Châu Âu đối mặt nhiều bất đồng nội bộ về lệnh trừng phạt Nga, vốn ngăn họ tăng áp lực lên Moskva và cản trở nỗ lực viện trợ Ukraine.
Liên minh châu Âu (EU) hôm 18/7 tuyên bố loạt lệnh trừng phạt chưa từng có đang "gây đau đớn" với Nga, đáp trả những người chỉ trích cho rằng những biện pháp đó đang gây hệ lụy về kinh tế, xã hội cho khối.
Một trong những người chỉ trích quyết liệt nhất các lệnh trừng phạt của châu Âu là Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người tiếp tục phản đối lệnh cấm vận dầu mỏ Nga được EU thông qua vào tháng trước.
Tại Italy, đảng Phong trào 5 Sao đã tranh cãi quyết liệt với Thủ tướng Mario Draghi về chính sách tăng ủng hộ Ukraine trong cuộc chiến chống lại Nga. Đảng này sau đó từ chối ủng hộ chính phủ, khiến liên minh cầm quyền tan rã và Thủ tướng Draghi ngày 21/7 phải nộp đơn từ chức.
Các quan chức EU cho biết động lực tăng thêm sức ép kinh tế với Moskva đang suy yếu, khi ngày càng có nhiều tranh cãi nổ ra về cái giá mà khối phải trả vì những biện pháp trừng phạt Nga, cũng như tâm lý hoài nghi về việc có nên tiếp tục viện trợ Ukraine khi chiến sự tiếp tục kéo dài hay không.
Sau một cuộc họp của các ngoại trưởng EU, ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của khối, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách châu Âu kiên nhẫn về xung đột Ukraine, đồng thời bảo vệ lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga trước những chỉ trích rằng nó đang đẩy giá năng lượng tăng cao ở châu Âu.
"Tôi chắc chắn rằng Tổng thống Vladimir Putin đang mong các nền dân chủ của chúng ta mệt mỏi", ông Borrell cho hay. "Châu Âu không được phép mệt mỏi. Chính phủ các quốc gia thành viên phải tiếp tục thúc đẩy những biện pháp mà họ đã thực hiện".
Bình luận của ông một lần nữa phản ánh tranh cãi trong nội bộ châu Âu về những hệ quả của xung đột Nga - Ukraine. Cuộc tranh luận đó càng trở nên gay gắt với những biến động chính trị mới tại châu lục, như việc đảng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đánh mất thế đa số tại quốc hội hay việc Thủ tướng Draghi, một "trụ cột của châu Âu", xin từ chức.
Nhìn bề ngoài, mặt trận thống nhất của EU hậu thuẫn Ukraine sắp có thêm động lực, khi các ngoại trưởng của khối về cơ bản đã ủng hộ một khoản viện trợ vũ khí 500 triệu USD cho Ukraine.
EU cũng dự kiến thông qua một gói trừng phạt mới trong tuần này, trong đó cấm nhập khẩu vàng Nga, thắt chặt việc thực thi lệnh trừng phạt và mở rộng danh sách các mặt hàng đa dụng bị cấm xuất khẩu sang Nga.
Tuần trước, EU cũng thông qua khoản vay trị giá một tỷ USD cho Ukraine, khoản đầu tiên trong gói 9 tỷ USD nhằm giúp Kiev thanh toán các dịch vụ tài chính thiết yếu.
Tuy nhiên, ngay cả với những chính sách này, nhiệt huyết của khối trong nỗ lực ủng hộ Ukraine cũng đang dần nguội lạnh, các quan chức EU cho biết. Ngày càng xuất hiện nhiều bất đồng về việc liệu EU có thể huy động thêm bao nhiêu tiền để mua vũ khí hỗ trợ Ukraine.
Tâm lý sẵn sàng xem xét các biện pháp trừng phạt mới của khối dường như cũng giảm đi sau nhiều tuần tranh cãi về lệnh cấm vận dầu mỏ Nga, sẽ có hiệu lực vào cuối năm nay, và những nỗ lực của Hungary nhằm phản đối nó.
Lệnh cấm vận vàng thực tế cũng chỉ là biện pháp mà EU đã đưa ra tại hội nghị của G7 hồi tháng trước.
"Tôi không biết chắc vấn đề nào đang cản trở việc giải ngân tiền cho Ukraine. Nhưng hiện tại, gần một nửa số tiền được chi cho Ukraine là từ Mỹ", Ngoại trưởng Litva Gabrielius Landsbergis cho biết. "Châu Âu thực sự có thể làm nhiều hơn thế".
Tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ cấp dự báo kinh tế cho năm nay và năm 2023, cảnh báo "những cú sốc do xung đột Ukraine đang ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới kinh tế EU, làm tăng trưởng chậm lại và lạm phát cao hơn".
Nga đã cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu trong những tuần gần đây, gây ra lo ngại về tình trạng thiếu năng lượng và kinh tế khó khăn trong mùa đông. Ngân hàng Trung ương châu Âu dự kiến bắt đầu tăng lãi suất trong tuần này khi lạm phát giá tiêu dùng tại khu vực đồng euro tăng kỷ lục.
Một quan chức cấp cao ở Brussels nói rằng nếu trước đây, các biện pháp trừng phạt Nga gần như tự động được thông qua và việc viện trợ cho Kiev được thực hiện ngay lập tức thì hiện nay, EU dường như "đang bước vào một giai đoạn khác".
Trong khi Thủ tướng Hungary Orban tuần trước tuyên bố EU "tự bắn vào phổi" với các lệnh trừng phạt Nga thì hôm 18/7, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã trấn an rằng châu Âu vẫn sẽ duy trì ủng hộ của mình đối với Ukraine, bao gồm cả những điều khoản về vũ khí.
Dù vậy, ông cảnh báo Đức "sẽ cần rất nhiều sức chịu đựng" để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu từ Nga.
Phát biểu trước các ngoại trưởng EU ngày 18/7, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi châu Âu giữ vững lập trường.
"Tôi chắc chắn rằng trong những tuần tới sẽ có nhiều tiếng nói thiên về Nga hơn, khiến dư luận nghiêng về ủng hộ những điều khoản mà Tổng thống Putin muốn, đổi lại ông ấy sẽ để châu Âu được yên", Ngoại trưởng Kuleba nói. "Chúng ta cần chủ động chống lại những tiếng nói đó".
Vũ Hoàng (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét