Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn kêu gọi Indonesia chung tay cùng Việt Nam ứng phó với nguy cơ thế giới khủng hoảng lương thực và giảm rào cản thương mại.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Indonesia, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn hôm 20/7 cùng người đồng cấp Retno Marsudi đồng chủ trì kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam – Indonesia (JCBC-4), theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam và Indonesia cần phối hợp cùng nhau ứng phó với nguy cơ thế giới khủng hoảng lương thực. Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh giới chuyên gia quốc tế nhận định khủng hoảng Ukraine đang làm tắc nghẽn tuyến vận chuyển ngũ cốc, đứt gãy chuỗi cung ứng phân bón, "đổ dầu vào lửa" khủng hoảng lương thực toàn cầu.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cũng đề nghị Indonesia hạn chế áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, sớm ký Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại song phương trong lĩnh vực gạo cho 4 năm tới, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật và tạo thuận lợi để các sản phẩm Halal có xuất xứ Việt Nam được nhập khẩu và tiêu thụ tại thị trường Indonesia.
Nhằm duy trì đà tăng trưởng thương mại hiện nay và theo hướng cân bằng hơn, hướng tới mục tiêu 15 tỷ USD năm 2028, Việt Nam - Indonesia nhất trí thúc đẩy sớm tổ chức kỳ họp lần thứ tám Ủy ban hỗn hợp về thương mại, khoa học, kỹ thuật, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai nước hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu, tìm kiếm cơ hội mở rộng và đa dạng đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực tiềm năng như như ngư nghiệp, thủy sản, xây dựng hạ tầng, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số.
Hai Bộ trưởng cũng nhất trí khuyến khích các hãng hàng không tăng tần suất và xem xét mở thêm các đường bay mới kết nối du lịch hai nước, thúc đẩy hợp tác tăng cường hiểu biết, trao đổi văn hóa, thương mại, du lịch giữa các địa phương hai nước.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tiếp kiến Tổng thống Joko Widodo. Bộ trưởng đề nghị Jakarta tiếp tục phối hợp xử lý hiệu quả các vấn đề phát sinh trên biển.
Việt Nam và Indonesia thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ tháng 6/2013. Thương mại hai chiều năm 2021 đạt 11,5 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2020 và vượt mục tiêu 10 tỷ USD hai bên đã đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 6,9 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2021.
Ngọc Ánh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét