Chủ Nhật, 31 tháng 3, 2024

Một cụ ông 82 tuổi bị lừa đảo đến 3 lần trong 2 tháng, suýt mất 68 tỷ đồng: Nam thanh niên 20 tuổi bị bắt đã khai gì?

Một cụ ông 82 tuổi người Singapore bị bọn lừa đảo cho vào "tầm ngắm" tới ba lần trong vòng chưa đầy hai tháng. Cảnh sát cho biết một thanh niên 20 tuổi liên quan đến cả ba vụ lừa đảo nhắm vào cụ ông đã bị bắt giữ.

Một cụ ông 82 tuổi bị bọn lừa đảo cho vào "tầm ngắm" tới ba lần trong vòng chưa đầy hai tháng. Tuy nhiên, ông này đã đã tránh được khoản thiệt hại 3,7 triệu đô la Singapore (tương đương hơn 68 tỷ đồng) nhờ sự can thiệp của chính quyền và ngân hàng.

Các vụ việc diễn ra trong tháng 2 và tháng 3, Trung tâm Chống lừa đảo Singapore đã làm việc với Ngân hàng CIMB và Hong Leong Finance - công ty tài chính lớn nhất Singapore - để bảo vệ tài sản của ông. Cảnh sát cho biết trong một thông cáo báo chí hôm 19/3, một thanh niên 20 tuổi liên quan đến cả ba vụ lừa đảo nhắm vào cụ ông đã bị bắt giữ.

Lần 1

Vào ngày 6/2, nhóm quản lý gian lận của CIMB đã phát hiện các giao dịch trị giá 2,1 triệu đô la Singapore được thực hiện từ tài khoản ngân hàng của nạn nhân.

Điều này đã khiến Trung tâm Chống lừa đảo và các nhân viên ngân hàng CIMB cùng nhau vào cuộc. Trong khi nhóm quản lý gian lận của CIMB khóa tài khoản ngân hàng của nạn nhân để ngăn chặn tổn thất thêm, thì Trung tâm Chống lừa đảo đã tìm kiếm con trai nạn nhân để hỗ trợ gia đình này.

Cảnh sát cho biết: “Khoản tiền 1,3 triệu đô la Singapore đã được thu hồi và số tiền còn lại đã bị tiêu tán ra nước ngoài trước khi có báo cáo của cảnh sát”.

Lần 2

Ngày hôm sau (7/2), Trung tâm Chống lừa đảo lại nhận được tin từ con trai của cụ ông rằng ba tấm séc trị giá 1,2 triệu đô la Singapore đã được Hong Leong Finance phát hành cho ba cá nhân. Trung tâm Chống lừa đảo đã chỉ thị cho Hong Leong Finance giữ lại các tấm séc này để chờ xác minh thêm.

Lần 3

Vào ngày 9/3, những kẻ lừa đảo lại tiếp tục tấn công. Lần này, cảnh sát đã được đội điều hành chi nhánh CIMB cảnh báo sau khi phát hiện cụ ông đi cùng một người đàn ông lạ mặt tại chi nhánh để chuyển số tiền 1,2 triệu đô la Singapore.

Nhận được thông tin, lực lượng chức năng của Trung tâm Chống lừa đảo và công an đã đến ngân hàng.

Cảnh sát cho biết: “Một nam thanh niên 20 tuổi sau đó đã bị bắt vì nghi ngờ có liên quan đến một vụ lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ”.

Hai chiếc điện thoại di động và một số tài liệu dùng để phạm tội đã bị thu giữ. Người đàn ông này được cho là có liên quan đến ba vụ lừa đảo mạo danh quan chức chính phủ khác vào tháng 2 và tháng 3. Các cuộc điều tra vẫn đang được tiến hành.

Thanh niên này sau đó khai nhận đã theo dõi và cố tình nhắm vào cụ ông 82 tuổi để thực hiện hành vi lừa đảo sau khi nắm được thông tin ông có một số tiền lớn gửi ngân hàng. Những kẻ lừa đảo đã mạo danh cảnh sát Trung Quốc gọi điện trực tiếp cho cụ ông 82 tuổi và nói rằng ông có liên quan đến một đường dây tội phạm xuyên quốc gia, đồng thời yêu cầu cụ ông phải chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra. Cụ ông hoảng loạn nên đã làm theo.

Cảnh sát cho biết: “Bất kỳ ai bị phát hiện có liên quan đến những vụ lừa đảo như vậy sẽ bị cảnh sát điều tra”. Tội mạo danh có thể bị phạt tiền hoặc/và phạt tù lên tới 5 năm tại Singapore. Tội lừa đảo có thể bị phạt tiền và phạt tù lên tới 10 năm.

Theo Đời sống & Pháp luật

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/xyfknCK

Adblock test (Why?)

Lấy lòng Mỹ, Ba Lan chuẩn bị cho kịch bản Trump trở lại

Tăng cường mua vũ khí và hợp tác kinh tế, Ba Lan liên tục xích lại gần Mỹ để đảm bảo duy trì "chiếc ô bảo vệ" từ đồng minh, ngay cả khi ông Trump tái đắc cử.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tháng trước khiến châu Âu đứng ngồi không yên khi nói rằng Washington sẽ không bảo vệ thành viên NATO "không trả tiền" trong trường hợp bị tấn công. Ông Trump đã nhiều lần phàn nàn về việc đồng minh châu Âu đóng góp không đủ cho ngân sách quốc phòng, tức chưa đạt mức 2% GDP.

Trong khi nhiều lãnh đạo châu Âu lo lắng cho viễn cảnh phải tự bảo vệ mình trong tình huống bị tấn công và chỉ trích gay gắt bình luận của ông Trump, Ba Lan chọn một cách tiếp cận khác: xích lại gần Mỹ hơn. Đối với Warsaw, đó là cách tiếp cận có thể làm hài lòng ông Trump, ứng viên nặng ký trên đường đua vào Nhà Trắng năm nay.

"Ông ấy muốn châu Âu trở thành khu vực chịu chi phối bởi lợi ích của Mỹ. Ông ấy là doanh nhân, nên muốn tăng cường các thương vụ Mỹ ở đây", Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda nói.

Đối với những quốc gia đang tìm cách ứng phó với kịch bản ông Trump trở lại Nhà Trắng, Ba Lan có thể là một mô hình để học hỏi. Warsaw đã nỗ lực để đảm bảo có sự hiện diện của Mỹ trong hệ thống phòng thủ của nước này dù bất kỳ ai trở thành ông chủ Nhà Trắng. Họ đã chi rất mạnh tay cho các hợp đồng mua vũ khí và công nghệ thương mại của Mỹ.

Trong hai năm qua, Ba Lan đã nhất trí mua tới 50 tỷ USD thiết bị quân sự của Mỹ, gồm trực thăng Apache, hệ thống pháo HIMARS và thế hệ radar trên không mới. Warsaw cũng đồng ý mua tiêm kích F-35 do Mỹ sản xuất.

Trực thăng AH-64 Apache của Mỹ tại căn cứ không quân Inowrocław, Ba Lan hồi tháng 1/2023. Ảnh: US Army

Trực thăng AH-64 Apache của Mỹ tại căn cứ không quân Inowrocław, Ba Lan hồi tháng 1/2023. Ảnh: US Army

Các thỏa thuận mua vũ khí của Ba Lan được ký kết trong năm tài khóa qua đã chiếm một nửa doanh số bán vũ khí cho nước ngoài của Mỹ, khiến nước này trở thành khách hàng mua vũ khí lớn nhất của Washington trong giai đoạn này.

Không chỉ mua vũ khí, Ba Lan cũng ký kết nhiều thỏa thuận kinh doanh lớn với các công ty hàng đầu Mỹ, trong đó có nhà sản xuất chip Intel với kế hoạch xây nhà máy chất bán dẫn ở quốc gia Đông Âu này. Thỏa thuận nổi bật nhất là kế hoạch xây nhà máy điện hạt nhân với công ty Westinghouse Electric mà Warsaw đàm phán từ khi ông Trump còn là tổng thống.

Người Ba Lan xem lựa chọn này là quyết định hợp lý để gắn kết lợi ích an ninh của họ với lợi ích kinh tế Mỹ. "Một trong những lý do chúng tôi lựa chọn đối tác Mỹ là loại hình đầu tư này sẽ lập tức mang tới những hợp tác lớn hơn", ông Duda nói.

Dự án nhà máy điện hạt nhân "đại diện cho mối quan hệ đối tác 100 năm giữa Mỹ và Ba Lan trong lĩnh vực an ninh năng lượng", Patrick Fragman, giám đốc điều hành Westinghouse, nói.

Quan chức Ba Lan lo ngại sự suy giảm ủng hộ của Mỹ sẽ khiến sườn đông NATO dễ gặp nguy hiểm và quốc gia của họ có thể là mục tiêu lớn nhất. Luôn cảnh giác với Nga, Ba Lan từ lâu đầu tư mạnh vào quốc phòng. Năm nay, nước này tăng ngân sách quốc phòng lên 4% GDP.

Hầu hết hợp đồng của Ba Lan với Mỹ được ký kết dưới thời chính quyền tiền nhiệm. Chính phủ Ba Lan khi đó muốn thúc đẩy quan hệ đối tác đặc quyền với chính quyền Trump. Năm 2018, họ thậm chí đề xuất đặt tên một căn cứ của Mỹ ở nước này là Fort Trump.

Chính phủ trung dung hiện tại của Ba Lan tiếp tục duy trì quan hệ mạnh mẽ với Mỹ, trong khi thúc đẩy tái thiết quan hệ với Liên minh châu Âu (EU) sau nhiều năm căng thẳng. EU tuần trước cho phép Ba Lan tiếp cận hơn 145 tỷ USD trong ngân sách của khối.

Chính phủ Ba Lan dự kiến duy trì các đơn đặt hàng vũ khí lớn của Mỹ bất chấp giao hàng chậm trễ, theo Ngoại trưởng Radoslaw Sikorski. Ông thêm rằng Warsaw đồng thời cũng ưu tiên phát triển các thiết bị bay không người lái dựa vào bài học từ xung đột Ukraine.

Ông Duda, người tự mô tả có lập trường bảo thủ, nói rằng yêu cầu của ông Trump rằng các nước thành viên NATO nên chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng, như đã nhất trí năm 2014, "hợp lý".

"Đối với tôi, điều này là hiển nhiên", ông nói. "Tất nhiên chúng tôi tin tưởng vào đồng minh NATO, chủ yếu là Mỹ, song chúng tôi hiểu rằng đây sẽ chỉ là sự hỗ trợ. Người Ba Lan phải có khả năng tự bảo vệ mình".

Xung đột Ukraine xảy ra vào thời điểm Ba Lan đang trong quá trình hiện đại hóa quân sự sau nhiều thập kỷ sử dụng vũ khí Liên Xô. Quá trình chuyển đổi giúp Ba Lan có nguồn máy bay và xe tăng Liên Xô sẵn có để hỗ trợ Ukraine, song cũng khiến họ phải nhanh chóng mua vũ khí mới bổ sung vào kho dự trữ.

Dù đã ký thỏa thuận với Hàn Quốc và Đức, Ba Lan vẫn mua số lượng lớn vũ khí từ Mỹ để ràng buộc cường quốc này vào mối quan hệ lâu dài với Warsaw. Điều này cũng đồng nghĩa lực lượng Mỹ có thể dễ dàng hỗ trợ Ba Lan trường hợp xảy ra khủng hoảng.

"Tất cả những nhà hoạch định chính sách quốc phòng Ba Lan đều đang làm mọi thứ để tăng khả năng tương thích và tương tác đối đa giữa lực lượng của họ với quân Mỹ", Tony Housh, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ tại Ba Lan, nói.

Ông Housh cho biết mục tiêu của Ba Lan là khi bất kỳ lực lượng Mỹ nào được gửi tới sườn đông, họ có thể phát huy tối đa khả năng với việc sử dụng những vũ khí quen thuộc như F-35, HIMARS và Patriot.

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trong cuộc diễu binh của lực lượng vũ trang ở thủ đô Warsaw hồi tháng 8/2023. Ảnh: AFP

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda phát biểu trong cuộc diễu binh của lực lượng vũ trang ở thủ đô Warsaw hồi tháng 8/2023. Ảnh: AFP

Đầu tư cho công nghệ quân sự tiên tiến của Mỹ là trọng tâm trong chiến lược quốc phòng của Warsaw. Những thỏa thuận với Mỹ mang lại cho Ba Lan một số thiết bị quân sự hiện đại nhất thế giới, trong khi các lãnh đạo Mỹ giành được một khối cử tri gốc Ba Lan và theo chủ nghĩa dân tộc trong nước.

Ba Lan xem việc thu hút các nhà đầu tư Mỹ như củng cố lợi ích của Washington ở quốc gia này. Mỹ là nhà đầu tư lớn thứ hai ở Ba Lan, chỉ sau Đức, quốc gia láng giềng chung biên giới. Thỏa thuận xây nhà máy với Intel ở thành phố Wroclaw đã đưa Ba Lan gia nhập chuỗi cung ứng châu Âu của công ty Mỹ, gồm một nhà máy khác ở Ireland và một nhà máy dự kiến xây dựng ở Đức.

Năm 2021, Google chọn Ba Lan là nơi đầu tiên ở Đông Âu triển khai hệ thống lưu trữ đám mây, từ đó phục vụ phần còn lại của khu vực.

Nhà máy điện hạt nhân sẽ không chỉ có ý nghĩa về kinh tế và quốc phòng. Cuối năm 1990, Ba Lan từng hủy bỏ một dự án lò phản ứng của Liên Xô đang xây dựng dở. Việc Ba Lan giờ chấp nhận một lò phản ứng do Mỹ xây dựng sẽ được xem là động thái cho thấy rõ sự xoay trục của Warsaw về phương Tây.

Westinghouse cho biết dự án sẽ tác động mạnh mẽ tới Ba Lan như giúp tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và sản xuất năng lượng sạch. Công ty Mỹ cũng thiết lập một trung tâm kỹ thuật khu vực và thu hút hàng trăm nhà cung cấp Ba Lan. "Điều này rất quan trọng cho việc hỗ trợ các dự án khác trên toàn khu vực", Fragman nói.

Tổng thống Duda cho biết ông không lo lắng về kịch bản ông Trump rút Mỹ khỏi NATO hay những bình luận ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin của cựu tổng thống Mỹ. "Ông Trump nhìn chính trị qua lăng kính kinh doanh. Tôi nghĩ ông ấy biết rằng sự thống trị của Nga ở châu Âu không đem lại lợi ích cho Mỹ", ông nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ, Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Vừa tỉnh dậy, Từ Hi thái hậu liếc nhìn một cung nữ rồi hạ lệnh giết chết: Lý do gây căm phẫn tột độ!

Từ Hi thái hậu là một trong những người phụ nữ bị chỉ trích nhiều nhất trong lịch sử Trung Hoa. Trong gần 5 thập kỷ, bà nắm quyền khuynh đảo triều chính nhà Thanh. Không chỉ là người phụ nữ quyền lực nổi tiếng của triều đại này, xung quanh Từ Hi còn vô số giai thoại khiến hậu thế quan tâm. Trong số đó, sự tàn nhẫn của vị thái hậu này là chủ đề được bàn luận nhiều nhất.

Vừa tỉnh dậy, Từ Hi thái hậu liếc nhìn một cung nữ rồi hạ lệnh giết chết: Lý do gây căm phẫn tột độ!-1

Trong gần 5 thập kỷ, Từ Hi thái hậu nắm quyền khuynh đảo triều chính nhà Thanh. (Ảnh: Sohu)

Trước hết, hãy tìm hiểu một chút về Từ Hi thái hậu. Từ Hi Thái hậu (1833-1908), nhập cung năm 17 tuổi và trở thành phi tần của vua Hàm Phong. Nhờ sinh được con trai là Tải Thuần, tức hoàng đế Đồng Trị sau này, bà được hoàng đế Hàm Phong sắc phong làm Quý phi. Sau khi hoàng đế Hàm Phong băng hà, hoàng tử Tải Thuần kế vị trở thành hoàng đế của nhà Thanh và được gọi là hoàng đế Đồng Trị. Theo đó, Từ Hi trở thành thái hậu.

Khi đó, Đồng Trị đế còn nhỏ, Từ Hi thái hậu đã cùng Từ An thái hậu nhiếp chính cho vua mới. Và kể từ đó, Từ Hi đóng vai trò nhiếp chính trong các triều đại của hai người con Đồng Trị Đế, Quang Tự Đế và người cháu Tuyên Thống Đế. Trong gần 50 năm tiếp theo, Từ Hi Thái hậu là người nắm quyền lực thực tế của triều đình nhà Thanh. Nắm trong tay quyền khuynh đảo triều chính, vị thái hậu này tận hưởng cuộc sống vô cùng xa xỉ.

Hành động kỳ lạ của Từ Hi thái hậu


Trong sử sách, Từ Hi thái hậu sống vô cùng xa hoa, bà dùng rất nhiều tiền trong ngân khố để tiêu xài như may hàng trăm bộ trang phục nhung lụa, sở hữu vô số trang sức, phụ kiện, tổ chức nhiều bữa tiệc linh đình... Mỗi bữa ăn, Từ Hi Thái hậu dùng tới 120 món khác nhau. Tuy nhiên, bà chỉ ăn vài món và mỗi món 1 - 2 miếng vì sợ bị đầu độc. Thậm chí vị thái hậu này còn dùng tới 400 quả táo mỗi ngày nhưng không ăn mà chỉ dùng để tạo mùi thơm trong phòng. Khi trái cây mất mùi, bà sẽ cho người đem vứt bỏ và những quả mới sẽ được dâng lên.

Vừa tỉnh dậy, Từ Hi thái hậu liếc nhìn một cung nữ rồi hạ lệnh giết chết: Lý do gây căm phẫn tột độ!-2

Nắm trong tay quyền khuynh đảo triều chính, vị thái hậu này tận hưởng cuộc sống vô cùng xa xỉ. (Ảnh: Sohu)

Từ Hi không bao giờ uống nước giếng, nước mà Từ Hi uống là nước khoáng, nước suối trong và thậm chí là sương đọng trên lá.

Từ Hi còn cho rằng thường xuyên uống sữa non của phụ nữ mới sinh có thể làm đẹp da, kéo dài tuổi thọ. Có giai thoại rằng, Từ Hi dù đã bước vào tuổi 60 nhưng da dẻ vẫn mịn màng, căng bóng.

Thế nhưng, trên thực tế, một người thường dù có dùng thần dược cũng không thể thay đổi khoảng cách giữa một người phụ nữ đã 60 tuổi và một cô gái trẻ tuổi được.

Mặc dù ai ai cũng thấy điều này nhưng vì lấy lòng thái hậu, các cung nữ và thái giám xung quanh bà thường khen Từ Hi có làn da trẻ trung như thiếu nữ.

Vừa tỉnh dậy, Từ Hi thái hậu liếc nhìn một cung nữ rồi hạ lệnh giết chết: Lý do gây căm phẫn tột độ!-3

Trong sử sách, Từ Hi thái hậu sống vô cùng xa hoa, bà dùng rất nhiều tiền trong ngân khố để tiêu xài. (Ảnh: Sohu)

Một hôm, Từ Hi tỉnh giấc, có một cung nữ phụ trách hầu hạ luôn đứng bên cạnh bà. Tuy nhiên, khi Từ Hi liếc mắt nhìn sang phía cung nữ này. Sau đó bà liền ra lệnh giết chết người này. Cung nữ này đã làm gì, vì sao nàng ta lại bị thái hậu giết hại?

Hóa ra, cung nữ này là một người mới được đưa vào cung. Không rõ lý do gì, nàng ta được phân công hầu hạ thái hậu. Vì chưa nắm rõ quy tắc ngầm trong cung, cung nữ nhỏ bé đã vô tình để khoảnh khắc kinh ngạc tột độ trước mặt mộc của Từ Hi. Chính điều này đã làm cho Từ Hi cảm thấy không vui và khó chịu, do đó, bà đã ra tay tàn ác như vậy.

Sự việc này diễn ra cũng khiến hậu thế hiểu rõ hơn về sự tàn ác, hung bạo của Từ Hi thái hậu.

Theo Đời sống Pháp luật

Xem link gốc Ẩn link gốc https://ift.tt/K03njHt

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2024

Ưu thế trên Biển Đen giúp Ukraine hồi sinh hành lang xuất khẩu ngũ cốc

Sau khi lực lượng Ukraine đẩy lùi quân Nga ra xa Biển Đen, hành lang xuất khẩu ngũ cốc hoạt động nhộn nhịp trở lại, mang về doanh thu lớn.

Những nông dân như Oleksandr Kosenyuk ở ngôi làng Sokolivka, miền trung Ukraine, đang tăng cường xuất khẩu ngũ cốc nhờ những thành công quân sự bất ngờ của lực lượng Ukraine.

Những chiếc xuồng không người lái của Ukraine đã đánh chìm nhiều tàu chiến Nga, đẩy lùi Hạm đội Biển Đen của Nga ra xa hàng trăm km khỏi hành lang ngũ cốc quan trọng trên biển. Điều này cho phép Ukraine tăng cường xuất khẩu ngũ cốc từ cảng chính ở Odessa về gần mức trước xung đột.

"Tất cả là nhờ lực lượng vũ trang của chúng tôi. Nếu không có hành lang này, chúng tôi không thể xuất khẩu và duy trì nền kinh tế. Một trong những mục tiêu chính của kẻ thù là phá hủy nền kinh tế của chúng tôi", Kosenyuk, 46 tuổi, nói.

Nông dân Oleksandr Kosenyuk đứng trong kho chứa ngũ cốc ở làng Sokolivka thuộc vùng Kiev. Ảnh: WSJ

Nông dân Oleksandr Kosenyuk đứng trong kho chứa ngũ cốc ở làng Sokolivka. Ảnh: WSJ

Thành công này được xem là điểm sáng hiếm hoi đối với Ukraine giữa lúc Kiev gần đây hứng chịu những thất bại trên chiến lược và nguy cơ suy giảm nguồn viện trợ từ đồng minh phương Tây. Doanh thu tăng giúp thúc đẩy nền kinh tế đất nước, sau khi Ukraine đã mất khoảng 1/3 sản lượng xuất khẩu trong năm đầu xung đột và tăng lại khoảng 5% trong năm 2023.

Xuất khẩu ngũ cốc đã tăng lên hơn 5 triệu tấn trong tháng 12/2023, gấp hơn 2 lần so với mức 2 triệu tấn hồi tháng 9 năm ngoái. Nếu duy trì, mức tăng này sẽ giúp mang về cho Ukraine 3,3 tỷ USD doanh thu xuất khẩu trong năm nay và giúp kinh tế tăng trưởng thêm 1,2%, theo Bộ trưởng Kinh tế Yulia Svyrydenko.

Ukraine là nước xuất khẩu ngũ cốc trong top 5 thế giới. Kiev đã xuất khoảng 2/3 tổng sản lượng ngũ cốc hàng năm, chủ yếu bằng đường biển, trước khi xung đột với Nga bùng phát vào tháng 2/2022. Các chuyến hàng từ các cảng ở tỉnh Odessa từng phải dừng sau khi tàu chiến Nga tiến vào khu vực và bắn phá thành phố.

Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc từng làm trung gian đàm phán thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen vào tháng 7/2022, cho phép tàu vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine di chuyển qua vùng biển này. Tuy nhiên, thời gian vận chuyển hàng lâu hơn khoảng 5-6 tuần so với trung bình trước xung đột, do cần phải qua bước thanh tra của Nga để đảm bảo tàu không mang vũ khí. Các con đường xuất khẩu khác như đường bộ qua Ba Lan hoặc đường sông ở Danube rất tốn kém, chậm chạp và quá tải. Xe tải chở ngũ cốc có thể phải xếp hàng dài chờ đợi thông quan trong nhiều ngày.

Xuất khẩu bằng đường biển của Ukraine bị giáng đòn mạnh vào tháng 7 năm ngoái sau khi Nga từ chối gia hạn thỏa thuận ngũ cốc. Nhiều nông dân buộc phải chất ngũ cốc trong các túi silo lớn, thường dùng để bảo quản tạm thời, khi các silo và nhà kho hết chỗ.

"Mọi thứ đã hoàn toàn sụp đổ", Kosenyuk nói.

Hành lang ngũ cốc mới do Ukraine thiết lập từ tháng 8/2023. Đồ họa: FT

Hành lang ngũ cốc mới do Ukraine thiết lập từ tháng 8/2023. Đồ họa: FT

Kể từ tháng 8/2023, Ukraine đã chiến đấu chống lại hải quân Nga bằng loạt cuộc tập kích vào tàu chiến và cơ sở hải quân. Dù không có tàu chiến lớn, lực lượng Ukraine đã sử dụng xuồng không người lái hoặc tên lửa hành trình để thực hiện nỗ lực này, đánh chìm tàu Nga ngoài khơi hoặc tại các cảng ở Sevastopol và Novorossiysk. Trong 4 tháng cuối năm 2023, Ukraine đã phá hủy 1/5 Hạm đội Biển Đen Nga, theo Bộ Quốc phòng Anh.

Ukraine cũng sử dụng máy bay không người lái tấn công kho chứa dầu của Nga, vốn dùng để tiếp tế cho lực lượng của Moskva ở Syria, như lời cảnh báo về những mối đe dọa lớn hơn. Chiến dịch này đã giúp đẩy lùi phần lớn Hạm đội Biển Đen ra xa và hồi sinh hành lang xuất khẩu ngũ cốc từ cảng ở Odessa.

"Đó là màn phô diễn sức mạnh của Ukraine", Andrey Stavnitser, đồng sở hữu kiêm giám đốc điều hành TransInvestService, công ty vận hàng cảng hàng khô lớn nhất Ukraine, nói.

Các tàu chở ngũ cốc sẽ đi dọc theo bờ biển của Romania, Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, tất cả đều là thành viên của NATO, giúp giảm mối đe dọa can thiệp của Nga. Sau khi nhận thấy hành lang an toàn, các chủ tàu bắt đầu điều những con tàu lớn hơn tới Ukraine. Xuất khẩu hiện nay chủ yếu là ngũ cốc và quặng sắt, song Stavnitser hy vọng sẽ sớm mở rộng các mặt hàng.

Chính phủ Ukraine cũng đã làm việc với các công ty bảo hiểm quốc tế như Lloyd's of London của Anh hay Marsh McLennan ở Mỹ để giúp tàu chở ngũ cốc đảm bảo dịch vụ bảo hiểm với giá hợp lý. Nếu không có bảo hiểm, rất ít tàu thương mại dám neo đậu tại các cảng của Ukraine. Tính tới ngày 1/3, chương trình này được mở rộng cho tất cả tàu chở hàng hóa phi quân sự như thép và quặng sắt.

Bộ trưởng Kinh tế Svyrydenko cho biết mục tiêu của chương trình này là giúp đất nước có khả năng tự cung tự cấp và giảm phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.

Tàu chở ngũ cốc rời cảng Odessa, Ukraine hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Tàu chở ngũ cốc rời cảng Odessa, Ukraine hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, các nhà sản xuất Ukraine cũng đối mặt một số vấn đề. Nibulon, nhà xuất khẩu lớn nhất Ukraine, cho biết chi phí hậu cần và sản xuất tăng cao, khiến lợi nhuận và đầu tư bị cắt giảm. Khi năm canh tác của Ukraine kết thúc vào tháng 6, nông dân sẽ chỉ trồng ngũ cốc trên diện tích gần bằng 1/3 so với trước xung đột.

Các cuộc tấn công nhằm vào Odessa vẫn tiếp tục đe dọa nỗ lực xuất khẩu của Ukraine. Hai cuộc tập kích tên lửa vào khu vực cuối tuần trước khiến ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Công nhân cảng đã phải tạm dừng hoạt động sau cảnh báo không kích, khiến thời gian xử lý các đơn hàng xuất khẩu kéo dài.

"Chúng tôi cần thêm hệ thống phòng không", Stavnitser nói.

Tuy nhiên, nông dân Kosenyuk tỏ ra lạc quan khi doanh thu xuất khẩu tăng cho phép ông có nguồn tiền đầu tư lớn hơn. Ông đã chi nhiều tiền cho các dự án mới như canh tác rau.

Ngoài ra, Kosenyuk cũng đang nỗ lực đóng góp cho lực lượng Ukraine, khi cung cấp xe địa hình và thực phẩm như thịt hộp, bắp cải hay khoai tây. Đợt Giáng sinh năm ngoái, ông gửi cho mỗi người lính trong làng gần 27 kg thực phẩm.

"Công việc của chúng tôi ở hậu phương là cố gắng lấp đầy ngân sách để tài trợ cho lực lượng vũ trang", ông nói.

Thanh Tâm (Theo WSJ, Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Vụ giết người hé lộ mạng lưới băng đảng cấu kết chính trị gia Brazil

Cuộc điều tra vụ sát hại ủy viên hội đồng Rio de Janeiro 6 năm trước dần phơi bày mạng lưới chính trị gia cấu kết với băng đảng ở thành phố này.

Tối 14/3/2018, Marielle Franco, ủy viên hội đồng Rio de Janeiro, cùng tài xế riêng rời một sự kiện ủng hộ trao quyền cho phụ nữ da màu tại thành phố. Một ôtô khác bất ngờ xuất hiện, chạy song song với xe của bà.

Tay súng ngồi trong chiếc xe này đã bắn 9 phát đạn về phía xe chở Franco, khiến bà và tài xế thiệt mạng. Thư ký báo chí của Franco ngồi hàng ghế sau và sống sót. Cảnh sát Brazil tin rằng đây là một vụ ám sát nhằm vào Franco.

Sự việc làm dấy lên hàng loạt cuộc biểu tình khắp Brazil. Franco khi đó 38 tuổi, nổi lên là chính trị gia bênh vực người yếu thế tại các khu ổ chuột, chiếm gần 1/4 dân số Rio de Janeiro, nơi đói nghèo, bạo lực cảnh sát, băng đảng thường xuyên xảy ra.

Sau 6 năm điều tra, cảnh sát Brazil ngày 24/3 bắt ba người với cáo buộc lên kế hoạch và ra lệnh ám sát Franco. Bộ trưởng Tư pháp Brazil Ricardo Lewandowski cho biết ba nghi phạm bị bắt gồm nghị sĩ liên bang Chiquinho Brazao, em trai Domingos Brazao, ủy viên hội đồng tòa án kiểm toán bang Rio de Janeiro, và Rivaldo Barbosa, cựu lãnh đạo cảnh sát thành phố.

"Cuộc điều tra phần nào cho thấy các nhóm tội phạm có tổ chức hoạt động thế nào ở Rio de Janeiro và mối liên hệ giữa chúng với các cơ quan chính quyền", Bộ trưởng Lewandowski cho biết.

Bà Marielle Franco. Ảnh: Mídia NINJA

Bà Marielle Franco trước khi bị ám sát. Ảnh: Mídia NINJA

Tổ chức được nhắc đến nhiều nhất trong báo cáo điều tra 500 trang của cảnh sát Braizl là các "biệt đội dân quân". Đây là những nhóm vũ trang do các cựu cảnh sát và binh sĩ Brazil lập ra hơn 40 năm trước để tự bảo vệ trước những băng đảng ma túy nguy hiểm ở Rio de Janeiro.

Nhưng rồi lực lượng này dần biến chất, trở thành những tổ chức tội phạm mạnh, kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn của thành phố. Cảnh sát Brazil cho biết các biệt đội này cấu kết, đồng lõa với cảnh sát và chính trị gia địa phương, gieo rắc sợ hãi tại các khu dân cư lao động. Thành viên băng đảng đe dọa chủ cửa hàng, ép buộc người dân địa phương trả tiền cho dịch vụ bảo kê.

Trong sự nghiệp hoạt động chính trị của mình, bà Franco chỉ trích mạnh mẽ tình trạng bạo lực và tham nhũng của cảnh sát thành phố. Cựu nghị sĩ cánh tả Marcelo Freixo, cố vấn của bà Franco, nói cuộc điều tra "cơ bản hiểu được độ sâu vực thẳm mà Rio de Janeiro đang kẹt dưới đó".

Báo cáo điều tra cho thấy "các băng nhóm tội phạm có ảnh hưởng lớn đến nhiều quan chức cấp cao trong lực lượng cảnh sát thành phố và gia tăng ảnh hưởng nhờ quyền lực chính trị ", Carolina Grillo, nhà xã hội học của Đại học Liên bang Fluminense, bang Rio de Janeiro, nói với AFP.

Cảnh sát Brazil phát hiện ngoài đe dọa, tống tiền người dân, các nhóm tội phạm ở Rio de Janeiro còn chiếm đất rồi xây trái phép nhà ở, nhà thương mại cho thuê. Grillo nói đây là "nguồn thu nhập chính của chúng".

Anh em Brazao, những chính trị gia kỳ cựu của Rio de Janeiro và có liên hệ trực tiếp với các nhóm tội phạm, bị cáo buộc liên quan đến việc này, trong khi bà Franco đấu tranh mạnh mẽ để phản đối. Cảnh sát liên bang Brazil tin anh em Brazao quyết định ám sát Franco vì bà "đe dọa lợi ích của họ".

Cảnh sát Brazil khám nghiệm hiện trường vụ ám sát nữ ủy viên Marielle Franco ở Rio de Janeiro ngày 15/3/2018. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Brazil khám nghiệm hiện trường vụ ám sát nữ ủy viên Marielle Franco ở Rio de Janeiro ngày 15/3/2018. Ảnh: Reuters

Khu vực mà những nhóm tội phạm này kiểm soát cũng là "thành trì bầu cử" đối với các chính trị gia như anh em Brazao.

Theo cơ quan điều tra Brazil, Barbosa nhậm chức cảnh sát trưởng Rio de Janeiro một ngày trước khi Franco bị ám sát. Họ nhận định anh em Brazao lôi kéo Barbosa tham gia kế hoạch để "đảm bảo không bị trừng phạt".

Barbosa bị cáo buộc đã giúp anh em Brazao lên kế hoạch ám sát Franco và sau đó cản trở giới chức trong thời gian đầu được giao phụ trách cuộc điều tra. Cảnh sát trưởng này cũng chính là người đã đến an ủi gia đình Franco sau cái chết của bà, nên việc nghi phạm này bị bắt khiến gia đình Franco bị sốc.

"Barbosa nói xử lý vụ án này là vấn đề danh dự đối với ông ta", bà Marinete da Silva, mẹ của Franco, nói với Globo News.

Năm 2019, cảnh sát liên bang Brazil đã truy tố hai cựu cảnh sát Ronnie Lessa và Elcio de Queiroz với cáo buộc ám sát Franco. Queiroz được cho là lái xe còn Lessa đã nổ súng. Hai nghi phạm đã nhận tội và Lessa khai nhận Barbosa đã ra lệnh cho họ. Năm 2023, giới chức Brazil bắt thêm một nghi phạm liên quan.

Bộ trưởng Nhân quyền Brazil Silvio Almeida nói cuộc điều tra về vụ ám sát Franco đang tạo cơ hội để giành lại những khu vực mà các nhóm tội phạm kiểm soát.

"Để làm điều này, chúng ta cần có các chính sách công. Các nhóm tội phạm đang lợi dụng khoảng trống để gieo rắc kinh hoàng", ông Almeida cho biết tại sự kiện tưởng nhớ Franco ngày 26/3.

Vị trí thành phố Rio de Janeiro, thủ phủ bang cùng tên ở Brazil. Đồ họa: BBC

Vị trí thành phố Rio de Janeiro, thủ phủ bang cùng tên ở Brazil. Đồ họa: BBC

Như Tâm (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Ông Zelensky cách chức loạt cố vấn thân cận

Tổng thống Ukraine Zelensky liên tiếp miễn nhiệm các quan chức thân cận, gồm trợ lý lâu năm và ba cố vấn.

Serhiy Shefir, người đảm nhiệm vị trí Trợ lý thứ nhất của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từ năm 2019, cùng ba cố vấn gồm Mykhailo Radutskyi, Serhii Trofimov và Oleh Ustenko bị cách chức theo sắc lệnh do ông Zelensky ban hành hôm nay.

Hai ủy viên giám sát hoạt động tuyển quân tình nguyện và quyền lợi của binh sĩ cũng nằm trong danh sách bị miễn nhiệm.

Tổng thống Zelensky ngày 29/3 cũng miễn nhiệm Andriy Smyrnov, quan chức phụ trách chính sách pháp lý, và Oleksiy Dniprov, người chịu trách nhiệm vận hành Văn phòng Tổng thống Ukraine. Đây là hai trong 10 cấp phó của Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak.

Ông Zelensky không nêu lý do khiến những người này bị mất chức.

Tổng thống Zelensky trong cuộc gặp với các quan chức an ninh ở tỉnh Sumy. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Tổng thống Zelensky gặp các quan chức an ninh ở tỉnh Sumy hôm 28/3. Ảnh: Văn phòng Tổng thống Ukraine

Đây là loạt động thái mới nhất trong nỗ lực cải tổ bộ máy chính phủ và quân đội được Tổng thống Zelenksy tiến hành thời gian qua. Thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine Oleksii Danilov cùng phát ngôn viên không quân Yuri Ignat cũng lần lượt bị cách chức trong tháng này mà không rõ nguyên nhân.

Thay đổi lớn nhất trước đó là quyết định cách chức tư lệnh quân đội Ukraine Valery Zaluzhny hồi tháng 2 và thay thế ông bằng tướng Oleksandr Syrsky, người khi đó giữ chức tư lệnh lục quân.

Đợt cải tổ diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đối mặt với nhiều khó khăn trên chiến trường, một phần do thiếu đạn được vì nguồn cung từ phương Tây sụt giảm. Trong cuộc phỏng vấn công bố hôm 29/3, ông Zelensky nói lực lượng nước này sẽ phải lui quân từng bước và thu hẹp tiền tuyến nếu gói viện trợ 60 tỷ USD từ Mỹ tiếp tục bị trì hoãn.

Tư lệnh Syrsky cũng thông báo đang đề xuất các thay đổi nhằm bổ nhiệm "những sĩ quan có kinh nghiệm hơn".

Phạm Giang (Theo AP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2024

Israel tuyên bố hạ thủ lĩnh cấp cao Hezbollah

Quân đội Israel nói đã hạ Ali Naim, phó chỉ huy đơn vị rocket của Hezbollah, trong đòn không kích vào miền nam Lebanon.

"Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) hôm nay huy động máy bay tấn công vùng al-Bazooriya của Lebanon và hạ Ali Abd al-Hasan Naim, phó chỉ huy đơn vị tên lửa và rocket của Hezbollah", Bộ Quốc phòng Israel thông báo hôm 29/3.

Video quay bằng camera ảnh nhiệt do IDF công bố cho thấy một chiếc ôtô trúng tên lửa khi đang di chuyển và phát nổ, bốc cháy dữ dội. Quân đội Israel thêm rằng Ali Naim là người có vai trò lập kế hoạch và triển khai các cuộc tập kích từ xa nhằm vào hậu phương của nước này.

Israel tuyên bố hạ thủ lĩnh cấp cao của Hezbollah

Israel tập kích xe được cho là chở Naim tại miền nam Lebanon hôm 29/3. Video: IDF

Lực lượng Hezbollah thông báo 7 thành viên của nhóm, bao gồm một người tên Naim, đã thiệt mạng do trúng hỏa lực của quân đội Israel, song không đề cập địa điểm và thời điểm xảy ra sự việc.

Hãng thông tấn quốc gia Lebanon NNA đưa tin "kẻ thù đã tiến hành cuộc tập kích bằng máy bay không người lái (UAV) nhằm vào một chiếc ôtô" ở miền nam đất nước, khiến ít nhất một người thiệt mạng. Nguồn tin giấu tên từ quân đội Lebanon nói người này là "quan chức Hezbollah".

Giao tranh qua biên giới giữa Hezbollah và Israel diễn ra gần như mỗi ngày sau vụ tấn công của Hamas hồi đầu tháng 10/2023. Hezbollah tuyên bố sẽ chỉ dừng tập kích Israel nếu có lệnh ngừng bắn tại Dải Gaza.

Số lượng các cuộc giao tranh gần đây gia tăng, khiến Mỹ hôm 28/3 phải kêu gọi Israel và Hezbollah tìm cách hạ nhiệt căng thẳng.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Lebanon cho biết "vô cùng lo lắng" trước các cuộc tấn công nhằm vào hạ tầng y tế của nước này, sau khi một số nhân viên cứu hộ ở miền nam Lebanon thiệt mạng trong vụ tập kích được cho là do IDF thực hiện tuần này.

Lực lượng Israel tại Dải Gaza trong bức ảnh đăng ngày 12/3. Ảnh: IDF

Lực lượng Israel tại Dải Gaza trong bức ảnh đăng ngày 12/3. Ảnh: IDF

Trong chuyến thị sát bộ tư lệnh phía bắc của IDF hôm 29/3, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant tuyên bố nước này sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tập kích nhằm vào Hezbollah.

Ông cũng khẳng định thủ lĩnh của nhóm, Hassan Nasrallah, là người khiến cho Hezbollah phải hứng chịu nhiều thương vong. "Hơn 320 tay súng của nhóm đã thiệt mạng. Chúng tôi sẽ bắt họ phải trả giá cho mỗi cuộc tấn công từ Lebanon", Bộ trưởng Quốc phòng Israel nhấn mạnh.

Giao tranh tại biên giới Israel - Leabnon đã khiến ít nhất 347 người tại Lebanon thiệt mạng, phần lớn là thành viên Hezbollah, song cũng có 56 dân thường. Theo giới chức Israel, ít nhất 10 binh sĩ và 7 dân thường nước này thiệt mạng. Giao tranh khiến hàng nghìn người ở miền nam Lebanon và miền bắc Israel phải rời bỏ nhà cửa.

Vị trí Israel, Lebanon và Gaza. Đồ họa: CNN

Vị trí Israel, Lebanon và Gaza. Đồ họa: CNN

Phạm Giang (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Pháp có thể đã đề nghị 45 nước cử binh sĩ bảo vệ Olympic

Các nguồn tin chính phủ nói rằng Pháp đã đề nghị hàng chục quốc gia cử quân nhân, cảnh sát tới bảo đảm an ninh cho Olympic Paris 2024.

Quan chức giấu tên trong chính phủ và Bộ Nội vụ Pháp hôm nay tiết lộ nước này hồi đầu năm đã đề nghị 45 quốc gia điều động khoảng 2.000 người, gồm binh sĩ quân đội và cảnh sát, để tăng cường năng lực bảo đảm an ninh cho Olympic Paris 2024.

Lực lượng này dự kiến bao gồm nhiều đơn vị cơ giới và kỵ binh, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực chống giấy tờ giả, rà phá bom mìn, chống thiết bị không người lái (drone) và điều khiển chó nghiệp vụ.

Lính Pháp tuần tra đường phố Paris hôm 13/3. Ảnh: Reuters

Lính Pháp tuần tra đường phố Paris hôm 13/3. Ảnh: Reuters

Nguồn tin chính phủ Pháp nói rằng 35 nước đã hồi đáp tích cực, thêm rằng Mỹ và Israel cũng sẽ cử một số lực lượng an ninh ngoài đề nghị của Pháp.

Xung đột tại Ukraine và Trung Đông, cũng như mối đe dọa sau vụ khủng bố ở thủ đô Moskva của Nga, buộc chính phủ Pháp nâng cảnh báo an ninh lên mức cao nhất. "Tình hình an ninh, đặc biệt là các diễn biến xảy ra những tuần gần đây, đòi hỏi cảnh giác cao độ", một quan chức quốc phòng Pháp nói thêm.

Giới chức Pháp chưa bình luận về thông tin.

Nhiều quốc gia từng đề nghị nước ngoài triển khai cảnh sát để quản lý lượng lớn du khách trong các sự kiện thể thao quốc tế, nhưng hiếm có nước nào kêu gọi hỗ trợ quân sự. Pháp từng cử chó nghiệp vụ và lực lượng chống drone thuộc quân đội đến Qatar khi nước này tổ chức World Cup 2022.

Olympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8, với sự tham gia của khoảng 14.500 vận động viên và chuyên gia thể thao, cùng hàng triệu du khách từ khắp nơi trên thế giới. Pháp dự kiến triển khai 45.000 cảnh sát, 20.000 nhân viên an ninh tư nhân và 15.000 binh sĩ quân đội mỗi ngày trong suốt hai tuần diễn ra sự kiện.

Paris từng chứng kiến nhiều vụ tấn công khủng bố quy mô lớn, trong đó có vụ thảm sát ở nhà hát Bataclan năm 2015, khiến 130 người thiệt mạng.

Vũ Anh (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Năm, 28 tháng 3, 2024

13 tháng Mỹ khắc phục sự cố sập cầu ở Minneapolis 17 năm trước

Thành phố Minneapolis năm 2007 hứng chịu một trong những sự cố sập cầu nghiêm trọng nhất ở Mỹ, nhưng đã triển khai các biện pháp khắc phục trong 13 tháng.

Cú đâm của tàu container khổng lồ Dali hôm 26/3 làm cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland sập xuống lòng sông, khiến 6 người chết và gây ra nhiều tổn thất nặng nề về giao thông, kinh tế cho khu vực.

Đây không phải là vụ sập cầu nghiêm trọng đầu tiên ở Mỹ. Cách đây 17 năm, thành phố Minneapolis ở bang Minnesota từng chứng kiến một thảm kịch tương tự.

Tàu container mất điện trước khi đâm vào cầu ở Mỹ

Khoảnh khắc tàu container đâm sập cầu ở Baltimore, bang Maryland, Mỹ ngày 26/3. Video: Reuters

Ngày 1/8/2007, khi ôtô đang nối đuôi nhau trong giờ cao điểm buổi tối trên cao tốc liên bang I-35W ở thành phố Minneapolis, cây cầu 8 làn xe chạy bắc qua sông Mississippi bất ngờ sập xuống, khiến 13 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Nguyên nhân thảm họa được cho là do lỗi thiết kế và bảo dưỡng kém với cây cầu.

Ngoài tổn thất về con người và thiệt hại trước mắt, vụ sập cầu cao tốc liên bang I-35W còn cắt đứt trục giao thông huyết mạch kết nối thành phố Minneapolis và Saint Paul của bang Minnesota. Cây cầu nằm cao hơn mực nước sông khoảng 30 m này là nơi khoảng 140.000 ôtô lưu thông qua mỗi ngày trước khi xảy ra sự cố.

Vào thời điểm xảy ra thảm kịch, nhiều người lo ngại giao thông khu vực sẽ trở nên hỗn loạn khi cầu I-35W không còn. Kỹ sư xây dựng David Levinson, cựu giáo sư Đại học Minnesota từng nghiên cứu về cầu I-35W, cho hay các cây cầu khác trong khu vực chỉ có thể đáp ứng thêm tối đa 90.000 phương tiện qua lại mỗi ngày.

Để khắc phục, trong những ngày sau đó, Sở Giao thông Vận tải Minnesota đã cải tạo lề đường của các tuyến đường lớn và cao tốc liên bang thành làn xe chạy, giúp các phương tiện lưu thông nhanh hơn.

Tình trạng ùn tắc nghiêm trọng đã không xảy ra như dự đoán và giới chức Mỹ chỉ mất 13 tháng để xây dựng cầu mới thay thế.

Thành phố Minneapolis, vốn nổi tiếng nhiều hồ và cầu, và Sở Giao thông Vận tải Minnesota cũng lập tức kiểm tra các cây cầu trong toàn bang và đưa ra chương trình sửa chữa, thay thế bất kỳ cầu nào có kết cấu không ổn định trong vòng 10 năm.

Vụ sập cầu ban đầu được ước tính gây tổn thất khoảng 113.000 USD mỗi ngày cho nền kinh tế bang Minnesota. 5 tháng sau khi cầu sập, một số doanh nghiệp nhỏ đóng cửa hàng với lý do lượng khách giảm sút.

Cho tới khi cây cầu thay thế được xây dựng và đi vào hoạt động hồi tháng 9/2008, tổn thất từ vụ sập cầu được báo cáo là 17 triệu USD trong năm 2007 và 43 triệu USD trong năm 2008.

Hiện trường vụ sập cầu cao tốc liên bang I-35W ở Minneapolis, bang Minnesota hồi tháng 8/2007. Ảnh: MinnPost

Hiện trường vụ sập cầu cao tốc liên bang I-35W ở Minneapolis, bang Minnesota hồi tháng 8/2007. Ảnh: MinnPost

Chính phủ Mỹ cũng nhanh chóng hành động, tuyên bố vụ sập cầu là thảm họa liên bang, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng được nhận khoản vay lãi suất thấp.

Hạ viện và Thượng viện nhất trí thông qua khoản tài trợ khẩn cấp 250 triệu USD cho Minnesota và dự luật được tổng thống George W. Bush khi đó ký thành luật vào ngày 6/8/2007, vài ngày sau khi cầu sập.

Đến giữa tháng 9, hơn một tháng sau khi sự cố xảy ra, Sở Giao thông Vận tải Minnesota thuê một công ty thiết kế và xây dựng cầu thay thế với chi phí ước tính 234 triệu USD.

Cây cầu mới mang tên Saint Anthony Falls I-35W được khánh thành vào giữa tháng 9/2008, nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn dự kiến, được xem là bước thay đổi đáng kinh ngạc so với nhiều tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng.

Trong nghiên cứu vào năm 2011 đăng trên tạp chí Công nghệ và Kế hoạch Giao thông Vận tải, Levinson và giáo sư Feng Xie cho rằng việc triển khai nhanh chóng dự án khắc phục của chính quyền Minnesota đã giúp tiết kiệm cho người tham gia giao thông khoảng 9.500 USD-17.500 USD mỗi ngày.

"Tỷ lệ lợi ích - chi phí là khoảng 2.0-9.0, cho thấy những dự án này mang lại lợi ích cao về mặt kinh tế", Levinson và Xie cho hay.

"Tác động kinh tế của vụ sập cầu ở mức thấp hơn những gì mọi người lo ngại ban đầu. Khả năng thích ứng với thảm họa là gần như ngay lập tức", Christopher Phelan, giáo sư kinh tế tại Đại học Minnesota, nói về sự cố.

Tối 26/3, sau khi vụ sập cầu ở Baltimore xảy ra, cầu Saint Anthony Falls đã được thắp sáng màu cờ của bang Maryland. Thống đốc Minnesota Tim Walz tuyên bố sẽ cung cấp mọi nguồn lực và kinh nghiệm cần thiết để giúp Maryland vượt qua thảm kịch.

Cầu Saint Anthony Falls I-35W ở Minneapolis thắp màu cờ bang Maryland tối 26/3. Ảnh: WMAR

Cầu Saint Anthony Falls I-35W ở Minneapolis thắp màu cờ bang Maryland tối 26/3. Ảnh: WMAR

Chi phí xây dựng lại cầu Francis Scott Key ước tính lên tới 600 triệu USD, theo công ty phân tích IMPLAN. Tổng thiệt hại do đóng cửa cảng ở thành phố Baltimore trong một tháng có thể ở mức 28 triệu USD.

Lưu lượng giao thông qua cầu Francis Scott Key chỉ bằng khoảng 22% so với cầu I-35W, song dài hơn rất nhiều. Ngoài ra, vụ sập cầu Francis Scott Key còn khiến cảng Baltimore, cảng nhộn nhịp thứ 9 ở Mỹ, phải đóng cửa.

"Điều đó sẽ kéo dài cho tới khi các công ty trục vớt có thể xử lý sạch hiện trường. Họ có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để mở lại giao thông trên sông và đảm bảo cho tàu tiếp tục cập cảng Baltimore", Ryan Petersen, giám đốc điều hành công ty công nghệ hậu cần Flexport, nói.

Ngay sau vụ sập cầu ở Baltimore, Levinson hy vọng cơ quan chức năng bang và liên bang chú ý đến những lỗ hổng của hệ thống cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ, vốn đã già cỗi sau hàng chục năm xây dựng.

"Tôi cho rằng thảm kịch này chưa phải là cuối cùng. Chúng ta cần nghĩ về cách chống lại những điều đó", ông nói.

Thanh Tâm (Theo CNN, Reuters)

Adblock test (Why?)

Liên minh 5 nước cung cấp xe tăng cho Ukraine

Giới chức Ukraine thông báo 5 nước châu Âu đã khởi động liên minh cung cấp xe tăng cùng đạn dược, hỗ trợ bảo dưỡng và huấn luyện cho Kiev.

"Các đối tác của Ukraine vừa cho khởi động một 'liên minh quốc phòng' mới. Lần này là 'liên minh xe tăng', với cuộc họp đầu tiên diễn ra tại Warsaw", Chủ tịch Ủy ban Tài chính của quốc hội Ukraine Daniil Getmantsev ngày 28/3 thông báo.

Theo nghị sĩ Ukraine, sáng kiến ban đầu của Ba Lan và Đức đã được mở rộng thêm ba nước Anh, Thụy Điển và Italy. Mục tiêu liên minh 5 nước hướng tới là cung cấp vũ khí và đạn dược xe tăng cho Kiev, đồng thời hỗ trợ quân đội Ukraine về sửa chữa, bảo dưỡng, huấn luyện và kỹ thuật.

"Nga vốn sở hữu số lượng xe tăng rất lớn, ngay từ những năm tháng Liên Xô còn tồn tại. Ukraine sẽ cần tăng gấp đôi nỗ lực để củng cố sức mạnh trên phương diện này", Getmantsev bình luận.

Giới chức những nước Anh, Đức, Ba Lan, Thụy Điển và Italy chưa bình luận về tuyên bố của nghị sĩ Ukraine.

Binh sĩ Ukraine trên xe tăng ở vùng Donetsk, ngày 4/3/2023. Ảnh: Reuters

Binh sĩ Ukraine trên xe tăng ở vùng Donetsk, ngày 4/3/2023. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Wladyslaw Kosiniak-Kamysz và người đồng cấp Đức Boris Pistorius hôm 18/3 tuyên bố ý định thành lập liên minh cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực cho Ukraine.

Kosiniak-Kamysz nói Warsaw và Berlin sẽ đóng vai trò dẫn dắt "một trong những liên minh quan trọng nhất" đối với cuộc chiến tại Ukraine. Ông kêu gọi các nước thành viên NATO và Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ sáng kiến nhằm thúc đẩy an ninh tại châu Âu, lưu ý rằng Anh, Thụy Điển và Italy đã đồng ý hợp tác.

Liên minh cung cấp xe tăng cho Ukraine bắt đầu vòng thảo luận đầu tiên tại Warsaw từ ngày 26/3. Bộ Quốc phòng Ukraine ca ngợi sáng kiến này sẽ "củng cố tấm khiên bảo vệ lực lượng vũ trang" Ukraine và tập hợp sức mạnh của quân đội các nước để đối trọng Nga.

Đức, Pháp và Ba Lan vào đầu tháng này đã thiết lập liên minh cung cấp rocket tầm xa cho Ukraine.

Thanh Danh (Theo TASS, Ukrinform, Pravda)

Adblock test (Why?)

Thứ Tư, 27 tháng 3, 2024

Ông Putin: Nga sẽ hủy diệt tiêm kích F-16 được cấp cho Ukraine

Tổng thống Putin cảnh báo nếu các tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất được đưa tới Ukraine, Nga sẽ coi chúng là mục tiêu hợp pháp và hủy diệt.

"Dù họ bàn giao F-16 cho Ukraine thì tôi nghĩ các bạn đều biết rõ hơn ai hết việc đó cũng chẳng thay đổi được tình hình trên chiến trường. Chúng ta sẽ tiêu diệt những tiêm kích đó như cách đã phá hủy xe tăng, xe bọc thép và các thiết bị khác", Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong chuyến thăm căn cứ không quân Torzhok ở vùng Tver, phía bắc Moskva.

Căn cứ này là nơi đặt trung tâm đào tạo phi công chiến đấu của Nga, trong đó có những phi công đang được huấn luyện để tham chiến ở Ukraine.

"Tất nhiên, nếu những chiếc F-16 do phi công Ukraine điều khiển xuất kích từ sân bay các nước thứ ba, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng ta, bất kể đó là nước nào", ông Putin nhấn mạnh.

Người đứng đầu Điện Kremlin cũng lưu ý F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân và Nga sẽ phải tính đến yếu tố này trong hoạt động chiến đấu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với truyền thông tại Moskva ngày 18/3. Ảnh: AFP

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu với truyền thông tại Moskva ngày 18/3. Ảnh: AFP

Bình luận của ông Putin được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói tiêm kích F-16 sẽ đến Ukraine trong những tháng tới.

Ukraine nhiều lần đề nghị phương Tây viện trợ tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất nhằm cải thiện năng lực không quân. Sau nhiều tháng do dự, Mỹ tháng 5/2023 bật đèn xanh cho các quốc gia châu Âu làm điều này. Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy và Bỉ đã cam kết chuyển F-16 cho Ukraine và đào tạo phi công lái tiêm kích này.

Kiev dự kiến tiếp nhận những chiếc F-16 đầu tiên trong năm nay, sau khi phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện, song đến nay vẫn chưa có chuyến hàng nào được giao.

Nga nhiều lần cảnh báo việc phương Tây cung cấp tiêm kích có khả năng mang hạt nhân sẽ là sự leo thang không thể chấp nhận được trong xung đột ở Ukraine.

Tiêm kích đa năng F-16 do General Dynamics phát triển từ những năm 1970, được Mỹ và các đồng minh sử dụng. Mỗi chiếc F-16 có giá khoảng 30-35 triệu USD tùy biến thể, nhưng khách hàng có thể trả nhiều hoặc ít hơn dựa vào số lượng đặt mua, điều kiện kinh tế - chính trị và các yếu tố khác.

F-16 có thể đạt tốc độ tối đa 2.121 km/h ở độ cao 12.000 m, trần bay tối đa 18.000 m với tầm hoạt động 546 km. F-16 được trang bị một pháo 6 nòng 20 mm, 11 giá treo có thể mang theo 7,7 tấn vũ khí.

Huyền Lê (Theo Reuters, RT)

Adblock test (Why?)

Bảo hiểm có thể phải bồi thường hàng tỷ USD trong vụ sập cầu Mỹ

Giới chuyên gia ước tính vụ tàu container đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore có thể khiến các công ty bảo hiểm phải bồi thường hàng tỷ USD.

Khi chưa rõ thời điểm cảng Baltimore, bang Maryland của Mỹ mở cửa trở lại sau vụ sập cầu Francis Scott Key ngày 25/3, các công ty bảo hiểm đang phải đánh giá tổn thất liên quan tới việc bồi thường các tài sản, hàng hóa, trách nhiệm pháp lý, tín dụng thương mại và gián đoạn kinh doanh của các bên liên quan.

"Mặc dù tổng thiệt hại vụ sập cầu và yêu cầu bồi thường chưa rõ ràng, con số có thể lên tới hàng tỷ USD", Mathilde Jakobsen, giám đốc phân tích tại công ty đánh giá bảo hiểm AM Best ở Mỹ, nhận định.

Bảo hiểm trách nhiệm dân sự cho chủ tàu, bao gồm cả thiệt hại về môi trường biển, được cung cấp thông qua tổ chức có tên gọi hội bảo hiểm P&I. Tổ chức này cung cấp bảo hiểm chung cho khoảng 90% hàng hóa vận chuyển bằng đường biển của thế giới và các thành viên sẽ tái bảo hiểm cho nhau bằng cách chia sẻ yêu cầu bồi thường trên 10 triệu USD.

Tái bảo hiểm được hiểu là một công ty bảo hiểm chuyển nhượng quyền lợi và trách nhiệm với bên được bảo hiểm cho một công ty khác. AM Best cho biết hội P&I nắm giữ tổng số tiền tái bảo hiểm tổn thất vượt quá giá trị bảo hiểm lên tới 3,1 tỷ USD.

Hiện trường vụ tàu container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Maryland, Mỹ, hôm 26/3. Ảnh: AFP

Hiện trường vụ tàu container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key ở Baltimore, Maryland, Mỹ, hôm 26/3. Ảnh: AFP

Công ty bảo hiểm Britannia P&I ở Anh cho biết tàu container Dali nằm trong danh sách bảo hiểm P&I, đồng thời thêm rằng họ đang hợp tác chặt chẽ với bên quản lý và các cơ quan liên quan để "xác minh và đảm bảo sự việc được xử lý nhanh chóng, chuyên nghiệp".

Chi phí xây dựng lại cầu Francis Scott Key ước tính lên tới 600 triệu USD, theo công ty phân tích IMPLAN. Tổng thiệt hại do đóng cửa cảng ở thành phố Baltimore trong một tháng có thể ở mức 28 triệu USD.

"Gián đoạn kinh tế và thiệt hại với các doanh nghiệp cũng như cá nhân ở Maryland cũng như khu kinh tế Baltimore sẽ tiếp tục lan rộng và phải mất nhiều năm mới hồi phục hoàn toàn", Julien Horn, đối tác tại công ty tư vấn bảo hiểm McGill & Partners, nhận định.

Thanh Tâm (Theo Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2024

Cố vấn Iran, nhân viên WHO thiệt mạng trong vụ tập kích ở Syria

Loạt vụ tập kích trong lãnh thổ Syria khiến 17 người thiệt mạng, trong đó có một cố vấn quân sự Iran và một nhân viên WHO.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở tại Anh, ngày 26/3 cho biết vụ tập kích nhằm vào thành phố Deir ez-Zor và thị trấn Al Bukamal gần biên giới. Trong số các mục tiêu của trận không kích có một biệt thự nằm ở Deir ez-Zor, nơi được dùng làm trung tâm liên lạc trong khu vực.

Theo SOHR, vụ tập kích khiến một cố vấn thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) cùng hai vệ sĩ, 9 tay súng Iraq và 4 tay súng Syria thuộc các nhóm dân quân thân Iran thiệt mạng.

Hãng thông tấn Iran IRNA cho biết cố vấn IRGC chết trong trận tập kích là Behrouz Vahedi, thuộc lực lượng Quds chuyên phụ trách hoạt động ở nước ngoài.

Cùng ngày, giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus thông báo Emad Shehab, kỹ sư của cơ quan chuyên điều phối các vấn đề nước và vệ sinh ở Deir Ez-Zor, thiệt mạng trong vụ tập kích.

Tiêm kích F-15I của Israel cất cánh từ căn cứ không quân Hatzerim hồi tháng 6/2022. Ảnh: Times of Israel

Tiêm kích F-15I của Israel cất cánh từ căn cứ không quân Hatzerim hồi tháng 6/2022. Ảnh: Times of Israel

SOHR không cho biết bên nào thực hiện các vụ tập kích nói trên. Deir Ez-Zor từng bị Mỹ và Israel không kích. IRNA đưa tin Israel tiến hành đợt tấn công, Tel Aviv chưa bình luận về thông tin.

Trong khi đó, hãng thông tấn SANA của Syria cáo buộc Mỹ thực hiện vụ tấn công. Tuy nhiên, một quan chức Mỹ tuyên bố quân đội nước này "không triển khai bất cứ đợt không kích nào trong đêm".

Israel từng thực hiện hàng trăm vụ không kích nhằm vào các nhóm dân quân thân Iran tại Syria chiến đấu cùng lực lượng của Tổng thống Bashar al-Assad, song hiếm khi nhận trách nhiệm.

Mỹ cũng nhiều lần tấn công dân quân thân Iran mà họ cáo buộc nhiều lần tấn công vào lợi ích của Mỹ tại Iraq và Syria khi chiến sự Israel - Hamas diễn ra. Đợt không kích hồi tháng 2 của Mỹ nhằm vào mục tiêu ở Deir Ez-Zor và Al Mayadin, Syria khiến 29 tay súng thân Iran thiệt mạng.

Chiến dịch này nhằm trả đũa vụ tấn công căn cứ Mỹ ở Jordan, khiến ba binh sĩ nước này thiệt mạng và làm dấy lên lo ngại đối đầu trực diện giữa Mỹ và Iran. Các nhóm dân quân thân Iran sau đó hạn chế tấn công mục tiêu Mỹ tại Syria.

Thanh Danh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Loạt bê bối pháp lý bào mòn quỹ thời gian tranh cử của Trump

Lịch hầu tòa dày đặc đúng mùa bầu cử sẽ tác động tiêu cực đến lịch trình vận động của Trump, buộc ông phải tìm chiến lược tranh cử phù hợp hơn.

Ngày 25/3, tòa phúc thẩm New York đồng ý cho cựu tổng thống Donald Trump giảm phí bảo lãnh khoản tiền phạt 464 triệu USD xuống còn 175 triệu USD và yêu cầu ông thực hiện trong vòng 10 ngày.

Đây được coi là một chiến thắng trong nỗ lực ứng phó loạt rắc rối pháp lý đang bủa vây cựu tổng thống. Chỉ một ngày trước đó, ông Trump còn phải đối mặt với nguy cơ phải bán tháo các bất động sản giá trị để có tiền nộp phạt, trong bối cảnh các công ty bảo hiểm đều từ chối bảo lãnh cho khoản phạt quá lớn như vậy.

Nhưng ông Trump cùng ngày lại thất bại trong nỗ lực hoãn xử vụ kiện về cáo buộc chi tiền bịt miệng sao khiêu dâm Stormy Daniels ém thông tin bất lợi khi tranh cử năm 2016. Thẩm phán tòa tối cao bang New York Juan Merchan bác bỏ lập luận từ luật sư đại diện cựu tổng thống, ấn định bắt đầu xét xử ngày 15/4.

Những diễn biến trên phần nào cho thấy tình thế khó lường của Trump, khi vừa là ứng viên tổng thống vừa là bị cáo. Khoảng thời gian từ nay đến ngày bầu cử tháng 11 được giới quan sát đánh giá sẽ không dễ chịu với cả ông Trump cũng như cử tri Mỹ.

Thay vì tập trung vận động tranh cử, ông Trump giờ cần chuẩn bị để trình diện tòa từ ngày 15/4. Quá trình xét xử kéo dài ít nhất 6 tuần và ông sẽ phải có mặt tại tòa 4 ngày mỗi tuần, trừ các thứ tư.

"Làm sao có thể tranh cử khi phải ngồi tại tòa án Manhattan cả ngày? Tôi lúc này lẽ ra phải ở Nam Carolina. Tôi không nên phải ngồi trong tòa án", ông Trump nói khi chuẩn bị bước vào tòa tối cao New York sáng 25/3.

Cựu tổng thống Donald Trump tại tòa án tối cao bang New York ngày 6/11/2023. Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Donald Trump tại tòa án tối cao bang New York ngày 6/11/2023. Ảnh: Reuters

Ông Trump đang đối mặt 4 vụ truy tố với tổng cộng 91 tội danh. Ngoài New York, cựu tổng thống còn bị cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử dẫn đến bạo loạn tại Đồi Capitol năm 2021, can thiệp bầu cử bang Georgia và giữ trái phép tài liệu mật sau khi rời Nhà Trắng.

Ứng viên tổng thống Cộng hòa chỉ trích các vụ truy tố này là nỗ lực "can thiệp bầu cử" của chính quyền Tổng thống Joe Biden. "Tôi không hiểu sao lại bắt đầu xét xử ngay giữa mùa bầu cử. Thật không công bằng", ông Trump nói.

Công tố viên hạt Fulton đề xuất bắt đầu xử ông Trump ngày 5/8 trong vụ truy tố ở bang Georgia, còn tòa án liên bang Florida dự định xử vụ giữ trái phép tài liệu mật vào ngày 20/5. Trong khi đó, tòa án liên bang Washington chưa ấn định ngày xử cáo buộc âm mưu lật ngược kết quả bầu cử, bởi Tòa án Tối cao Mỹ đang xử lý đơn kháng cáo từ ông Trump liên quan quyền miễn truy tố của tổng thống.

Với chiến dịch của ông Biden, loạt bê bối pháp lý của đối thủ vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Nhà Trắng nhìn chung không bình luận, tránh để Trump có lý do để củng cố tuyên bố rằng ông là nạn nhân chính trị, trong khi chiến dịch của ông Biden gần đây tăng cường công kích cựu tổng thống.

"Donald Trump yếu kém và tuyệt vọng, dù là một người đàn ông hay ứng viên tổng thống", James Singer, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Biden, nói ngày 25/3. "Chiến dịch của ông ấy không thể huy động tiền. Ông ấy không quan tâm vận động tranh cử. Và mỗi lần mở miệng, ông ấy càng khiến cử tri trung lập và ngoại ô xa lánh vì chương trình nghị sự nguy hiểm của mình".

Ông Trump tích cực tranh cử hơn ông Biden trong giai đoạn đầu mùa bầu cử năm nay. Tình hình đảo chiều từ Siêu thứ ba 5/3, khi hai ứng viên đều thắng lớn và gần như chắc chắc chắn giành đề cử của đảng.

Kể từ đó đến nay, ông Trump chỉ có hai sự kiện vận động ở Georgia và Ohio. Ông hủy sự kiện ở bang Arizona để dành sự ủng hộ cho ứng viên thượng nghị sĩ Bernie Moreno. Ngoài cuộc bầu cử sơ bộ tại bang Florida hôm 19/3, ông Trump tuần trước không tham dự cuộc vận động nào. Ông chơi golf và tổ chức các cuộc gặp chính trị tìm cách gây quỹ.

Trong khi đó, chiến dịch vận động của Tổng thống Biden hoạt động bùng nổ hơn. Ông và cấp phó Kamala Harris cùng đến các bang chiến trường quan trọng, tổ chức hơn 10 sự kiện ở Georgia, Wisconsin, Pennsylvania, Arizona, Nevada, Michigan và Texas.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vandalia, Ohio, hôm 16/3. Ảnh: AFP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Vandalia, Ohio, hôm 16/3. Ảnh: AFP

Chiến lược gia chính trị Charlie Kolean không bất ngờ khi ông Trump không vận động nhiều từ sau khi hội đủ đại biểu để nhận đề cử đảng Cộng hòa, trong bối cảnh chiến dịch tranh cử của ông có nguồn lực tài chính hạn chế và cựu tổng thống còn phải xử lý các bê bối pháp lý.

"Tôi nghĩ đây là lựa chọn có chủ ý", Kolean nhận định và không tin Tổng thống Biden có thể giành thêm lợi thế trước ông Trump, khi ứng viên Cộng hòa sẽ tìm cách thích nghi và điều chỉnh chiến lược tranh cử phù hợp hơn với tình hình mới.

"Tôi tin bạn sẽ thấy điều này xảy ra. Đó là ông Trump sẽ kiềm chế, thân thiện hơn khi trả lời phỏng vấn truyền thông. Khi vận động tranh cử, ông ấy sẽ hành động có chiến lược hơn", Kolean nói.

Các nguồn thạo tin cho hay ông Trump hiện dự định chỉ vận động tranh cử vào cuối tuần tại các bang chiến lược gần New York, như Pennsylvania, hoặc đến một số khu vực ủng hộ ứng viên Cộng hòa ngoài Manhattan. Trump sẽ trả lời phỏng vấn phát thanh và truyền hình từ Tháp Trump, nơi ông ở lại trong thời gian xét xử.

Những người ủng hộ, cùng các chuyên gia chính trị cho rằng Trump sẽ tìm cách gây chú ý theo cách khác, nhằm hạn chế ảnh hưởng tiêu cực từ lịch hầu tòa dày đặc cũng như ngân sách tranh cử eo hẹp hơn.

"Chiến dịch của ông Trump dừng tổ chức những sự kiện lớn để tiết kiệm. Nhưng tên ông Trump vẫn xuất hiện trên trang nhất các báo mỗi ngày. Do đó, ngay cả khi không vận động, độ nhận diện của ông ấy vẫn cao", Dan Eberhart, nhà quyên góp lâu năm của đảng Cộng hòa, nói.

Chiến dịch tranh cử của ông Trump có 42 triệu USD vào đầu tháng 3 và họ đang cố tích lũy để cạnh tranh với đối thủ, khi ngân sách của phe Dân chủ đã lên tới khoảng 100 triệu USD.

"Việc không xuất hiện nhiều tại các cuộc vận động còn mang lại lợi ích cho Trump, khi ông tránh trở thành tiêu điểm chú ý và không trả lời phỏng vấn báo giới mỗi ngày", Eberhart bổ sung, nhắc đến khả năng cựu tổng thống có thể "lỡ miệng" khiến cử tri trung lập xa lánh ông. "Rõ ràng vị thế cựu tổng thống trong các cuộc thăm dò sẽ không bị ảnh hưởng".

Như Tâm (Theo ABC News, CNN, AP)

Adblock test (Why?)

Thứ Hai, 25 tháng 3, 2024

Đổi tên thành 'Bất kỳ ai Khác' để tranh cử tổng thống Mỹ

Một giáo viên ở Texas quyết định đổi tên thành "Bất kỳ ai Khác" để tranh cử tổng thống Mỹ do không hài lòng với hai ứng viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ.

Dustin Ebey, 35 tuổi, cựu quân nhân và hiện là giáo viên dạy toán lớp 7 ở ngoại ô thành phố Dallas, bang Texas, hồi đầu năm đã hoàn thành thủ tục để đổi tên thành Literally Anybody Else (Bất kỳ ai Khác Theo nghĩa đen) khi đủ tuổi ra tranh cử tổng thống Mỹ.

Luật Mỹ quy định những người là công dân được sinh ra ở nước này, đã sinh sống tại đây ít nhất 14 năm và từ 35 tuổi trở lên đều có thể tranh cử tổng thống.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Mỹ ngày 25/3, Else chìa bằng lái với cái tên mới được đăng ký hợp pháp, cho hay mình làm điều này để thuyết phục những cử tri không hài lòng với cả ứng viên tổng thống Joe Biden của đảng Dân chủ lẫn Donald Trump của đảng Cộng hòa trong trong cuộc bầu cử năm nay.

Else chìa bằng lái xe đã đổi tên, tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Ảnh: Wfaa

Else chìa bằng lái xe đã đổi tên, tuyên bố tranh cử tổng thống Mỹ 2024. Ảnh: Wfaa

"Ba trăm triệu người Mỹ thừa năng lực làm tốt hơn", Else nói. "Thực sự cần lối thoát cho những người như tôi, những người đã chán ngấy việc hai đảng phái tranh giành quyền lực mà không đem lại lợi ích nào cho người dân".

Else cho hay thẩm phán hạt Tarrant đã ký phê chuẩn quyết định đổi tên cho anh, dù "không mấy thích thú với việc này". Theo anh, động thái đổi tên này cũng cho thấy bất kỳ công dân Mỹ nào đủ điều kiện cũng có thể ra tranh cử tổng thống.

Else lên kế hoạch tranh cử với tư cách ứng viên độc lập, để trong lá phiếu bầu tổng thống tháng 11 sẽ có tên Joe Biden, Donald Trump và "Bất kỳ ai Khác Theo nghĩa đen".

Tuy nhiên, chặng đường tranh cử của Else sẽ đối mặt rất nhiều khó khăn. Để có tên trên lá phiếu, giáo viên này cần thu thập đủ 113.000 chữ ký ủng hộ từ các cử tri không tham gia bầu cử sơ bộ ở bang Texas trước ngày 13/5.

Do khả năng này rất khó xảy ra, nên Else đang kêu gọi cử tri viết tên "Bất kỳ ai Khác" vào dòng trống trên lá phiếu.

Trên trang web giới thiệu, Else tuyên bố "Bất kỳ ai Khác Theo nghĩa đen không phải là một con người cụ thể, mà là một lời kêu gọi" rằng nước Mỹ "không đáng bị mắc kẹt, buộc phải chọn lựa giữa 'Vua nợ' (ông Donald Trump) và một ông cụ 81 tuổi".

"Đã quá lâu rồi, người dân Mỹ là nạn nhân của các đảng phái chính trị đặt lòng trung thành với đảng lên trên việc điều hành đất nước. Hãy cùng nhau gửi thông điệp tới Washington để nói: 'Các ông phải làm đúng vai trò đại diện cho người dân, hoặc sẽ bị thay thế'", Else bày tỏ.

Hồng Hạnh (Theo Guardian)

Adblock test (Why?)

Tòa New York giảm phí bảo lãnh cho ông Trump xuống 175 triệu USD

Tòa phúc thẩm New York đồng ý cho cựu tổng thống Trump giảm phí bảo lãnh khoản tiền phạt 464 triệu USD xuống còn 175 triệu USD.

Tòa phúc thẩm New York ngày 25/3 đồng ý cho cựu tổng thống Mỹ Donald Trump thêm 10 ngày để nộp 175 triệu USD bảo lãnh cho khoản tiền phạt 464 triệu USD. Đây được coi là chiến thắng trong nỗ lực xử lý loạt vấn đề pháp lý đang bủa vây của cựu tổng thống.

Ông Trump lập tức đăng trên mạng xã hội Truth Social rằng sẽ tuân theo quyết định của tòa phúc thẩm

"Tôi rất tôn trọng quyết định của tòa phúc thẩm và sẽ nộp 175 triệu USD tiền mặt, trái phiếu hoặc cổ phiếu hoặc bất cứ loại hình nào cần thiết. Rất nhanh thôi", cựu tổng thống Mỹ nói.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Richmond, Virginia, hôm 2/3. Ảnh: Reuters

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump tại Richmond, Virginia, hôm 2/3. Ảnh: Reuters

Tổng chưởng lý New York Letitia James, người khởi xướng vụ kiện dân sự khiến ông Trump bị tuyên phạt hàng trăm triệu USD, nói cựu tổng thống "vẫn phải chịu trách nhiệm vì hành vi gian lận đáng kinh ngạc của bản thân".

Thẩm phán New York Arthur Engoron hồi tháng 2 phán quyết cựu tổng thống Trump phải nộp phạt 355 triệu USD, với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản để được hưởng các khoản vay hay điều khoản bảo hiểm ưu đãi. Cộng với tiền lãi, ông Trump phải nộp phạt tổng cộng 464 triệu USD.

Ông Trump không chấp nhận phán quyết của tòa và đã đệ đơn kháng cáo, nhưng luật quy định ông vẫn phải nộp phạt trong quá trình chờ kết quả kháng nghị. Nếu kháng cáo thành công, số tiền đã nộp phạt sẽ được trả lại cho cựu tổng thống.

Nhóm pháp lý của cựu tổng thống đã tiếp cận hàng chục công ty bảo lãnh cho khoản phạt, nhưng đều không thành công. Trước khi tòa phúc thẩm giảm tiền bảo lãnh xuống 175 triệu USD, ông Trump đã lo phải bán tháo bất động sản để có tiền nộp phạt hoặc bị chính quyền New York tịch thu tài sản.

Ông Trump, 77 tuổi, đang bị loạt vấn đề pháp lý bủa vây. Tuy nhiên, ông vẫn nhận được sự ủng hộ từ đa số đảng Cộng hòa và sẽ trở thành ứng viên đại diện đảng trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11. Theo ước tính của Forbes vào tháng 9/2023, ông sở hữu khối tài sản 2,6 tỷ USD.

Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)

Adblock test (Why?)

Hội đồng Bảo An thông qua nghị quyết yêu cầu ngừng bắn ở Gaza

Hội đồng Bảo an LHQ lần đầu thông qua nghị quyết yêu cầu lập tức ngừng bắn ở Dải Gaza, khi Mỹ không sử dụng quyền phủ quyết.

14 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 25/3 bỏ phiếu ủng hộ và chỉ có Mỹ bỏ phiếu trắng về nghị quyết "yêu cầu ngừng bắn lập tức" ở Dải Gaza khi đang trong tháng chay Ramadan của người Hồi giáo. Động thái này thu hút những tràng pháo tay lớn trong hội trường.

Tháng Ramadan kéo dài đến ngày 9/4. Nghị quyết kêu gọi ngừng bắn lập tức để dẫn tới lệnh ngừng bắn "lâu dài, bền vững", đồng thời yêu cầu lực lượng Hamas và các nhóm vũ trang khác ở Dải Gaza trả tự do cho những con tin bị bắt hôm 7/10/2023.

Nghị quyết này được nhiều nước soạn thảo, trong đó có Algeria, thành viên khối các nước Arab trong Hội đồng Bảo an, cùng Slovenia và Thụy Sĩ.

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông ngày 25/3. Ảnh: AFP

Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về tình hình Trung Đông ngày 25/3. Ảnh: AFP

Mỹ trước đây luôn phủ quyết các nghị quyết kêu gọi ngừng bắn ở Dải Gaza, nhưng nước này dường như đang ngày càng bất đồng với Israel, đặc biệt là với kế hoạch tấn công Rafah, thành phố đông đúc phía nam Gaza.

Phản ứng trước động thái của Hội đồng Bảo an, Israel cho biết việc Mỹ bỏ phiếu trắng đã gây tổn hại cho nỗ lực chiến sự cũng như nỗ lực phóng thích con tin của Tel Aviv.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thông báo hủy chuyến thăm của phái đoàn nước này tới Mỹ. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết Mỹ rất thất vọng với động thái này của Israel.

Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield khẳng định lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza chỉ có thể được thực hiện khi Hamas phóng thích con tin đầu tiên. "Đây là cách duy nhất để đảm bảo lệnh ngừng bắn", bà Thomas-Greenfield nói.

Xung đột ở Dải Gaza bùng phát từ hôm 7/10/2023, khi nhóm vũ trang Hamas tấn công vào lãnh thổ Israel, khiến khoảng 1.160 người thiệt mạng. Hamas bắt 250 người làm con tin và Israel cho rằng trong số 130 con tin vẫn còn ở Dải Gaza, 33 người đã chết.

Cơ quan y tế Dải Gaza cho biết chiến dịch quân sự của Israel ở dải đất đã khiến hơn 32.000 người chết.

Hội đồng Bảo an đã có quan điểm chia rẽ về cuộc chiến Israel - Hamas, chỉ thông qua hai trong số 8 dự thảo nghị quyết được đưa ra, cả hai đều tập trung vào vấn đề viện trợ nhân đạo. Những nghị quyết đó dường như không có nhiều tác dụng trên thực địa. Các nhân viên LHQ cho biết Israel tiếp tục chặn các đoàn xe viện trợ, khi các chuyên gia cảnh báo về nạn đói ở Gaza.

Ngọc Ánh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2024

4 nghi phạm tấn công nhà hát Nga trình diện tòa án

4 nghi phạm trực tiếp liên quan vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall trình diện tòa án Moskva và đối mặt các cáo buộc khủng bố.

Tòa án quận Basmanny ở Moskva triệu tập phiên làm việc cuối ngày 24/3 để nghe yêu cầu từ các công tố viên với 4 nghi phạm liên quan trực tiếp vụ tấn công nhà hát Crocus City Hall hôm 22/3.

Các nghi phạm lần lượt trình diện tòa, đối mặt các cáo buộc liên quan chủ nghĩa khủng bố và lĩnh án chung thân nếu bị kết tội, theo thông báo từ tòa án quận Basmanny. Tòa ra lệnh tạm giam 4 nghi phạm đến ngày 22/5 và có thể gia hạn tùy thuộc vào thời gian bắt đầu xét xử.

4 nghi phạm tấn công nhà hát Nga trình diện tòa án

Cảnh sát Nga áp giải các nghi phạm trình diện tòa án. Video: Reuters

Hình ảnh từ tòa án cho thấy cảnh sát Nga áp giải ba nghi phạm bị còng tay vào phòng kính dành cho bị cáo. Nghi phạm thứ tư ngồi xe lăn, mắt nhắm.

Truyền thông Nga đưa tin 4 nghi phạm tên Dalerdjon Mirzoyev, Saidakrami Rachabalizod, Muhammadsobir Fayzov và Shamsidin Fariduni. Dalerdjon Mirzoyev nói mình là người Tajikistan. Nghi phạm này cùng Saidakrami Rachabalizod được cho là đã nhận tội.

Dalerdjon Barotovich Mirzoyev, một trong 4 nghi phạm liên quan trực tiếp vụ tấn công khủng bố nhà hát Crocus City Hall, trình diện tòa án quận Basmanny, Moskva ngày 24/3. Ảnh: AFP

Dalerdjon Barotovich Mirzoyev trình diện tòa án quận Basmanny, Moskva ngày 24/3. Ảnh: AFP

Ít nhất 137 người thiệt mạng, 182 người bị thương trong vụ xả súng tại nhà hát Crocus City Hall. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã tuyên bố nhận trách nhiệm.

Cơ quan An ninh Liên bang Nga đã bắt 11 người. Một nghi phạm cho biết được hứa trả gần 11.000 USD. Những kẻ chủ mưu yêu cầu nghi phạm giết toàn bộ người trong nhà hát. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất tại Nga trong gần hai thập kỷ qua, cũng là vụ tấn công gây thương vong lớn nhất tại châu Âu mà IS tuyên bố thực hiện.

Như Tâm (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Nga điều tiêm kích chặn oanh tạc cơ Mỹ

Tiêm kích MiG-31 Nga xuất kích chặn hai oanh tạc cơ B-1B của Mỹ trên biển Barents, buộc máy bay của Washington quay đầu.

"Ngày 24/3, Nga phát hiện một nhóm mục tiêu trên biển Barents hướng về biên giới Liên bang Nga. Tiêm kích MiG-31 thuộc lực lượng phòng không phản ứng nhanh đã xuất kích để nhận dạng và ngăn mục tiêu xâm phạm biên giới Nga", Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Theo Bộ Quốc phòng Nga, nhóm mục tiêu được xác định là hai oanh tạc cơ chiến lược B-1B của Không quân Mỹ. Hai chiếc B-1B sau đó quay đầu rời đi còn tiêm kích MiG-31 trở về căn cứ an toàn.

Giới chức Mỹ chưa bình luận về thông tin.

Phi cơ MiG-31 của Nga bay phía trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva ngày 7/5/2022. Ảnh: Reuters

Phi cơ MiG-31 của Nga bay phía trên Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva ngày 7/5/2022. Ảnh: Reuters

Nga nhiều lần điều tiêm kích chặn máy bay nước ngoài trên các vùng biển gần biên giới, trong đó có oanh tạc cơ Mỹ, trinh sát cơ Anh, Đức, Pháp, Mỹ và Na Uy.

Mỹ và Nga nhiều lần triển khai trinh sát cơ hoặc oanh tạc cơ áp sát không phận của nhau. Máy bay hai bên luôn chạm mặt trong các nhiệm vụ này, song thường tiếp cận và giám sát chuyên nghiệp, an toàn.

Biển Na Uy và khu vực lân cận. Đồ họa: Wikimedia

Biển Barents và khu vực lân cận. Đồ họa: Wikimedia

Như Tâm (Theo Reuters, TASS)

Adblock test (Why?)

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2024

Công nương Kate thông báo mắc ung thư, Harry và Meghan lập tức lên tiếng sau cú sốc của Hoàng gia Anh

Công tước và Nữ công tước xứ Sussex đã ngay lập tức lên tiếng sau khi Kate cập nhật về sức khỏe của mình.

Ngày 23/03 (giờ địa phương), Công nương Kate (42 tuổi) đã bất ngờ đăng tải một tin nhắn video để chia sẻ về nguyên do khiến cô vắng mặt suốt 2 tháng vừa qua kể từ ca phẫu thuật vùng bụng vào tháng 1/2024.

Trong đoạn video, Công nương xứ Wales cho biết, từ các xét nghiệm hậu phẫu, các bác sĩ chẩn đoán cô mắc ung thư ở "giai đoạn đầu" và hiện tại Kate đang trong quá trình hóa trị dự phòng và cô cùng Hoàng tử William đã dành thời gian để giải thích tình hình cho các con của họ là Hoàng tử George (10 tuổi), Công chúa Charlotte (8 tuổi) và Hoàng tử Louis (5 tuổi) trước khi đưa ra thông báo công khai.

Công nương Kate thông báo mắc ung thư, Harry và Meghan lập tức lên tiếng sau cú sốc của Hoàng gia Anh-1

Kate đăng tải video thông báo về bệnh tình của mình với công chúng

Sau tin tức gây chấn động này, Meghan Markle và Hoàng tử Harry đã ngay lập đưa ra một tuyên bố, cặp đôi Sussex cho biết: "Chúng tôi cầu mong sức khỏe và an lành cho Kate và gia đình, đồng thời hy vọng họ có thể vượt qua khó khăn này một cách riêng tư và bình yên".

Trước khi tin tức nổ ra, Hoàng tử Harry và Meghan được cho là có mối quan hệ căng thẳng với gia đình xứ Wales. Lần cuối cùng cặp được trông thấy bên cạnh Công nương Kate và Hoàng tử William là từ sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth vào tháng 9/2022.

Công nương Kate thông báo mắc ung thư, Harry và Meghan lập tức lên tiếng sau cú sốc của Hoàng gia Anh-2

Harry và Meghan được cho là không biết về tình trạng của Kate và quá trình phục hồi của cô

Trước khi Công nương xứ Wales chia sẻ những tin tức mới nhất về sức khỏe của mình, một nguồn tin từ Hoàng gia Anh nói với People rằng Hoàng tử Harry và Meghan không biết gì về cuộc phẫu thuật vùng bụng và quá trình hồi phục của Kate.

"Họ biết tất cả những gì diễn ra ở Anh nhưng không biết bất kỳ thông tin chi tiết nào về Kate" - People trích lại lời.

Theo Phụ nữ mới

Adblock test (Why?)

Mỹ thông qua dự luật 1,2 nghìn tỷ USD ngăn chính phủ đóng cửa

Lưỡng viện quốc hội Mỹ thông qua dự luật chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD để duy trì hoạt động của chính phủ tới tháng 9.

"Thật không dễ dàng, nhưng sự kiên trì của chúng ta đã có kết quả. Thật tốt cho người dân Mỹ khi chúng ta đạt được thỏa thuận lưỡng đảng để hoàn tất công việc", lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer phát biểu rạng sáng 23/3, sau nhiều giờ đàm phán căng thẳng.

Các thượng nghị sĩ Mỹ trước đó bỏ lỡ hạn chót trước nửa đêm 22/3 để thông qua dự luật chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD giúp duy trì hoạt động của chính phủ. Điều này đồng nghĩa chính phủ Mỹ bị đóng cửa từ 0h ngày 23/3.

Tuy nhiên, người dân Mỹ không kịp nhận ra điều này, do Thượng viện đã nhanh chóng bỏ phiếu thông qua dự luật lúc rạng sáng, với tỷ lệ 74 phiếu thuận và 24 phiếu chống, giúp các cơ quan liên bang tiếp tục duy trì hoạt động.

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tại Washington hôm 20/3. Ảnh: AFP

Lãnh đạo phe Dân chủ tại Thượng viện Mỹ Chuck Schumer tại Washington hôm 20/3. Ảnh: AFP

Dự luật trước đó được Hạ viện thông qua trưa 22/3, không bao gồm khoản viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và đảo Đài Loan. Các khoản này thuộc một dự luật khác đã được Thượng viện thông qua, song bị Hạ viện trì hoãn bỏ phiếu.

Trước khi dự luật chi tiêu 1,2 nghìn tỷ USD được thông qua, 3/4 cơ quan chính phủ Mỹ đã cạn kiệt ngân sách vào đêm 22/3, trong đó có cả Bộ Quốc phòng và Bộ An ninh Nội địa.

Gói ngân sách mới sẽ cho phép chính phủ Mỹ hoạt động đến hết năm tài khóa, bắt đầu từ ngày 1/10/2023 và kết thúc ngày 30/9.

Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)

Adblock test (Why?)

Thứ Sáu, 22 tháng 3, 2024

Tấn công khủng bố gần Moskva, ít nhất 60 người chết

Nhóm nghi phạm xả súng vào khán giả tại nhà hát ở Krasnogorsk, ngoại ô thủ đô Moskva của Nga, khiến hơn 60 người chết, IS tuyên bố đứng sau sự việc.

Nhóm tay súng mặc đồ ngụy trang xả súng vào đám đông tham gia sự kiện của ban nhạc Picnic ở nhà hát Crocus City Hall tại Krasnogorsk, thành phố tiếp giáp phía tây thủ đô Moskva của Nga, tối 22/3.

Nhân chứng tại hiện trường nói rằng các tay súng xông vào từ sảnh chính tòa nhà và bắn nhiều người ở khoảng cách gần. Nhóm nghi phạm cũng ném các chai xăng, gây cháy một phần tòa nhà trước khi bỏ trốn trên ôtô màu trắng.

Tấn công khủng bố gần Moskva, ít nhất 40 người chết

Người dân bỏ chạy giữa tiếng súng trong vụ tấn công ở Crocus City Hall tối 22/3. Video: Baza

"Đột nhiên nhiều tiếng súng vang lên phía sau chúng tôi. Mọi người bắt đầu chen nhau bỏ chạy về phía thang máy, tất cả đều gào thét", một nhân chứng giấu tên kể lại.

Đám cháy bùng phát tại nhà hát sau sự việc đã được khống chế.

Ủy ban Điều tra Liên bang Nga cho biết hơn 60 người đã thiệt mạng và ít nhất 145 người bị thương, trong đó có nhiều trẻ em. Đây là một trong những vụ tấn công khủng bố gây thương vong nặng nề nhất tại Nga suốt hàng chục năm qua.

Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về sự việc.

Đám cháy tại nhà hát Crocus City Hall sau vụ tấn công đêm 22/3. Ảnh: Reuters

Đám cháy tại nhà hát Crocus City Hall sau vụ tấn công đêm 22/3. Ảnh: Reuters

Bộ Ngoại giao Nga gọi đây là "vụ tấn công khủng bố đẫm máu", trong khi Ủy ban Điều tra Liên bang Nga thông báo đã mở vụ án hình sự liên quan đến cuộc tấn công.

Điện Kremlin cho biết Tổng thống Vladimir Putin đã nhận thông tin cập nhật liên tục về vụ khủng bố "ngay khi sự việc xảy ra" và đưa ra những chỉ đạo cần thiết.

Mỹ, nhiều nước châu Âu và các quốc gia Arab đã lên án vụ tấn công, gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lên án "cuộc tấn công khủng bố hèn hạ và đáng ghê tởm".

Mykhailo Podolyak, cố vấn của Tổng thống Ukraine, khẳng định Kiev không liên quan đến vụ khủng bố. Quan chức Mỹ nói rằng nước này có thông tin tình báo xác nhận IS đứng sau sự việc.

Vị trí nhà hát Crocus City Hall ở thành phố Krasnogorsk, ngoại ô Moskva. Đồ họa: Financial Times

Vị trí nhà hát Crocus City Hall ở thành phố Krasnogorsk, ngoại ô Moskva. Đồ họa: Financial Times

Nga đã siết chặt an ninh tại sân bay, đầu mối giao thông và toàn bộ khu vực thủ đô Moskva. Mọi sự kiện đông người trên khắp nước Nga đã bị hủy.

Vũ Anh (Theo RIA Novosti)

Adblock test (Why?)

Dự thảo của Mỹ về Gaza bị phủ quyết ở Hội đồng Bảo an

Nga, Trung Quốc phủ quyết dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an về xung đột Gaza do Mỹ đề xuất, cho rằng nó không gây áp lực với Israel.

Dự thảo nghị quyết do Mỹ đệ trình được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm nay, trong đó lần đầu xuất hiện nội dung ủng hộ "sự cấp thiết của lệnh ngừng bắn ngay lập tức và lâu dài" ở Dải Gaza và lên án cuộc tấn công của Hamas nhằm vào lãnh thổ Israel ngày 7/10/2023.

Văn kiện đề cập khả năng thực thi lệnh ngừng bắn và trao trả con tin sau những cuộc đàm phán với sự bảo trợ của Qatar, Mỹ và Ai Cập, nhưng không trực tiếp yêu cầu Israel chấm dứt chiến dịch ở Gaza.

10 trong số 15 thành viên Hội đồng Bảo an, trong đó có hai nước thành viên thường trực là Anh và Pháp, bỏ phiếu ủng hộ. Guyana bỏ phiếu trắng, trong khi Nga, Trung Quốc và Algeria bỏ phiếu chống. Do Nga và Trung Quốc là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, phiếu chống của họ được coi là phiếu phủ quyết, khiến dự thảo nghị quyết không được thông qua.

Để được thông qua, dự thảo nghị quyết cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không bị nước nào trong 5 thành viên thường trực là Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc và Nga phủ quyết.

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại trụ sở ở New York, Mỹ, hồi tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tại trụ sở ở New York, Mỹ, hồi tháng 12/2023. Ảnh: AFP

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia chỉ trích Mỹ không làm gì để kiềm chế Israel, mỉa mai rằng Washington chỉ đề cập tới lệnh ngừng bắn "sau khi Gaza gần như đã bị xóa sổ khỏi bề mặt Trái Đất".

"Đây là hành động đạo đức giả điển hình. Văn kiện của Mỹ bị chính trị hóa quá mức, với mục đích duy nhất là tranh thủ sự ủng hộ của cử tri và xoa dịu họ bằng cách nhắc tới một lệnh ngừng bắn nào đó ở Gaza. Dự thảo này sẽ bảo đảm quyền miễn trừ cho Israel, các tội ác của họ thậm chí còn không được đưa vào văn kiện", ông Nebenzia cho hay.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân cho rằng dự thảo của Mỹ "đã né tránh vấn đề then chốt bằng những ngôn từ mập mờ", không đưa ra được lời giải cho câu hỏi về phương án thực thi lệnh ngừng bắn trong tương lai gần.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết nước này sẽ phối hợp với Jordan và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) để thuyết phục Nga, Trung Quốc ủng hộ nghị quyết mới nhằm kêu gọi ngừng bắn tại Gaza.

Nút thắt mấu chốt trong các cuộc đàm phán ngừng bắn hiện nay là Hamas nói sẽ chỉ thả con tin như một phần của thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn giao tranh, trong khi Israel tuyên bố họ chỉ thảo luận về dừng chiến dịch quân sự tại Gaza tạm thời.

Theo cơ quan y tế ở Dải Gaza, hơn 32.000 người đã thiệt mạng, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, từ khi Israel phát động cuộc chiến ở khu vực này nhằm đáp trả vụ đột kích của Hamas.

Vũ Anh (Theo AFP)

Adblock test (Why?)