Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Căng thẳng Serbia - Kosovo leo thang, NATO sẵn sàng can thiệp

Căng thẳng biên giới leo thang với Serbia khiến cảnh sát Kosovo đóng hai cửa khẩu, trong khi NATO tuyên bố sẵn sàng triển khai lực lượng can thiệp.

Căng thẳng giữa Serbia và Kosovo bắt đầu leo thang sau khi chính phủ của Thủ tướng Kosovo Albin Kurt hôm 31/7 yêu cầu người Serbia sống trong vùng lãnh thổ này phải chuyển đổi sang biển số xe Kosovo trong vòng 60 ngày, bắt đầu từ 1/8.

Quyết định được đưa ra trong bối cảnh khoảng 50.000 người Serbia sống ở phía bắc Kosovo vẫn sử dụng biển số xe và giấy tờ do chính quyền Serbia cấp, dù Kosovo đã tuyên bố độc lập 14 năm trước.

Chính phủ Kosovo cũng quyết định kể từ 1/8, tất cả công dân từ Serbia đến Kosovo phải xin giấy phép nhập cảnh tại biên giới. Thủ tướng Kurti tuyên bố đây là động thái có đi có lại vì Serbia áp dụng quy tắc tương tự cho người Kosovo đến Serbia.

Để phản đối quyết định trên, người biểu tình Serbia sống ở khu vực biên giới đã lái xe tải và các loại máy móc hạng nặng phong tỏa các con đường dẫn đến hai cửa khẩu Jarinje và Bernjak, gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Cảnh sát Kosovo buộc phải đóng hai cửa khẩu này.

"Chúng tôi kêu gọi công dân sử dụng cửa khẩu khác", cảnh sát cho biết trên Facebook, thêm rằng súng đã nổ "về phía các đơn vị cảnh sát nhưng may mắn không ai bị thương".

Lực lượng hiến binh và an ninh chặn đường khi thực hiện các biện pháp an ninh ở Mitrovica, Kosovo ngày 31/7. Ảnh: AFP.

Lực lượng hiến binh và an ninh tại một chốt kiểm soát ở thành phố Mitrovica, phía bắc Kosovo ngày 31/7. Ảnh: AFP.

Cũng theo thông báo của cảnh sát, người biểu tình giận dữ đã đánh đập một số người Kosovo đi qua các con đường bị chặn và một số ôtô bị tấn công. Tiếng còi báo động không kích đã vang lên hơn ba giờ tại thành phố Mitrovica, phía bắc Kosovo, nơi chủ yếu là người Serbia sinh sống.

"Bầu không khí đã sôi sục", Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic cho hay, cảnh báo rằng nước này "sẽ thắng" nếu người Serbia bị tấn công. Trong khi đó, ông Kurti cáo buộc ông Vucic châm ngòi "tình trạng bất ổn".

Một năm trước, khi người Serbia biểu tình vì lý do tương tự, chính phủ Kosovo đã triển khai lực lượng cảnh sát đặc biệt, trong khi Serbia đưa bay máy bay chiến đấu đến gần biên giới.

Lực lượng Kosovo (KFOR), lực lượng gìn giữ hòa bình do NATO dẫn đầu, ra tuyên bố nói rằng tình hình an ninh ở phía bắc Kosovo căng thẳng và "sẵn sàng can thiệp nếu sự ổn định bị đe dọa". Các binh sĩ gìn giữ hòa bình Italy, quốc gia thành viên NATO, đã xuất hiện tại thành phố Mitrovica hôm 31/7.

Theo RT, các binh sĩ KFOR đã được đặt trong tình trạng báo động cao, với một đoàn xe quân sự lớn khoảng 30-40 chiếc tiến về biên giới giữa Kosovo và Serbia. Cảnh sát đặc nhiệm Kosovo cũng đang điều động thiết bị và nhân sự tới khu vực.

"Chúng tôi sẽ thực hiện bất kỳ biện pháp nào cần thiết để giữ môi trường an toàn và an ninh ở Kosovo, phù hợp với nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc", KFOR tuyên bố.

Vị trí Serbia và Kosovo. Đồ họa: Maps.com.

Vị trí Serbia và Kosovo. Đồ họa: Maps.com.

Nga, một trong những nước không công nhận Kosovo, nói rằng chính quyền ở Pristina, thủ phủ Kosovo, cũng như những người ủng hộ EU và Mỹ nên ngăn chặn hành động khiêu khích, tôn trọng quyền của người Serbia ở Kosovo.

Kosovo tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008, nhưng người Serbia chiếm đa số tại khu vực phía bắc không công nhận chính quyền ở Pristina. Họ trung thành về mặt chính trị với Serbia, nước vẫn cung cấp hỗ trợ tài chính cho nhóm dân tộc này.

Phần lớn các nước phương Tây công nhận độc lập của Kosovo, song vùng ly khai chưa được trao ghế tại Liên Hợp Quốc, do Nga và Trung Quốc phản đối.

Sau cuộc gặp với đại sứ Mỹ tại Kosovo Jeffrey Hovenier, chính quyền Pristina cam kết hoãn thực thi quy định mới trong 30 ngày, với mong muốn "tất cả rào cản được dỡ bỏ và tự do đi lại hoàn toàn được thiết lập".

Ủy viên chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ca ngợi quyết định của Pristina và cho biết ông hy vọng "mọi rào cản sẽ được dỡ bỏ ngay lập tức".

Phái bộ gìn giữ hòa bình của NATO duy trì 3.770 nhân viên ở Kosovo. Năm 2013, hai nước cam kết tham gia quá trình đối thoại do EU bảo trợ để tìm cách giải quyết các vấn đề tồn tại, nhưng đạt được rất ít tiến bộ.

Huyền Lê (Theo Reuters, AFP, RT)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét