Thứ Ba, 30 tháng 8, 2022

Nga sau 6 tháng sống dưới lệnh trừng phạt

Sau 6 tháng chịu loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có từ phương Tây, nền kinh tế Nga đối mặt nhiều khó khăn nhưng chưa có dấu hiệu sụp đổ.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã khiến cuộc sống của Alexander, nhân viên bảo tàng nghệ thuật 23 tuổi ở Moskva, trở nên chật vật hơn. Giá cả tăng vọt buộc anh phải cắt giảm chi tiêu và tìm việc làm thêm để thanh toán các hóa đơn. Việc tìm mua một số mặt hàng như đồ nội thất và vật dụng gia đình khác cũng phức tạp hơn trước rất nhiều.

Tuy nhiên, Alexander tin rằng các lệnh trừng phạt sẽ mang lại một số lợi ích bất ngờ cho Nga trong dài hạn. "Chúng tôi bây giờ dường như có nhiều cơ hội hơn và cũng nhận ra rằng nước Nga có khả năng sản xuất hàng hóa cho riêng mình. Điều này có thể mở ra cánh cửa cho một tương lai mới và tích cực", anh nói.

Trong 6 tháng qua, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã thay đổi đáng kể liên kết kinh tế của Nga với thế giới.

Trước đó, dù quan hệ giữa Moskva và phương Tây thường xuyên căng thẳng, mối quan hệ kinh tế giữa hai bên vẫn bền chặt. Những người Nga trung lưu có thể dễ dàng đặt chuyến bay tới châu Âu hoặc mua các sản phẩm tiêu dùng mới nhất, từ điện thoại thông minh tới quần jean. Các hoạt động tài chính cơ bản, như nhận hoặc gửi tiền ra nước ngoài có thể được thực hiện trong vài phút.

Những người bán rau quả tại một con phố ở Izhevsk, Nga hôm 19/8. Ảnh: Reuters.

Những người bán rau quả tại một con phố ở Izhevsk, Nga hôm 19/8. Ảnh: Reuters.

Nhưng hiện tại, điều đó có thể đã kết thúc. Sau khi Moskva quyết định đưa quân vào Ukraine, Mỹ và đồng minh nhanh chóng áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có đối với kinh tế Nga. Phương Tây đã đóng băng gần một nửa dự trữ tài chính Nga, loại Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, cấm tàu và máy bay Nga, hạn chế xuất khẩu một số công nghệ tiên tiến, áp lệnh cấm vận đối với dầu và than Nga.

Hơn 1.200 công ty nước ngoài, trong đó có những tên tuổi như Apple, McDonald's, IKEA, Visa và MasterCard, đã đình chỉ hoặc cắt giảm hoạt động tại Nga kể từ khi xung đột Ukraine bắt đầu, theo Viện Lãnh đạo Điều hành của Đại học Yale.

"Sự ra đi của MasterCard, Visa hầu như không có tác động đến thanh toán trong nước vì ngân hàng trung ương Nga có hệ thống thanh toán thay thế", Andrey Nechaev, cựu bộ trưởng kinh tế Nga, đề cập tới hệ thống thẻ tín dụng Mir và hệ thống xử lý giao dịch riêng mà Nga thiết lập từ năm 2017.

Cho đến nay, loạt lệnh trừng phạt của phương Tây mang lại những kết quả trái chiều. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga đã giảm 4% trong quý II so với cùng kỳ năm ngoái và mức giảm dự kiến tăng lên 7% trong quý III.

Các hạn chế về nguồn cung không chỉ khiến lạm phát lên mức hai con số mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới các nhà sản xuất Nga, khi họ không có đủ linh kiện nhập khẩu để lắp ráp sản phẩm. Nhiều quan chức Nga thừa nhận họ sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn cung thay thế cho linh kiện điện tử cao cấp, lĩnh vực mà phương Tây vẫn chiếm ưu thế.

Tuy nhiên, nền kinh tế Nga vẫn cho thấy khả năng phục hồi tốt hơn nhiều so với dự báo của phương Tây. Mặc dù mất hơn 30% giá trị vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, đồng ruble kể từ đó phục hồi và trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất trong năm. Lạm phát đã giảm dần trong những tháng gần đây, từ mức cao nhất 17,8% hồi tháng 4 xuống 14,9% trong tháng 8.

Cuộc sống ở Moskva không có quá nhiều biến động. Công nhân xây dựng vẫn tiếp tục kế hoạch cải tạo đường phố hàng năm. Nhà hàng, quán bar, quán cà phê ở trung tâm thành phố vẫn khá náo nhiệt. Trung tâm mua sắm chật kín người, dù nhiều cửa hàng của công ty phương Tây đã đóng cửa trong nhiều tháng.

"Mọi người cảm thấy mệt mỏi nếu liên tục phải lo lắng, nên họ đang cố hết sức để trở lại cuộc sống bình thường. Họ có ít tiền hơn trước nhưng không phải là hết tiền", Alexander nói.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã tăng dự báo kinh tế Nga trong năm nay, khi cho rằng GDP của nước này sẽ giảm 6% thay vì 8,5% như dự báo ban đầu. Đó vẫn là một sự sụt giảm đáng kể, nhưng ít thảm khốc hơn, theo giới quan sát.

Anton Tabakh, nhà kinh tế trưởng tại Expert RA ở Moskva, cho biết hai yếu tố thúc đẩy nền kinh tế Nga trong 6 tháng đầu tiên là xuất khẩu hàng hóa, đặc biệt là năng lượng, tăng và tăng chi tiêu chính phủ.

Nga dự kiến thu về hơn 337 tỷ USD từ doanh số bán năng lượng trong năm nay, tăng 38% so với năm 2021. Tuy nhiên, Tabakh lưu ý rằng sự bùng nổ xuất khẩu của Nga có thể đã đạt đỉnh do nhu cầu toàn cầu giảm và các biện pháp cấm vận mới có hiệu lực.

Tabakh cho biết nhập khẩu của Nga đã bắt đầu phục hồi sau khi giảm mạnh vào đầu năm. Động lực đằng sau đà phục hồi này là sự ổn định của đồng ruble và năng lực logistic được cải thiện.

"Câu hỏi quan trọng là nền kinh tế Nga sẽ trải qua cái mà Ngân hàng Trung ương gọi là quá trình chuyển đổi cơ cấu như thế nào", Tabakh nói. "Chúng tôi đang nói về việc người tiêu dùng Nga chuyển sang các sản phẩm mới, sự xuất hiện của chuỗi cung ứng và trung gian tài chính mới, các công ty thích ứng với lệnh trừng phạt mới. Theo ước tính của tôi và Ngân hàng Trung ương, chúng tôi đang trong giai đoạn khó khăn nhất của quá trình này, có thể kéo dài từ 9 tháng đến một năm".

Logo Stars Coffee tại cửa hàng mới khai trương ở Moskva, thủ đô Nga, ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Logo Stars Coffee tại cửa hàng mới khai trương ở Moskva, thủ đô Nga, ngày 19/8. Ảnh: AFP.

Với một số doanh nhân Nga, các lệnh trừng phạt lại mang tới cơ hội.

Nikolai Dunaev, phó chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Opora Russia, nói rằng cuộc thoái lui ồ ạt của những gã khổng lồ đa quốc gia đã giúp các công ty Nga mở rộng thị phần, đặc biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, quần áo, du lịch và xây dựng.

"Nhu cầu tiêu dùng tổng thể giảm, nhưng điều này không quá nghiêm trọng ở Nga vì phần lớn nhu cầu còn lại đã chuyển sang các nhà sản xuất trong nước", ông nói.

Các nền kinh tế ngoài phương Tây đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến lược ứng phó lệnh trừng phạt của Nga. Tăng trưởng sản xuất ở châu Á và Trung Đông những thập kỷ qua đã giúp Nga tìm kiếm giải pháp thay thế cho hầu hết hàng hóa phương Tây.

Đồng thời, Moskva cũng bắt đầu lấp đầy khoảng trống kinh tế thông qua các chương trình nhập khẩu song song, trong đó công ty Nga nhập khẩu hàng hóa mang thương hiệu phương Tây gồm điện thoại thông minh, ôtô và quần áo từ bên thứ ba, sau đó bán lại trên thị trường Nga mà không cần sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.

"Những mặt hàng này sẽ luôn đắt hơn, nhưng chúng giúp giảm bớt tác động từ các lệnh trừng phạt. Việc chúng tôi có những lựa chọn như vậy cho thấy thế giới đã thay đổi nhiều thế nào so với 30 năm trước, khi phương Tây hoàn toàn thống trị", Tabakh nói.

Tuy nhiên, câu hỏi lớn hơn hơn là nền kinh tế Nga có thể trải qua "quá trình chuyển đổi cơ cấu" ở mức độ nào trong dài hạn. Liệu Nga có thể xây dựng thành công nền kinh tế dựa trên nền tảng mới hay phải chịu cảnh suy thoái kinh tế và công nghệ trong nhiều năm?

Chris Devonshire-Ellis, người sáng lập công ty tư vấn đầu tư Dezan Shira & Associates liên châu Á, nhận định có hai yếu tố quan trọng có khả năng có lợi cho Nga.

Đầu tiên, Moskva sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu. "Nga có trữ lượng cao thứ hai và thứ ba toàn cầu về mọi thứ. Từ năng lượng tới kim cương, nước ngọt, đất hiếm và các khoáng chất, đó là một quốc gia cực kỳ giàu có", ông nói.

Bất chấp nỗ lực từ phương Tây, Điện Kremlin khó có thể bị cô lập về địa chính trị, theo Devonshire-Ellis.

"Nga có một số đối tác lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Iran, cùng một số quốc gia có quan hệ ngày càng gắn bó như Arab Saudi, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và nhiều nước châu Phi. Do đó, tôi e rằng Nga sẽ bám trụ được trước các lệnh trừng phạt của phương Tây".

Thanh Tâm (Theo Al Jazeera, CNN)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét