rào cản duy nhất với nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine. Dù mức độ bắn phá giảm, lực lượng Nga vẫn tiếp tục tiến gần hơn tới thành phố chiến lược Bakhmut, khiến quân Ukraine lo ngại.
Nhiều thành viên lực lượng Ukraine là lính tình nguyện và mới được huấn luyện cơ bản vài tháng. Ukraine gần đây ký thỏa thuận với phương Tây để tổ chức khóa huấn luyện 5 ngày cho binh sĩ.
"Tất nhiên, mọi thứ rất đáng sợ. Tôi chưa từng trải qua chiến tranh trước đây", một binh sĩ 22 tuổi cho biết.
Andy Milburn, một sĩ quan thủy quân lục chiến Mỹ về hưu, hiện điều hành nhóm Mozart hỗ trợ huấn luyện quân sự cho các binh sĩ Ukraine. "Đó chỉ như muối bỏ bể, nhưng vẫn mang đến sự khác biệt ở quy mô nhỏ", Milburn nói khi theo dõi một buổi huấn luyện.
Ông nhấn mạnh rằng nhóm Mozart của ông không liên kết hoặc nhận hỗ trợ từ chính phủ Mỹ. Đồng thời, Milburn chỉ trích các chính phủ phương Tây khi từ chối tham gia trực tiếp hơn vào xung đột Ukraine.
"Thật nực cười. Quân đội Ukraine đã mất nhiều người đến mức họ không có đủ binh sĩ để huấn luyện. Phương Tây cần có kế hoạch cho điều đó ngay bây giờ", ông nói.
Nga bị tố tấn công liên tục vào thành phố cảng phía nam Mykolaiv khiến chủ một công ty xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất Ukraine thiệt mạng.
Thống đốc tỉnh Mykolaiv Vitaliy Kim cho biết Oleksiy Vadatursky, người sáng lập và chủ sở hữu công ty nông nghiệp Nibulon, và vợ của ông, đã thiệt mạng tại nhà riêng vì các cuộc tập kích của Nga.
Đặt trụ sở chính tại Mykolaiv, thành phố chiến lược quan trọng giáp với vùng Kherson, phần lớn hiện do Nga chiếm đóng, Nibulon chuyên sản xuất và xuất khẩu lúa mì, lúa mạch và ngô, đồng thời có hạm đội tàu vận chuyển và nhà máy đóng tàu riêng.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy mô tả cái chết của Vadatursky là "mất mát to lớn đối với toàn bộ đất nước Ukraine".
Thị trưởng thành phố Oleksandr Senkevych nói với truyền thông rằng 3 người khác cũng bị thương trong các cuộc tấn công nhằm vào Mikolaiv, cho biết thêm 12 tên lửa đã bắn trúng nhà dân và các cơ sở giáo dục. Theo lời ông, đay "dường như là những cuộc tập kích mạnh nhất" nhằm vào thành phố trong hơn 5 tháng xung đột.
Thống đốc Dnipropetrovsk Valentyn Reznichenko trong khi đó cho hay có tới 50 quả rocket Grad đã bắn trúng các khu dân cư ở thành phố phía nam Nikopol vào sáng 31/7, khiến một người bị thương.
Nga chưa đưa ra bình luận về những thông tin này.
Nga hôm nay tố Ukraine tấn công trụ sở của Hạm đội Biển Đen đặt tại thành phố cảng Sevastopol trên bán đảo Crimea, khiến 5 người bị thương.
Tuy nhiên, Sergiy Bratchuk, phát ngôn viên quân khu Odessa của Ukraine, bác bỏ Kiev đứng sau vụ tấn công. "Việc giải phóng Crimea khỏi quân chiếm đóng sẽ được thực hiện theo cách khác và hiệu quả hơn nhiều", ông viết trên Telegram.
Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine từ ngày 24/2 và xung đột hai bên tới nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt dù đã bước sang tháng thứ sáu. Moskva từng tuyên bố mục tiêu chiến dịch là "giải phóng Donbass", song sau đó cho biết sẽ mở rộng ra các khu vực khác ở Ukraine.
Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Volodymyr Havrylov hôm 19/7 nói rằng Kiev đang chuẩn bị cuộc tấn công nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga. Ông Havrylov cũng cho biết Ukraine lên kế hoạch giành lại Crimea thông qua biện pháp ngoại giao hoặc quân sự.
Tổng thống Zelensky cuối ngày 30/7 cho hay hàng trăm nghìn người vẫn ở lại vùng chiến và ra lệnh sơ tán bắt buộc người dân khu vực Donetsk.
"Nhiều người từ chối ra đi nhưng đây vẫn là điều cần phải làm", ông nói trong bài phát biểu thường nhật buổi đêm. "Càng nhiều người rời khỏi khu vực Donetsk, sẽ càng ít người chết vì quân đội Nga".
Truyền thông Ukraine dẫn lời Phó thủ tướng Iryna Vereshchuk cho biết người dân sẽ phải sơ tán trước mùa đông vì nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên trong khu vực đã bị phá hủy.
Đây không phải lần đầu chính quyền Ukraine kêu gọi dân thường sơ tán khỏi các khu vực mà Ukraine kiểm soát ở Donetsk. John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, cho rằng có thể do Kiev dự đoán chiến sự sẽ ác liệt hơn là lo lắng vì thiếu nhiên liệu.
"Tôi không rõ tại sao ông Zelensky tuyên bố lệnh sơ tán", Herbst nói. "Nhưng tôi biết là chiến sự đang diễn ra ở Donetsk. Lực lượng Nga đã chiếm được tỉnh Lugansk kế bên vài tuần trước. Tôi nhận định giao tranh sẽ ác liệt hơn ở Donetsk".
Bộ Quốc phòng Nga hôm nay cho hay đã mời các chuyên gia Liên Hợp Quốc và Hội Chữ thập Đỏ tới điều tra về vụ tấn công trại tù binh ở Yelenovka, Donetsk, được cho là nơi giam các tù binh Ukraine, hồi đầu tuần.
Giới chức Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng và Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc Ukraine dùng pháo phản lực HIMARS tập kích trại tù binh ở Yelenovka. Họ nói rằng vụ tập kích khiến 53 người thiệt mạng, 71 người bị thương, trong đó có cả tù binh Ukraine và quản giáo.
Bộ Quốc phòng Nga cho rằng đây là "hành động khiêu khích trắng trợn nhằm đe dọa các binh sĩ Ukraine và ngăn họ đầu hàng" và thông báo đang điều tra về vụ pháo kích. Giới chức DPR cho biết đã tìm thấy các mảnh đạn pháo phản lực HIMARS tại hiện trường.
Lực lượng Ukraine phủ nhận cáo buộc, tuyên bố "không pháo kích khu dân cư Yelenovka", thậm chí cho rằng Nga "cố ý nã pháo vào trung tâm giam giữ nhằm cáo buộc Ukraine phạm tội ác chiến tranh, cũng như che giấu hành vi tra tấn và hành quyết tù nhân". Kiev đề nghị Tòa Hình sự Quốc tế vào cuộc điều tra.
Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) cùng ngày lên án vụ tấn công và cho biết họ vẫn chưa được phép truy cập địa điểm. ICRC đồng thời nói thêm rằng họ không có nhiệm vụ điều tra công khai các tội ác chiến tranh bị cáo buộc.
Ibrahim Kalin, phát ngôn viên của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết có "khả năng cao" là con tàu đầu tiên chở ngũ cốc của Ukraine có thể rời cảng Odessa vào ngày 1/8.
Động thái này diễn ra bất chấp việc tên lửa của Nga đã bắn trúng thành phố sau thỏa thuận ngũ cốc ký ngày 22/7 giữa Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Liên Hợp Quốc và Ukraine.
"Rất có khả năng con tàu đầu tiên có thể rời đi vào sáng mai nếu mọi thứ được thu xếp xong xuôi vào tối nay", Kalin trả lời phỏng vấn trên truyền hình.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận gần 5.237 dân thường thiệt mạng và hơn 7.035 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 9,9 triệu lượt người rời Ukraine và gần 4 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong hơn 5 tháng xung đột. Cơ quan ghi nhận hơn 6,1 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Nhà Trắng nói ông Biden dương tính lần hai với nCoV và phải quay lại cách ly, giải thích rằng đây là tác động bình thường trước cách điều trị mà ông nhận được.
Kevin O'Connor, bác sĩ của Tổng thống Mỹ, cho biết ông Joe Biden "có kết quả dương tính vào gần trưa 30/7 bằng xét nghiệm kháng nguyên" sau 4 ngày liên tiếp có kết quả âm tính, đồng thời bắt đầu lại quy trình cách ly nghiêm ngặt.
"Thực tế đây là dương tính phục hồi", bác sĩ O'Connor nói, đề cập tình huống bệnh nhân như ông Biden được điều trị bằng Paxlovid đã loại bỏ virus nhưng vẫn có kết quả dương tính sau khi hoàn thành đợt điều trị.
Paxlovid là thuốc kháng virus của Pfizer, được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cấp phép khẩn cấp để điều trị ca Covid-19 từ nhẹ đến trung bình ở những người từ 12 tuổi trở lên có nguy cơ trở nặng cao. Bệnh nhân cần có sự chỉ định của bác sĩ nếu muốn sử dụng thuốc này.
Bác sĩ thêm rằng Tổng thống Biden không xuất hiện lại các triệu chứng và cảm thấy khá khỏe mạnh, khẳng định không cần bắt đầu điều trị lần hai.
"Hôm nay tôi lại dương tính với nCoV. Điều này xảy ra với một số ít người. Tôi không có triệu chứng nhưng vẫn cách ly để đảm bảo an toàn cho mọi người xung quanh. Tôi vẫn làm việc và sẽ trở lại sớm thôi", ông Biden viết.
Nhà Trắng cho biết đã hủy các chuyến đi của ông Biden tới Delaware và Michigan.
Tổng thống Biden lần đầu nhận kết quả dương tính với nCoV vào ngày 21/7 và cách ly trong 5 ngày, trước khi có kết quả âm tính. Là tổng thống Mỹ cao tuổi nhất trong lịch sử, ông Biden sẽ bước sang tuổi 80 vào tháng 11 và sức khỏe của ông luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Tổng thống Mỹ tiêm hai mũi vaccine Pfizer trước khi nhậm chức tháng 1/2021, tiêm mũi nhắc lại đầu tiên vào tháng 9/2021 và mũi nhắc lại thứ hai vào 30/3.
Theo các nhà nghiên cứu, một xác ướp bí ẩn của một phụ nữ Ai Cập cổ đại, người có thể đã mang thai khi chết, cũng có khả năng mắc bệnh ung thư. Các dị dạng trong hộp sọ của xác ướp cho thấy một khối u khá lớn phía sau mắt trái, nhưng cần phải có các xét nghiệm sâu hơn để xác nhận rằng khối u đó là ung thư.
Xác ướp " Quý bà bí ẩn" được đưa vào chụp CT để phân tích
Xác ướp bất thường, được mệnh danh là "Quý bà bí ẩn", có thể đến từ thành phố cổ đại Thebes của Ai Cập (Luxor ngày nay). Nó có niên đại khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên nhưng được tìm thấy trong quan tài của một nam tu sĩ.
Sau khi mở quan tài lần đầu tiên gần đây, các nhà nghiên cứu thuộc Dự án Xác ướp Warsaw ở Ba Lan đã vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện hài cốt của một phụ nữ vô danh bên trong. Họ đã bắt đầu phân tích thi thể để tìm manh mối tại sao cô lại bị phong ấn trong quan tài của người khác.
Vào tháng 4 năm 2021, các nhà nghiên cứu của dự án đã công bố một nghiên cứu tuyên bố rằng ảnh chụp CT của "Quý bà bí ẩn" đã tiết lộ phần còn lại của một bào thai bên trong tử cung và trở thành xác ướp mang thai đầu tiên trên thế giới .
Nhóm nghiên cứu ước tính rằng, người phụ nữ đã chết khi mang thai vào khoảng tuần thứ 28 của thai kỳ. Vào tháng 1 năm 2022, một bài báo tiếp theo của nhóm nghiên cứu Ba Lan đã mô tả cách bào thai được ướp giống như một quả trứng. Tuy nhiên, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi liệu xác ướp có đang mang thai hay không và cho rằng bào thai hóa thạch có thể thực sự được đặt trong cơ thể để thay thế các cơ quan bị loại bỏ trong quá trình ướp xác .
Giờ đây, một nhóm nghiên cứu trong dự án Xác ướp Warsaw đã thông báo rằng, " người đàn bà bí ẩn" này có khả năng bị ung thư vòm họng, ảnh hưởng đến miệng, khoang mũi và khí quản.
Các tuyên bố mới dựa trên những dị tật được tìm thấy trong hộp sọ của xác ướp, nhưng những phát hiện này vẫn chưa được đồng nghiệp xem xét hoặc xác nhận bằng các xét nghiệm hóa học.
Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên biết đến căn bệnh ung thư tiềm ẩn sau khi tái tạo 3D hộp sọ của "Quý bà bí ẩn" gần đây, để lộ một lỗ thủng 7 mm phía sau hốc mắt trái. Khoảng trống bất thường này cho thấy một khối u hoặc tổn thương đã phát triển ở đó và buộc xương xung quanh tách khỏi phần còn lại, Marzena Ożarek-Szilke, nhà khảo cổ học và nhân chủng học tại Đại học Y Warsaw và đồng giám đốc Dự án Xác ướp Warsaw cho biết.
Ngoài ra, lỗ này có thể do u nang để lại hoặc do cribra orbitalia, một tình trạng do thiếu máu hoặc thiếu sắt (thường gặp ở người mang thai), có thể làm thay đổi bề mặt của hốc mắt, Ożarek-Szilke nói . Tuy nhiên, các dị tật nhỏ khác đối với xương trong khoang mũi, xương hàm và xoang khiến ung thư có nhiều khả năng là nguyên nhân nhất.
Nếu những bất thường này thực tế là do ung thư gây ra, thì căn bệnh này có thể đã giết chết " Quý bà bí ẩn".
Ożarek-Szilke nói: "Ung thư có thể là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến cái chết của cô ấy, nhưng thật khó để nói chắc chắn. Cũng có thể cái thai đã đóng vai trò dẫn đến cái chết của người đàn bà này".
Các nhà nghiên cứu rất hào hứng với khám phá tiềm năng vì hiếm khi tìm thấy xác ướp người chết như thế này. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều để tìm hiểu về "Quý bà bí ẩn", chẳng hạn như lý do tại sao cô ấy được tìm thấy trong quan tài nhầm lẫn và cô ấy là ai.
Nga tuyên bố dùng vũ khí chính xác cao tiêu diệt lực lượng thuộc lữ đoàn cận vệ Tổng thống Ukraine và nhiều đơn vị đặc nhiệm.
"Vũ khí chính xác cao phóng từ máy bay đã đánh trúng mục tiêu đêm 28/7, phá hủy đoàn tàu quân sự ở nhà ga Krasnoarmeysk tại địa bàn Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR). Đoàn tàu khi đó đang chở tiểu đoàn tinh nhuệ thuộc Lữ đoàn Cận vệ Tổng thống Ukraine", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho biết hôm 30/7.
Ông khẳng định hơn 140 quân nhân Ukraine đã thiệt mạng và khoảng 250 người bị thương trong đòn tấn công này, trong khi toàn bộ phương tiện thiết giáp trên chuyến tàu bị vô hiệu hóa.
Quân đội Nga cũng tuyên bố dùng tên lửa hành trình Iskander tập kích một cứ điểm của đơn vị đặc nhiệm mang tên Tiểu đoàn Kraken thuộc Vệ binh Quốc gia Ukraine ở tỉnh miền bắc Kharkov, khiến khoảng 30 tay súng theo chủ nghĩa dân tộc thiệt mạng và 10 thiết bị quân sự bị phá hủy.
Bộ Quốc phòng Ukraine chưa bình luận về thông tin.
Giao tranh leo thang ác liệt ở tiền tuyến phía đông và phía nam chiến trường. Quân đội Nga và Ukraine pháo kích liên tục nhiều cứ điểm ở hai bên ranh giới.
Chính quyền tỉnh Kharkov cáo buộc Nga sử dụng tên lửa phòng không S-300 tập kích một trường học vào rạng sáng khiến tòa nhà bị hư hại một phần, nhưng chưa ghi nhận thương vong.
Thị trưởng thành phố miền nam Mykolaiv Oleksandr Sienkevych cho biết ít nhất một người thiệt mạng khi hai quận tập trung đông dân thường bị tấn công bằng pháo phản lực đêm qua.
Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết các đơn vị Ukraine đã tổ chức pháo kích nhà kho và cứ điểm phòng ngự của Nga trong địa bàn tỉnh miền nam Kherson.
Vladimir Leontiev, lãnh đạo chính quyền tỉnh Kherson do Nga hậu thuẫn, cáo buộc Ukraine tập kích đập thủy điện Kakhovskaya. Công trình này có ý nghĩa chiến lược ở mặt trận phía nam Ukraine, do có thể được tận dụng để vượt sông Dnipro.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo một tàu đo đạc của Ukraine trúng thủy lôi và chìm trên phụ lưu sông Danube. Moskva ước tính khoảng 70 tàu nước ngoài, thuộc 16 quốc gia, vẫn bị phong tỏa ở 6 cảng gồm Kherson, Mykolaiv, Chernomorsk, Ochakov, Odessa và Yuzhny.
Quân đội Ukraine bị cáo buộc dùng pháo phản lực HIMARS tấn công một số cơ sở dân sự trong tỉnh đông nam Zaporizhia, khu vực do Nga kiểm soát. Mục tiêu các đợt tập kích của Ukraine thời gian qua là các tuyến đường sắt, trong nỗ lực phá hủy mạng lưới hậu cầu của quân đội Nga và chuẩn bị cho chiến dịch phản công quy mô lớn ở phía nam.
Bộ tư lệnh Tác chiến miền Nam của quân đội Ukraine cho biết hơn 100 lính Nga thiệt mạng và 7 xe tăng bị phá hủy trong các trận giao tranh ở tỉnh Kherson. Hỏa lực nhằm vào các tuyến vận tải chính ở lãnh thổ bị chiếm đóng khiến giao thông qua cầu đường sắt trên sông Dnipro không thể thông suốt.
Yuri Sobolevsky, phó lãnh đạo Hội đồng tỉnh Kherson, yêu cầu cư dân tránh xa các kho đạn của Nga và cho rằng "đây mới là điểm khởi đầu".
Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về thông tin.
Nga và Ukraine tiếp tục đổ lỗi lẫn nhau về vụ pháo kích hôm 29/7 ở trung tâm tạm giam Yelenovka khiến 53 tù binh Ukraine thiệt mạng và gần 100 người bị thương.
Truyền hình quân đội Nga Zvezda công bố hình ảnh trại tù binh ở tỉnh Donetsk cùng nhiều mảnh đạn pháo HIMARS. Phía Nga khẳng định đây là bằng chứng Ukraine đứng sau vụ tập kích.
Trong khi đó, Kiev cáo buộc vụ pháo kích vào trung tâm giam giữ Yelenovka là tội ác chiến tranh và "vụ sát hại tập thể tù binh Ukraine" do Moskva thực hiện.
Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, thông báo cơ quan này sẵn sàng cử nhóm chuyên gia đến hiện trường vụ tập kích để điều tra chân tướng sự việc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh đoàn điều tra cần sự đồng thuận và ủng hộ từ mọi bên liên quan.
Trong báo cáo hàng ngày về diễn biến chiến sự Ukraine, Bộ Quốc phòng Anh nhận định quân đội Ukraine có thể đã đẩy lùi đợt tiến công quy mô nhỏ của Nga ở giới tuyến gần thành phố Donetsk.
Ở mặt trận phía nam, Nga đang đẩy nhanh củng cố năng lực vượt sông. Họ đã hoàn thành hai cầu phao và một hệ thống phà để giải quyết tắc nghẽn vận tải do những cây cầu trong khu vực bị pháo kích. Tình báo Anh đánh giá Nga muốn tổ chức trưng cầu dân ý ở các địa phương đang kiểm soát trong nửa năm còn lại.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) ghi nhận gần 5.237 dân thường thiệt mạng và hơn 7.035 người bị thương kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo hơn 9,9 triệu lượt người rời Ukraine và gần 4 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong hơn 5 tháng xung đột. Cơ quan ghi nhận hơn 6,1 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Công ty xổ số Illinois thông báo một khách hàng tại bang này đã trúng giải độc đắc 1,28 tỷ USD của chương trình Mega Millions.
Dãy số may mắn của chương trình xổ số Mega Millions được công bố đêm 29/7 (sáng nay giờ Hà Nội) là 13-36-45-57-67 và con số quyết định trúng giải độc đắc trị giá 1,28 tỷ USD là 14.
Danh tính người mua chiếc vé có dãy số này chưa được công bố.
Đây là lần thứ ba giải độc đắc vượt 1 tỷ USD và lớn thứ hai trong lịch sử 20 năm của Mega Millions. Giải độc đắc lớn nhất lịch sử Mega Millions là 1,537 tỷ USD cho người chiến thắng ở bang Nam Carolina tháng 10/2018.
Giá trị giải thưởng đạt con số khổng lồ vì từ ngày 15/4 đến ngày 29/7 chưa có khách hàng nào của chương trình Mega Millions trúng đủ 6 chữ số, tương đương 29 lần quay số liên tiếp mà giải độc đắc không tìm ra chủ nhân.
Mega Millions được chơi tại 44 bang, thủ đô Washington và quần đảo Virgin thuộc Mỹ. Người chơi chọn 5 số không trùng nhau từ 1-70 và số thứ sáu (mega ball) chọn từ 1-25. Kết quả được công bố vào thứ ba và thứ sáu hàng tuần. Vé trúng độc đắc cần trùng cả 6 số, xác suất để điều này xảy ra là một trong 302.575.350.
Người trúng giải chỉ được nhận trọn vẹn 1,28 tỷ USD nếu chọn phương án nhận tiền hàng năm trong 29 năm. Phần lớn người trúng độc đắc chọn phương án nhận tiền ngay. Truyền thông Mỹ ước tính phương án này sẽ mang về cho chủ nhân tấm vé độc đắc khoảng 747,2 triệu USD.
Mega Millions năm nay đã trao giải độc đắc 4 lần cho vé trúng thưởng tại các bang California, Minnesota, New York và Tennessee.
Ukraine cáo buộc Nga tập kích hàng loạt thành phố, thị trấn gần tiền tuyến ở hai mặt trận Donbass và Kherson trong đêm.
Quan chức Ukraine cáo buộc Nga sử dụng tên lửa phòng không S-300 để tập kích một trường học ở Kharkov, thành phố lớn thứ hai Ukraine, rạng sáng nay. Lực lượng cứu hỏa địa phương đã được triển khai dập lửa. Tòa nhà bị hư hại một phần. Chính quyền địa phương chưa ghi nhận thương vong trong vụ tập kích.
Tỉnh trưởng tỉnh miền đông Donetsk cũng thông báo một vụ tập kích khiến ít nhất 6 dân thường thiệt mạng và 15 người bị thương.
Trạm xe buýt ở Sloviansk, một trong những mục tiêu chiến lược của Nga trên chiến trường Donetsk, trúng pháo kích sáng nay nhưng không có thương vong.
Tại mặt trận phía nam Ukraine, thị trưởng thành phố Mykolaiv Oleksandr Sienkevych cho biết ít nhất một người thiệt mạng khi hai quận tập trung đông dân thường bị tấn công bằng pháo phản lực vào đêm qua.
Mykolaiv chịu tập kích gần như hàng ngày trong thời gian gần đây. Thành phố nằm cạnh giới tuyến giữa quân đội Ukraine và lực lượng Nga ở tỉnh miền nam Kherson, nơi giao tranh đang leo thang ngày một nghiêm trọng do Ukraine phát động chiến dịch phản công.
Văn phòng Tổng thống Volodymyr Zelensky cùng ngày cho biết các đơn vị quân sự Ukraine đã tổ chức pháo kích nhà kho và cứ điểm phòng ngự của Nga nằm sâu trong địa bàn tỉnh Kherson.
Vladimir Leontiev, lãnh đạo chính quyền Kherson do Nga hậu thuẫn, cáo buộc Ukraine tập kích đập thủy điện Kakhovskaya. Công trình này có ý nghĩa chiến lược ở mặt trận phía nam Ukraine, do có thể được tận dụng để vượt sông Dnipro.
Bộ Quốc phòng Nga thông báo một tàu đo đạc cỡ nhỏ của Ukraine trúng thủy lôi và chìm trên phụ lưu sông Danube. Moskva ước tính khoảng 70 tàu nước ngoài, thuộc 16 quốc gia, vẫn bị phong tỏa ở 6 cảng gồm Kherson, Mykolaiv, Chernomorsk, Ochakov, Odessa và Yuzhny.
Nga cũng cáo buộc Ukraine duy trì pháo kích và rải thủy lôi đã ngăn tàu thuyền di chuyển an toàn ra Biển Đen và biển Azov.
Cộng hòa Cyprus có thể tận dụng các mỏ mới phát hiện để trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn cho châu Âu, song đối mặt nhiều thách thức.
Khi "cuộc chiến khí đốt" với Moskva ngày càng trở nên căng thẳng, nhiều quốc gia châu Âu đang nỗ lực tìm kiếm nguồn cung để thay thế năng lượng Nga. Cơn khát khí đốt của châu Âu đã thu hút sự chú ý của các nhà sản xuất năng lượng truyền thống cũng như mới nổi.
Nhận thấy tiềm năng từ hoạt động xuất khẩu năng lượng, Cộng hòa Cyprus, quốc đảo nhỏ bé ở Địa Trung Hải, đã coi thăm dò khí đốt là một ưu tiên chiến lược. Cyprus trở thành "tân binh" trong lĩnh vực năng lượng sau khi phát hiện mỏ khí đốt Aphrodite ngoài khơi năm 2011, với trữ lượng ước tính khoảng 125 tỷ mét khối.
Hai tập đoàn Chevron và Shell của Mỹ, cùng NewMed Energy của Israel, đang điều hành mỏ Aphrodite và sẽ sớm khoan thăm dò thêm một giếng nữa. Tập đoàn Chevron cũng sẽ trình kế hoạch phát triển mỏ khí đốt này lên chính quyền Cyprus vào cuối năm nay.
Bộ trưởng Năng lượng Cyprus Natasa Pilides hồi đầu tuần cho biết châu Âu là điểm đến hàng đầu cho nguồn khí đốt chưa được khai thác tại mỏ Aphrodite.
"Châu Âu là khách hàng rất tiềm năng với khí đốt của Cyprus, khi EU xác định khí đốt là nhiên liệu trung gian cho quá trình chuyển đổi xanh đến năm 2049", bà Pilides cho biết. "Do đó, các công ty khí đốt có thể yên tâm ký các hợp đồng dài hạn".
Bộ trưởng Pilides cũng lưu ý rằng mục tiêu giảm phụ thuộc năng lượng Nga của EU chắc chắn sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho các nhà cung cấp khí đốt khác.
Aphrodite không phải mỏ khí đốt duy nhất của Cyprus. Năm 2019, tập đoàn ExxonMobil, Mỹ, hợp tác với công ty năng lượng Qatar Petroleum bắt đầu thăm dò mỏ khí Glaucus tại Lô 2 ở ngoài khơi quốc đảo, với trữ lượng ước tính 142-227 tỷ mét khối.
Tập đoàn năng lượng Eni của Italy và TotalEnergies của Pháp hồi đầu năm cũng khoan thăm dò khí đốt ngoài khơi vùng biển này và phát hiện mỏ Calypso với trữ lượng ngang ngửa Glaucus. Tuy nhiên, Cyprus đã gặp nhiều trở ngại trong tham vọng trở thành trung tâm cung cấp khí đốt lớn của châu Âu.
Quá trình phát triển mỏ Aphrodite đã bị trì hoãn do bất đồng về chia sẻ sản lượng giữa các đối tác với chính phủ Cyprus, theo Reuters. Trong khi đó, tập đoàn Exxon không huy động đủ nguồn lực cho kế hoạch khai thác mỏ Glaucus.
"Thị trường trong nước và cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu của Cyprus còn hạn chế. Lượng khí đốt khai thác được cũng không đủ để ExxonMobil và đối tác Qatar Petroleum cung cấp cho nhà máy hóa lỏng khí, vốn là mục tiêu hợp tác giữa họ với Cyprus", Robert Morris, nhà phân tích cấp cao của công ty dữ liệu toàn cầu Wood Mac, cho biết năm 2020.
Nhiều thứ đã thay đổi kể từ đó. Dù cơ sở hạ tầng của Cyprus còn hạn chế, nhu cầu đối với khí đốt trên thị trường quốc tế đã tăng đột biến, đến mức có thể tái định hình bức tranh kinh tế khí đốt của quốc đảo Địa Trung Hải.
Nhưng Cyprus vẫn đối mặt nhiều thách thức ở phía trước. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia ở phía bắc, không hài lòng khi Cyprus khai thác khí đốt ở các khu vực mà Ankara cho là đang tranh chấp. Tranh chấp lãnh thổ kéo dài với Thổ Nhĩ Kỳ vốn là vấn đề "đau đầu" đối với Cyprus.
Cơ sở hạ tầng để xuất khẩu khí đốt tới châu Âu cũng là một bài toán khó. Công ty Energean của Anh đang có ý định xây dựng một đường ống khí đốt từ các mỏ ngoài khơi Israel đến Cyprus, sau đó kết nối với một tàu LNG để hóa lỏng khí đốt khai thác từ cả hai quốc gia này.
Cyprus sẽ mất thêm vài năm mới có thể bắt đầu khai thác khí đốt từ các mỏ mới phát hiện, theo Irana Slay, bình luận viên kỳ cựu của Oilprice về lĩnh vực năng lượng. Khí đốt từ mỏ Aphrodite dự kiến được bán ra thị trường vào năm 2027, trong khi đường ống của Energean có thể được hoàn thành vào năm 2026. Cho đến lúc đó, châu Âu sẽ phải tìm nguồn cung từ nơi khác để thỏa cơn khát khí đốt của mình.
Ngoại trưởng Nga - Mỹ lần đầu điện đàm sau xung đột Ukraine, trong đó Washington thúc giục Moskva chấp thuận đề xuất để phóng thích hai công dân Mỹ.
"Chúng tôi đã có cuộc thảo luận thẳng thắn. Tôi đã thúc giục Điện Kremlin chấp thuận đề xuất quan trọng mà chúng tôi đưa ra về việc về việc phóng thích Paul Whelan và Brittney Griner", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 29/7, đề cập về cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Sergey Lavrov.
Đây là lần đầu tiên Ngoại trưởng Nga - Mỹ điện đàm kể từ khi diễn ra xung đột Ukraine hôm 24/2. Bộ Ngoại giao Nga cùng ngày cũng thông báo về nội dung cuộc điện đàm giữa Ngoại trưởng Lavrov và người đồng cấp Mỹ Blinken.
"Liên quan đến việc có thể trao đổi tù nhân với Mỹ, phía Nga đặc biệt khuyến khích các bên trở lại con đường đối thoại chuyên nghiệp, không suy đoán và không lan truyền thông tin giả dối", Bộ Ngoại giao Nga cho biết.
Cuộc điện đàm giữa hai Ngoại trưởng Blinken và Lavrov diễn ra trong bối cảnh truyền thông rộ tin tức rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể đã đề nghị đổi trùm buôn vũ khí Nga Viktor Bout để hai công dân Mỹ Griner và Whelan được phóng thích.
"Bắt hai con tin người Mỹ trái phép để làm điều kiện trả tự do cho một sát thủ Nga đang bị giam ở nước thứ ba không phải đề nghị nghiêm túc. Đó là nỗ lực thiếu thiện chí để tránh thỏa thuận trên bàn đàm phán", người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Adrienne Watson cho biết.
Sao bóng rổ Mỹ Brittney Griner bị bắt hồi tháng 2 tại sân bay gần Moskva sau khi giới chức phát hiện hành lý của cô có chứa cần sa. Griner đã thừa nhận tội danh liên quan ma túy và có thể đối mặt án tù 10 năm ở Nga.
Whelan, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ, bị bắt ở Moskva hồi tháng 12/2018 vì tội gián điệp, điều ông bác bỏ. Tới tháng 6/2020, Whelan bị kết án 16 năm tù.
Bout, trùm buôn vũ khí Nga được mệnh danh là "kẻ buôn tử thần", năm 2012 bị tòa án Mỹ kết án 25 năm tù vì "âm mưu giết hại người Mỹ, buôn bán vũ khí và hỗ trợ tổ chức khủng bố". Bout nhiều lần bác bỏ mọi cáo buộc và khẳng định ông là một doanh nhân hợp pháp. Trùm buôn vũ khí này đang bị giam ở Đức.
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua dự luật cấm súng trường, trong lúc nước này đối mặt bạo lực súng đạn tràn lan.
Hạ viện Mỹ ngày 29/7 bỏ phiếu thông qua dự luật cấm súng trường tấn công với 217 phiếu thuận và 213 phiếu chống. Dự luật được chuyển lên Thượng viện Mỹ, song có khả năng không được thông qua.
Cải cách kiểm soát súng đạn vẫn gây chia rẽ sâu sắc tại Mỹ, bất chấp các vụ xả súng hàng loạt gây nhiều thương vong. Chỉ hai hạ nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu thuận cho dự luật cấm súng trường.
Tại Thượng viện Mỹ, đảng Dân chủ chỉ giữ 50 ghế và cần phiếu thuận của 10 thượng nghị sĩ Cộng hòa để đưa dự luật lên xem xét.
Quốc hội Mỹ năm 1994 thông qua lệnh cấm có thời hạn 10 năm đối với súng trường tấn công và hộp tiếp đạn cỡ lớn. Tuy nhiên, lệnh cấm này hết hạn năm 2004 và doanh số súng trường tấn công tại Mỹ tăng vọt kể từ đó.
Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi gọi dự luật cấm súng trường tấn công là "bước quan trọng trong cuộc chiến chống lại nạn bạo lực súng đạn chết người ở đất nước chúng ta".
Theo dự luật, hoạt động buôn bán, nhập khẩu, sản xuất và chuyển giao một số loại vũ khí bán tự động sẽ bị cấm. Các loại vũ khí bán tự động này từng được dùng trong những vụ xả súng ở Buffalo, bang New York, Uvalde, bang Texas và Highland Park, bang Illinois.
Hồi tháng 5, một người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng bắn chết 10 người Mỹ gốc Phi tại một siêu thị ở thành phố Buffalo. Cũng trong tháng này, 19 học sinh và hai giáo viên tại một trường tiểu học ở Uvalde bị tay súng 18 tuổi sát hại. Ngày 4/7, một tay súng bắn chết 7 người dự diễu hành tại Highland Park.
Sau vụ thảm sát ở Uvalde, Tổng thống Joe Biden kêu gọi các nghị sĩ Mỹ cấm súng trường tấn công hoặc ít nhất nâng độ tuổi tối thiểu để mua loại vũ khí này từ 18 lên 21. Tuy nhiên, các nghị sĩ Cộng hòa coi hạn chế này đi ngược quyền sở hữu vũ khí theo hiến pháp Mỹ và từ chối thực hiện lời kêu gọi của ông Biden.
"40.000 người Mỹ chết vì vết thương do súng đạn mỗi năm. Súng đạn trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra cái chết cho trẻ em Mỹ". ông Biden cho biết. "Chúng ta biết lệnh cấm vũ khí tấn công và hộp tiếp đạn cỡ lớn sẽ cứu được nhiều mạng người".
Trong báo cáo công bố tuần này, một ủy ban của Hạ viện Mỹ cho biết các hãng sản xuất súng thu được một tỷ USD trong thập kỷ qua khi bán súng trường bán tự động kiểu AR-15.
Hạ nghị sĩ Dân chủ Carolyn Maloney nói ngành công nghiệp súng "làm ngập tràn các khu dân cư, trường học, thậm chí cả nhà thờ lẫn giáo đường Do thái với thứ vũ khí chết người này và trở nên giàu có".
Tuy nhiên, các nghị sĩ đảng Cộng hòa phản bác quan điểm của đồng nghiệp đảng Dân Chủ. "Các hãng sản xuất súng không tạo ra các vụ bạo lực súng đạn, tội phạm làm điều đó", hạ nghị sĩ James Comer nói. "Chúng tôi sẽ tiếp tục bảo vệ quyền lợi của những người sở hữu súng tuân thủ pháp luật, vốn sử dụng, cất giữ và mang theo vũ khí một cách an toàn".
Thay vì lên kế hoạch cho những lễ hội truyền thống, Wolfgang Hubschle giờ có nhiệm vụ tìm cách cắt giảm tối đa năng lượng sử dụng ở Bavaria.
Wolfgang Hubschle, cố vấn kinh tế chính quyền thành phố Augsburg ở bang Bavaria, Đức giờ đây trở thành một trong những người tiên phong trong "cuộc chiến khí đốt" với Nga. Các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt thỏa thuận giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt, do lo ngại Nga sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây.
Không nơi nào nỗi sợ đó lớn hơn ở Đức, nơi tiêu thụ khí đốt Nga lớn nhất châu Âu. Với hơn một nửa nguồn cung đến từ Moskva trước xung đột, khí đốt giá rẻ của Nga là nền tảng cho ngành công nghiệp hùng mạnh của Đức. Giới chức Đức thậm chí từng lên kế hoạch tăng gấp đôi nguồn cung bằng đường ống Nord Stream 2, nhưng dự án đã bị đình chỉ sau khi xung đột Ukraine nổ ra.
Thành phố Augsburg hiện là một trong những nơi đi đầu trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng của Đức. Hubschle tin rằng những nỗ lực của Đức, cũng như nhiều nơi khác trên khắp châu Âu, không chỉ giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn về năng lượng, mà còn có thể ngăn Nga sử dụng khí đốt như một loại vũ khí gây sức ép vào mùa đông.
"Nếu Tổng thống Vladimir Putin nhận thấy có thể làm tổn thương các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, ông ấy sẽ không ngần ngại cắt nguồn cung khí đốt. Nhưng nếu nhận ra ảnh hưởng của nó không quá lớn, ông ấy sẽ chọn tiếp tục bán khí đốt để tăng doanh thu, thay vì cắt nguồn cung", Hubschle nhận định.
Khoảng một nửa hộ gia đình ở Đức được sưởi ấm bằng khí đốt, trong khi ngành công nghiệp tiêu thụ 1/3 nguồn năng lượng này. Nếu mùa đông tới trở nên lạnh hơn, việc nguồn cung khí đốt bị cắt sẽ gây tác động rất nghiêm trọng.
Nhưng thời tiết mùa đông và tính toán của Moskva đều rất khó đoán. Các nhà kinh tế cũng khó có thể đánh giá được liệu nguồn cung khí đốt bị cắt có thể khiến kinh tế Đức đối mặt suy thoái ở mức 3% hay 20%.
Nhưng điều mà Hubschle biết rõ là với giá năng lượng tăng vọt, chi phí của thành phố Augsburg đã tăng 80%, khoảng 11 triệu euro. Giới chức đang cố tìm cách để khiến người dân không phải gánh chịu chi phí này.
Thị trưởng Augsburg Eva Weber thậm chí đã yêu cầu ngừng vận hành hoặc hạn chế giờ hoạt động của nhiều đài phun nước có liên kết với hệ thống quản lý nước 800 năm tuổi của thành phố.
Những sáng kiến này được đưa ra sau nhiều tháng được thúc đẩy bởi Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, người đã thực hiện nhiều bước đi khó khăn đối với một chính trị gia đảng Xanh, như mở lại các nhà máy nhiệt điện và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng cho khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), cũng như ký các hợp đồng mua LNG từ Qatar và Mỹ.
Trong một bài đăng gần đây trên mạng xã hội, ông Habeck đã khuyên người Đức thay đổi thói quen hàng ngày, trong nỗ lực cùng đất nước đạt mục tiêu tiết kiệm 20% năng lượng.
"Nếu bạn nghĩ việc thay đổi vòi sen hay giảm nhiệt độ máy sưởi không tạo ra điều gì khác biệt, bạn đang tự lừa dối chính mình. Đó chỉ là cái cớ để không làm gì cả", ông Habeck nói.
Thủ tướng Olaf Scholz đã cam kết tăng trợ cấp nhà ở và đảm bảo người thuê nhà không bị đuổi vì nợ hóa đơn năng lượng. Tuần này, Munich công bố "khoản thưởng năng lượng" trị giá 100 euro cho các hộ gia đình cắt giảm 20% lượng tiêu thụ hàng năm, trong khi các công ty điện lực phát động cuộc thi tiết kiệm năng lượng cho khách hàng vào mùa thu này.
Hiệp hội Năng lượng và Nước cho biết Đức đang sử dụng khí đốt ít hơn gần 15% so với cùng kỳ năm ngoái, xu hướng mà họ cho là một phần do giá năng lượng tăng kỷ lục. Chi phí sẽ tăng thêm vào đầu tháng 10, khi chính phủ áp dụng chính sách tính phụ phí khí đốt.
Ở nhiều thành phố Đức, quạt sưởi và lò sưởi đốt gỗ đã "cháy hàng", trong khi những người đặt mua hệ thống pin năng lượng mặt trời mini để cung cấp điện cho các thiết bị gia đình sẽ phải chờ khá lâu.
Claudia Kemfert, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức, cho biết những nỗ lực tiết kiệm như vậy rất quan trọng, nhưng lo rằng chính phủ đang quá tập trung vào kêu gọi người dân giảm sử dụng năng lượng, mà không có hành động mạnh mẽ hơn với doanh nghiệp.
Các công ty thường chỉ cắt giảm tiêu thụ khí đốt khi không còn lựa chọn nào khác. Hãng sản xuất ôtô Mercedes-Benz hôm 27/7 cho biết đã giảm 10% lượng khí đốt tiêu thụ và có thể tăng mức tiết kiệm tới 50%, dù vẫn duy trì hoạt động đầy đủ.
Tuy nhiên, các quan chức thành phố Augsburg cho biết họ chưa thể kết luận các biện pháp tiết kiệm năng lượng có thể hiệu quả đến đâu cho đến khi có thêm dữ liệu.
Tại Munich, thủ phủ bang Bavaria ở phía nam và là trung tâm công nghiệp Đức, Phó thị trưởng Katrin Habenschade tỏ ra hoài nghi.
"Thành thật mà nói tôi không tin rằng kết quả cho những nỗ lực tiết kiệm năng lượng sẽ cao như mong đợi. Tôi tin rằng chúng tôi cần có thêm các giải pháp khác", bà nói.
Là Phó thị trưởng chịu trách nhiệm quản lý các vấn đề kinh tế, bà đã giúp thành phố xác định mức cắt giảm tiêu thụ khí đốt với các công ty, nhà máy. Nhiều doanh nghiệp trong thành phố đang cố đưa ra nhiều lý do để không phải cắt giảm sử dụng khí đốt.
Bavaria là bang được đặc biệt quan tâm, bởi có nhiều tập đoàn có vai trò quan trọng với nền công nghiệp Đức, như BMW và Siemens. Tuy nhiên, chính quyền bang không muốn gây nhiều sức ép với các doanh nghiệp để họ cắt giảm tiêu thụ khí đốt và tăng cường chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo.
Bà Habenschade cho rằng sự lưỡng lự này khiến Bavaria đặc biệt dễ tổn thương trong "cuộc chiến khí đốt" với Nga.
Tại thành phố Augsburg và Munich thuộc bang Bavaria, các viên chức chính quyền được yêu cầu đưa ra những sáng kiến mới về tiết kiệm năng lượng. Sau khi một viên chức ở Augsburg chỉ ra hai trung tâm dữ liệu của thành phố là nơi tiêu tốn nhiều năng lượng, chính quyền địa phương đang xem xét liệu có thể cho ngừng hoạt động một cơ sở hay không.
Nhiều lãnh đạo địa phương cũng đang đánh giá lại những hoạt động truyền thống tiêu thụ nhiều năng lượng của Đức như lễ hội bia hay chợ Giáng sinh. Ông Hubschle cho rằng Bavaria nên đóng cửa các nhà máy bia nổi tiếng để ngăn kịch bản ngành công nghiệp hóa chất của họ đối mặt tình trạng thiếu khí đốt.
Rosi Steinberger, nghị sĩ quốc hội vùng Bavaria, đã tắt gần hết đèn trong văn phòng làm việc để cắt giảm tiêu thụ năng lượng. Bà đang tranh luận về việc có nên đề xuất hủy lễ hội bia nổi tiếng Oktoberfest hay không, do quyết định này chắc chắn sẽ hứng chịu làn sóng phẫn nộ của người dân Munich. Lễ hội bia dự kiến được tổ chức lại vào mùa thu năm nay, sau hai năm tạm dừng vì đại dịch.
"Tôi chưa đưa ra đề xuất đó", bà nói với vẻ căng thẳng trên khuôn mặt. "Nhưng khi mọi người nói rằng không nên có vùng cấm trong nỗ lực tiết kiệm năng lượng, hủy lễ hội bia là phương án cần tính tới".
Bang Kentucky hứng đợt mưa lũ được đánh giá là "nghìn năm có một" khiến ít nhất 15 người thiệt mạng, hàng chục người mất tích.
Trận mưa lũ xảy ra ở Kentucky, miền trung nước Mỹ, ngày 28/7 nhấn chìm các khu dân cư ở chân núi Appalachian, khiến nhiều người mắc kẹt hoặc mất tích. Thống đốc Kentucky Andy Beshear ngày 29/7 thông báo ít nhất 15 người, trong đó có trẻ em, thiệt mạng trong trận lũ lụt.
Ông Beshear mô tả đây là "một trong những trận lũ lụt tồi tệ và thảm khốc nhất trong lịch sử bang Kentucky", ước tính hàng chục người có thể thiệt mạng và cho biết lực lượng cứu hộ đang giải cứu những người mắc kẹt trên mái nhà. Khoảng 20-30 người đã được đưa tới nơi an toàn.
Ảnh và video được chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy nhiều ngôi nhà bị ngập nước hoặc tốc mái, ôtô bị cuốn trôi, đường sá và hạ tầng khác hư hỏng nghiêm trọng. Các nhân viên cứu hộ dùng thuyền và trực thăng cố gắng tiếp cận những người mắc kẹt trên mái nhà.
Trước đó hai ngày, một trận mưa lớn trút xuống thị trấn St. Louis ở miền tây bang Kentucky với lượng mưa lên tới 30 cm. Vào lúc cao điểm, lượng mưa tại một số nơi lên tới 12,7 cm mỗi giờ. Cơ quan Thời tiết Quốc gia Mỹ cho biết các trận mưa ở St. Louis và chân dãy Appalachian, phía đông bang Kentucky, là "nghìn năm có một", thuật ngữ được dùng để chỉ những trận mưa lũ chỉ có 0,1% cơ hội xảy ra vào năm bất kỳ.
Lượng mưa cực lớn khiến Văn phòng Dự báo Thời tiết thành phố Jackson, bang Kentucky, ban hành ba cảnh báo khẩn cấp về lũ quét. Thành phố Hazard là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nặng nhất với lượng mưa gần 23 cm trong đêm. Khoảng 25.000 hộ gia đình và cơ sở kinh doanh tại bang Kentucky bị mất điện do thời tiết khắc nghiệt.
Giới chuyên gia nhận định các trận mưa lớn gắn liền với biến đổi khí hậu do con người gây ra gia tăng đáng kể trong vòng 100 năm qua. Đánh giá khí hậu quốc gia của chính phủ Mỹ cho thấy khả năng xảy ra các trận mưa lớn ở khu vực phía đông bang Kentucky cao hơn 20-40% so với những năm 1900.
Các đợt mưa lớn tại Kentucky được dự báo kéo dài tới hết 29/7. Cơ quan Dự báo Thời tiết Quốc gia Mỹ đặt khu vực phía đông bang Kentucky và khu vực phía tây của bang Tây Virginia ở mức ba trong thang cảnh báo 4 bậc về lượng mưa lớn.