Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Cán cân sức mạnh Nga - Ukraine sau 6 tháng xung đột

Sau 6 tháng giao tranh, Nga được cho là đang mất dần động lực, trong khi Ukraine ngày càng thể hiện tốt hơn trên chiến trường.

6 tháng sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các dấu hiệu đến nay cho thấy cán cân trên mặt trận quân sự và kinh tế đang dần nghiêng về phía Kiev và các nước phương Tây ủng hộ họ.

Ukraine vẫn gặp khó khăn trước lợi thế hỏa lực của Nga, nhưng với vũ khí phương Tây trong tay, quân đội nước này đang chứng minh được năng lực tác chiến bằng các cuộc tập kích vào những cơ sở hậu cần hay căn cứ quân sự Nga sâu trong hậu cứ.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào trụ sở Hạm đội Biển Đen ở Crimea hồi cuối tuần trước là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy khu vực hậu phương của Nga ngày càng dễ bị tổn thương.

Các binh sĩ Nga tại tại một khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Donetsk hồi tháng ba. Ảnh: Anadolu Agency.

Các binh sĩ Nga tại tại một khu vực do phe ly khai thân Nga kiểm soát ở Donetsk hồi tháng ba. Ảnh: Anadolu Agency.

Động lực ủng hộ Ukraine của Mỹ và hầu hết châu Âu vẫn mạnh mẽ, mặc dù có những lo ngại rằng một cuộc chiến kéo dài và giá năng lượng, lương thực tăng có thể làm suy yếu mặt trận đoàn kết của phương Tây.

Đặc biệt, Mỹ đang gửi cho Ukraine hàng loạt vũ khí tân tiến với số lượng không ngừng gia tăng, như hệ thống pháo phản lực HIMARS.

Mỹ hôm 19/8 công bố khoản hỗ trợ quân sự bổ sung trị giá gần 800 triệu USD cho Ukraine, trong đó có máy bay không người lái, pháo và đạn dược. Gói này lần đầu tiên bao gồm cả thiết bị rà phá bom mìn và phương tiện chiến thuật, cho thấy Mỹ đang trang bị vũ khí cho Ukraine theo những cách mới nhằm giúp họ giành lại lãnh thổ một cách hiệu quả.

Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 24/8 công bố gói viện trợ quân sự ba tỷ USD cho Ukraine, khoản hỗ trợ cao nhất trong 6 tháng chiến sự. Lầu Năm Góc thông báo đợt viện trợ mới sẽ bao gồm 6 hệ thống phòng không tầm trung NASAMS, 24 radar phản pháo, máy bay không người lái (UAV) Puma, hệ thống chống UAV mang tên Vampire và 310.000 viên đạn pháo.

"Quân đội Nga đã mất nhiều động lực và phải tái triển khai lượng quân lớn để đề phòng một cuộc tấn công ở khu vực miền nam Ukraine", Michael Kofman, giám đốc chương trình nghiên cứu Nga tại CNA, tổ chức nghiên cứu quốc phòng, trụ sở ở Arlington, bang Virginia, Mỹ, nhận xét.

Tương lai cuộc xung đột giờ đây phụ thuộc vào việc người Ukraine có thể đạt được những gì.

Hàng chục nghìn binh sĩ hai bên được cho là đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi xung đột nổ ra. Nga thậm chí còn gặp khó khăn hơn Ukraine trong nỗ lực bù đắp tổn thất khi phải dựa vào lực lượng lính đánh thuê, dân quân và cả những chiếc xe tăng cũ nhằm lấp đầy khoảng trống. Một số chuyên gia nhận định nền kinh tế Nga cũng đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái, thậm chí trầm trọng hơn cả các quốc gia phương Tây.

Một số kết quả của cuộc xung đột đã có thể được xác định. Nỗ lực nhằm khôi phục phạm vi ảnh hưởng lịch sử của Nga ở Đông Âu đã thất bại. Cuộc khủng hoảng đã thống nhất gần như toàn bộ châu Âu trên một mặt trận chung nhằm đối đầu với Nga, hồi sinh sức sống cho NATO, liên minh quân sự đã sẵn sàng bổ sung Thụy Điển và Phần Lan trở thành thành viên mới.

Những cáo buộc của phương Tây rằng chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin đang vũ khí hóa năng lượng, thực phẩm và thậm chí mạo hiểm cả an toàn hạt nhân vì chiến dịch quân sự ở Ukraine đang khiến uy tín của Moskva suy giảm trên trường quốc tế.

Trong khi đó, Ukraine đã đạt được chiến thắng chính trị lớn, khẳng định sức mạnh và vị thế quốc gia khi kiên trì chiến đấu trong suốt nửa năm qua, xóa tan đồn đoán rằng họ sẽ sụp đổ nhanh chóng trước đòn tấn công dữ dội từ Nga.

Nhưng kết quả cuối cùng vẫn là ẩn số. Nga vẫn chiếm ưu thế trước Ukraine về hỏa lực, khiến bộ binh Ukraine khó tiến quân trên địa hình trống trải để phản công giành lại những vùng lãnh thổ đã mất. Viện trợ quân sự phương Tây, đặc biệt là từ châu Âu, vẫn còn chậm chạp và thiếu ổn định, theo quan điểm của Kiev. Nhiều nhà hoạch định chính sách phương Tây tiếp tục hoài nghi về khả năng Ukraine có thể đạt được một chiến thắng quân sự quyết định trước Nga.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden ngay từ đầu đã tỏ ra thận trọng, gửi vũ khí theo giai đoạn và chỉ cung cấp hỏa lực tiên tiến hơn sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng cân nhắc kỹ lưỡng, lo ngại rằng chiến sự có thể leo thang ngoài tầm kiểm soát hoặc vũ khí bị thất thoát.

Cách tiếp cận này khiến Mỹ hứng chịu chỉ trích rằng họ đã không hành động đủ nhanh trong giai đoạn đầu cuộc xung đột, dù Washington khẳng định họ đã cố gắng hết sức.

Nền kinh tế bị tổn hại nặng nề của Ukraine đã bắt đầu ổn định trở lại, nhưng chính phủ của họ đang thiếu tiền trầm trọng, một phần do Liên minh châu Âu (EU) không thực hiện những lời hứa hỗ trợ tài chính của mình. Việc in tiền để chi trả cho các rủi ro xung đột đã làm suy yếu đồng tiền Ukraine.

Binh sĩ Ukraine nghỉ ngơi sau một cuộc tập bắn. Ảnh: WSJ.

Binh sĩ Ukraine nghỉ ngơi sau một cuộc tập bắn. Ảnh: WSJ.

Chỉ đến đầu năm 2023, cuộc suy thoái kinh tế bắt nguồn từ chiến sự Nga - Ukraine mới tác động nặng nề nhất tới châu Âu, theo giới phân tích. Mùa đông lạnh giá sẽ giúp xác nhận rằng liệu cuộc đua điên cuồng của họ nhằm chuẩn bị cho tương lai không khí đốt Nga thành công hay thất bại.

Tất cả các bên đều sẽ cảm thấy đau đớn trong một cuộc chiến tiêu hao. Câu hỏi đặt ra là bên nào có thể tồn tại lâu hơn và áp đặt ý chí của mình lên đối phương.

Khi mùa hè kết thúc, Ukraine đang cho thấy khả năng mới khi họ có thể tấn công sâu vào phía sau phòng tuyến của Nga, nhất là ở các khu vực Crimea và Kherson, miền nam Ukraine, hiện do Nga kiểm soát.

Đà tiến công của Nga ở Donbass, miền đông Ukraine, cũng đang dần suy giảm. Moskva đã buộc phải điều động lại lực lượng để củng cố các vị trí phòng thủ dễ bị tổn thương ở miền nam. Tuy nhiên, mục tiêu chiếm lại các vùng lãnh thổ rộng lớn do Nga kiểm soát vẫn là một thách thức đáng gờm đối với binh lính Ukraine.

"Ukraine đã giành được thế chủ động chiến lược. Nhưng chúng ta chưa biết họ có thể làm gì với nó", Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, trụ sở tại Paris, Pháp, nhận xét.

Mykhailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho biết cuộc phản công ở miền nam Ukraine sẽ không phải là một cuộc tấn công trực diện. Thay vào đó, Ukraine sẽ cố gắng lặp lại chiến lược mà họ đã sử dụng để bảo vệ Kiev: Tấn công các cơ sở hậu cần của Nga ở phía sau chiến tuyến, trong đó sử dụng cả chiến thuật du kích, nhằm bào mòn sức mạnh đối phương, buộc họ phải rút lui.

"Người Nga cần đạn dược, nhiên liệu và sở chỉ huy dã chiến gần mặt trận. Khi chúng tôi phá hủy các mục tiêu này, họ sẽ rơi vào tình trạng rối ren, trở thành một đội quân mất tinh thần", Podolyak cho hay. "Chiến thuật này đã phát huy hiệu quả khi bảo vệ Kiev và nó sẽ hiệu quả theo cách tương tự với cuộc phản công ở miền nam".

Podolyak lưu ý Ukraine cần thêm pháo HIMARS và các máy bay không người lái tấn công có thể xuyên thủng hệ thống phòng thủ tác chiến điện tử của Nga.

Các quan chức quốc phòng Mỹ tin rằng trong khi không bên nào giành được lợi thế đáng kể so với đối phương ở giai đoạn giao tranh hiện tại, các cuộc tấn công của Ukraine vào cơ sở hạ tầng Nga nằm sâu phía sau chiến tuyến cho thấy Kiev nghiêm túc với mục tiêu của mình ra sao.

Cuộc xung đột đang bước vào một giai đoạn khác biệt so với hai tháng trước, thời điểm lực lượng Nga có nhiều động lực hơn trong cuộc chiến giành Donbass, một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc tuần trước cho hay. "Chúng ta đang nhìn thấy quân đội Nga thiếu tiến bộ như thế nào trên chiến trường", ông này nói.

Trên mặt trận kinh tế, một nghiên cứu được Đại học Yale, Mỹ, công bố hồi tháng 7, cho thấy tình hình thương mại, ngành công nghiệp và tài chính Nga bi đát hơn so với dự báo từ IMF hay dữ liệu do Nga công bố

"Việc hàng loạt công ty nước ngoài rút khỏi Nga và các biện pháp trừng phạt từ phương Tây đang làm tê liệt nền kinh tế Nga một cách thảm khốc", các tác giả nghiên cứu viết.

Đến nay, triển vọng kinh tế đất nước suy giảm vẫn chưa thể khiến Tổng thống Putin ngừng chiến dịch quân sự. Nhưng mặt khác, chiến lược Nga theo đuổi, sử dụng áp lực kinh tế nhằm chia rẽ ủng hộ chính trị của phương Tây đối với Ukraine phần lớn cũng không hiệu quả, chuyên gia nhận định.

Quyết tâm của ông Putin khiến EU không còn lựa chọn nào khác ngoài tiếp tục hỗ trợ Kiev và trừng phạt Moskva.

Ủng hộ của công chúng đối với Ukraine vẫn duy trì ở mức cao tại châu Âu và Bắc Mỹ. Bất chấp tâm lý chán nản, giận dữ vì lạm phát và hóa đơn năng lượng tăng cao, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người dân châu Âu không đổ lỗi cho Ukraine về những vấn đề này.

Các lời kêu gọi dỡ bỏ trừng phạt vẫn chủ yếu đến từ nhóm các chính trị gia cực tả và cực hữu hoặc những người có lịch sử ủng hộ Nga.

Mỹ đã bơm khoảng 10,6 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ukraine kể từ khi Tổng thống Biden lên nắm quyền. Có rất ít dấu hiệu cho thấy những hành động hỗ trợ Ukraine đang bị phản đối bên trong nước Mỹ.

"Hầu hết người Mỹ đều có thiện cảm với Ukraine và Tổng thống Zelensky đã trở thành anh hùng trong mắt một bộ phận lớn dân số", Larry Sabato, nhà phân tích chính trị tại Đại học Virginia, cho biết. "Nhưng duy trì hỗ trợ ở mức cao như hiện nay có thể trở nên khó khăn hơn nếu cuộc xung đột kéo dài nhiều năm".

Các xe tăng Nga bị phá hủy được trưng bày ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 24/8. Ảnh: AP.

Các xe tăng Nga bị phá hủy được trưng bày ở trung tâm thủ đô Kiev, Ukraine, ngày 24/8. Ảnh: AP.

Một số nhà phân tích dự đoán ủng hộ dành cho Ukraine trong quốc hội Mỹ sẽ suy giảm nếu đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát một hoặc cả hai nghị viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

Nhưng một nghị sĩ Mỹ giấu tên tin rằng phe Cộng hòa sẽ không rút lại ủng hộ đối với Kiev.

"Sẽ có những cuộc bỏ phiếu về Ukraine", ông nói. "Nó sẽ giống như cuộc bỏ phiếu gia nhập NATO cho Phần Lan và Thụy Điển tại Thượng viện. Rất nhiều xáo trộn, nhưng những người Cộng hòa trung thực, trí tuệ biết chuyện gì thực sự đang diễn ra ở Ukraine".

Vũ Hoàng (Theo WSJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét