Hàng chục công dân Ấn Độ bị môi giới lừa đến chiến trường Ukraine làm việc cho quân đội Nga, trong đó ít nhất một người đã tử trận.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Randhir Jaiswal ngày 29/2 xác nhận khoảng 20 công dân nước này đang bị "mắc kẹt" trong quân đội Nga và đang nỗ lực hết sức để giải cứu họ. Một số tân binh Ấn Độ nói rằng họ bị dụ dỗ gia nhập quân đội Nga bởi những lời hứa hẹn về mức lương cao và được nhận hộ chiếu Nga, trước khi bị đưa ra tiền tuyến ở Ukraine.
Hemal Ashwinbhai, đến từ bang Gujarat của Ấn Độ, tuần trước được xác nhận đã thiệt mạng trong một vụ tập kích tên lửa tại chiến trường Ukraine. Trong lần trao đổi gần nhất với gia đình, anh nói mình được điều động vào vùng chiến sự ở Ukraine, cách biên giới Nga khoảng 20-22 km.
Hemal được môi giới đưa đến Nga vào tháng 12/2023 và ngay lập tức ký hợp đồng với quân đội Nga. Anh được phân vào chung đơn vị với Sameer Ahmad, 23 tuổi, đến từ bang Karnataka của Ấn Độ.
Ahmad cho biết Hemil trúng tên lửa khi đang tập bắn súng cách mình khoảng 150 m.
"Khi tôi đang đào hào thì nghe thấy tiếng UAV vờn trên đầu. Đột nhiên chúng tôi nghe thấy tiếng tên lửa, nên lập tức cùng hai người bạn Ấn Độ và vài lính Nga nấp vào công sự. Mặt đất rung chuyển khi tên lửa phát nổ. Một lúc sau, chúng tôi bước ra thì phát hiện Hemil đã chết", Ahmad kể lại.
Một nhân chứng khác cho hay cơ sở quân sự bị tập kích vào ngày 21/2, khi có ít nhất 4 công dân Ấn Độ đang tham gia huấn luyện. Hemil được mô tả là "thân cận với chỉ huy Nga nên được tin tưởng và không phải làm công việc chân tay".
Quân đội Ukraine từng tuyên bố phóng hai tên lửa vào trại huấn luyện Nga ở chiến trường miền đông vào ngày 21/2, khiến khoảng 60 "quân nhân Nga" thiệt mạng.
Truyền thông Ấn Độ ghi nhận còn hàng chục trường hợp tương tự Hemal, độ tuổi 22-31, mắc kẹt tại chiến trường Ukraine. Họ ban đầu được môi giới tuyển dụng ký hợp đồng phục vụ quân đội Nga để làm "công việc hỗ trợ", nhưng cuối cùng lại được điều động vào vùng chiến sự theo lệnh huấn luyện.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ tuần trước cho hay đã can thiệp với chính quyền Nga để giúp một số công dân được xuất ngũ, nhưng vẫn còn nhiều trường hợp khác cần được xử lý.
"Mọi trường hợp được thông báo với đại sứ quán Ấn Độ ở Moskva và Bộ Ngoại giao đều đã được trao đổi thẳng thắng với giới chức Nga", cơ quan này cho biết, đồng thời khuyến cáo mọi công dân cần cảnh giác và tránh xa vùng xung đột.
Những người ký hợp đồng với quân đội Nga chủ yếu xuất thân từ gia đình nghèo khó, lao động phổ thông. Môi giới thường chào mời họ sang Nga làm "người giúp việc" cho quân đội, mức phí phổ biến là 300.000 rupee (hơn 3.600 USD). Môi giới cam kết người lao động sẽ được cấp hộ chiếu Nga sau vài tháng phục vụ trong quân ngũ.
Những thông tin mời chào việc làm tương tự cũng xuất hiện ở Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Nepal và Sri Lanka, với mức phí môi giới có lúc lên đến 1,2 triệu rupee (hơn 14.400 USD).
Gia đình một công dân Ấn Độ đang kẹt trong vùng chiến sự ở Ukraine cho biết người thân của họ, 28 tuổi, xem được video quảng cáo về việc làm tại Nga khi đang làm việc ở Dubai. Bị thu hút với lời mời chào về thu nhập 90.000-100.000 rupee, gấp 2-3 lần mức bình thường, người này cùng ba người bạn nộp 300.000 rupee cho môi giới và sang Nga, rồi kẹt lại trong vùng xung đột.
Nhiều trường hợp tương tự đã được trình báo tại các bang Telangana, Gujarat, Kashmir, Tây Bengal và Uttar Pradesh của Ấn Độ. Tất cả đều cho hay họ bị môi giới lừa sang làm công việc khác với thông tin ban đầu. Ít nhất một trường hợp đã bỏ trốn thành công từ Moskva và trở về Ấn Độ.
Một công dân Ấn Độ, đến từ Uttar Pradesh và đang trốn ở Moskva, cho biết anh sang Nga làm việc theo quảng cáo trên kênh YouTube BabaVlog với cam kết về mức lương 150.000 rupee. Tuy nhiên, khi đặt chân đến Nga, anh mới nhận ra mình phải làm việc trong quân đội.
Một người khác cũng đến từ Uttar Pradesh cho biết anh được đưa đến Moskva, ký hợp đồng bằng tiếng Nga và "trở thành lính chiến trái ý muốn". Người này cho hay bản thân và hai đồng hương đã bị thương trong giao tranh, nhưng không đề cập cụ thể khu vực tác chiến.
"Xin hãy đưa chúng tôi khỏi nơi này, nếu không họ sẽ đẩy chúng tôi đến tiền tuyến. Ở đây lúc nào cũng bị pháo kích và tập kích bằng máy bay không người lái. Môi giới đã lừa chúng tôi, dù chúng tôi chưa từng kinh qua trận mạc", người đàn ông cầu cứu với truyền thông.
Một thanh niên Ấn Độ từ vùng Kashmir cho biết anh bị điều đến thành phố Mariupol cùng 10 người nước ngoài. Anh nói mình đã bị thương ở chân khi tập luyện trên thao trường.
"Chỉ huy bảo tôi tập bắn súng bằng tay trái lẫn tay phải, bắn loạn xạ. Trước đây, cả đời tôi chưa động đến súng. Trời thì lạnh kinh hoàng. Khi tập cầm súng bằng tay trái, tôi đã bắn vào chân mình", anh kể lại.
Người thân của anh cũng không rõ liệu anh được tuyển "làm lính đánh thuê Wagner hay phục vụ cho quân đội Nga". Họ chỉ biết rằng anh được hứa hẹn cấp quốc tịch Nga sau ba tháng làm việc.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người lao động Ấn Độ sang Nga làm việc cho quân đội mà không bị điều động đến chiến trường Ukraine.
Shaikh Mohammed Tahir, 24 tuổi, sống tại bang Gujarat, từ Nga trở về Ấn Độ vào tuần trước. Anh nói mình chỉ làm việc trong xưởng ắc-quy ôtô sau khi đến Nga theo lời môi giới, không bị yêu cầu ra thao trường hay vào vùng chiến sự.
Một người từng làm việc gần biên giới Ukraine cũng khẳng định quân đội Nga minh bạch toàn bộ thông tin từ đầu với mình và gửi trước hợp đồng qua mạng. Anh cho rằng những người bị điều động vào vùng chiến sự có lẽ đã bị môi giới lừa gạt, lợi dụng việc họ không biết tiếng Nga.
Tình trạng người Ấn Độ bị lừa sang chiến trường Ukraine bắt đầu gây tranh cãi trên chính trường Ấn Độ từ tháng trước, sau khi nghị sĩ Asaduddin Owaisi của thành phố Hyderabad gửi thư cho Bộ Ngoại giao yêu cầu chính phủ can thiệp và bảo hộ công dân.
Mallikarjun Kharge, lãnh đạo đảng Quốc đại Ấn Độ (INC), khẳng định khoảng 100 công dân trong năm 2023 đã được tuyển làm "người giúp việc trong quân đội Nga".
"Điều bất ngờ là một số trường hợp bị yêu cầu tham chiến cùng lính Nga ở khu vực biên giới Nga - Ukraine. Người lao động nói họ bị thu hộ chiếu và giấy tờ tùy thân, không thể trở về quê nhà hay bỏ đi nơi nào khác", Mallikarjun nói.
Thanh Danh (Theo BBC, Hindu)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét