Phó chủ tịch Duma Quốc gia nói quân đội Nga sẽ hạ tất cả binh sĩ được Pháp triển khai đến Ukraine, nếu Paris quyết định làm điều này.
"Hiện có khoảng 13.000 lính đánh thuê nước ngoài ở Ukraine, trong đó có 367 công dân Pháp. 147 người Pháp đã thiệt mạng", Phó chủ tịch Duma Quốc gia (tức Hạ viện Nga) Pyotr Tolstoy cho biết hôm 21/3.
Nga trước đó cáo buộc chính quyền Ukraine tuyển mộ các tay súng từ 63 quốc gia, bao gồm Pháp, để chiến đấu cho Kiev. Paris phủ nhận tuyên bố của Moskva, gọi cáo buộc này là động thái "tuyên truyền".
Nhắc tới khả năng Paris điều lực lượng quân sự tới hỗ trợ Kiev, ông Tolstoy cảnh báo quân đội nước này sẽ "hạ tất cả binh sĩ Pháp đến Ukraine".
"Ý tưởng đưa lính Pháp tới Ukraine sẽ kết thúc với những chiếc quan tài phủ lá cờ ba màu ở Orly", Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga nói, đề cập đến sân bay quốc tế nằm ở phía nam thủ đô Paris của Pháp. "Người Pháp phải hiểu rằng sẽ có hậu quả".
Ông Tolstoy cũng cho biết Nga "không quan tâm" tới những tuyên bố của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc không "còn giới hạn nào" đối với hỗ trợ của Pháp dành cho Ukraine. "Chúng tôi không quan tâm tới Macron hay những gì ông ấy nói về giới hạn của mình", quan chức Nga nhấn mạnh.
Phó chủ tịch Duma Quốc gia Nga đưa ra phát biểu sau khi Sergey Naryshkin, giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga (SVR), hôm 19/3 cho biết Pháp chuẩn bị cử lực lượng quy mô lớn tới Ukraine, giai đoạn đầu có thể lên đến 2.000 binh sĩ.
Bộ Quốc phòng Pháp sau đó bác thông tin mà lãnh đạo SVR đưa ra. "Những gì ông Naryshkin nói một lần nữa cho thấy cách Nga sử dụng thông tin sai lệch có hệ thống", Bộ Quốc phòng Pháp cho biết.
Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitri Medvedev ngày 20/3 tuyên bố Nga sẽ "hưởng lợi" nếu Pháp quyết định triển khai binh sĩ đến Ukraine. Ông nhấn mạnh rằng quân nhân Pháp, nếu đến Ukraine, sẽ trở thành "lực lượng can thiệp" và loại bỏ họ là "ưu tiên và vấn đề danh dự" đối với quân đội Nga.
Căng thẳng Nga - Pháp gia tăng sau khi Tổng thống Macron tháng trước nói phương Tây không loại trừ khả năng triển khai bộ binh tới Ukraine trong tương lai, điều được cho là cấm kỵ và có thể khiến NATO bị cuốn vào cuộc chiến quy mô lớn với Nga.
Một số nước Đông Âu ủng hộ ý tưởng của ông Macron, song Đức và nhiều quốc gia châu Âu khác phản đối.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo về nguy cơ xung đột hạt nhân sau phát biểu của ông Macron, trong khi ông Medvedev nói nước này sẽ xóa bỏ "lằn ranh đỏ" với Pháp.
Tuy nhiên, ông Macron vẫn từ chối rút lại quan điểm của mình, dù giải thích tuyên bố không đồng nghĩa với việc Pháp sẽ điều quân tới Ukraine trong tương lai gần. Tổng thống Macron hôm 16/3 nhắc lại rằng phương Tây có thể cần phải mở chiến dịch trên bộ tại Ukraine "vào một thời điểm nào đó", song nhấn mạnh Pháp không phải là bên khởi xướng.
Phạm Giang (Theo TASS, BFMTV, AFP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét