Thứ Sáu, 31 tháng 7, 2020

Australia đối phó làn sóng Covid-19 thứ hai

Australia từng được ca ngợi như hình mẫu chống Covid-19 bằng các biện pháp quyết liệt, nhưng nCoV vẫn một lần nữa tấn công nước này.

Vài tuần trước, lần đầu tiên trong một thế kỷ, Australia đã phải ban lệnh đóng cửa hoàn toàn Victoria, bang đông dân nhất nước này, nhằm ngăn chặn làn sóng Covid-19 thứ hai, đồng thời ban bố lệnh phong tỏa 6 tuần ở Melbourne, thủ phủ của bang.

Nhưng gần một tháng sau, số ca nhiễm nCoV vẫn không ngừng tăng lên, buộc các chính trị gia nước này phải xem xét khả năng kéo dài lệnh phong tỏa.

Covid-19 bùng phát ở Australia từ tháng ba, có lúc tăng tới 300-400 ca nhiễm mới mỗi ngày. Chính phủ Australia đã sớm áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt và yêu cầu người dân thực thi nghiêm túc các quy tắc phòng chống dịch. Họ đã sớm thu được kết quả nhờ thái độ kiên quyết này.

Từ tháng 4 tới tháng 6, số ca nhiễm mới mỗi ngày rất hiếm khi vượt mức 20, tạo điều kiện cho chính phủ nới phong tỏa theo ba bước. Nhưng sang tháng 7, số ca nhiễm mới tăng vọt trở lại và làn sóng thứ hai bắt đầu.

Để ngăn dịch, chính phủ Australia đã lập tức đóng cửa biên giới giữa bang Victoria, tâm dịch của đợt bùng phát thứ hai, với New South Wales hôm 8/7, trước khi áp lệnh phong tỏa Melbourne.

Hôm 30/7, ba tuần sau lệnh phong tỏa, Victoria vẫn báo cáo số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục với 723 người, cùng 13 ca tử vong. Báo cáo của BBC chỉ ra số ca nhiễm mới đã tăng 36% so với mức đỉnh điểm được ghi nhận hôm 27/7 là 549 ca. Australia đã ghi nhận tổng cộng gần 17.000 ca nhiễm và gần 200 ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát tới nay.

Australia đã ra lệnh đeo khẩu trang bắt buộc ở Melbourne từ tuần trước, quy định này sẽ được áp dụng trên toàn bang Victoria từ ngày 2/8.

Nhân viên y tế sơ tán người cao tuổi khỏi viện dưỡng lão Epping Gardens, ngoại ô Melboure tuần này. Ảnh: AFP.

Nhân viên y tế sơ tán người cao tuổi khỏi viện dưỡng lão Epping Gardens, ngoại ô Melboure tuần này. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, một số chuyên gia y tế cộng đồng lạc quan rằng chính sách chống dịch của chính phủ sẽ khiến số ca nhiễm giảm trong những ngày tới, bởi họ tin rằng Australia đã đánh bại đợt bùng phát đầu tiên và đã có kinh nghiệm để thành công với làn sóng thứ hai.

Conor Murray, biên tập viên của Vox, cho biết một số nhà dịch tễ học chia sẻ yếu tố quan trọng nhất tạo nên thành công của quốc gia này là chính phủ đã đánh giá đúng mối nguy hiểm của Covid-19 ngay từ đầu và nghe theo lời khuyên của giới chức y tế.

Hồi tháng 2, Australia ban hành lệnh cấm đối với tất cả du khách đến từ vùng có nguy cơ cao, khi hầu hết ca nhiễm trong đợt bùng phát đầu tiên đều là "ngoại nhập". Ngoài ra, đặc điểm không có biên giới đất liền với các quốc gia khác cũng khiến Australia dễ dàng kiểm soát dịch.

Australia đã đóng cửa biên giới với tất cả người không phải công dân, thường trú nhân từ 19/3. Một tháng sau, chính phủ tiếp tục yêu cầu đóng cửa mọi địa điểm công cộng đông người như rạp chiếu phim, quán bar, trường học, đồng thời thực hiện cách biệt cộng đồng.

Adrian Esterman, giáo sư thống kê sinh học tại Đại học Nam Australia, cho biết sai lầm lớn nhất của Australia trong đợt bùng phát đầu tiên là cho phép du thuyền Ruby Princess có người nhiễm nCoV cập cảng hồi tháng 3. Hàng trăm ca nhiễm có thể bắt nguồn từ du thuyền này, khi hành khách không qua xét nghiệm được phép rời đi và phân tán khắp đất nước.

Tuy nhiên, hầu hết biện pháp quyết liệt, chủ động của chính phủ đều có hiệu quả khi giúp số ca nhiễm mới hàng ngày giảm xuống mức 10-20 ca hồi tháng 4. Australia bắt đầu mở cửa trở lại vào tháng 5 với hy vọng có thể mở cửa toàn bộ nền kinh tế an toàn vào tháng 7.

Đợt bùng phát dịch thứ hai được nhận định khác biệt hoàn toàn so với hồi tháng 3, khi chủ yếu do lây nhiễm trong cộng đồng, theo Hassan Vally, giáo sư về y tế cộng đồng tại Đại học La Trobe ở Melbourne.

Nhiều người cho rằng dịch bùng phát lần này là do thất bại trong quản lý các khách sạn cách ly người trở về hoặc đến từ nước ngoài. Giới chức Australia trước đó đã mở cáo buộc nhân viên tại một số khách sạn Melbourne quan hệ tình dục với người đang cách ly, gây đợt bùng dịch mới.

Từ khách sạn, nCoV lây lan vào cộng đồng có thu nhập thấp với phần lớn dân số là người nhập cư ở Melbourne, theo Esterman. Ông cho rằng các thông điệp của chính phủ về tầm quan trọng của khẩu trang và cách biệt cộng đồng đã không được truyền tải tới người dân ở cộng đồng này một cách hiệu quả do rào cản ngôn ngữ.

Viện dưỡng lão cũng trở thành "mục tiêu" của đợt bùng phát thứ hai. 80 trong số 400 viện dưỡng lão tư nhân ở Victoria bùng phát dịch, với tổng 764 người cao tuổi và nhân viên nhiễm nCoV.

"Đợt bùng phát thứ hai hoàn toàn khác biệt, khi chủ yếu là lây nhiễm cộng đồng. Đây là tình huống khó khăn, nguy hiểm và cũng thách thức hơn rất nhiều. Rất nhiều thứ cần phải làm để kiểm soát đợt bùng phát này và đó là lý do chúng tôi phong tỏa trở lại", Vally nói.

Dù vậy, Vally vẫn lạc quan rằng số ca nhiễm sẽ giảm trong vài ngày hoặc vài tuần tới, khi lệnh phong tỏa được gia hạn và tác dụng của đeo khẩu trang bắt buộc trở nên rõ ràng.

Gideon Meyerowitz-Katz, nhà dịch tễ học tại Đại học Wollongon, cho rằng đợt bùng phát thứ hai không quá tồi tệ như mọi người tưởng tượng. Ông cho rằng số ca nhiễm kỷ lục gần đây không phải là thước đo chính xác tình hình Covid-19, do những chậm trễ và biến động trong quá trình xét nghiệm.

Một điểm xét nghiệm nCoV tại Sydney, bang New South Wales, hôm 30/7. Ảnh: Reuters.

Một điểm xét nghiệm nCoV tại Sydney, bang New South Wales, hôm 30/7. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, Esterman cho rằng nếu chính phủ muốn giảm số ca nhiễm ở Victoria, biện pháp hạn chế kinh doanh cần được áp dụng nhiều hơn.

"Tôi lạc quan rằng tình hình ở Melbourne sẽ được cải thiện đôi chút, nhưng tôi không nghĩ nó có thể giảm như tất cả bang và vùng lãnh thổ khác, trừ khi áp dụng các biện pháp hạn chế 4 giai đoạn như New Zealand đã làm. Đó là đóng cửa tất cả cơ sở kinh doanh, trừ các dịch vụ thiết yếu như siêu thị và cơ sở y tế", Esterman nói.

Ngoài ra, Esterman cũng cho rằng đeo khẩu trang bắt buộc cũng nên được áp dụng ở khu vực Sydney để ngăn nguy cơ dịch bùng phát, khi bang này phát hiện 18 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca không rõ nguồn gốc.

nCoV "hồi sinh" ở Melbourne cho thấy virus vẫn hoạt động không ngừng nghỉ và có thể bùng phát trở lại ngay khi có cơ hội, theo Vally. Kiểm soát Covid-19 sẽ tiếp tục là thách thức với toàn thế giới, cho tới khi vaccine được phát triển thành công.

"Những gì xảy ra ở Melboure cũng có thể lặp lại với bất kỳ nơi nào khác ở Australia. Rõ ràng là nó có thể xảy ra và đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới dù tưởng như đã kiểm soát được nó. Đây sẽ là thế giới mà chúng ta sẽ sống trong nhiều tháng tới, cho tới khi có vaccine", Vally nói.

Thanh Tâm (Theo Vox)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét