FBI cảnh báo tội phạm mạng đang tấn công vào hệ thống y tế của Mỹ để đòi tiền chuộc, có thể ảnh hưởng tới hàng trăm bệnh viện.
Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và hai cơ quan liên bang khác hôm 28/10 ra tuyên bố chung, cảnh báo họ đang nắm được "thông tin đáng tin cậy về mối đe dọa tội phạm mạng ngày càng gia tăng và sắp xảy ra, nhắm vào các bệnh viện và đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe Mỹ".
Các cơ quan liên bang Mỹ cho hay "những nhân tố mạng độc hại" đang sử dụng ransomware (mã độc tống tiền) nhắm tới lĩnh vực y tế Mỹ để có thể "đánh cắp dữ liệu và gây gián đoạn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Các cuộc tấn công mạng diễn ra khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 3/11 còn chưa đầy một tuần, song dường như không có dấu hiệu nào liên quan giữa hai sự kiện.
"Chúng ta đang gặp phải mối đe dọa an ninh mạng nghiêm trọng nhất từng thấy ở Mỹ", Charles Carmakal, giám đốc kỹ thuật của công ty an ninh mạng Mandiant, nhận định. Ông cho rằng nhóm tin tặc có thể cài cắm phần mềm độc hại tới hàng trăm bệnh viện Mỹ trong vài tuần tới.
Alex Holden, CEO của Hold Security, công ty đã theo dõi chặt chẽ phần mềm tống tiền này trong hơn một năm, cũng cho rằng cuộc tấn công sắp tới sẽ có quy mô chưa từng có.
Ransomware là mã độc sẽ gây hạn chế quyền truy cập đến hệ thống máy tính mà nó đã lây nhiễm và đòi hỏi người dùng phải nộp khoản tiền chuộc cho tin tặc để "giải mã". Cuộc tấn công này có thể gây thêm căng thẳng cho các bệnh viện Mỹ trong bối cảnh số ca nhiễm nCoV đang tăng vọt.
Mỹ đã chứng kiến đợt tấn công mạng đòi tiền chuộc trong hơn 18 tháng qua. Hồi tháng 9, một cuộc tấn công mạng đã gây xáo trộn 250 cơ sở y tế Mỹ, buộc các y bác sĩ phải lưu trữ hồ sơ bằng tay và gây chậm trễ với quá trình xét nghiệm.
Ngọc Ánh (Theo AP)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét