Cảnh sát Sri Lanka nói phủ tổng thống và nhà riêng của thủ tướng mất hơn 1.000 món đồ, bao gồm cổ vật, sau khi người biểu tình chiếm đóng.
Truyền thông Sri Lanka dẫn nguồn thạo tin cho biết cảnh sát đã thành lập các đội điều tra đặc biệt, bắt đầu tìm kiếm khoảng 1.000 món đồ bị lấy mất khỏi phủ tổng thống và tư gia thủ tướng. Danh mục có một số tác phẩm nghệ thuật hiếm và đồ cổ giá trị.
Người biểu tình ngày 9/7 tràn vào phủ tổng thống Sri Lanka để yêu cầu ông Gotabaya Rajapaksa từ chức. Đêm đó, hàng trăm người tiếp tục vượt qua hàng rào an ninh, tiến vào tư gia thủ tướng trên đường Temple Trees và phóng hỏa.
Hàng trăm người dân thủ đô Colombo ngày 13/7 xông vào Văn phòng Thủ tướng để bày tỏ bất bình. Tòa nhà này sau đó được người biểu tình bàn giao lại cho chính phủ.
Người biểu tình tiếp tục kiểm soát một phần phủ tổng thống dù ông Rajapaksa đã chạy ra nước ngoài hôm 13/7 rồi từ chức một ngày sau đó. Đến rạng sáng 22/7, hàng trăm cảnh sát và quân nhân Sri Lanka được điều động giải tán người biểu tình, giành lại quyền kiểm soát tòa nhà.
Nỗ lực điều tra và thu hồi tài sản bị mất cắp đang gặp trở ngại lớn ở bước kiểm kê. Bộ Khảo cổ Sri Lanka không ghi chép đầy đủ danh sách cổ vật và những món đồ giá trị khác được bài trí trong phủ tổng thống, dù tòa nhà từ lâu được đánh giá là địa điểm bảo tồn di tích quan trọng.
Một quan chức cấp cao thuộc Bộ Khảo cổ Sri Lanka trả lời truyền thông địa phương rằng cơ quan này khó thống kê cụ thể và chính xác số cổ vật thất lạc sau làn sóng biểu tình, bạo loạn vừa qua.
Tân Tổng thống Ranil Wickremesinghe khẳng định ông tôn trọng quyền bày tỏ quan điểm trong hòa bình của người dân. Tuy nhiên, lãnh đạo Sri Lanka nhấn mạnh sẽ không cho phép tái diễn tình trạng người biểu tình quá khích chiếm đóng các tòa nhà công vụ, trong đó có phủ tổng thống và tư gia thủ tướng.
Ông đã trao quyền cho quân đội và cảnh sát dùng mọi biện pháp cần thiết để ngăn người biểu tình xông vào cơ quan công quyền và cản trở quốc hội Sri Lanka.
Đảo quốc Ấn Độ Dương với khoảng 22 triệu dân đang chìm trong khủng hoảng kinh tế lẫn chính trị chưa từng có tiền lệ. Nền kinh tế quốc gia không còn đủ ngoại tệ để nhập khẩu, khiến cả nước thiếu nhiêu liệu cho máy phát điện và giao thông, sản xuất đình trệ, nhu yếu phẩm và thuốc khan hiếm.
Tổng thống Wickremesinghe, người được đánh giá có năng lực về điều hành kinh tế và kinh nghiệm chính trường, đang tìm hướng cải cách nội bộ và đàm phán gói giải cứu từ các tổ chức ngoài nước, trong đó có Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Nhu cầu cấp bách nhất đối với Sri Lanka là viện trợ ngoại tệ để mua nhiên liệu, xoa dịu bức xúc xã hội.
Thanh Danh (Theo NDTV)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét