Đưa thân tín và con dâu làm lãnh đạo Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa, ông Trump có thể tiếp cận nguồn tài chính lớn của đảng, trong lúc đối mặt hàng loạt chi phí pháp lý.
Cựu tổng thống Donald Trump ngày 8/3 củng cố vị thế kiểm soát với Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC), sau khi 168 thành viên cơ quan này chấp thuận hai đề xuất nhân sự của ông. Michael Whatley, đồng minh thân tín của Trump, cùng con dâu Lara Trump của cựu tổng thống, được bầu làm hai đồng chủ tịch lãnh đạo RNC.
Thay đổi nhân sự diễn ra sau khi ông Trump thắng lớn Siêu thứ ba ngày 5/3 trong bầu cử sơ bộ, buộc đối thủ còn lại Nikki Haley phải rời cuộc đua. Điều này đồng nghĩa ông gần như chắc chắn nhận đề cử đảng Cộng hòa và chuẩn bị tái đấu Tổng thống Joe Biden.
Ông Whatley sẽ thay thế chức vụ của bà Ronna McDaniel, người tuyên bố từ chức chủ tịch RNC hồi tháng 2. Trong khi đó, Lara được kỳ vọng đóng vai trò lớn trong nỗ lực truyền thông và gây quỹ cho ủy ban vốn có vai trò và quyền lực lớn với đảng Cộng hòa, đặc biệt về tiềm lực tài chính.
Phát biểu khi nhậm chức, tân chủ tịch Whatley tuyên bố RNC sẽ tiên phong trong nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm đưa ông Trump vào Nhà Trắng.
Trong khi đó, Lara nói RNC chỉ có "một mục tiêu" vào ngày bầu cử. "Mục tiêu đó là giành chiến thắng, và như bố chồng tôi vẫn nói là 'thắng lớn'", Lara cho biết, cam kết sẽ dồn mọi nguồn lực của RNC cho mục tiêu đảng Cộng hòa kiểm soát Nhà Trắng, Thượng viện và Hạ viện.
Điều này làm dấy lên nhiều lo ngại trong nội bộ đảng Cộng hòa về kịch bản ông Trump sẽ tận dụng vị thế gần như kiểm soát hoàn toàn RNC để huy động ngân sách trang trải chi phí pháp lý cho mình.
Cựu tổng thống Trump đang đối mặt 4 vụ truy tố chính với tổng cộng 91 tội danh. Ông còn bị thẩm phán New York Arthur Engoron tuyên án phạt 355 triệu USD với cáo buộc thổi phồng giá trị tài sản để được hưởng các khoản vay hay điều khoản bảo hiểm ưu đãi. Ông Trump đang kháng cáo phán quyết này.
Một ủy ban hành động chính trị (PAC) ủng hộ ông Trump đã chi gần 80 triệu USD trong hai năm qua cho các luật sư của cựu tổng thống. Tuy nhiên, các khoản phạt mà Trump phải nộp trong thời gian tới đang gây sức ép tài chính đáng kể cho cựu tổng thống.
Ông Trump hiện chưa có tiền mặt để nộp khoản bồi thường 83,3 triệu USD cho cựu nhà báo Jean Carroll vì tội phỉ báng theo phán quyết của tòa án Mỹ. Ông đã phải sử dụng dịch vụ bảo lãnh trị giá 91,6 triệu USD từ công ty bảo hiểm Federal Insurance trong thời gian chờ kháng cáo.
"Các nhà tài trợ của đảng Cộng hòa không muốn trang trải chi phí pháp lý cho một tỷ phú. Họ muốn giúp đảng Cộng hòa thắng cử, bởi đó là công việc của RNC", Henry Barbour, thành viên RNC từ bang Mississippi, nói.
Ông Barbour đã soạn thảo nghị quyết cấm sử dụng ngân sách RNC cho mục đích này, nhưng không hội đủ sự ủng hộ để đưa ra bỏ phiếu. Barbour cho rằng các thành viên RNC sẽ phản đối bất cứ chiêu trò nào nhằm sử dụng nguồn lực tài chính RNC để trả tiền phạt cho Trump.
Oscar Brock, thành viên ủy ban ngân sách RNC, cho biết ngân sách được ủy ban thông qua hồi đầu tháng 2 không phân bổ tiền cho chi phí pháp lý của ông Trump. Brock thừa nhận RNC có thể điều chỉnh kế hoạch nếu cựu tổng thống đề nghị, nhưng ông sẽ không ủng hộ việc này.
"Tôi không nghĩ ủy ban trả chi phí pháp lý cho những việc nằm ngoài phạm vi của mình là điều phù hợp", Brock nói.
Ngân sách RNC còn là một trong những vấn đề cấp bách với đội ngũ lãnh đạo mới. Sau năm 2023 huy động được lượng tiền ít nhất thập kỷ, RNC còn chưa đến 9 triệu USD trong tài khoản ngân hàng tính đến cuối tháng 1, trong khi con số của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ cùng kỳ là 24 triệu USD.
"Chúng ta sẽ phải huy động rất nhiều tiền", Lara nói và công bố tờ séc trị giá 100.000 USD quyên góp cho RNC ngày 8/3.
Theo Huffington Post, chỉ riêng năm 2023, ông Trump đã tốn 54,2 triệu USD chi phí pháp lý thông qua các ủy ban chính trị. Từ hè năm 2021 đến mùa thu 2022, RNC chi khoảng 1,6 triệu USD cho các vụ kiện liên quan ông Trump. Hoạt động này dừng lại khi ông Trump tuyên bố tái tranh cử tổng thống vào tháng 11/2022.
"Tôi không muốn RNC trở thành quỹ pháp lý cho ông ấy. Tôi không muốn RNC trở thành con lợn đất cho các vụ kiện cá nhân của ông ấy. Chúng ta đã thấy ông ấy phải chi khoảng 50 triệu USD tiền quyên góp tranh cử cho vấn đề pháp lý", bà Nikki Haley nói ngày 16/2.
Chris LaCivita, cố vấn cấp cao của ông Trump, bác bỏ các lo ngại liên quan việc RNC trang trải chi phí pháp lý cho cựu tổng thống. "Tổng thống Trump đã nêu rõ rằng ưu tiên số một tại RNC là dừng gian lận. Điều đó sẽ được phản ánh trong ngân sách, nhân sự và hoạt động của RNC", LaCivita nói.
Cùng với con dâu Lara và Whatley, ông Trump còn đề cử LaCivita làm giám đốc điều hành RNC.
Trang tin Axios ngày 10/3 dẫn nguồn thạo tin cho biết LaCivita sẽ mời cựu giám đốc RNC Sean Cairncross làm cấp phó để giúp điều hành RNC và giám sát chi tiêu. Cairncross là luật sư có tiếng trong việc giữ kỷ luật tài chính, một người có thể "giám sát tiền nong", một cố vấn của ông Trump nói.
Động thái cải tổ đội ngũ lãnh đạo RNC này đã vấp phải một số lo ngại. "Nhiều người nói rằng việc ứng viên tổng thống và RNC hòa làm một là điều bình thường. Nhưng tôi cảm giác chuyện đang xảy ra không phải là hòa hợp, nó nằm giữa thanh trừng và tiếp quản", Paul Dame, thành viên RNC từ bang Vermont và là chủ tịch đảng Cộng hòa tại Vermont, nói.
Dame cho rằng RNC thường chi trả cho hàng loạt hoạt động giúp cho mọi ứng viên Cộng hòa thu hút cử tri và tin đây là điều hầu hết nhà tài trợ muốn. Tuy nhiên, trang trải chi phí pháp lý cho ông Trump chỉ có lợi cho cựu tổng thống và không công bằng với các ứng viên khác.
Nhưng Stan Pate, người đã quyên góp hàng trăm nghìn USD để ủng hộ Trump, tuyên bố ông sẽ không phiền lòng nếu tiền của mình được dùng để trang trải chi phí pháp lý cho cựu tổng thống.
"Tôi chuẩn bị viết cho ông ấy một tấm séc có giá trị khá lớn nữa", Pate, nhà đầu tư, phát triển bất động sản, cho biết. "Tôi có thể nói với bạn điều này: nếu ông ấy không thắng, tất cả chúng ta đều gặp rắc rối. Do đó, tôi hy vọng mình có thể đóng góp phần nào đến nỗ lực của ông ấy".
Như Tâm (Theo USA Today, Politico)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét