Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2024

Cuộc sống tại ngôi làng Hàn Quốc sát vách Triều Tiên

Trong hơn 70 năm, dân làng Tự Do sống trong nỗi sợ tiềm ẩn giữa cảnh làng quê thanh bình, trong khi lượng dân ngày càng giảm do người trẻ rời đi.

Gyung-ho gặp Mi-sun tại một buổi tiệc và yêu nhau từ cái nhìn đầu tiên. Sau một thời gian, Gyung-ho đề nghị Mi-sun chuyển đến sống cùng mình. Nhưng điều này khiến bố Mi-sun phát hoảng. Ông lo lắng đến mức không thể ngủ được khi đến thăm con gái và bạn trai lần đầu tiên.

Nhà của Gyung-ho ở làng Tự Do, tọa lạc tại Khu phi quân sự (DMZ), cách Triều Tiên chỉ vài mét. Dù được gọi là khu phi quân sự, dải đất rộng 4 km phân chia hai miền bán đảo lại là khu vực được vũ khí hóa bậc nhất thế giới, với 10.000 vũ khí hạng nặng, khoảng 4 triệu quả mìn rải rác trong những khu đất.

Dải đất này ngăn cách hai nước sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Hàng trăm ngôi làng tại đây đã bị giải tỏa, buộc hàng nghìn người rời bỏ nhà cửa. Còn hai ngôi làng được giữ lại, là làng Tự Do ở phía nam và làng Hòa Bình ở phía bắc.

Hai ngôi làng này được xem là những tia hy vọng nhỏ bé, thể hiện DMZ chỉ là tạm thời và một ngày nào đó hai miền bán đảo sẽ thống nhất.

7 thập kỷ trôi qua, hy vọng này ngày càng mong manh. Dân số trong làng Tự Do cũng giảm dần, khi người cao tuổi qua đời, người trẻ rời đi. Điều đó càng làm vợ chồng Gyung-ho cùng hai con nhỏ trở nên khác biệt.

Nhưng trước nỗi lo của bố, Mi-sun đùa rằng điều khó khăn nhất ở làng không phải mối nguy hiểm, mà là không thể gọi giao gà rán.

Vị trí làng Tự do ở Khu phi quân sự (DMZ). Đồ họa: Reuters

Vị trí làng Tự do ở Khu phi quân sự (DMZ). Đồ họa: Reuters

Năm ngoái, lính Mỹ Travis King đã vượt biên từ Hàn Quốc sang Triều Tiên trong khi đang tham gia một tour tham quan DMZ. Khi chưa rõ tung tích King, các con của Mi-sun được đưa về nhà ngay lập tức từ trường. Cả ngôi làng bị phong tỏa.

"Những chuyện thế này xảy ra vài năm một lần, nhắc nhở tôi rằng mình đang sống trong một ngôi làng đặc biệt", cô nói.

Trong làng không có nhà hàng, cơ sở y tế, cửa hàng thương mại. Nhiều dân làng đã 80, 90 tuổi, sống những năm tháng cuối đời dưới sự bảo vệ của 800 binh sĩ.

Kim Dong-rae, 85 tuổi, nhớ lại những tháng ngày làng Tự Do chìm trong làn mưa đạn. Bà đã sống lâu hơn hai trong số 6 người con của mình. Hai con và chồng bà thiệt mạng vì bị lính Triều Tiên bắn vào bụng.

Bà kể nuôi con một mình trong thời chiến rất căng thẳng và cô đơn. Cuộc sống theo năm tháng trở nên dễ thở hơn. Hiện có ba chuyến xe bus mỗi ngày đưa dân làng rời DMZ, nhưng bà chỉ rời làng hai tháng một lần để đi làm tóc.

"Tôi ước mình đủ can đảm đi nhiều hơn, nhưng có rủi ro", bà nhún vai. Trong một lần đi nhặt hạt sồi, bà nhìn thấy lính Triều Tiên bên kia biên giới. Quá sợ hãi, bà hét lên rồi bỏ chạy. Năm 1997, Hong, bạn của bà bị lính Triều Tiên bắt khi vô tình lạc qua biên giới để nhặt hạt sồi. Bà Hong bị giam trong ba ngày.

Không có bất kỳ rào chắn nào ngăn cách ngôi làng với Triều Tiên. Chỉ có tấm biển rỉ sét đánh dấu một ranh giới vô hình lẫn giữa những bụi cây rậm rạp.

Tấm biển rỉ sét đánh dấu ranh giới Hàn Quốc - Triều Tiên. Ảnh: BBC

Tấm biển rỉ sét đánh dấu ranh giới Hàn Quốc - Triều Tiên. Ảnh: BBC

Làng Tự Do được điều hành bởi Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc (UNC), lực lượng đa quốc gia do Mỹ dẫn đầu. UNC có trách nhiệm đảm bảo duy trì hiệp định đình chiến 1953.

"Làng không gặp nguy hiểm hàng ngày, nhưng rủi ro là cực kỳ cao", trung tá Chris Mercado, chỉ huy tiểu đoàn tinh nhuệ bảo vệ làng, nói. "Làng Tự Do không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới".

Lính UNC tuần tra ngày đêm, thậm chí đồng hành cũng người dân đi làm đồng. "Giờ mỗi lần tôi ra ngoài đều có lính hộ tống, nên bớt lo lắng hơn. Chúng tôi và người Triều Tiên sống quay lưng với nhau", bà Kim Dong-rae nói.

Ban ngày, chỉ có tiếng máy kéo, chó sủa. "Trông làng có vẻ bình yên, nhưng luôn ẩn chứa nỗi sợ vô hình", trưởng làng Kim Dong-gu nói. "Trái tim tôi tan nát từ khi đến đây. Chúng ta là một dân tộc, nhưng không thể nói chuyện, chỉ có thể nhìn nhau từ xa".

Đêm đến, dân làng lui vào trong nhà. Họ cần xin phép để được rời nhà sau 19h. Không ai được phép ra ngoài sau nửa đêm. Lính UNC sẽ gõ cửa từng nhà, điểm danh hàng đêm, nhưng chỉ là hình thức. Mạng lưới camera giám sát dày đặc khiến UNC luôn nắm rõ dân làng ở đâu.

Dân làng được hưởng một số đặc quyền là không phải trả thuế hay thuê nhà, được trồng trọt trên đất nông nghiệp rộng lớn. Chính phủ sẽ mua lại nông sản nếu họ không bán được. Thanh niên tại làng được miễn nghĩa vụ quân sự.

Lính UNC cùng chó nghiệp vụ canh gác ban đêm. Ảnh: BBC

Lính UNC cùng chó nghiệp vụ canh gác ban đêm. Ảnh: BBC

Kim Kyung-rae, 87 tuổi, đã tận dụng tốt những đặc quyền này. Ông khoe rằng mình là một trong những nông dân giàu có nhất bán đảo Triều Tiên và được đội ngũ an ninh đẳng cấp thế giới bảo vệ. "Tôi có thể nói rằng làng Tự Do là thiên đường hạ giới", ông nói

Năm 16 tuổi, ông Kim Kyung-rae từng cầm vũ khí bảo vệ làng trong thời chiến. Nhưng với ông cũng như những dân làng lớn tuổi khác, niềm hy vọng thống nhất hai miền đã phai nhạt. Tất cả đều cho biết trụ lại làng vì đây là nơi họ sinh ra và nông nghiệp là tất cả những gì họ biết.

Trong khi đó, phần lớn con cái họ đã rời đi. 6 con gái của ông Kim đều rời làng để đi học và không có ý định trở về sinh sống. Mỗi lần tiễn con gái, trái tim ông như bị cứa thêm một nhát dao.

"Khi trưởng thành, tôi cảm thấy làng Tự Do là một nơi nguy hiểm, nhưng tôi không sợ hãi, chỉ là không có lý do để quay lại", Yoon-kyung, con gái thứ ba của ông Kim, nói trong một lần về thăm bố. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô lấy chồng, kiếm việc làm, hiện sống tại Seoul cùng các con.

Trẻ em vui đùa tại một sân chơi trong làng. Ảnh: BBC

Trẻ em vui đùa tại một sân chơi trong làng. Ảnh: BBC

Dân số ở làng giảm 1/3 trong 10 năm qua, từ 213 xuống 138, tỷ lệ người già tăng gấp đôi. Chỉ có 6 học sinh mỗi lớp tại trường tiểu học hiện đại của làng, hầu hết các em sống bên ngoài DMZ, đi học bằng xe bus.

Hai con của Gyung-ho và Mi-sun cũng học tại trường này. Trong khi con trai 10 tuổi nói muốn sống tại làng mãi mãi, hai vợ chồng đã chuẩn bị tinh thần một ngày nào đó các con sẽ rời đi. "Đòi hỏi con cái sống tại đây là không công bằng", Gyung-ho nói, thêm rằng làng có thể sẽ biến mất trong tương lai.

Tuần trước, bà Kim Dong-rae dự đám tang của một người bạn. Khi về nhà, một người bạn khác gọi cho bà, xin bà hãy bám trụ tại làng.

"Tôi cũng đang cố trụ. Nhưng ở tuổi gần đất xa trời thì thật khó. Tôi có thể sẽ ra đi trước cả ngôi làng này", bà nói.

Đức Trung (Theo BBC, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét