Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Dòng người tị nạn Ukraine tăng áp lực với châu Âu

Châu Âu đã mở cửa đón hàng triệu người tị nạn Ukraine chạy trốn xung đột, nhưng áp lực tiếp nhận ngày một tăng khiến nhiều nước căng thẳng.

Polina Sydorenko, sinh viên Ukraine 19 tuổi, mang theo hy vọng và lo lắng khi trở về Kiev hồi cuối tháng 8, sau 5 tháng phải lánh nạn ở Italy. Tuy nhiên, kế hoạch bắt đầu lại cuộc sống sinh viên tại một đại học danh tiếng ở Kiev đã nhanh chóng sụp đổ.

Chỉ vài tuần sau khi Sydorenko trở về, cuộc sống bình thường mới được khôi phục ở thủ đô Ukraine bị tàn phá, khi Nga tiến hành đợt không kích mới vào loạt thành phố và cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng.

Trường của Sydorenko bị đóng cửa một lần nữa. Cô gái 19 tuổi lại phải chạy tới Italy lánh nạn cùng với một người bạn thân.

"Tình tình thật tồi tệ", Sydorenko nói và thêm rằng những người bạn Ukraine của cô ở Italy đã từ bỏ ý tưởng trở về quê hương. "Mọi thứ ngày càng tệ và họ không biết phải làm gì".

Khi châu Âu bắt đầu vào đông và Nga tiếp tục không kích các cơ sở hạ tầng điện nước của Ukraine, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị cho làn sóng người tị nạn Ukraine quay lại.

"Mục đích của Nga là tạo ra cuộc khủng hoảng tị nạn và gây áp lực lớn hơn nữa cho chúng tôi", Ylva Johansson, ủy viên di cư của EU, nói.

Người tị nạn Ukraine tại cửa khẩu Medyka, Przemysl, Ba Lan hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Người tị nạn Ukraine tại cửa khẩu Medyka, Przemysl, Ba Lan hồi tháng 3. Ảnh: AFP.

Khi các hạn chế ngăn Covid-19 được nới lỏng và áp lực kinh tế gia tăng, châu Âu đang ghi nhận lượng người đến từ Bắc Phi, Trung Đông và châu Á cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng di cư năm 2015-2016, gây ra nhiều căng thẳng và áp lực chính trị cho khối.

Châu Âu đến nay duy trì chính sách mở cửa với người tị nạn Ukraine, nhưng nhiều người trong số họ đã trở về nhà sau khi chiến sự tạm lắng hồi mùa thu ở Kiev và các tỉnh phía tây. Song với các cơ sở tiếp nhận ở nhiều quốc gia đối mặt nguy cơ quá tải và lo ngại về làn sóng tị nạn mới, căng thẳng giữa các nước thành viên EU ngày càng tăng.

Chính phủ cánh hữu mới của Italy do Thủ tướng Giorgia Meloni lãnh đạo đang dẫn đầu làn sóng kêu gọi thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn để ngăn người nhập cư bất hợp pháp, cũng như áp dụng cơ chế công bằng hơn để chia sẻ gánh nặng tiếp nhận người tị nạn trong EU.

"Những luận điệu chính trị về nhập cư đang leo thang khắp châu Âu, nhấn mạnh những khó khăn mà nhiều nước thành viên gặp phải để đưa ra giải pháp đồng bộ", Alberto-Horst Neidhardt, chuyên gia nhập cư tại Trung tâm Chính sách châu Âu, nói. "Viễn cảnh về dòng người mới từ Ukraine và các khu vực khác có thể gây căng thẳng nhiều hơn cho nhiều nước EU".

Khi chiến sự nổ ra, châu Âu đã mở cửa đón làn sóng người tị nạn đầu tiên từ Ukraine. Người Ukraine lập tức được cấp quyền di chuyển tự do trong EU, được làm việc và nhận một số trợ cấp để ổn định cuộc sống.

Sydorenko là một trong số 173.000 người Ukraine chạy trốn xung đột tới Italy. Các gia đình Italy và các nhóm xã hội dân sự đã mở cửa, quyên góp đồ dùng và giúp các học sinh, sinh viên Ukraine tiếp tục chương trình học.

Song gần 10 tháng sau khi xung đột nổ ra, sự chào đón nồng nhiệt ban đầu đang dần nhường chỗ cho nỗi mệt mỏi, khi người châu Âu đối mặt áp lực về lạm phát gia tăng và ngân sách chính phủ hạn chế.

Từ tháng 1 tới tháng 9, châu Âu tiếp nhận khoảng 4,4 triệu đơn đăng ký tị nạn của người Ukraine, dù nhiều người trong đó đã về nước. Các nước EU cùng với Na Uy, Thụy Sĩ, Iceland và Liechtenstein còn tiếp nhận hơn 680.000 đơn tị nạn từ Syria, Afghanistan, các nước châu Phi và châu Á, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, theo cơ quan tị nạn EU.

Tại Đức, nơi tiếp nhận hơn 1,1 triệu người tị nạn trong năm nay, chính quyền các thị trấn phải chạy đua thiết lập nơi trú ẩn khẩn cấp và trưng dụng nhiều phòng gym, ký túc xá cho người tị nạn. Các thành phố đang phải xây nhà và thuê phòng khách sạn cho người mới đến. Tuy nhiên, họ cho biết không còn chỗ trong các trường học và nhà trẻ để tiếp nhận trẻ tị nạn.

Bỉ và Ba Lan cũng đối mặt với tình hình khó khăn tương tự. Người Ba Lan lo sợ về tình hình kinh tế và lạm phát, nên "họ ngày càng trở nên khó chịu với những ưu ái dành cho người tị nạn Ukraine", theo Piotr Buras, người đứng đầu văn phòng Hội đồng Đối ngoại châu Âu ở Warsaw.

Chính quyền Ba Lan đã cắt nhiều khoản hỗ trợ người Ukraine như sử dụng phương tiện công cộng miễn phí và trợ cấp khoảng 67 USD. Từ tháng 3, những người tị nạn ở Ba Lan trên 120 ngày sẽ phải chi trả 50% chi phí chỗ ở mà chính phủ nước này cung cấp.

Ở Przemysl, một trong những thị trấn trung chuyển chính của người Ukraine vào Ba Lan, nhà ga tồi tàn không được tu sửa, dù mỗi ngày đón 5 chuyến tàu đến và đi từ Ukraine.

"Mặc dù phản ứng ban đầu của chính quyền địa phương rất ấn tượng, họ không có thêm nỗ lực nào để thêm chỗ ngồi chờ, đèn sưởi giúp người Ukraine phải xếp hàng nhiều giờ giữa trời lạnh để đi tàu", William Flemming, nhà hoạt động người Anh của tổ chức từ thiện Kharpp chuyên giúp đỡ người tị nạn Ukraine ở các cửa khẩu, nói.

Người tị nạn Ukraine chuẩn bị lên tàu tới Warsaw ở ga Przemysl hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Người tị nạn Ukraine chuẩn bị lên tàu tới Warsaw ở ga Przemysl hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Nhiều quốc gia thành viên EU phải chịu gánh nặng tị nạn ngày càng tỏ ra lo lắng. Một số nhà ngoại giao nhấn mạnh khi người tị nạn Ukraine được tự do di chuyển trong EU, họ có xu hướng đổ về các thành phố lớn, nơi vốn đã quá tải, làm tăng thêm căng thẳng cho chính quyền địa phương.

"Nếu có thêm người di cư từ Ukraine, chúng tôi sẽ cần phân bổ dòng người tốt hơn trên khắp châu Âu", Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser nói tuần trước. "Tôi nhấn mạnh rằng đây là lĩnh vực rất cần sự đoàn kết".

Johansson, ủy viên về di cư của EU, thừa nhận khối sẽ "đối mặt thách thức rất lớn nếu tiếp tục chứng kiến hàng triệu người đến vào mùa đông", dù cho biết EU đã chuẩn bị những kế hoạch dự phòng.

Thanh Tâm (Theo FT)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét