Đêm 14/7, Tổng thống Gotabaya Rajapaksa viết vội đơn từ chức trong khách sạn ở Singapore, chấm dứt "triều đại" đã cầm quyền tại Sri Lanka suốt hai thập kỷ.
Khi đồng hồ vừa điểm qua 20h ngày 14/7, trong sân bay quốc tế Changi của Singapore, hàng chục phóng viên hồi hộp chờ trước cổng ra vào khu vực dành cho hành khách VIP.
Trước đấy gần 45 phút, chuyến bay tư nhân được theo dõi nhiều nhất thế giới trong ngày thuộc Saudia, hãng hàng không quốc gia Arab Saudi, vừa từ thủ đô Male của Maldives đáp xuống đường băng sân bay Changi.
Theo các nhân chứng, bước ra khỏi máy bay, tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa vẫn giữ phong thái nhà binh quen thuộc dù sóng gió bủa vây trong hành trình tháo chạy. Ông bước vào khu VIP của sân bay quốc tế Changi với chiếc áo bomber khoác bên ngoài sơ mi trắng đóng thùng cùng quần khaki và vẫn nói chuyện với giọng rắn rỏi. Tuy nhiên, nét mệt mỏi vẫn hằn rõ trên gương mặt ông, các nhân chứng kể lại.
Đoàn xe ba chiếc phóng nhanh khỏi sân bay. Nhân chứng mô tả đoàn xe gồm một chiếc BMW trắng, một chiếc limousine Mercedes Vito và một chiếc Toyota Alphard màu đen.
Đoàn xe được một ôtô cảnh sát dẫn đường và hai môtô hộ tống thuộc Certis Cisco, công ty dịch vụ an ninh Singapore có vốn nhà nước và chuyên hỗ trợ đón chính khách nước ngoài, đi theo đại lộ East Coast Parkway về một khách sạn ở trung tâm thành phố.
Đó có thể là chuyến hộ tống theo nghi thức cấp cao cuối cùng dành cho Gotabaya Rajapaksa, tổng thống 73 tuổi nhiều tranh cãi của Sri Lanka. Ông trước đó đã trải qua hành trình gần 48 tiếng căng não, với sự hỗ trợ từ không quân, cựu tổng thống Maldives, hãng hàng không quốc gia Arab Saudi và Singapore.
Rajapaksa từng được đa số người dân Sri Lanka xem như anh hùng chiến tranh, khi ông giữ chức bộ trưởng quốc phòng và chấm dứt phong trào ly khai vũ trang kéo dài 1/4 thế kỷ.
Nhưng khi Rajapaksa tham gia chính trị và đắc cử tổng thống năm 2019, Sri Lanka dần lún sâu vào khủng hoảng chính trị lẫn kinh tế nghiêm trọng nhất từ ngày giành được độc lập. Nỗi phẫn uất của người dân Sri Lanka lên đến đỉnh điểm vào hôm 9/7, khi hàng nghìn người biểu tình vượt qua hàng rào an ninh, xông vào tòa nhà đòi Rajapaksa từ chức.
Ông được sơ tán khỏi Phủ Tổng thống ngay trước khi đám đông tràn vào. Trong những ngày tiếp theo, Rajapaksa đã bí mật liên hệ nhiều nơi để xin tị nạn, trong đó có Ấn Độ và Mỹ, nhưng đều thất bại.
Cuối cùng, vợ chồng Rajapaksa cùng hai cận vệ lên chiếc máy bay quân sự An-32 của không quân Sri Lanka chờ sẵn ở sân bay Bandaranaike để tới Maldives vào rạng sáng 13/7. Cựu tổng thống Mahinda, anh trai của Rajapaksa, bị chặn tại sân bay thủ đô Colombo một ngày trước khi em mình trốn thoát sang Maldives.
Rajapaksa sau đó chọn Singapore là điểm đến tiếp theo của mình. Vài tiếng sau khi hạ cánh ở Singapore, từ phòng khách sạn, Rajapaksa viết vội lá thư từ chức gửi Chủ tịch Quốc hội Mahinda Yapa Abeywardena, kết thúc gần ba năm cầm quyền của mình.
Ông chuyển ảnh chụp lá thư qua email tới ông Abeywardena. Lá thư từ chức sau đó được niêm phong và mang tới sân bay Changi, gửi trên chuyến bay đêm của Singapore Airlines về Colombo.
Sáng 15/7, chính quyền Sri Lanka hoàn tất xác thực lá thư và công bố ông Rajapaksa không còn là tổng thống của quốc gia 22 triệu dân. Thủ tướng Ranil Wickremesinghe được chỉ định làm quyền Tổng thống, chấm dứt quá trình nắm quyền liên tục của gia tộc Rajapaksa ở Sri Lanka gần hai thập kỷ qua.
Chính quyền Rajapaksa đã kết thúc, nhưng tương lai giữa ông và đảo quốc Ấn Độ Dương vẫn là câu hỏi để ngỏ. Đây không phải là lần đầu tiên Sri Lanka "chia tay" với gia tộc quyền lực Rajapaksa. Sự nghiệp của Gotabaya Rajapaksa lẫn các thành viên gia tộc ông đã nhiều lần hồi sinh từ bối cảnh chính trị tưởng chừng như không thể quay đầu.
Gotabaya giã từ binh nghiệp, chuyển sang lĩnh vực công nghệ thông tin rồi đến Mỹ định cư vào năm 1998, giữa giai đoạn chính trường Sri Lanka biến động vì tổng thống khi đó là Junius Jayewardene truy tố các chính trị gia đối lập.
Đến năm 2005, khi đang mang quốc tịch Mỹ, ông về nước làm bộ trưởng quốc phòng sau khi anh trai Mahinda Rajapaksa đắc cử tổng thống.
Trong hơn ba năm, ông cùng đồng minh thân cận là tướng Sarath Fonseka, tổng tư lệnh quân đội Sri Lanka, đầu tư mạnh tay cho quốc phòng và theo đuổi chiến lược bàn tay sắt để đánh bại lực lượng ly khai vũ trang "Hổ Tamil". Cuộc nội chiến gây tranh cãi với nhiều cáo buộc về tội ác chiến tranh, nhưng đã giúp Sri Lanka bước sang trang mới khi khép lại cuộc xung đột.
Gia tộc Rajapaksa một lần nữa bị đẩy khỏi chính trường vào năm 2015, khi Mahinda Rajapaksa tái tranh cử bất thành. Chưa đầy ba năm sau, người từng đánh bại họ, tổng thống Maithripala Sirisena, bổ nhiệm Mahinda làm thủ tướng.
Gotabaya Rajapaksa tái xuất ngay sau vụ đánh bom khủng bố liên hoàn vào Lễ Phục sinh năm 2019, từ bỏ quốc tịch Mỹ để tranh cử tổng thống. Giữa lúc người dân lo sợ đất nước rơi trở vào vực thẳm bạo lực như thời nội chiến, cựu bộ trưởng quốc phòng giành chiến thắng với số phiếu áp đảo.
Bởi vậy, giới quan sát cho rằng chính trường Sri Lanka vốn đang lâm vào khủng hoảng khó có thể cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ với gia tộc chính trị quyền lực này.
Quyền Tổng thống Wickremesinghe, ứng viên sáng giá cho cuộc bầu cử sắp tới, được đánh giá là đồng minh thân cận của cựu tổng thống. Kịch bản Gotabaya tìm cách đàm phán với chính phủ kế nhiệm để trở về Sri Lanka và khôi phục chỗ đứng cho gia tộc, sau khi tình hình ổn định và nền kinh tế được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải cứu, vẫn được cho là khả thi ở một mức độ nhất định.
"Với tình trạng chia rẽ chính trị hiện nay, Sri Lanka có thể một lần nữa tìm tới một thành viên gia tộc Rajapaksa, chỉ là người ấy có thể không mang tên Gotabaya", Ravi Vellorr, biên tập viên kỳ cựu về chính trị Nam Á của tờ Straits Times, nhận định.
Thanh Danh (Theo Stars, Straits Times)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét