Thứ Ba, 5 tháng 3, 2024

Tình báo Mỹ 'ngồi trên đống lửa' với viễn cảnh ông Trump trở lại

Khi tại nhiệm, Trump từng có mối quan hệ căng thẳng với cộng đồng tình báo Mỹ, khiến nhiều người lo ngại lịch sử sẽ lặp lại nếu ông tái đắc cử.

Các cựu quan chức hàng đầu trong chính quyền Donald Trump đang cảnh báo rằng nếu tái đắc cử, ông Trump có thể thúc đẩy nỗ lực cải tổ các cơ quan tình báo Mỹ theo cách có thể dẫn đến mức độ chính trị hóa chưa từng thấy.

Các cơ quan tình báo Mỹ chưa bao giờ tách rời hoàn toàn khỏi chính trị. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, một cuộc cải tổ theo kiểu mà ông Trump muốn thực hiện có thể làm suy yếu uy tín của tình báo Mỹ, vào thời điểm Washington và các đồng minh đang dựa rất nhiều vào họ để giải quyết các cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Trung Đông.

Nỗ lực cải tổ này nếu được tiến hành cũng có thể tước bỏ khả năng của cộng đồng tình báo trong việc can ngăn tổng thống khỏi những quyết định khiến đất nước gặp nguy hiểm.

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Portsmouth, bang New Hampshire, ngày 17/1. Ảnh: AP

Cựu tổng thống Donald Trump tại sự kiện vận động ở Portsmouth, bang New Hampshire, ngày 17/1. Ảnh: AP

Politico đã phỏng vấn 18 cựu quan chức và nhà phân tích từng làm việc dưới thời Trump để có cái nhìn sâu sắc hơn về điều gì sẽ xảy ra với cộng đồng tình báo Mỹ nếu Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Lo ngại là cảm giác phổ biến nhất của họ.

"Ông ấy muốn vũ khí hóa cộng đồng tình báo. Và thực tế là bạn cần đánh giá sự việc với góc nhìn 360 độ. Ông ấy không thể chỉ chọn những gì mình muốn nghe khi có quá nhiều đối thủ và các quốc gia không mong muốn điều tốt đẹp cho Mỹ", Fiona Hill, cố vấn hàng đầu về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia trong chính quyền Trump, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của ông, nói.

Nhiều cựu quan chức thời Trump cho biết họ quyết định lên tiếng vì tin rằng mức độ nghiêm trọng trong kế hoạch cải tổ cộng đồng tình báo của ông Trump đang bị đánh giá thấp, bất chấp truyền thông liên tục đưa tin.

Theo họ, cựu tổng thống luôn yêu cầu "lòng trung thành", tìm kiếm những người ủng hộ chương trình nghị sự của ông, nhưng điều này lại mang đến rủi ro đặc biệt nghiêm trọng cho đất nước.

Trump lâu nay vẫn nổi tiếng là người có mối quan hệ căng thẳng và đối đầu với cộng đồng tình báo Mỹ. Cựu tổng thống mô tả các thành viên của cộng đồng tình báo là một phần của "thế lực ngầm" muốn "tiêu diệt" ông.

Có lẽ không cơ quan nào chịu nhiều áp lực từ Trump như Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI). Ông có mối quan hệ không tốt đẹp với FBI ngay từ khi mới bước chân vào Nhà Trắng hồi năm 2017, đổ lỗi cho cơ quan này đã làm rò rỉ hồ sơ Steele, một báo cáo thiếu căn cứ và hiện phần lớn đã bị chứng minh là không đúng sự thật cáo buộc cựu tổng thống có nhiều mối quan hệ mờ ám với Nga.

Tuy nhiên, nhiều đảng viên Dân chủ và đối thủ của Trump lúc bấy giờ đã vin vào hồ sơ này để chỉ trích ông, khiến cựu tổng thống tức giận. Bộ trưởng Tư pháp Bill Barr sau đó mở cuộc điều tra về nguồn gốc hồ sơ Steele.

Dù Andrew McCabe, phó giám đốc FBI khi ấy, cho biết cơ quan này đánh giá hồ sơ Steele "là thô, chưa được xác minh và không thể hiện quan điểm của chúng tôi", nhiều cựu quan chức chính quyền Trump cho hay điều này đã khiến quan điểm của ông Trump đối với cả FBI và cộng đồng tình báo trở nên tiêu cực ngay từ đầu.

FBI đã "tự đào hố chôn mình", một cựu quan chức tình báo Mỹ nhận xét.

Trong các bình luận công khai và cả ở nơi hậu trường, Trump thường xuyên đặt câu hỏi về tính liêm chính trong công việc của các cơ quan tình báo Mỹ.

Dan Coats, giám đốc tình báo quốc gia thời kỳ đầu nhiệm kỳ của Trump, cho hay người dân Mỹ nên nhìn vào một trong những lời phủ nhận công khai đầu tiên mà Trump đưa ra về thông tin tình báo liên quan đến ông để biết điều gì sắp xảy ra nếu ông trở lại Nhà Trắng.

Tháng 7/2018, Trump đứng cạnh Tổng thống Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, và phủ nhận đánh giá của tình báo Mỹ rằng Nga đã can thiệp bầu cử ở nước này, gây ra làn sóng chấn động cho các cơ quan tình báo quốc gia. Chưa bao giờ có một tổng thống Mỹ nào công khai hạ thấp công việc của cộng đồng tình báo như vậy.

Ngày hôm sau, Trump rút lại bình luận, giải thích rằng mình đã nói nhầm, đồng thời khẳng định vẫn ủng hộ các cơ quan tình báo Mỹ.

Tuy nhiên, đối với Coats, đây là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy mối quan hệ giữa tổng thống với cộng đồng tình báo đang ngày càng trắc trở. Điều này thúc đẩy ông nộp đơn từ chức vào tháng 2/2019.

"Sự kiện ở Helsinki đóng vai trò quan trọng", Coats nói. "Nhưng cũng có những điều xuất phát từ Nhà Trắng như 'các quan chức cấp cao nói rằng Donald Trump không muốn Dan Coats trở thành giám đốc tình báo quốc gia'. Tôi đến gặp tổng thống và tuyên bố 'thưa ngài, tôi không thể chỉ đạo cộng đồng tình báo nếu không có ủng hộ từ ngài'".

Trump ban đầu từ chối để Coats từ chức, nói rằng việc này sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến Phòng Bầu dục. Nhưng đến tháng 8/2019, tổng thống đã đồng ý.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018. Ảnh: AP

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo chung ở Helsinki, Phần Lan, ngày 16/7/2018. Ảnh: AP

Sau khi Coats rời nhiệm sở, Trump bổ nhiệm những người thân tín nhưng có ít kinh nghiệm trong công tác tình báo vào các vị trí hàng đầu cơ quan. Các cựu quan chức lo ngại ông sẽ làm điều tương tự nếu giành chiến thắng vào tháng 11 năm nay.

"Trump muốn đối đầu với cộng đồng tình báo", một cựu quan chức tình báo cấp cao khác cho hay. "Ông ấy đã bắt đầu việc này trước đây và sẽ làm lại. Một phần của quá trình đó là loại bỏ và trừng phạt".

Ellen McCarthy, trợ lý ngoại trưởng về tình báo và nghiên cứu thời Trump, cho rằng cộng đồng tình báo đang cần một cuộc cải tổ lớn để có thể xử lý tốt hơn những mối đe dọa ngày nay.

Nhưng bà bày tỏ lo lắng về khả năng quản lý quá trình chuyển đổi đó của Trump nếu ông tái đắc cử. "Điều tôi lo lắng là tổng thống Trump sẽ tuyển dụng một lãnh đạo có chung quan điểm với ông nhưng không có kinh nghiệm tình báo để quản lý quá trình chuyển giao", bà nói.

Coats cho biết những thay đổi mà Trump thực hiện tại Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông là đặc biệt đáng lo ngại.

Ông quyết định không bổ nhiệm cấp phó của Coats, Sue Gordon, vào vị trí giám đốc. Và ông đã gạt Joseph Maguire, cựu giám đốc Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia, sang một bên chỉ sau 6 tháng làm việc sau khi ông này báo cáo cho Ủy ban Tình báo Hạ viện về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Trump sau đó đã bổ nhiệm cựu đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, một người ủng hộ trung thành của ông, làm giám đốc tình báo quốc gia vào tháng 2/2020. Grenell không có kinh nghiệm tình báo nhưng từng làm cố vấn chính trị và phát ngôn viên Liên Hợp Quốc trong nhiều năm.

Kash Patel, cựu cố vấn hàng đầu của Devin Nunes, cựu hạ nghị sĩ California và giám đốc chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia, từng là cố vấn không chính thức cho Grenell nhưng cũng được cân nhắc cho một vị trí hàng đầu tại Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Sau đó, Patel trở thành chánh văn phòng của quyền bộ trưởng quốc phòng trong những tháng cuối cùng Trump tại nhiệm.

Patel có thể sẽ quay trở lại chính quyền nếu Trump tái đắc cử, điều này làm dấy lên lo ngại trong giới quan chức tình báo cả hiện tại lẫn trước đây về việc bảo vệ các nguồn tin và phương pháp thu thập thông tin tình báo của Mỹ.

"Thường có rất nhiều cuộc bổ nhiệm dường như được thiết kế để đảm bảo rằng các đánh giá tình báo có thể được định hình để vẽ nên một số bức tranh không khớp với những gì cộng đồng tình báo đưa ra", một cựu quan chức dưới thời Trump giải thích.

Một số cựu quan chức cho rằng nếu Trump có động thái đưa những gương mặt gây tranh cãi vào các chức vụ hàng đầu tại cơ quan tình báo, hoặc tiếp tục chê bai công việc của họ, nhiều người có thể sẽ tìm cách ra đi.

"Mối lo ngại lớn nhất của tôi là tác động mà những người trong cộng đồng tình báo phải chịu", Jon Darby, cựu giám đốc điều hành Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, nói. "Hàng nghìn người đang cố gắng mỗi ngày, hy sinh thân mình ở những nơi nguy hiểm vì đất nước. Nếu công việc của họ bị tổng tư lệnh xem nhẹ, điều đó thực sự gây nản lòng".

Nhiều cựu quan chức còn bày tỏ lo ngại rằng nếu Trump quay trở lại và cải tổ các cơ quan tình báo, ông có thể xô đổ những nỗ lực suốt những năm qua của họ trong việc lấy lại uy tín trong mắt các đồng minh của Mỹ, vốn đã bị mất đi khi ông nắm quyền.

Giám đốc CIA Bill Burns, cùng với Giám đốc Tình báo Quốc gia Avril Haines, đã liên hệ với các đồng minh phương Tây ở châu Âu vào tháng 12/2021, chia sẻ thông tin chi tiết về những gì tình báo Mỹ biết về kế hoạch của Điện Kremlin đối với Kiev, chỉ vài tháng trước khi Nga phát động chiến sự tại Ukraine.

Trong một cuộc phỏng vấn với Politico vào năm ngoái, Burns cho biết Washington đã sử dụng năng lực tình báo của mình để thuyết phục các đối tác bên kia Đại Tây Dương nhìn nhận nghiêm túc các cảnh báo và chuẩn bị cho nguy cơ xung đột.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã sử dụng các cơ quan tình báo của mình trong năm qua để chia sẻ thông tin về mối đe dọa với các quốc gia ở châu Phi, trong đó có Cộng hòa Trung Phi và Congo, nhằm chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc và Nga tại lục địa này.

Nhưng phần lớn niềm tin đã được xây dựng lại với châu Âu có thể bốc hơi chỉ sau một đêm nếu Trump tái đắc cử, đặc biệt nếu cựu tổng thống tiếp tục vận động tranh cử với ý tưởng rằng ông sẽ để Nga "làm bất cứ điều gì họ muốn" với các đồng minh NATO không đáp ứng các cam kết về chi tiêu quốc phòng của liên minh.

"Không có lý do gì để các thành viên liên minh chia sẻ thông tin nhạy cảm về Nga với Mỹ, với cộng đồng tình báo Mỹ, nếu nó được lãnh đạo bởi những người ủng hộ Donald Trump", một cựu quan chức chính quyền lưu ý.

Người này nhấn mạnh quan hệ đối tác tình báo là hai chiều. Nếu Trump coi chúng như một cuộc giao dịch hoặc từ chối chia sẻ thông tin tình báo của Mỹ để làm đòn bẩy, các nước khác cũng có thể làm như vậy.

"Chúng ta sẽ bị mù thông tin nếu các quốc gia khác không tin tưởng chúng ta", ông cho hay.

Vũ Hoàng (Theo Politico, Reuters, AFP)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét