Thứ Ba, 4 tháng 8, 2020

Dân Beirut cảm thấy như 'bị nguyền rủa' sau vụ nổ

Thủ đô Beirut của Lebanon chìm trong hỗn loạn và người dân hoảng loạn sau vụ nổ chiều 4/8 khiến 78 người thiệt mạng và 4.000 người bị thương.

Khi làn khói màu nâu bắt đầu tan đi, những đống đổ nát như trong ngày tận thế hiện ra khắp khu vực phía đông Beirut. Cửa kính nhiều toà nhà ở cách vụ nổ tới 4 km vẫn bị thổi bay. Những mảng kính lớn vương vãi trên đường, một số mảnh xuyên qua xe hơi.

Khung cảnh hoang tàn ở khu vực cảng Beirut sau vụ nổ ngày 4/8. Ảnh: Reuters.

Khung cảnh hoang tàn ở khu vực cảng Beirut sau vụ nổ ngày 4/8. Ảnh: Reuters.

Những vệt máu chảy dài từ những chiếc xe hơi và xe máy chở người bị thương đến các bệnh viện hoặc trung tâm y tế, nơi chỉ vài phút sau vụ nổ phải tiếp nhận lượng lớn nạn nhân bị thương hoặc thiệt mạng.

Xe cứu thương cố chạy nhanh qua những giao lộ đang kẹt cứng, bởi nhiều người cuống cuồng lên xe tìm cách thoát nhanh ra khỏi khu vực xảy ra vụ nổ. Đám mây hình nấm khổng lồ bốc lên từ nhà kho bị nổ vẫn chưa tan và đang dịch chuyển dần sang phía đông, dù nó đã xuất hiện được gần nửa tiếng.

Dọc khu vực ngoại ô phía đông Beirut từ Ashrafieh đến Gemmayze hướng đến nơi xảy ra vụ nổ tại khu cảng, khung cảnh hoang tàn càng trở nên rõ rệt hơn.

Vụ nổ khiến cấu trúc của nhiều tòa nhà bị hủy hoại. Các cửa hàng và nhà hàng đều bị hư hại nghiêm trọng. Một hộp đêm tại đây đã bị "thổi bay" hoàn toàn. Ngay cả trong những ngày đỉnh điểm nội chiến tại nước này với những vụ nã pháo kéo dài hàng tuần liền cũng không gây ra đống đổ nát lớn như vậy.

Đàn ông, phụ nữ và trẻ em hoang mang bước qua những khu vực gần nơi xảy ra vụ nổ. Rất nhiều người bị mất nhà cửa và không biết phải đi đâu. Việc di chuyển qua đống đổ nát, dù là đi bộ hay đi xe hơi, cũng khó khăn như nhau.

Người dân Beirut từng hứng chịu bom đạn chiến tranh và đã quá quen với những tiếng nổ, nhưng vẫn sửng sốt trước sức công phá của vụ nổ này.

Nền kinh tế suy sụp đã đẩy quốc gia này đến sát bờ vực sụp đổ và giờ là một vụ nổ với mức tàn phá không ai có thể tưởng tượng nổi. "Chúng tôi bị nguyền rủa. Ngay cả khi đây chỉ là một vụ tai nạn, đó vẫn là điều chúng tôi khó có thể chịu đựng", một thanh niên 20 tuổi chia sẻ.

Lần gần đây nhất một vụ nổ tương tự khiến Lebanon rung chuyển là vào tháng 2/2005, khi thủ tướng Rafik Hariri thiệt mạng trong vụ đánh bom xe bên ngoài một khách sạn.

Hơn 15 năm sau, phán quyết dành cho những kẻ ám sát ông dự kiến được công bố tại Hague, Hà Lan vào ngày 7/8. Đã có những lo ngại rằng, vụ nổ lần này là một điềm báo trước về phán quyết.

"Không có gì tự nhiên xảy ra ở đây cả. Đó có thể là thông điệp rằng mọi người nên tránh xa sự việc", Sobhi Shattar chia sẻ khi đang dọn dẹp đống đổ nát bên ngoài ngôi nhà của cựu giám đốc điều hành Nissan Carlos Ghosn ở một con phố sầm uất.

Lính cứu hoả nỗ lực dập tắt đám cháy sau vụ nổ ở Beirut ngày 4/8. Ảnh: Reuters.

Lính cứu hoả nỗ lực dập tắt đám cháy sau vụ nổ ở Beirut ngày 4/8. Ảnh: Reuters.

Sự quan tâm của người dân đổ dồn vào nguyên nhân vụ nổ và loại thuốc nổ nào đã gây ra sức công phá lớn như vậy. Những người sinh sống ở nam Beirut có thể cảm nhận rõ chấn động và tiếng nổ có thể nghe được từ cách đó 80 km. Có những thông tin cho rằng khu vực phía tây của đảo Cyprus cách đó 250 km vẫn có thể nghe thấy tiếng nổ.

"Lượng chất nổ phải cực lớn mới có thể làm được điều này. Có thứ gì đó ở khu vực cảng đã tự phát nổ hoặc đã bị tấn công", kỹ sư Riyadh Haddad chia sẻ.

Giống như những người láng giềng sinh sống ở Gemmayze, Haddaf có rất nhiều việc phải làm khi sửa chữa ngôi nhà của mình. "Nhìn xem, làm thế nào chúng tôi có thể sửa chữa nó? Ít nhất một vài cửa sổ đã bị thổi bay và đó mới chỉ là mối bận tâm nhỏ nhất của chúng tôi. Không có tiền, việc làm, điện và xăng dầu và giờ thì cả vụ nổ này. Liệu đó sẽ là hồi chuông cảnh tỉnh hay sẽ lại tiếp tục có chiến tranh?"

Ban đầu, giới chức Lebanon nhận định nguyên nhân vụ nổ là do một kho chứa pháo hoa bắt lửa. Tuy nhiên, giả thiết này sau đó bị bác bỏ khi xét đến sức tàn phá khủng khiếp của vụ nổ.

Bộ trưởng Nội vụ Lebanon Mohamed Fehmi sau đó chia sẻ trên kênh MTV Lebanon rằng vụ nổ dường như xuất phát từ "số lượng lớn phân bón" được tích trữ tại cảng.

Tuy nhiên, tuyên bố này vẫn chưa đủ để dẹp yên những đồn đoán. Một người đàn ông gọi điện thoại cho những người bạn của ông và dồn dập hỏi: "Đó có phải là kho chứa vũ khí không? Người Israel làm vụ này à? Có một vụ nổ nhỏ rồi sau đó mới là vụ nổ lớn. Điều gì đã gây ra vụ nổ đầu tiên?".

Những lời đồn đoán lan xa không kém gì sóng xung kích của vụ nổ và vào chiều tối, tướng Abbas Ibrahim, người phụ trách lực lượng an ninh Lebanon, lên tiếng cho rằng đã có một vụ tai nạn công nghiệp xảy ra tại kho chứa số lượng lớn hoá chất dễ bắt nổ.

Tuy nhiên không nhiều người cảm thấy thuyết phục với thông tin này. "Trong lịch sử của Lebanon, chưa bao giờ xảy ra điều gì tương tự. Vụ nổ như từ một quả bom nhiệt hạch và tôi nghĩ rằng rất nhiều loại chất nổ quân sự phát nổ. Liệu họ có thành thật trong sự việc này không, tôi rất nghi ngờ", một người đàn ông 30 tuổi chia sẻ.

Thủ tướng Lebanon Hassan Diab sau đó lên tiếng xác nhận vụ nổ do 2.750 tấn phân bón amoni nitrat được lưu trữ trong nhiều năm tại một nhà kho gần bến cảng ở thủ đô Beirut gây ra, không liên quan tới các hoạt động khủng bố hay tấn công hạt nhân.

Đến đêm, Beirut càng trở nên tối tăm hơn. Lượng điện hiếm hoi được sử dụng gần đây để thắp sáng cho thành phố giờ cũng không còn nữa. Thành phố nhanh chóng trở nên trống rỗng và những ánh đèn cũng đã tắt.

Trần Khánh (Theo Guardian)

Let's block ads! (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét