Giới chức Hungary phê duyệt dự án xây hai lò phản ứng hạt nhân mới do tập đoàn Nga Rosatom đảm nhận, dự kiến bắt đầu trong những tuần tới.
"Đây là một bước tiến lớn, một cột mốc quan trọng. Giờ đây chúng tôi có thể chuyển từ giai đoạn lập kế hoạch sang thi công", Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto thông báo sau khi cơ quan quản lý quốc gia cấp phép cho dự án ngày 25/8.
Hai lò phản ứng hạt nhân mới trị giá 12,5 tỷ USD dự kiến được xây dựng gần thị trấn Paks, cách thủ đô Budapest khoảng 100 km về phía nam, trong những tuần tới.
Giới chức Hungary ngày 26/8 cho biết tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga Rosatom đảm nhận thi công hai lò phản ứng. Ngoại trưởng Szijjarto cho biết các lò phản ứng mới có thể đi vào hoạt động năm 2030.
Nhà máy điện hạt nhân Paks với 4 lò phản ứng, nằm cách thị trấn cùng tên 5 km, được xây dựng với công nghệ của Liên Xô vào những năm 1980. Đây là nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Hungary và đang đáp ứng khoảng 40% nhu cầu điện tại quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU).
Hungary và Nga ký thỏa thuận xây dựng hai lò phản ứng 1.200 MW tại nhà máy Paks, tăng gấp đôi tổng công suất của nhà máy. Nga tài trợ phần lớn dự án thông qua khoản vay trị giá khoảng 10 tỷ USD, Hungary đang thanh toán khoản tiền còn lại.
"Bằng cách này, chúng tôi sẽ đảm bảo an ninh năng lượng của Hungary về dài hạn và bảo vệ người dân Hungary khỏi biến động dữ dội về giá năng lượng", Ngoại trưởng Szijjarto nhận định về dự án xây lò phản ứng hạt nhân của Hungary và Nga.
Trong khi đó, Phần Lan, một quốc gia thành viên EU, đình chỉ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Hanhikivi-1 với tập đoàn Rosatom của Nga. Phía Phần Lan cho rằng dự án ngày càng chậm tiến độ và các sự kiện tại Ukraine làm trầm trọng thêm rủi ro.
Hungary nhiều lần ngăn nỗ lực cô lập và trừng phạt Nga của EU. Trong khi các thành viên EU tìm cách nhanh chóng loại bỏ dầu và khí đốt Nga, Hungary có các ngoại lệ và đã đàm phán về cung cấp thêm khí đốt với Nga.
Nguyễn Tiến (Theo AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét