Nhiều tiếng nổ vang lên tại các căn cứ Nga ở Crimea, khi Moskva cáo buộc đây là hoạt động phá hoại, trong khi Kiev không chính thức thừa nhận.
Đám khói đen lớn ngày 16/8 bốc lên trên bầu trời Dzhankoi, một trung tâm đường sắt quan trọng ở phía bắc bán đảo Crimea mà Nga sử dụng để vận chuyển binh sĩ và thiết bị tới Melitopol, miền nam Ukraine. Vài vụ nổ khác cùng ngày đã phá hủy kho đạn và trạm biến áp gần đó, cách chiến tuyến với lực lượng Ukraine khoảng 200 km.
Truyền thông Nga cũng đưa tin về một vụ nổ khác ở sân bay quân sự tại làng Hvardeyskye, cách thủ phủ Simferopol của bán đảo Crimea không xa. Người dân cho biết đã nghe thấy những tiếng nổ lớn.
Ảnh vệ tinh cho thấy căn cứ không quân có một lượng lớn máy bay chiến đấu Sukhoi. Vụ nổ dường như do máy bay không người lái (UAV) gây ra. Một số kênh tin tức Nga cho hay lực lượng phòng không tại căn cứ đã bắn rơi một UAV.
Loạt vụ nổ diễn ra chỉ một tuần sau sự cố tương tự tại căn cứ không quân Saky của Nga ở phía tây Crimea, khiến ít nhất 8 máy bay chiến đấu bị thiêu rụi. Nhiều du khách ở Crimea sau khi chứng kiến vụ nổ đã hoảng loạn bỏ chạy, trong khi hàng dài phương tiện tìm cách thoát qua cầu Kerch để trở về đất liền.
Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố đây là các "hành động phá hoại", nhưng Ukraine đến nay không công khai nhận trách nhiệm thực hiện loạt vụ tấn công. Quân đội Ukraine không sở hữu các loại vũ khí tầm xa đủ sức vươn tới mục tiêu ở Crimea. Pháo HIMARS do Mỹ viện trợ chỉ có tầm bắn hơn 80 km, không thể bắn trúng căn cứ Nga ở bán đảo.
Dù vậy, các quan chức ở Kiev đã úp mở về khả năng các cuộc tập kích Crimea là do lực lượng du kích thực hiện, sau khi họ được cổ vũ bởi những thành công từ các cuộc tập kích bằng pháo HIMARS mà Ukraine thực hiện gần đây, hoặc do những bất đồng nội bộ trong chính quân đội Nga.
Một cựu quan chức cấp cao Ukraine giấu tên xác nhận rằng Ukraine đã cài cắm lực lượng tình báo nằm sâu sau phòng tuyến của Nga. Moskva từng cho rằng bán đảo Crimea nằm ngoài phạm vi tác chiến của Kiev.
Một cuộc phản công mà Kiev tuyên bố từ lâu nhằm giành lại Kherson ở miền nam Ukraine chưa xảy ra. Thay vào đó, loạt vụ nổ trên bán đảo Crimea có thể cho thấy Ukraine đang chú trọng hơn vào các hoạt động sau hậu cứ nhằm gây thiệt hại nghiêm trọng cho tuyến hậu cần của Nga.
Trên mạng xã hội, các trợ lý cấp cao trong chính phủ Ukraine tỏ rõ vui mừng trước thông tin về các vụ nổ ở Crimea. Mykailo Podolyak, cố vấn Tổng thống Volodymyr Zelensky, cho rằng các cuộc tấn công là "lời nhắc nhở" đối với lực lượng Nga trên Crimea, bán đảo mà Kiev cho rằng đã bị Moskva sáp nhập bất hợp pháp vào lãnh thổ.
Bộ Quốc phòng Nga cũng thừa nhận các nhóm vũ trang trung thành với Ukraine đang gây tổn hại đến tuyến hậu cần quân sự và đường tiếp tế trên lãnh thổ mà Moskva kiểm soát tại bán đảo Crimea.
Anh hôm nay cho biết Hạm đội Biển Đen của Nga hiện đang gặp khó khăn trong nỗ lực kiểm soát vùng biển hiệu quả, với các cuộc tuần tra thường chỉ được tiến hành ở vùng biển gần bờ Crimea.
Tại chiến trường miền nam Ukraine, giao tranh tiếp tục diễn ra. Quan chức Ukraine cho biết thành phố Nikopol thuộc tỉnh Dnipropetrovsk, nằm đối diện bên kia sông Dnipro với nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia, đã tiếp tục hứng chịu hỏa lực pháo binh, rocket từ Nga, khiến 4 người bị thương.
Valentyn Reznichenko, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực tỉnh Dnipropetrovsk, cho biết thành phố Nikopol thường xuyên bị bắn phá từ căn cứ của lực lượng Nga ở bờ đối diện sông Dnipro.
Tại Kherson, nơi Nga kiểm soát trong những tuần đầu chiến sự, giới chức Ukraine và phương Tây cho rằng lực lượng của Moskva ngày càng gặp khó khăn khi các cây cầu trọng yếu bắc qua sông Dnipro đã bị phá hủy. Họ thêm rằng Nga đang chuyển các sở chỉ huy từ phía bắc sông Dnipro sang bờ nam.
Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), tổ chức tư vấn ở Mỹ, hôm 14/8 cũng nhận định quân Nga có thể di chuyển sang bên kia sông "để tránh mắc kẹt tại Kherson".
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng nỗ lực tái kiểm soát Kherson của Ukraine sẽ vấp nhiều thách thức, khi Moskva vẫn chiếm ưu thế vượt trội ở khu vực này.
Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (OHCHR) đã ghi nhận 13.212 người thương vong, trong đó hơn 5.514 người thiệt mạng, kể từ khi xung đột nổ ra ở Ukraine hôm 24/2. Con số thực tế có thể cao hơn do tình hình chiến sự gây cản trở quá trình xác minh và thống kê.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) báo cáo gần 10,7 triệu lượt người rời Ukraine và hơn 4,5 triệu lượt người từ nước ngoài vào Ukraine trong gần 6 tháng xung đột. Cơ quan này ghi nhận gần 6,4 triệu người tị nạn Ukraine trên khắp châu Âu.
Thanh Tâm (Theo Guardian, Reuters, CNN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét