Cuộc đột kích đại bản doanh al-Qaeda ở Afghanistan năm 2001 là chiến dịch lớn và táo bạo nhất của Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) trong gần 60 năm.
Đặc nhiệm Không quân Anh (SAS) được coi là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất trên thế giới. Trong cuộc chiến ở Afghanistan năm 2001, đơn vị A và G thuộc Trung đoàn SAS số 22 đã tiến hành chiến dịch đột kích lớn nhất của Anh từ sau Thế chiến II.
Cuối năm 2001, tình báo Anh phát hiện một cơ sở sản xuất thuốc phiện nằm cách biên giới Afghanistan - Pakistan khoảng 12 km, được sử dụng làm đại bản doanh của nhóm khủng bố al-Qaeda cũng như các tay súng Taliban. Từ các nguồn cấp tin, họ biết khoảng 60-100 tay súng luôn có mặt bảo vệ cơ sở này.
Mỹ lúc đó không muốn điều động binh sĩ tấn công vào cơ sở này, bởi ưu tiên của họ là truy tìm trùm khủng bố Osama Bin Laden. Washington đánh giá không có mục tiêu giá trị cao nào ở trong khu vực.
Thủ tướng Anh khi đó là Tony Blair hoàn toàn ủng hộ SAS thực hiện một cuộc đột kích vào đại bản doanh al-Qaeda, coi đây là cơ hội để thu thập nhiều thông tin tình báo quan trọng và giáng đòn mạnh vào nhóm khủng bố.
Nhiệm vụ được phê duyệt với mật danh Chiến dịch Trent. Không quân Mỹ chỉ có thể điều một số tiêm kích hỗ trợ, bởi nhu cầu yểm trợ hỏa lực trên chiến trường Afghanistan khi đó vẫn rất lớn. Đặc nhiệm SAS cũng phải tác chiến vào ban ngày, trái ngược với phương thức tập kích bí mật trong đêm mà họ thường tiến hành.
Chiến dịch diễn ra khoảng cuối tháng 11/2001. Đêm trước khi tấn công, tổ tác chiến 8 người từ đội G bí mật nhảy dù xuống khu vực tập kết dự kiến để chuẩn bị bãi đáp cho vận tải cơ C-130.
Sau đó, nhóm chủ lực của đội A và G được 6 vận tải cơ C-130 chuyển tới điểm tập kết theo hai đợt. Máy bay không hạ cánh mà chỉ bay sát mặt đất và hạ thang dốc phía đuôi, cho phép lính đặc nhiệm lái xe khỏi khoang hàng và tiếp đất. Quá trình này mất khoảng 30 phút.
Trong quá trình tiếp đất, một chiếc Land Rover bị hỏng động cơ và không thể tham chiến, buộc ba binh sĩ trên xe ở lại canh gác. Những người khác di chuyển trong đêm băng qua quãng đường gần 200 km đến mục tiêu. Sau đó, họ vào vị trí đợi cho đến thời điểm tấn công.
Trước cuộc đột kích, tiêm kích F/A-18 và F-14 của hải quân Mỹ đã tiến hành không kích cơ sở thuốc phiện. 7h sáng, đặc nhiệm SAS điều khiển phương tiện lao đến mục tiêu với tốc độ tối đa. Phát hiện đám bụi mù từ đoàn xe, các tay súng al-Qaeda và Taliban bắt đầu dùng AK và súng chống tăng RPG bắn về phía các đặc nhiệm Anh.
Đội G chế áp đối phương bằng súng máy, tên lửa chống tăng và súng bắn tỉa, trong khi đội A tiếp cận mục tiêu với sự yểm trợ của tiêm kích F/A-18 Mỹ.
Đội A sau đó chia làm nhiều tổ hai người để áp sát mục tiêu, áp dụng chiến thuật một người bắn yểm trợ, một người di chuyển để vô hiệu hóa các tay súng al-Qaeda và Taliban. Nhờ hỏa lực từ tiêm kích và khả năng cơ động liên tục, Đội A mở được đường tiến vào đại bản doanh đối phương.
Họ lục soát tòa nhà chỉ huy và thu thập mọi tài liệu tình báo tại chỗ. Sau hai giờ, cả hai đội đặc nhiệm rút về khu vực tập kết và chờ trực thăng Mỹ đón về căn cứ. 4 lính SAS bị thương trong chiến dịch, nhưng không gặp nguy hiểm tới tính mạng.
Chiến dịch Trent được đánh giá là thành công, khi đội A thu được hai laptop và nhiều tài liệu quan trọng, phục vụ cho những cuộc đột kích trong tương lai ở Afghanistan. Quân đội Anh không tiết lộ thống kê cụ thể, nhưng có nguồn tin cho rằng 73 tay súng al-Qaeda và Taliban đã thiệt mạng trong giao tranh.
Sau chiến dịch, một số binh sĩ thuộc đội A và G được thưởng các huân chương danh giá vì đã góp phần vào thành công của nhiệm vụ.
Duy Sơn (Theo War History)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét