Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Anh, Nhật và Italy hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 6

Ba nước Anh, Nhật Bản và Italy thông báo hợp tác phát triển tiêm kích thế hệ 6, dự kiến xuất xưởng chiếc đầu tiên năm 2035.

Trong tuyên bố chung ngày 12/9, ba nước cho biết dự án mang tên Chương trình Tác chiến Trên không Toàn cầu (GCAP) sẽ "tăng tốc năng lực quân sự tiên tiến và lợi thế công nghệ" của Anh, Italy và Nhật Bản vào thời điểm "các mối đe dọa và hành động gây hấn đang gia tăng trên toàn cầu".

Anh, Italy cùng Nhật Bản đặt mục tiêu tới năm 2035 phát triển và sản xuất mẫu máy bay tàng hình hai động cơ vận hành với chế độ có hoặc không có người lái bên trong, không bị radar đối phương phát hiện và sở hữu những tính năng như vũ khí điều khiển bằng laser và buồng lái thực tế ảo.

Mô phỏng tiêm kích thế hệ 6 thuộc dự án GCAP. Đồ họa: BAE Systems.

Mô phỏng tiêm kích thế hệ 6 thuộc dự án GCAP. Đồ họa: BAE Systems.

Quân đội Anh, Italy và Nhật Bản đang sử dụng mẫu tiêm kích thế hệ 5 F-35 do Mỹ sản xuất. Các quan chức Nhật Bản khẳng định nước này không quay lưng với liên minh quân sự chặt chẽ cùng Mỹ. Trong tuyên bố chung với Bộ Quốc phòng Nhật Bản, Lầu Năm Góc khẳng định họ ủng hộ dự án GCAP.

"Chúng tôi đã bắt đầu hợp tác quan trọng thông qua loạt cuộc thảo luận về khả năng của hệ thống tự điều khiển, có thể bổ sung cho chương trình tiêm kích thế hệ tiếp theo của Nhật Bản trong số các nền tảng khác", thông cáo có đoạn.

Mẫu máy bay mới dự kiến thay thế tiêm kích Eurofighter Typhoon trong biên chế của Anh và Italy. Eurofighter Typhoon do Anh, Italy hợp tác cùng Đức và Tây Ban Nha phát triển từ những năm 1980, biên chế lần đầu năm 2003.

Đức cùng Tây Ban Nha đã hợp tác với Pháp trong dự án phát triển mẫu tiêm kích thế hệ tiếp theo. Mỹ, Nga và Trung Quốc đã lên kế hoạch cho các dự án của riêng mình.

Tờ Nikkei đưa tin các tập đoàn Mitsubishi Heavy Industries của Nhật Bản, BAE Systems của Anh và Leonardo của Italy dự kiến tham gia dự án GCAP. Ngoài ra, các công ty khác sẽ tham gia dự án là hãng Rolls-Royce của Anh, Avio Aero của Italy và IHI Corp. của Nhật Bản.

Dự án phát triển tiêm kích thế hệ thứ 6 của Anh, Nhật Bản và Italy được đánh giá là ví dụ điển hình về hợp tác giữa các quốc gia đồng minh trên cơ sở đặc biệt để phát triển khí tài quân sự.

Tuy nhiên, động thái tương tự từng gây tranh cãi sau khi Anh và Mỹ giành hợp đồng cung cấp tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân cho Australia, khiến nước này hủy hợp đồng với Pháp.

Nguyễn Tiến (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét