Thứ Ba, 26 tháng 7, 2022

Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh khiến Mỹ đau đầu

Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh quan trọng với Mỹ và liên minh phương Tây, nhưng luôn có những hành động đi ngược lợi ích chung của nhóm.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đóng vai trò quan trọng khi cùng Liên Hợp Quốc làm trung gian cho thỏa thuận ngũ cốc giữa Nga và Ukraine, giúp thế giới thoát nguy cơ về một cuộc khủng hoảng lương thực.

Giới chức Mỹ lập tức công khai ca ngợi đóng góp của ông Erdogan, cho rằng nỗ lực của ông "mang lại lợi ích cho toàn thế giới". Dù vậy, những lời tán dương này vẫn không thể che giấu một thực tế rằng Washington từ lâu đã coi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác khá khó chịu, theo bình luận viên Michael Crowley của NY Times.

Ngày 19/7, ông Erdogan tới Tehran gặp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hình ảnh hai đối thủ hàng đầu của Mỹ nhóm họp cùng ông Erdogan, lãnh đạo thành viên NATO, đối lập với câu chuyện của phương Tây rằng Nga và Iran đang bị cô lập, theo giới phân tích.

Tới ngày 22/7, một phát ngôn viên Nhà Trắng nhắc lại lo ngại của Mỹ sau khi ông Erdogan đe dọa mở chiến dịch quân sự mới ở miền bắc Syria, nhắm vào các chiến binh người Kurd được Mỹ hậu thuẫn mà Thổ Nhĩ Kỳ xem là khủng bố.

Tổng thống Biden gần như không thể ngăn chặn những hành động này của ông Erdogan. Thực tế đó phản ánh vị thế đặc biệt của Thổ Nhĩ Kỳ, nước luôn "ngược dòng" với các đồng minh phương Tây. Với quan chức Mỹ, đó là thực tế gây đau đầu.

"Ông Erdogan về cơ bản giống như Joe Manchin của NATO", Elizabeth Shackelford, cựu quan chức ngoại giao Mỹ, nói, đề cập tới nghị sĩ Dân chủ bảo thủ bang Tây Virginia từng nhiều lần cản trở chương trình nghị sự trong nước của ông Biden. "Ông ấy ở trong đội của chúng tôi, nhưng luôn làm những điều không tốt cho đội. Và tôi chưa thấy điều này thay đổi".

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi, Nga hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại cuộc gặp với Tổng thống Vladimir Putin tại Sochi, Nga hồi tháng 9/2021. Ảnh: Reuters.

Nhưng giới chức Mỹ cảnh báo rằng việc gạt ông Erdogan sang bên lề sẽ giống như tự lấy đá ghè chân. Nằm ở nơi giao nhau giữa phương Tây và phương Đông, Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược quan trọng, cho phép ông Erdogan trở thành trung gian cho các cuộc đối thoại khó khăn như cuộc đàm phán thỏa thuận ngũ cốc Ukraine.

Theo một quan chức cấp cao Mỹ, các tuyên bố, hành động cứng rắn của ông Erdogan thời gian qua dường như nhằm hướng sự chú ý của dư luận khỏi các vấn đề trong nước, khi tỷ lệ lạm phát ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng lên gần 80% vào tháng trước.

Các sáng kiến lớn của NATO, như kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên. Ông Biden hồi tháng 5 bày tỏ hy vọng hai nước có thể nhanh chóng được kết nạp để tạo ra "đòn giáng chiến lược" đối với Nga.

Tuy nhiên, ông Erdogan đã lên tiếng phản đối, phàn nàn rằng Thụy Điển và Phần Lan đã hỗ trợ tài chính và chính trị cho đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị Thổ Nhĩ Kỳ liệt vào danh sách khủng bố. Các quan chức Mỹ và NATO lo ngại kế hoạch mở rộng khối có thể sụp đổ và mang lại chiến thắng lớn cho ông Putin, người từ lâu xem NATO là cái gai trong mắt.

Các lãnh đạo NATO đã thở phào nhẹ nhõm khi ông Erdogan đạt thỏa thuận với Thụy Điển và Phần Lan tại hội nghị thượng đỉnh tháng trước, trong đó Helsinki và Stockholm cam kết chống lại các tổ chức khủng bố và tham gia các thỏa thuận dẫn độ với Thổ Nhì Kỳ.

Tổng thống Biden dường như rất vui mừng với bước đột phá này. "Tôi muốn đặc biệt cảm ơn những gì các bạn đã làm để giải quyết vấn đề liên quan tới Thụy Điển và Phần Lan", ông nói với Tổng thống Erdogan.

Tuy nhiên, đầu tuần trước, ông Erdogan tiếp tục gây "đau đầu" cho Mỹ khi cảnh báo có thể đóng băng nỗ lực mở rộng NATO nếu yêu cầu dẫn độ hơn 70 người bị cáo buộc liên quan đến PKK ở Thụy Điển và Phần Lan không được đáp ứng.

Tổng thống Biden cũng nói với Erdogan rằng ông ủng hộ đề nghị bán 40 tiêm kích F-16 Mỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ, cùng mong muốn nâng cấp cho hàng chục chiến đấu cơ mà Ankara đã sở hữu.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn mua F-16 một phần vì chính quyền cựu tổng thống Donald Trump hủy kế hoạch bán tiêm kích F-35 cho Ankara vào năm 2019, sau khi ông Erdogan mua hệ thống tên lửa S-400 của Nga.

Tổng thống Biden phủ nhận ông lấy hợp đồng bán tiêm kích F-16 để đổi lấy sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ với nỗ lực mở rộng NATO. "Không có đổi chác gì ở đây, đó là số tiêm kích chúng tôi nên bán. Nhưng tôi cần sự phê duyệt của quốc hội để có thể thúc đẩy thương vụ và tôi nghĩ chúng tôi có thể đạt được điều đó", ông nói.

Hạ viện Mỹ tháng này thông qua đạo luật ngân sách quân sự sửa đổi, yêu cầu ông Biden xác nhận rằng bất kỳ thương vụ bán máy bay chiến đấu nào đều vì lợi ích quốc gia trọng yếu của Mỹ. Đồng thời, đạo luật yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ không được sử dụng các tiêm kích F-16 mua từ Mỹ để xâm phạm không phận Hy Lạp, một đồng minh NATO đang có tranh chấp lãnh thổ với Ankara trên Biển Aegean.

Nghị sĩ Dân chủ Chris Pappas phản đối thương vụ bán F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn lý do ông Erdogan từng mua hệ thống tên lửa S-400 Nga và Ankara thể hiện lập trường không rõ ràng với xung đột Ukraine. Tổng thống Erdogan cho rằng chiến dịch quân sự của Nga là "không thể chấp nhận được", nhưng không tham gia các lệnh trừng phạt nhắm vào Moskva.

"Đã quá đủ rồi. Thổ Nhĩ Kỳ đã chơi hai mặt trong vấn đề Ukraine. Họ không phải là đồng minh đáng tin cậy mà chúng tôi có thể tin tưởng", ông Pappas nói. "Tôi nghĩ chính quyền Biden cần thể hiện lập trường mạnh mẽ hơn".

Tổng thống Joe Biden (trái) tiến tới bắt tay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị G20 ở Italy hồi tháng 10/2021. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Joe Biden (trái) tiến tới bắt tay Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại hội nghị G20 ở Italy hồi tháng 10/2021. Ảnh: Reuters.

Một khi Nhà Trắng chính thức yêu cầu quốc hội thông qua đề xuất bán tiêm kích F-16 cho Thổ Nhĩ Kỳ, ông Biden sẽ cần sự hỗ trợ của các thành viên có ảnh hưởng khác, những người đã chỉ trích gay gắt ông Erdogan, gồm cả chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Bob Menendez.

Trước đây, ông Menendez từng đặt câu hỏi liệu Thổ Nhĩ Kỳ có thực sự là thành viên NATO hay không. Tại phiên điều trần tháng trước về kết nạp thêm thành viên NATO, ông nói những trở ngại vào phút chót mà Thổ Nhĩ Kỳ gây ra cho quá trình này "chỉ mang lợi thế cho ông Putin".

Thượng nghị sĩ Dân chủ này tháng trước cùng với người đồng cấp Cộng hòa Jim Risch ra một tuyên bố cảnh báo ông Erdogan về quyết định mở chiến dịch quân sự mới ở miền bắc Syria. Tuyên bố này còn có sự tham gia của các nghị sĩ khác như chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Gregory W. Meeks của đảng Dân chủ và người đồng cấp Cộng hòa Michael McCaul.

Trong tuyên bố chung, các nhà lập pháp Mỹ cho biết chiến dịch sẽ gây ra "hậu quả thảm khốc", đe dọa các nỗ lực chống lại tàn dư của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo của Syria.

Một số người cũng cảnh báo về một vòng luẩn quẩn, trong đó Mỹ và các đồng minh NATO nhượng bộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong thương vụ bán tiêm kích F-16 và vấn đề người Kurd, để rồi ông Erdogan tiếp tục nhiều yêu cầu hơn trong tương lai.

"Thương vụ F-16, một phần của chính sách ngoại giao tiêm kích giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, chỉ là phần nổi của tảng băng.", Mark Wallace, người sáng lập Dự án Dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ, nói. "Một đồng minh tốt, ít nhất là một đồng minh NATO tốt, không dùng chiêu tống tiền để đạt được thứ họ muốn vào những thời khắc quan trọng trong lịch sử liên minh".

Thanh Tâm (Theo NY Times)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét