Thủ tướng Scholz thăm Canada với hy vọng nước này sẽ giúp Đức giải cơn khát khí đốt, nhưng những gì đạt được không như kỳ vọng.
Đức hy vọng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Canada sẽ giúp Berlin dần giảm phụ thuộc vào khí đốt Nga, Thủ tướng Olaf Scholz ngày 23/8 phát biểu tại diễn đàn kinh tế Đức - Canada ở thành phố Toronto. "Canada là đối tác chúng tôi lựa chọn khi muốn rời xa năng lượng Nga. Điều đó đồng nghĩa chúng tôi cần tăng nhập khẩu LNG. Chúng tôi hy vọng LNG từ Canada sẽ giữ vai trò quan trọng".
Ông Scholz từ ngày 21/8 tới Canada trong chuyến thăm ba ngày, được đánh giá như một "chuyến săn khí đốt" của Thủ tướng Đức. Canada hiện chưa có cảng LNG nào phục vụ xuất khẩu tới châu Âu.
"Canada đang làm phần việc của mình để cung cấp năng lượng cho thế giới", Thủ tướng Canada Justin Trudeau phản hồi, nhưng bày tỏ hoài nghi về tính khả thi của dự án xây cảng xuất LNG do Đức đề xuất, thêm rằng mục tiêu của ông là đưa Ottawa thành nhà cung ứng quan trọng về năng lượng sạch, như hydro.
Các mỏ khí đốt ở Canada hầu hết nằm ở miền tây đất nước. Để xuất khẩu sang châu Âu, Canada sẽ cần một đường ống dẫn khí nối đến bờ đông, ven Đại Tây Dương, và xây thêm cảng LNG tại đây. Những rào cản về môi trường và quy định đang là trở ngại với kế hoạch này. Hồi tháng 5, Canada thông báo đang đàm phán với hai công ty về khả năng thúc đẩy để các dự án LNG có thể bắt đầu hoạt động trong vài năm tới.
Những dự án trên liên quan công ty Repsol, trụ sở Tây Ban Nha, và Pieridae Energy, trụ sở Canada. Repsol có thể cải tạo một cơ sở ở tỉnh New Brunswick, còn Pieridae Energy đề xuất xây cảng LNG ở tỉnh Nova Scotia.
Chính phủ của Thủ tướng Trudeau giờ đây công khai đặt câu hỏi liệu những cảng trên có sinh lời và hoàn thành đủ nhanh để tạo ra khác biệt, giải quyết phần nào khó khăn về nguồn cung khí đốt dài hạn cho châu Âu hay không.
Vài ngày trước khi Thủ tướng Scholz đến, Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên Canada Jonathan Wilkingson nói Ottawa giờ đây cho rằng giải pháp tốt nhất là xuất khẩu hydro, không phải LNG.
Chi phí vận chuyển khí đốt từ bang Alberta, miền tây Canada, sang bờ đông sẽ khá cao. Một đường ống dẫn khí mới cần được xây, trong khi thế giới lại có xu hướng rời xa nhiên liệu hóa thạch, đồng nghĩa thời gian hoạt động của đường ống quá ngắn, không đủ để sinh lời, trừ khi được chuyển đổi thành một cảng hydro khi nhu cầu khí đốt giảm.
"Chúng tôi đang nghiên cứu các vấn đề liên quan, nhưng điều tôi muốn nói là tại bờ đông, cơ hội lớn nằm ở hydro", ông Wilkinson nói.
Thủ tướng Trudeau nhắc lại thông điệp này một lần nữa, khi họp báo chung với người đồng cấp Đức Scholz ở thành phố Montreal hôm 22/8. Các công ty Canada đang nghiên cứu "xem việc xuất khẩu LNG có hợp lý hay không và đã có kịch bản kinh doanh nào để Ottawa bán LNG trực tiếp cho châu Âu chưa", ông nói.
Đức muốn dừng phụ thuộc khí đốt Nga vào năm 2024. Và ít nhất cũng phải đến năm 2024 thì các cảng LNG, nếu xây ở bờ đông Canada, mới có thể đi vào hoạt động, đồng thời cần nâng công suất đường ống để vận chuyển thêm khí đốt từ miền tây Canada.
Các dự án xây đường ống mới ở Canada và Mỹ đều rất khó khăn, do điều kiện môi trường khắc nghiệt và các trở ngại về quy định. Dự án đường ống dẫn dầu Energy East và Keystone XL của công ty năng lượng Canada TC Energy đều đã phải hủy bỏ sau nhiều năm trì hoãn.
Một phần mạng lưới đường ống khí đốt ở Canada hiện tại, do TC Energy và Enbridge vận hành, chạy qua vùng đông bắc Mỹ để sang bờ đông. Phần đường ống của TC Energy đã hoạt động hết công suất.
"Cần phải mở rộng đường ống ở vùng New England, nhưng đó không phải nơi có điều kiện môi trường thuận lợi để làm vậy", Dulles Wang, nhà phân tích tại công ty tư vấn Wood Mackenzie, nói, nhắc đến khu vực đông bắc Mỹ gồm các bang Maine, Vermont, New Hampshire, Massachusetts, Rhode Island và Connecticut.
TC Energy cho biết trong một thông báo rằng mọi dự án đường ống đều cần nhận được sự ủng hộ lớn từ các cộng đồng bản địa. Enbridge thông báo sẽ tập trung vào các dự án LNG đang triển khai ở vùng duyên hải vịnh Mexico thuộc Mỹ và bờ tây Canada.
Trong cuộc trao đổi hồi tháng 7, Josu Jon Imaz, giám đốc điều hành Repsol, nói công ty sẽ cần một bên mua cam kết bao tiêu khí đốt trong 15-20 năm, hạ tầng đường ống mới cùng thỏa thuận thu phí để đưa khí đốt từ miền tây Canada đến bờ Đại Tây Dương.
Biến đổi khí hậu cũng là yếu tố khó lường trong nỗ lực săn khí đốt của Đức. Berline cam kết trung hòa carbon vào năm 2045, nên một số nhà phân tích cảnh báo các cảng LNG mới sẽ trở thành "tài sản bị mắc kẹt" do những mục tiêu chống biến đổi khí hậu này. Ottawa cũng muốn chắc chắn mọi dự án mới phải phù hợp với mục tiêu của Ottawa là không phát thải vào năm 2050, Keean Nembhard, thư ký báo chí của ông Wilkinson, lưu ý.
"Đây không phải một trò chơi dễ dàng, có rất nhiều khó khăn sẽ ập đến", Imaz nói.
Thủ tướng Trudeau để ngỏ khả năng xây thêm cảng LNG ven Thái Bình Dương ở bang British Columbia, nói điều này sẽ khả thi nếu có một kịch bản kinh doanh phù hợp. British Columbia có hai dự án cảng LNG đang được triển khai, dự kiến đi vào hoạt động năm 2025 và 2027.
Theo ông Trudeau, thay vì chuyển LNG đến châu Âu, Canada đang thúc đẩy cung cấp khí đốt cho châu Á, khu vực cũng đang "khát năng lượng". Điều này đồng nghĩa những nhà cung ứng khác như Qatar sẽ có thêm không gian để chuyển khí đốt cho Đức cũng như phần còn lại của châu Âu.
Canada rất muốn hỗ trợ châu Âu về năng lượng, thư ký báo chí Nembhard bổ sung, nhưng "trách nhiệm đưa ra một kịch bản kinh doanh hợp lý để triển khai các dự án đề xuất vẫn nằm ở phía doanh nghiệp".
Ứng phó biến đổi khí hậu là một nền tảng trong chiến dịch tranh cử của ông Trudeau năm ngoái, nhưng khí đốt và dầu vẫn chiếm khoảng 5% GDP của Canada và nước này là nơi có một số mỏ nhiên liệu hóa thạch với trữ lượng hàng đầu thế giới.
"Nội bộ chính phủ Canada cũng bất đồng giữa tập trung vào phi carbon hóa và ủng hộ thêm một dự án nhiên liệu hóa thạch. Đó chính là vấn đề", một nguồn tin hiểu rõ quá trình thảo luận về phát triển cảng LNG ở bờ đông Canada nói.
Canada đang hỗ trợ tư nhân trong các cuộc đàm phán về phát triển cảng LNG ven Đại Tây Dương, nguồn thạo tin thứ hai nói. Một số công ty năng lượng của Đức đã quan tâm đến các hợp đồng bao tiêu khí đốt với đối tác Canada, nhưng những gì ông Scholz đạt được trong chuyến thăm không như kỳ vọng.
Đức đang chạy đua tìm nguồn cung thay thế để đảm bảo đủ năng lượng cho mùa đông sắp tới, trong bối cảnh lưu lượng khí đốt qua Nord Stream 1, đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, chỉ còn 20% công suất. Hãng khí đốt Nga Gazprom ngày 19/8 thông báo dừng đường ống trong ba ngày từ cuối tháng này để bảo dưỡng.
Trong chuyến thăm của ông Scholz, Canada và Đức còn thiết lập liên minh hydro, đặt mục tiêu bắt đầu vận chuyển hydro xuyên Đại Tây Dương sớm nhất từ năm 2025. Động thái nhận được sự ủng hộ từ các nhóm hoạt động vì môi trường.
"Liên minh này cùng các thỏa thuận liên quan phát đi thông điệp đây là một cách khả thi và đáng kỳ vọng để Đức đạt an ninh năng lượng", Caroline Brouillette từ Mạng lưới Hành động Khí hậu Canada, liên minh gồm khoảng 100 tổ chức vì môi trường, nói với Al Jazeera. "Cách đó chính là tăng tốc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo".
Như Tâm (Theo Reuters, Globe and Mail, Al Jazeera)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét