Các lãnh đạo Trung Quốc đã kết thúc họp kín thảo luận về tầm nhìn kinh tế, chính trị 5 năm tới, trong khi nhiều nước vẫn vật lộn với Covid-19.
Phiên họp toàn thể thứ 5 của Ủy ban Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 19 bế mạc hôm 29/10 sau 4 ngày họp kín tại Bắc Kinh. Các cuộc thảo luận tập trung vào Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Trung Quốc về Phát triển Kinh tế, Xã hội Quốc gia, đồng thời vạch ra Các mục tiêu Dài hạn đến năm 2035.
Bất kỳ điều gì được nhất trí tại các cuộc họp kín này sẽ định hình chính sách cho cả đất nước hơn 1,3 tỷ dân và được thực hiện ở tất cả các cấp, trong mọi lĩnh vực của Trung Quốc.
Chi tiết bản kế hoạch 5 năm chưa được tiết lộ cho tới kỳ họp quốc hội vào năm tới, nhưng các mục tiêu chính của nó đã được truyền thông nhà nước đưa tin, bao gồm tránh tăng trưởng GDP bằng mọi giá, cắt giảm khí thải carbon và đạt tự chủ về công nghệ và khoa học, trong bối cảnh Mỹ đang gia tăng áp lực trên mặt trận này.
Toàn bộ thông cáo được phát đi 30 phút trên đài truyền hình nhà nước CCTV, dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng của nó trong hệ thống chính trị cấp cao của Trung Quốc.
"Đến năm 2035, sức mạnh kinh tế, khoa học và tổng thể quốc gia của Trung Quốc sẽ tăng mạnh", trích thông cáo sau cuộc họp, cho biết bình quân GDP đầu người sẽ đạt "mức của các nước phát triển vừa phải".
Raymon Yeung, chuyên gia kinh tế về Trung Quốc của ANZ, nhận định cam kết của thông cáo này ngụ ý "một con đường tăng trưởng kinh tế tích cực". Điều này có thể mang lại tiền năng tăng trưởng to lớn cho các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Mỹ không được đề cập trực tiếp, nhưng cuộc đối đầu giữa hai cường quốc dẫn tới việc Trung Quốc đang tập trung cấp thiết vào nâng cao năng lực tự chủ công nghệ.
Guo Xiaobing, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kiểm soát Vũ khí thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc, từng nhận xét "căng thẳng Trung - Mỹ leo thang là một thách thức an ninh nghiêm trọng, vì Mỹ tiếp tục khiêu khích chúng ta về kinh tế, công nghệ và quân sự".
Trong số các mục tiêu được liệt kê trong thông cáo có mục tiêu xây dựng quân đội hiện đại tới năm 2027, một thế kỷ sau khi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) thành lập. Theo nhà phân tích quân sự Song Zhongping tại Hong Kong, mục tiêu này cho thấy tham vọng đưa PLA trở thành "lực lượng hiện đại hàng đầu thế giới, sánh ngang với quân đội Mỹ".
Lý Quân Như, cựu phó hiệu trưởng Trường đảng Trung ương Trung Quốc, trong tuần này nhận định mục tiêu hiện đại hóa mà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đặt ra vào những năm 1980 đến 2050 có thể thành công. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới vào năm 2010, tạo "nền tảng tốt để hiện thực hóa những điều cơ bản mà Đặng Tiểu Bình đề ra 15 năm trước".
Phiên họp mới đây là "bước ngoặt lớn" trên con đường hiện đại hóa của Trung Quốc và kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 đang được đặt ra "nên được xem xét một cách toàn diện như một phần của kế hoạch 15 năm", theo ông Lý. Do đó, trọng tâm chính là 2035. Trung Quốc sẽ được đánh giá xem có thể bắt kịp và vượt qua Mỹ trong thời gian 15 năm dưới thời đại Tập Cận Bình hay không.
Ông Tập từng nhắc tới con số 2035 cách đây ba năm trong một hội nghị toàn quốc của đảng Cộng sản Trung Quốc. Khi đó, ông tuyên bố Trung Quốc "về cơ bản sẽ hoàn thành hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa vào năm 2035", thuật ngữ chỉ việc vượt qua Mỹ để trở thành nền kinh tế số một thế giới.
Truyền thông Trung Quốc cho rằng những kế hoạch dài hạn như vậy trái ngược với các nước phương Tây, nơi chương trình nghị sự do một chính phủ đưa ra dễ dàng bị chính quyền kế nhiệm hủy bỏ. Tổng thống Donald Trump đã cho thấy rõ ràng điều này, khi ông rút Mỹ khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế, đảo ngược gần như mọi chính sách dài hạn mà chính quyền Obama thiết lập.
"Trung Quốc là quốc gia nói lời giữ lời", Xinhua viết trong bài xã luận hôm 28/10. "Một khi kế hoạch 5 năm hoàn thành, chính quyền từ trung ương tới địa phương sẽ đảm bảo thực thi nó".
Từ khi nắm quyền lãnh đạo đất nước năm 2012, ông Tập đã loại bỏ mọi thách thức tiềm ẩn từ bên trong đảng Cộng sản Trung Quốc, khởi động một giai đoạn chống tham nhũng mới hồi đầu năm và dự kiến kéo dài tới 2022, khi nhiệm kỳ thứ hai của ông với tư cách là Tổng bí thư kiêm Tổng tư lệnh kết thúc.
Một số nhà quan sát dự đoán ông Tập sẽ theo bước Mao Trạch Đông theo một cách khác, có thể là tiếp tục đảm nhận chức danh chủ tịch nước khi nhiệm kỳ bây giờ kết thúc. Cách làm này về cơ bản cho phép ông tiếp tục lanh đạo trong khi tránh đi ngược truyền thống không làm chủ tịch quá hai nhiệm kỳ, dù những rào cản này đã được xóa bỏ năm 2018. Quốc hội đã sửa đổi hiến pháp, bãi bỏ nội dung quy định chủ tịch nước, phó chủ tịch nước chỉ được giữ hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Quyền lực tuyệt đối này sẽ giúp ông có được tự tin cần thiết để đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho kế hoạch 5 năm lần thứ 14, thậm chí là vạch ra tầm nhìn tới 2035, năm ông Tập bước sang tuổi 82.
Damien Ma, giám đốc MarcoPolo và đồng nghiệp dự đoán Trung Quốc sẽ "có nhiều năng lực hơn nhưng cũng thận trọng hơn" trong 5 năm tới.
"Trung Quốc năm 2025 sẽ lần đầu tiên có tầng lớp trung lưu chiếm đa số, với nền công nghệ phát triển ngang bằng với Thung lũng Silicon và phát thải năng lượng ít carbon hơn. Tất cả đều dưới sự lãnh đạo và tầm nhìn của một Chủ tịch Tập Cận Bình mạnh hơn", Damien Ma, giám đốc MarcoPolo, nói.
Hồng Hạnh (Theo CNN/Nikkei/The Australian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét