Giới chức Đức và Anh cảnh báo làn sóng Covid-19 thứ hai có thể bùng phát theo vùng tại châu Âu, khi số ca nhiễm mới bắt đầu tăng.
"Tôi e rằng chúng ta sẽ bắt đầu nhìn thấy dấu hiệu của làn sóng bùng dịch thứ hai tại một số nơi ở châu Âu", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói hôm 28/7, cảnh báo Covid-19 tái xuất ở châu lục này sau nhiều tháng tưởng như đã khống chế được dịch.
Lothar Wieler, Giám đốc viện Robert Koch, cơ quan phòng tránh bệnh truyền nhiễm của Đức, cũng cho rằng châu Âu "có khả năng" hứng chịu làn sóng thứ hai của Covid-19.
Wieler cho hay "rất lo lắng" vì số ca nhiễm nCoV tăng cao tại nhiều vùng của Đức do tâm lý chủ quan của người dân. Trong những báo cáo gần đây, Viện Robert Koch cho hay nhiều ca liên quan tới việc người dân quay lại làm việc, tụ họp gia đình hoặc tham gia vào các hoạt động giải trí.
"Trong hai tuần qua đã có hơn 500 ca nhiễm mới một ngày, tăng nhẹ so với tháng trước và các vụ bùng dịch ở địa phương cũng đóng góp vào xu thế này", theo Rob Schmitz, phóng viên thường trú của báo NPR tại Berlin.
Cả Johnson và Wieler đều cho rằng châu Âu có thể tránh được làn sóng Covid-19 thứ hai nếu người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, rửa tay và duy trì giãn cách.
"Ai cũng hiểu quy định đặt ra làm gì", Thủ tướng Johnson nói. "Nó là cách chúng ta giúp bản thân".
Sau khi áp đặt các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào mùa xuân, châu Âu đã kiểm soát được dịch và bắt đầu mở cửa trở lại, nhiều hạn chế biên giới được dỡ bỏ hồi tháng 6. Tính đến 1/7, liên minh đã cho phép khách du lịch quốc tế từ một số quốc gia nhập cảnh, tùy thuộc vào tình trạng dịch tễ học của họ.
Tuy nhiên, số liệu thống kê Covid-19 mới nhất của châu Âu cho thấy số ca nhiễm trong bình trên 100.000 người trong 14 ngày qua đã tăng lên. Tỷ lệ nhiễm ở Tây Ban Nha hiện là 47 trên 100.000 người.
Cả Đức và Anh đều nhận định Tây Ban Nha là nguồn lây tiềm tàng do tỷ lệ lây nhiễm tăng đột biến và đây cũng là quốc gia nổi tiếng về du lịch hè. Ngoại trưởng Đức khuyến cáo người dân không tới vùng Aragon, Navarra và Catalonia của Tây Ban Nha. Anh buộc những người trở về từ Tây Ban Nha phải cách ly 14 ngày.
"Những gì chúng ta phải làm là hành động nhanh chóng và quyết đoán khi nhận định rủi ro tái xuất hiện", Johnson nói.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez xuất hiện trên sóng truyền hình quốc gia tối 27/7, chỉ trích gay gắt động thái của Anh, gọi đây là sai lầm và "bất công".
"Anh đã đưa ra chính sách sai lầm", Sánchez nói, cho biết thêm các ca nhiễm tăng đột biến tập trung ở hai vùng lãnh thổ phía đông bắc, trong khi phần lớn đất nước có tỷ lệ nhiễm thấp hơn cả Anh và châu Âu.
Anh hiện ghi nhận hơn 300.000 ca nhiễm, nhiều nhất châu Âu. Tây Ban Nha xếp thứ hai, với gần 280.000 ca. Đức ghi nhận khoảng 207.000 ca nhiễm.
Trong khi những quốc gia đông dân nhất châu Âu như Đức, Pháp và Anh đang báo cáo tỷ lệ nhiễm bằng hoặc thấp hơn 16 trên 100.000 người trong 14 ngày qua, nhiều nước láng giềng báo cáo số ca nhiễm cao hơn. Tỷ lệ nhiễm mới của Thụy Điển là gần 35 trên 100.000 người, còn Bỉ là 30. Cả Bulgaria và Bồ Đào Nha đều báo cáo tỷ lệ cao, còn Romania là một trong những quốc gia có tỷ lệ nhiễm cao nhất châu Âu, với 66,7 ca trên 100.000 người.
Covid-19 xuất hiện ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến gần 16,9 triệu người nhiễm nCoV và hơn 662.000 người chết. Anh và Liên minh châu Âu hiện báo cáo gần 1,7 triệu ca nhiễm nCoV, thấp hơn nhiều so với Mỹ, nơi ghi nhận hơn 4,3 triệu ca.
Hồng Hạnh (Theo NPR)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét