Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, nhưng lại tăng cường quan hệ thương mại với Nga để phục vụ lợi ích quốc gia, bất chấp sức ép từ phương Tây.
Trong khối NATO, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan được cho là lãnh đạo gây nhiều tranh cãi nhất về quan điểm với cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Khi chiến sự bùng phát, Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB-2, giúp lực lượng Ukraine có thêm nhiều lựa chọn hơn trên chiến trường, đồng thời đóng cửa eo biển Bosphorus, ngăn không cho hải quân Nga tăng cường lực lượng cho Hạm đội Biển Đen.
Thổ Nhĩ Kỳ còn trở thành bên trung gian để Nga - Ukraine ký thỏa thuận ngũ cốc, giúp Kiev xuất khẩu lượng lương thực khổng lồ bị mắc kẹt do các biện pháp phong tỏa Biển Đen.
Nhưng Tổng thống Erdogan cũng từ chối áp lệnh trừng phạt với Nga bất chấp lời kêu gọi của các nước phương Tây. Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí còn bị cáo buộc "trục lợi chiến tranh", hay "hiệp sĩ đen", thuật ngữ được giới chuyên gia sử dụng để chỉ một quốc gia giúp nước khác né tránh lệnh trừng phạt quốc tế để phục vụ lợi ích riêng của mình.
Thương mại song phương liên tục tăng trong những tháng qua và việc hệ thống ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ áp dụng hệ thống thanh toán của Nga đã làm dấy lên suy đoán rằng Ankara đã nhìn thấy lợi ích khi giúp đỡ Moskva đối phó áp lực trừng phạt của phương Tây, trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang bị lạm phát tàn phá.
"Thổ Nhĩ Kỳ đang thể hiện chính sách ủng hộ Ukraine nhưng không chống lại Nga", Siman Ulgen, chuyên gia cấp cao tại viện chính sách Carnegie Europe, nhận định.
Nhiều nhà ngoại giao phương Tây tỏ ra bất bình về chính sách đối ngoại "giữa lằn ranh" của Ankara. "Không thể ở cùng hai phe trong một cuộc chiến như vậy. Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO!", đặc phái viên giấu tên từ một thành viên của Liên minh châu Âu (EU) phàn nàn.
Nhưng trên thực tế, phương Tây có rất ít lựa chọn để gây sức ép buộc Ankara chọn phe một cách rõ ràng. Mỹ và EU có thể sử dụng những biện pháp rất cứng rắn để đối phó với Thổ Nhĩ Kỳ, song rủi ro là rất lớn. Trong khi đó, phương Tây không muốn Tổng thống Ergogan tiếp tục phủ quyết tiến trình kết nạp Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO.
Hiện Brussels và Washington chỉ có thể đơn giản là theo dõi các động thái của Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Moskva - Ankara tiếp tục đẩy mạnh hợp tác thương mại.
Kim ngạch xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang Nga đã tăng lên 730 triệu USD vào tháng trước, từ 417 triệu USD cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 7, nước này nhập 4,4 tỷ USD hàng hóa từ Nga, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga đã vượt Trung Quốc để trở thành nhà cung cấp dầu mỏ và khí đốt lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếm tới 17% thị phần nhập khẩu vào nước này từ tháng 4-6, so với 10% trong năm ngoái.
Các công ty châu Âu ngần ngại làm ăn với Nga do lo ngại lệnh trừng phạt, ngay cả với những mặt hàng không bị phương Tây cấm vận. Thay vào đó, họ sử dụng Thổ Nhĩ Kỳ như một căn cứ xuất khẩu để bán hàng tới Nga. Dù điều này đặt ra câu hỏi về vấn đề đạo đức, đó không phải là hành vi né tránh lệnh trừng phạt.
Nhưng các hoạt động như vậy ở Thổ Nhĩ Kỳ không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nếu các công ty châu Âu cố tình xuất khẩu hàng hóa bị cấm vận sang Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó chúng được bán lại cho Nga, đó có thể là hành vi né lệnh trừng phạt, theo Jan Dunin-Wasowicz, luật sư tại Hughes Hubbard & Reed, Mỹ.
"Trong khi mọi ánh mắt đổ dồn vào Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ táo bạo và quyết đoán hơn rất nhiều nhằm duy trì thế cân bằng giữa lằn ranh hợp pháp và bất hợp pháp", Maria Shagina, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS), nhận định.
Bên cạnh làn sóng gia tăng thương mại, cũng có những lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang giúp Nga thoát khỏi loạt lệnh cấm vận tài chính của phương Tây. Đầu tháng này, Tổng thống Nga Vladimir Putin và ông Erdogan đã đồng ý thanh toán một số giao dịch bằng đồng ruble.
Năm ngân hàng Thổ Nhĩ Kỳ cũng bắt đầu áp dụng hệ thống thanh toán Mir của Nga. Nhiều nhà tài phiệt Nga cũng được chào đón ở nước này.
Ankara bác bỏ những lo ngại của phương Tây, cho biết dòng chảy hàng hóa mới chỉ đơn giản là phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu giao dịch hoàn toàn hợp pháp, thực hiện bởi khu vực tư nhân.
"Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không trở thành nơi để lách hay trốn tránh các lệnh trừng phạt", một nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói. "Ankara muốn duy trì hoạt động thương mại liên tục với Moskva, song không có bước đi mới đáng chú ý nào".
Song quan chức này cũng thừa nhận Thổ Nhĩ Kỳ đang bước đi trên "lằn ranh mỏng manh" và làm điều đó "một cách cẩn thận".
Theo giới quan sát, tăng cường hợp tác với Nga mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng cho Tổng thống Erdogan, người đối mặt với cuộc bầu cử vào năm tới, trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ trải qua tình trạng lạm phát tăng vọt. Ankara cũng không thể đơn giản cắt quan hệ với Moskva.
"Thổ Nhĩ Kỳ phụ thuộc vào Nga theo nhiều cách khác nhau", Yevgeniya Gaber, chuyên gia cấp cao của tổ chức nghiên cứu Atlantic Council tại Thổ Nhĩ Kỳ, nhận định. Nga cung cấp khoảng 1/4 lượng dầu nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ, gần một nửa nhu cầu khí đốt tự nhiên vào năm 2021. Moskva cũng kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Akkuyu đang xây dựng của nước này.
Tình thế trước bầu cử của Tổng thống Erdogan đang rất khó khăn, khi nền kinh tế lao dốc, ngân hàng trung ương hết ngoại hối và lạm phát lên mức gần 80%. Một cuộc khủng hoảng Ankara - Moskva sẽ "ngay lập tức phản tác dụng và khiến Erdogan gặp rất nhiều rắc rối trước thềm bầu cử", theo chuyên gia Gaber.
Các lợi ích chính trị cũng quan trọng không kém, khi Thổ Nhĩ Kỳ đang cố gắng hướng ra bên ngoài để tìm cách giải quyết các vấn đề trong nước. Quan hệ ngoại giao giữa ông Putin và ông Erdogan đã giúp giải quyết một số xung đột trong khu vực, như tiến trình hòa bình Astana được khởi động năm 2017, hay thỏa thuận xung quanh khu vực Nagorno-Karabakh, điểm nóng tranh chấp giữa Azerbaijan và Armenia suốt 30 năm qua.
Các quốc gia phương Tây đang gây áp lực buộc Ankara tránh đóng vai trò như một bên trung gian giúp Nga lách lệnh trừng phạt. Phương Tây đang cạn dần các biện pháp trừng phạt mới với Moskva, trọng tâm đang được chuyển nhiều hơn sang đảm bảo thực thi các lệnh trừng phạt hiện có.
Peter Stano, phát ngôn viên Ủy ban châu Âu (EC), cho biết điều cấp thiết là Thổ Nhĩ Kỳ "không cung cấp giải pháp lách cấm vận cho Nga", thêm rằng "chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình này".
Francesco Giumelli, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Groningen, Hà Lan, cho rằng thế giới sẽ phải chờ xem EU và NATO sẽ làm ngơ cho hành động "bắt cá hai tay" của Thổ Nhĩ Kỳ tới bao giờ, khi Ankara vừa ký thỏa thuận với ông Putin, vừa duy trì quan hệ gần gũi với Mỹ và tư cách thành viên NATO.
Washington đã có những cảnh báo cứng rắn hơn, khuyến cáo Ankara không nên đi quá xa. Politico dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho biết nếu Thổ Nhĩ Kỳ tham gia quan hệ đối tác kinh tế chính thức với Nga, Washington sẽ xem xét khuyến nghị các công ty phương Tây rút lui hoặc giảm quan hệ kinh tế với Ankara.
Nếu phương Tây có thể chứng minh Ankara đang né các lệnh trừng phạt, Washington cũng có thể cắt Ankara khỏi đồng đôla bằng các lệnh trừng phạt thứ cấp. Nhưng chuyên gia Shagina từ IISS cho rằng phương Tây sẽ không muốn đẩy Thổ Nhĩ Kỳ ra quá xa.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan được cho là cũng nhận thức được việc cần kiềm chế trong mối quan hệ với Nga. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng Ankara nhận thức được "rủi ro của lệnh trừng phạt thứ cấp", nhưng cũng cảnh báo các nước phương Tây không nên phản ứng quá mức, đặc biệt là Mỹ.
"Nếu các công ty Thổ Nhĩ Kỳ bị nhắm mục tiêu, chúng tôi sẽ đáp trả, điều này sẽ không có lợi", quan chức trên khẳng định.
Đức Trung (Theo Politico)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét