Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Những 'con la' ma túy trong nhà tù Hong Kong

Zoila Lecarnaque Saavedra tự đóng dấu số phận khi đồng ý chuyển một kiện hàng từ Peru tới Hong Kong, khiến bà ngồi tù hơn 8 năm.

25% tù nhân ở Hong Kong là phụ nữ, phần lớn là người ngoại quốc nghèo khổ bị lừa hoặc cưỡng ép vận chuyển ma túy. Saavedra, 60 tuổi, chờ bị trục xuất sau khi được trả tự do. Bà ngồi trên giường tầng trong phòng trọ chật chội hôm 9/5, kể lại tình cảnh năm 2013 dẫn bà đến con đường lao lý.

Chồng bà, trụ cột gia đình ở Lima, thủ đô Peru, khi đó đã bỏ đi mà Saavedra lại cần phẫu thuật mắt. Tin tức lan truyền khắp khu phố, một phụ nữ tiếp cận Saavedra, đề nghị bà bay tới Hong Kong lấy đồ điện tử miễn thuế về bán lại kiếm lời với tiền công 2.000 USD.

"Họ thường tìm những người đang trong tình trạng kinh tế bấp bênh", Saavedra nói. "Họ săn lùng con mồi khắp nơi và lần này tìm thấy tôi".

Những người như Saavedra được gọi là "con la" ma túy. Họ không liên quan đến các băng nhóm ma túy nhưng được những tổ chức này thuê, cưỡng ép hay lừa vận chuyển chất cấm xuyên biên giới. Các băng nhóm coi đây là cách tìm thế thân để tránh nguy cơ thành viên tổ chức bị bắt.

Zoila Lecarnaque Saavedra đi dạo ở khu Jordan, Hong Kong ngày 9/5. Ảnh: AFP

Zoila Lecarnaque Saavedra đi dạo ở khu Jordan, Hong Kong ngày 9/5. Ảnh: AFP

Người phụ nữ có chiều cao khiêm tốn, gương mặt đầy nét khắc khổ, muốn cảnh báo cho người khác không lâm vào hoàn cảnh như mình. Giọng bà run run khi kể lại khoảnh khắc bị nhân viên hải quan giữ và nhận ra sẽ không được gặp mẹ và con gái trong nhiều năm.

"Tôi nghĩ về tổn thương gây ra cho gia đình, cho con cái, cho mẹ tôi, bởi họ là những người cảm thấy tồi tệ hơn tôi, chính vì thế mà tôi đau lòng", bà vừa khóc vừa nói.

Nhân viên hải quan tìm thấy hai áo khoác bên trong vali của Saavedra chứa đầy bao cao su, bên trong là 500 gram cocain dạng lỏng. Hy vọng được xử nhẹ, Saavedra nhận tội dù khẳng định không hề biết về số cocain và cũng không được trả tiền.

"Chủ mưu thì vẫn tự do, không bị bắt, tôi không rõ tại sao ", bà nói.

Câu chuyện của Saavedra quá quen thuộc trong nhà tù nữ ở Hong Kong. Các nhà hoạt động, tình nguyện viên, luật sư và phạm nhân cho hay những người ngoại quốc vận chuyển ma túy chiếm phần lớn trong số tù nhân nữ. Cơ quan Cải huấn Hong Kong cho biết 37% tù nhân ngoại quốc là nữ nhưng từ chối bình luận nguyên nhân.

Hong Kong, điểm trung chuyển hàng không và hàng hải nhộn nhịp ở châu Á, từ lâu đã trở thành trung tâm toàn cầu cho hoạt động giao thương cả hợp pháp lẫn trái phép.

Trước đại dịch, sân bay Hong Kong là một trong những địa điểm nhộn nhịp, có hệ thống kết nối tốt nhất thế giới. Các băng nhóm ma túy thích sử dụng phụ nữ làm "con la", vì cho rằng họ ít bị cơ quan chức năng chú ý.

Thống kê cho thấy 25% trong số 8.434 người ngồi tù ở Hong Kong năm ngoái là phụ nữ, tỷ lệ cao nhất toàn cầu, theo cơ sở dữ liệu World Prison Brief. Qatar xếp thứ hai với 15%. Chỉ 16 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác có tỷ lệ trên 10%.

Saavedra nói chuyện với cha xứ Wotherspoon trong văn phòng của ông tại khu Jordan ngày 9/5. Ảnh: AFP

Saavedra nói chuyện với cha xứ Wotherspoon trong văn phòng của ông tại khu Jordan ngày 9/5. Ảnh: AFP

John Wotherspoon, 75 tuổi, giáo sĩ trong nhà tù, đã tiếp xúc với phạm nhân buôn lậu ma túy hàng chục năm. Ông cho hay phần lớn "con la" nữ là người nước ngoài dễ bị tổn thương. "Họ thường bị cưỡng ép dưới nhiều hình thức trên phương diện kinh tế, thể chất, tình cảm", ông nói.

Wotherspoon thường xuyên đi lại tới các nước Mỹ Latinh, cố gắng giúp đỡ gia đình những người bị bắt, thậm chí từng đối đầu với nhóm buôn người.

Ông dự rất nhiều vụ xử án ma túy tại tòa án Hong Kong, quyên góp cho người bị kết án, giúp duy trì trang web nêu tên một số kẻ mà ông cho rằng đáng lẽ phải là vào tù, dựa theo lời khai của phạm nhân. "Vấn đề là những kẻ chủ mưu, những con cá lớn, ít được nhắc đến", ông nói.

"Con la" ma túy là mục tiêu dễ dàng với cảnh sát và công tố viên ở Hong Kong, nơi nhận tội sớm có thể giảm 1/3 thời gian ngồi tù. Việc bào chữa rất khó khăn bởi luật ma túy Hong Kong khá khắt khe. Người buôn bán, vận chuyển từ hơn 600 gram cocain có thể phải ngồi tù 20 năm.

Năm 2016, Caterina, công dân Venezuela, bị kết án 25 năm tù sau khi không thuyết phục được bồi thẩm đoàn rằng mình bị ép vận chuyển ma túy. Cô cho hay bị một băng đảng ở Brazil bắt cóc khi tới phỏng vấn tuyển dụng. Caterina bị cưỡng hiếp, gia đình bị đe dọa, tới khi cô đồng ý bay sang Hong Kong.

"Chúng coi tôi như cỏ rác, tôi rất sợ chúng sẽ giết mình", người phụ nữ 36 tuổi đang ngồi tù ở Hong Kong, nói.

Cô mang thai trước khi bị bắt cóc và sinh con trai trong tù. Caterina kháng cáo bất thành.

"Tôi làm việc nhiều năm với những người dễ bị tổn thương nhưng trường hợp của cô ấy khiến tôi luôn trăn trở", Patricia Ho, luật sư giúp Caterina kháng cáo, nói. "Tôi không thể gạt đi suy nghĩ nếu lâm vào hoàn cảnh tương tự, mình cũng hành động giống cô ấy".

Luật sư Ho cho hay một trong những vấn đề lớn nhất đội ngũ bào chữa đối mặt là Hong Kong thừa nhận nạn buôn người nhưng không có luật cấm cụ thể. Điều này nghĩa là công tố viên, thẩm phán, bồi thẩm đoàn hiếm khi cân nhắc phải chăng những người vận chuyển ma túy là nạn nhân buôn người.

"Cô ấy bị ép phải phạm tội bằng hình thức vũ lực hay cưỡng ép, với tôi, điều đó hoàn toàn phù hợp định nghĩa buôn bán người", luật sư Ho nói.

Một số người biết mặt hàng mình sẽ phải vận chuyển nhưng không còn cách nào khác là chấp nhận rủi ro vì hoàn cảnh.

Trang Facebook của Marcia Sousa giống như mọi thanh niên Brazil, đầy ảnh selfie khoe tóc mới tết hay tiệc tùng với bạn bè trên bãi biển. Nhưng 4 năm trước, cô dừng cập nhật. Sousa bị bắt ở sân bay Hong Kong khi mang theo hơn 600 gram cocain lỏng trong áo lót.

Trước tòa, Sousa khai xuất thân trong gia đình nghèo ở miền bắc Brazil, mẹ phải chạy thận, còn cô đang mang thai nhưng bố đứa trẻ đã ruồng bỏ. Sousa sinh con trong tù lúc chờ xét xử.

Trong buổi tuyên án, thẩm phán Audrey Campbell-Moffat cho rằng cô gái 25 tuổi có nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhận tội sớm, hợp tác khai báo, báo cáo của nhà tù cho thấy cô là người mẹ tốt biết chăm sóc con. Công tố viên đề nghị mức án 20 năm tù nhưng thẩm phán đã ấn định mức 10,5 năm.

"Tôi đã cố hết sức để thẩm phán tha thứ. Tôi biết mình phạm tội nhưng tôi làm vì con", Sousa nói vài tuần sau đó. "Tôi đã rất tức giận nhưng sau đó nhận ra thẩm phán đã tuyên án đúng. Bà ấy rất công bằng".

Trong vài năm đầu, Sousa được phép chăm sóc con trai trong tù. Nhưng khi gần ba tuổi, cậu bé được đưa vào trung tâm bảo trợ trẻ em tới khi đủ lớn để về với gia đình ở Brazil.

"Thằng bé khóc suốt, bỏ ăn", Sousa kể lại tình hình vài tuần đầu sau khi hai mẹ con phải chia tay. Bây giờ cô chỉ nghĩ tới chuyện được đoàn tụ với con. "Tôi đang nghĩ về tương lai, tôi muốn chăm sóc con trai".

Nhưng tương lai đó bị đẩy xa hơn khi công tố viên hồi tháng 7 kháng cáo thành công với lý do bản án quá nhẹ. Sousa lĩnh thêm hai năm tù.

Saavedra về tới sân bay ở Lima, thủ đô Peru, ngày 4/6. Ảnh: AFP

Saavedra về tới sân bay ở Lima, thủ đô Peru, ngày 4/6. Ảnh: AFP

Covid-19 tấn công ngành hàng không thế giới khiến số lượng "con la" giảm mạnh. Những kẻ buôn ma túy chuyển sang giao hàng qua bưu điện và chuyển phát nhanh, thông qua tàu container và máy bay chở hàng hóa.

Nhưng khi đại dịch lắng dịu, những "con la" ma túy chắc chắn trở lại, nghĩa là nhiều phụ nữ như Saavedra sẽ bị những kẻ buôn lậu và con nghiện lôi kéo vận chuyển ma túy.

Tháng trước, Saavedra bị trục xuất khỏi Hong Kong. Bà đã mơ tới ngày này suốt nhiều năm. Saavedra tươi cười đẩy hành lý qua sảnh sân bay Lima bắt xe về nhà.

"Tôi khóc vì gần 9 năm rồi tôi mới về nhà", bà nói. "Mẹ tôi, các anh chị em của tôi, con tôi, đang đợi tôi. Cả gia đình đang đợi tôi ở nhà".

Hồng Hạnh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét