Thứ Ba, 28 tháng 7, 2020

Chuyên gia: Không dễ có tiền từ cướp ngân hàng

Zachary Pebley kiếm được hơn 3.000 USD trong vài phút cướp ngân hàng, nhưng cũng chỉ cầm tiền trong từng ấy thời gian.

Vừa ra khỏi ngân hàng, Pebley bị người qua đường ngăn cản nên đánh rơi túi tiền. 30 phút sau, anh ta bị cảnh sát thành phố Ardmore, bang Oklahoma bắt. Chưa đầy một năm sau, tháng 6 vừa qua, Pebley bị phạt hơn 12 năm tù khi mới 22 tuổi.

Như Pebley, hàng nghìn người mỗi năm chọn cách kiếm tiền từ cướp ngân hàng. Nhưng thực sự, cướp ngân hàng có "dễ giàu"?

Nhiều nhà kinh tế học muốn đi tìm câu trả lời nhưng không có dữ liệu phân tích như: thông tin về hung khí kẻ cướp sử dụng, ngân hàng lắp đặt phương tiện an ninh gì, địa điểm chi nhánh, số chiến lợi phẩm thu được... Tới năm 2012, ba nhà kinh tế học thuộc hai đại học ở Anh đã giải đáp thắc mắc trên sau khi thuyết phục Hiệp hội Ngân hàng Anh chia sẻ dữ liệu chi tiết.

"Lợi nhuận từ vụ cướp ngân hàng trên thực tế rất thấp", ba nhà nghiên cứu khẳng định sau khi phân tích 364 vụ cướp giai đoạn 2005-2008. Theo đó một vụ cướp trung bình tại Anh có sự tham gia của 1,6 người và thu được 20.330 bảng. Giả sử được chia đều, mỗi kẻ cướp được 12.706 bảng sau mỗi vụ, xấp xỉ thu nhập mỗi năm của nhân viên phục vụ quán ca phê.

Số tiền trên sẽ giúp kẻ cướp có mức sống tương đối khá dưới 6 tháng nếu so với thu nhập dành cho công việc toàn thời gian tại Anh trung bình là 26.000 bảng. Tuy nhiên, nếu muốn duy trì mức sống ấy bằng cách tiếp tục cướp ngân hàng, chỉ sau một năm 6 tháng, kẻ cướp nhiều khả năng đã "nằm sau song sắt".

Anthony Hathaway, kẻ cướp bận bịu nhất nước Mỹ, bị phạt 9 năm tù vào năm 2016 sau khi thực hiện 30 vụ cướp, trung bình mỗi vụ chỉ cướp được 2.450 USD. Ảnh: FBI.

, kẻ cướp "bận bịu" nhất nước Mỹ, bị phạt 9 năm tù vào năm 2016 sau khi thực hiện 30 vụ cướp. Trung bình mỗi vụ cướp được 2.450 USD. Ảnh: FBI.

Tồi tệ hơn, khả năng thành công của một vụ cướp ngân hàng cũng như chơi xổ số. Một số kẻ thu về số tiền nhiều hơn hẳn so với mức trung bình, nhưng có tới một phần ba số vụ thất bại hoàn toàn.

Theo nghiên cứu, nếu kẻ cướp cầm súng, số tiền lấy được có thể tăng thêm 10.300 bảng. Việc chiêu mộ thêm đồng bọn cũng giúp làm tăng tổng số tiền cướp được.

Kết hợp rủi ro thất bại cùng khả năng bị bắt giữ và ngồi tù, tác giả nghiên cứu kết luận: Cướp ngân hàng không phải hoạt động mang lại lợi nhuận, trên góc độ kinh tế.

Trong bối cảnh hiện nay, nhận định này được cho rằng là chính xác. Các chi nhánh ngân hàng đang ngày càng trang bị những phương tiện an ninh như màn chống đạn cho giao dịch viên, máy dò kim loại, camera giám sát với độ phân giải cao, hoặc cửa ra vào hai lớp để bẫy kẻ cướp.

Theo số liệu của FBI, số vụ cướp ngân hàng tại Mỹ trong hơn 25 năm trở lại đã giảm gần 60% xuống còn chưa đầy 3.000 vụ vào năm 2018. Số chiến lợi phẩm kẻ cướp thu được cũng giảm gần một nửa, xuống khoảng 6.500 USD mỗi vụ.

Nếu tính tới việc số lượng kẻ cướp ngân hàng bị bắt lớn hơn nhiều so với các loại tội phạm khác, trừ giết người, chuyên gia cho rằng tội phạm đang dần nhận ra rằng rủi ro cướp ngân hàng lớn hơn nhiều so với "lợi nhuận". "Cướp ngân hàng hiện chủ yếu là hành động của những kẻ cùng đường", Gerald Clark, cựu đặc vụ FBI cho biết.

Quốc Đạt (Theo Washington Post, Ars Technica)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét