Thứ Sáu, 26 tháng 8, 2022

Tính toán của ông Trump trong cuộc đấu với Bộ Tư pháp Mỹ

Ông Trump liên tục đòi Bộ Tư pháp Mỹ công khai toàn bộ tờ trình xin lệnh khám xét dinh thực Mar-a-Lago, dường như nhằm hạ uy tín của cơ quan điều tra.

Thẩm phán Tòa án quận Nam Florida Bruce Reinhart ngày 25/8 yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ công khai tờ trình mà Cục Điều tra Liên bang (FBI) nộp lên để xin lệnh khám xét Mar-a-Lago, tư dinh của cựu tổng thống Donald Trump ở bang Florida.

Reinhart cũng là người gần một tháng trước duyệt lệnh khám xét cho FBI, dẫn đến vụ thu giữ hàng chục thùng tài liệu ở Mar-a-Lago, khiến ông Trump có thể đối mặt nhiều cáo buộc, trong đó có vi phạm hình sự về quản lý thông tin mật và vi phạm Đạo luật Gián điệp.

Cựu tổng thống Trump cùng các đồng minh đảng Cộng hòa trong nhiều ngày qua đã gây sức ép lên các cơ quan tư pháp, đòi công bố toàn văn tờ trình của điều tra viên FBI dẫn đến cuộc khám xét hôm 9/8. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ không muốn tiết lộ hoàn toàn tài liệu này vì hai mối lo: cản trở điều tra và đe dọa nhân chứng.

Nhân viên Mật vụ Mỹ bên ngoài dinh thự Mar-A-Lago của cựu tổng thống Trump ở Palm Beach, Florida, hôm 9/8. Ảnh: AFP.

Nhân viên Mật vụ Mỹ bên ngoài dinh thự Mar-A-Lago của cựu tổng thống Trump ở Palm Beach, Florida, hôm 9/8. Ảnh: AFP.

Phía ông Trump cho rằng bước đi này sẽ củng cố lập luận ông bị điều tra vô cớ và đây là chiến dịch mang động cơ chính trị nhắm vào đảng Cộng hòa trước thềm bầu cử quốc hội giữa kỳ, cũng như cản trở cơ hội tái tranh cử của cựu tổng thống trong hai năm tới.

Giới chuyên gia nhận định tờ trình vụ án khi được Bộ Tư pháp Mỹ công khai với phiên bản được kiểm duyệt một phần nội dung sẽ đặt ông Trump vào tình thế bất lợi.

Luật sư Neal Katyal, cựu luật sư trưởng cho Nhà Trắng thời Barack Obama và từng tranh tụng nhiều vụ kiện ở Tòa án Tối cao Mỹ, nhận định "Bộ Tư pháp đã thắng" trong cuộc đấu trí lần này. Tờ trình được kiểm duyệt sẽ công khai các tình tiết có thể tác động nghiêm trọng đến ông Trump, cho thấy ông xem thường cơ quan công quyền, đồng thời không tiết lộ những manh mối mới để đội ngũ của cựu tổng thống phòng thủ hoặc mở thêm mũi tấn công pháp lý.

"Phần nội dung không bị kiểm duyệt sẽ hé lộ nhiều thông tin chấn động về Donald Trump. Tôi đoán tờ trình sẽ liệt kê những nỗ lực từ Bộ Tư pháp và FBI suốt thời gian qua nhằm thuyết phục thu hồi tài liệu ở Mar-a-Lago, đồng thời cho thấy cựu tổng thống Trump đã bỏ ngoài tai các đề nghị này ra sao", Katyal trả lời phỏng vấn trên đài MSNBC.

"Những lập luận trong tờ trình sẽ cho thấy hành động của Bộ trưởng Tư pháp Merrick Garland. Ông ấy chỉ làm đúng quy định, nhưng ông ấy đang thắng đúng luật", cựu luật sư Nhà Trắng đánh giá.

Bộ Tư pháp Mỹ chưa bình luận liệu họ muốn kháng cáo quyết định của Thẩm phán Reinhart, hay tờ trình sắp được công bố sẽ bị kiểm duyệt đến mức nào.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bên ngoài Tháp Trump ở thành phố New York ngày 10/8. Ảnh: AFP.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump bên ngoài Tháp Trump ở thành phố New York ngày 10/8. Ảnh: AFP.

Trong khi đó, Lindsey Halligan, luật sư của Trump, nói thân chủ của bà chỉ chấp nhận đọc tờ trình không kiểm duyệt, bằng không sẽ kết luận cơ quan công quyền thiếu minh bạch và đối xử bất công. "Chúng tôi muốn tự đọc hết tờ trình ấy. Họ không chia sẻ thông tin vì muốn kiểm soát dòng chảy thông tin. Đó là bước đi đầu tiên đến cường quyền", Halligan cáo buộc.

Taylor Budowich, người phát ngôn cho Trump, hôm 18/8 lập luận yêu cầu công khai tài liệu vụ án không qua kiểm duyệt là quyền lợi của người dân Mỹ chứ không riêng cựu tổng thống. Trump tiếp tục lập luận tư dinh ở Florida "bị lục soát và xâm phạm" dù cuộc khám xét diễn ra theo đúng quy trình pháp luật Mỹ và được bật đèn xanh bởi một thẩm phán liên bang.

Giới chuyên gia nhận định những thông điệp quyết liệt từ ông Trump, đội ngũ cố vấn lẫn đồng minh xoay quanh vụ bê bối Mar-a-Lago đang đi theo đúng chiến thuật quen thuộc mà cựu tổng thống từng nhiều lần áp dụng. Ông xoáy vào tâm lý hoài nghi cơ quan công quyền của công chúng Mỹ, cùng lập luận rằng Trump đang một mình chống lại hệ thống chính trị thù ghét ông.

Trump bắt đầu công thức bằng yêu cầu không tưởng, trong trường hợp này là yêu cầu cơ quan điều tra công khai thông tin nhạy cảm về nghiệp vụ và nhân chứng.

Ông Trump cùng các cố vấn thừa hiểu rằng cơ quan điều tra hiển nhiên không thể tiết lộ toàn bộ thông tin, nên họ chuẩn bị sẵn cho bước tiếp theo là hạ uy tín của cuộc điều tra một khi cơ quan công quyền lên tiếng từ chối hoặc không công khai toàn bộ tài liệu được yêu cầu. Cử tri Cộng hòa từ đó tin rằng cơ quan điều tra có động cơ bất minh hoặc cố tình đối xử bất công với cựu tổng thống, nên không thể công khai toàn bộ thông tin.

Dan Richman, giáo sư luật tại Đại học Columbia, nhận định cơ quan chính phủ Mỹ, trong mọi vụ án, không thích câu chuyện công khai lệnh khám xét bị đặt dưới lăng kính chính trị, nhằm soi xét quyền lực của cơ quan công quyền và Trump cũng thừa hiểu điều đó.

Richman cho rằng phe Trump đang tái diễn chiến thuật hạ uy tín lực lượng chấp pháp nói chung, lẫn cơ quan điều tra đang nhắm vào ông. Những đòn công kích từ ông Trump đồng thời làm xói mòn nền tảng pháp luật từ trước đến nay mà cơ quan công quyền Mỹ dựa vào để tiến hành điều tra. Do đó, Bộ Tư pháp Mỹ có khả năng kháng cáo nếu như thẩm phán yêu cầu họ công bố toàn văn tài liệu vụ án trước khi đi đóng hồ sơ.

"Cuộc đấu pháp lý này sẽ tạo ra tiền lệ xấu đối với những vụ khám xét quan trọng khác trong tương lai", giáo sư luật của Đại học Columbia cảnh báo.

Thanh Danh (Theo Hill, Newsweek, Guardian)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét