Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2022

Trung Quốc nỗ lực tăng ảnh hưởng ở Trung Đông

Ông Tập đến Arab Saudi và gặp loạt lãnh đạo Trung Đông, trong chuyến thăm được cho là nhằm quảng bá Trung Quốc như một giải pháp thay thế Mỹ ở khu vực.

Trung Quốc và Arab Saudi ngày 9/12 ra tuyên bố chung, tái khẳng định tầm quan trọng của ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu, sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình tới thăm quốc gia này. "Trung Quốc hoan nghênh vai trò của Arab Saudi như bên giữ cân bằng và ổn định cho thị trường dầu mỏ thế giới, đồng thời là nhà xuất khẩu dầu mỏ đáng tin cậy tới Trung Quốc", tuyên bố chung có đoạn.

Sau khi ký loạt thỏa thuận với Arab Saudi, Chủ tịch Trung Quốc cũng cùng các lãnh đạo Trung Đông tham gia Hội nghị Thượng đỉnh về Hợp tác và Phát triển Vùng Vịnh - Trung Quốc và Hội nghị Thượng đỉnh về Hợp tác và Phát triển Arab - Trung Quốc, sự kiện lần đầu tiên diễn ra.

Ông Tập (trái) trao đổi các tài liệu ký kết với Vua Arab Saudi Salman bin Abdulaziz tại Riyadh ngày 8/12. Ảnh: AFP

Ông Tập (trái) trao đổi các tài liệu ký kết với Vua Arab Saudi Salman bin Abdulaziz tại Riyadh ngày 8/12. Ảnh: AFP

Đây là động thái ngoại giao con thoi mới nhất của lãnh đạo Trung Quốc kể từ khi ông tái đắc cử chức Tổng bí thư đảng Cộng sản nước này hồi tháng 10. Hơn một tháng qua, ông đã gặp hơn 25 nguyên thủ đến từ nhiều quốc gia khác nhau.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh hôm 6/12 mô tả hội nghị thượng đỉnh Arab - Trung Quốc được tổ chức nhằm "tạo ra một kỷ nguyên mới", thêm rằng ông Tập sẽ tìm kiếm hỗ trợ từ thế giới Arab cho các Sáng kiến An ninh và Phát triển Toàn cầu của mình.

Các hội nghị thượng đỉnh sẽ cho phép ông Tập khẳng định vị thế của Trung Quốc như một đồng minh thân thiện và đáng tin cậy, hoàn toàn trái ngược với những thông điệp mang tính cảnh báo mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi cho Thái tử Mohammed bin Salman (MBS), lãnh đạo thực tế của Arab Saudi, trong chuyến công du tới nước này hồi tháng 7.

"Trung Quốc coi Trung Đông là nơi mà họ có thể khẳng định tên tuổi của mình như một cường quốc", Michael Singh, cựu giám đốc cấp cao về các vấn đề Trung Đông tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, giám đốc điều hành Viện Washington về Chính sách Cận Đông, nhận xét.

Trong khi đó, theo Robert Jordan, cựu đại sứ Mỹ tại Arab Saudi, mối quan hệ căng thẳng giữa Washington và Riyadh giống như "một con tàu đắm đang di chuyển chậm" và "chúng ta không nên bất ngờ khi chứng kiến hậu quả của nó".

Đối với Bắc Kinh, các hội nghị thượng đỉnh ở Arab Saudi là cơ hội tăng cường ảnh hưởng kinh tế và ngoại giao ở Trung Đông trong bối cảnh chính quyền Biden chuyển hướng chú ý và nguồn lực để nhằm đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Chính quyền Biden đang phản ứng và tìm cách cảnh báo các nước Trung Đông có dấu hiệu ngày càng xích lại gần Trung Quốc.

"Bắc Kinh không quan tâm đến các liên minh cùng có lợi", Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách Colin Kahl phát biểu hồi tháng trước. Ông cảnh báo rằng những kế hoạch Trung Quốc vạch ra trong khu vực "chỉ dựa trên lợi ích của chính họ".

Tuần trước, Nhà Trắng cũng có một động thái tương tự. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng những gì Trung Quốc đang làm "hoàn toàn vì lợi ích của họ", thậm chí "đi ngược lại lợi ích của quốc gia mà họ đang giao dịch".

Theo giới quan sát, những tín hiệu tích cực từ chuyến thăm Arab Saudi của ông Tập cho thấy Washington đã phải trả một cái giá nhất định khi xa rời Riyadh. Chính quyền Biden đã dập tắt những hy vọng nhen nhóm về một tương lai xích lại gần hơn với Arab Saudi bằng những chỉ trích gay gắt liên quan đến vấn đề nhân quyền và cuộc chiến tại Yemen.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh,Arab Saudi, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Riyadh, Arab Saudi, ngày 7/12. Ảnh: Reuters.

Việc Tổng thống Biden muốn khôi phục lại thỏa thuận hạt nhân Iran, đối thủ trong khu vực của Arab Saudi, càng khiến Thái tử MBS xa lánh Mỹ hơn, theo bình luận viên Pelim Kine của Politico. Căng thẳng giữa Mỹ và Arab Saudi tiếp tục leo thang lên mức chưa từng có sau khi quốc gia Trung Đông dẫn đầu OPEC+ quyết định cắt giảm sản lượng dầu mỏ, bất chấp Washington đề nghị bơm thêm dầu ra thị trường.

Tổng thống Biden chỉ trích Arab Saudi sau quyết định của OPEC+, cho rằng Riyadh "đứng về phía Moskva trong xung đột tại Ukraine". Ông cảnh báo "sẽ có một số hậu quả đối với những gì mà họ cùng làm với Nga".

Trong khi đó, nhiều hoài nghi cũng đang dâng cao ở Trung Đông về tính bền vững của cam kết mà Mỹ đưa ra đối với khu vực, khiến họ dành nhiều quan tâm hơn đến những lựa chọn thay thế từ Trung Quốc.

"Chúng tôi đang thấy cả Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Arab Saudi nói nhiều hơn về mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Trung Quốc, do các dấu hiệu cho thấy Mỹ không sẵn sàng thực hiện cam kết quốc phòng của mình", Jordan cho biết.

Trung Quốc từ lâu đã cung cấp một số công nghệ và khí tài quân sự cho Arab Saudi, chủ yếu là những thiết bị mà Mỹ từ chối bán do lo ngại nguy cơ châm ngòi một cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực. Tuy nhiên, quá trình Riyadh tách rời khỏi mối quan hệ an ninh với Washington sẽ rất phức tạp, bởi họ vẫn chịu phụ thuộc và các nền tảng vũ khí Mỹ, như hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD, xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2 Abrams hay tàu tác chiến đa nhiệm.

Theo bình luận viên Kine, chính quyền Tổng thống Biden rõ ràng đang lo ngại về mối quan hệ ngày càng gần gũi giữa đồng minh lâu năm Arab Saudi với Trung Quốc. Ông Biden đã bày tỏ điều này trong một bài xã luận đăng trên Washington Post, lập luận rằng việc cải thiện quan hệ Mỹ - Arab Saudi là điều cần thiết để giúp Mỹ "có vị trí tốt nhất nhằm vượt qua Trung Quốc".

Quan hệ giữa Bắc Kinh và Riyadh được củng cố bởi sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ Arab Saudi. Hai nước đã thiết lập "quan hệ đối tác chiến lược" gắn liền với "hợp tác năng lượng lâu dài ổn định" vào năm 2016.

Cú bắt tay này đã được đền đáp. Thương mại song phương giữa Trung Quốc và Arab Saudi năm ngoái ước tính đạt 87,3 tỷ USD, trong khi con số này giữa Mỹ và Arab Saudi khoảng 24,8 tỷ USD.

Nhưng chỉ riêng lợi ích kinh tế sẽ không thể thúc đẩy các đồng minh Trung Đông của Mỹ liên kết sâu hơn với Bắc Kinh, Dawn Murphy, phó giáo sư về chiến lược an ninh quốc gia tại Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ, chuyên gia về quan hệ Trung Quốc - Trung Đông, nhận định.

"Các quốc gia Arab, trong đó có cả Arab Saudi, không muốn lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc" và Bắc Kinh "dường như cũng không muốn tăng cường vai trò an ninh của mình trong khu vực hay tham gia vào các tranh chấp tại đây", ông nói.

Các nhà ngoại giao kỳ cựu của Mỹ cho rằng Bắc Kinh không thể thay thế Washington với tư cách bên bảo đảm an ninh khu vực chừng nào Trung Quốc còn duy trì quan hệ chặt chẽ với đối thủ "không đội trời chung" của Arab Saudi là Iran.

Việc Trung Quốc mua dầu Iran đã giúp Tehran duy trì huyết mạch kinh tế và hai nước năm ngoái cũng ký một thỏa thuận hợp tác 25 năm nhằm thúc đẩy thương mại, hợp tác song phương.

"Trung Quốc không thể thực sự bảo vệ các quốc gia Vùng Vịnh khỏi Iran, chỉ Mỹ mới có thể hỗ trợ ngay lập tức nếu nguy cơ xung đột với Iran xảy ra", Robert S. Ford, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông ở Washington, bình luận.

Vũ Hoàng (Theo Politico)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét