Thứ Sáu, 25 tháng 6, 2021

Kế hoạch Liên Xô dời thủ đô năm 1941

Liên Xô từng chuẩn bị phương án sơ tán thủ đô Moskva nếu bị phát xít Đức bao vây trong giai đoạn đầu Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Ngày 22/6/1941, phát xít Đức phát động chiến dịch Barbarossa, cuộc tổng tấn công nhằm vào Liên Xô và cũng là cuộc xâm lược quy mô lớn nhất trong lịch sử loài người. Đức huy động ba triệu quân với 150 sư đoàn bộ binh và 3.000 xe tăng, chia làm ba mũi đồng loạt tấn công trên chiến tuyến trải dài khoảng 2.900 km trong chiến dịch này.

Quân Đức chiếm lợi thế và tiến rất nhanh trong những trận đầu chiến dịch. Đến giữa tháng 10/1941, phát xít Đức áp sát Moskva và có thể tiến vào thủ đô Liên Xô bất cứ lúc nào. Ngày 15/10/1941, lãnh đạo Liên Xô Iosef Stalin chủ trì phiên họp Bộ Chính trị, ban hành lệnh di tản và rời thủ đô ngay tối hôm đó.

Một trận địa phòng không ở Moskva năm 1941. Ảnh: Sputnik.

Một trận địa phòng không ở Moskva năm 1941. Ảnh: Sputnik.

Điểm đến là thành phố Kuibyshev (ngày nay là Samara), cách Moskva 1.100 km về phía đông. Đây được chọn là thủ đô mới của Liên Xô vì một số lý do.

Thành phố này nằm khá gần Moskva, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình di tản thủ đô. Các cơ quan nhà nước, nhà máy và bộ máy hành chính không mất nhiều thời gian để bố trí và tiếp tục hoạt động ở địa điểm mới.

Kuibyshev cũng được bảo vệ tương đối nghiêm ngặt nhờ lượng lớn binh sĩ đóng tại đây, trong đó có sở chỉ huy của Quân khu Volga. Thành phố này cũng là một trung tâm công nghiệp của Liên Xô với nhiều nhà máy, sân bay và đầu mối đường sắt quan trọng.

Sáng 15/10/1941, Ủy ban Quốc phòng Liên Xô thông qua nghị quyết tối mật số 801, yêu cầu Bộ Tổng tham mưu, Bộ Quốc phòng, Bộ tư lệnh Hải quân, ngoại giao đoàn, Đoàn Chủ tịch Xô viết Tối cao Liên Xô, Hội đồng Dân ủy Liên Xô lập tức di tản đến thành phố Kuibyshev.

Lãnh đạo Stalin ở lại Moskva thêm một ngày cùng các cộng sự thân cận. Bộ trưởng Dân ủy Nội vụ (NKVD) Lavrentiy Beria được lệnh giám sát quá trình phá hủy các nhà máy, nhà kho và cơ sở quan trọng, gồm cả tàu điện ngầm Moskva, vốn không thể kịp chuyển đến thủ đô mới.

Những tin đồn về di tản thủ đô lan truyền nhanh chóng, bất chấp nghị quyết được ban hành tối mật. Tin đồn về việc thủ đô Liên Xô có thể rơi vào tay phát xít Đức lan rộng khi tàu điện ngầm đóng cửa lần đầu vào sáng 16/10 để chuẩn bị cho quá trình phá hủy.

Không lâu sau đó, thủ đô Moskva tràn ngập trong cơn hoảng loạn. Nhiều người từ bỏ nhiệm vụ và tài sản, đổ xô đến các nhà ga với hy vọng rời khỏi thành phố trước khi quân địch đến.

Rào chắn trên đường phố Moskva năm 1941. Ảnh: Sputnik.

Rào chắn trên đường phố Moskva năm 1941. Ảnh: Sputnik.

"Lúc 15h, có một vụ tắc đường trên cầu. Thay vì đẩy những chiếc xe tải mắc kẹt ra khỏi cầu để thông đường, mọi người lao vào chiếm chỗ ngồi trên xe. Những người trên xe dùng valy đánh trả. Người dân trèo lên đầu nhau, đột nhập vào các xe tải và ném những người bên trong ra ngoài như ném bao tải khoai tây. Tuy nhiên, ngay khi họ ngồi xuống chỗ mới chiếm được và chiếc xe cố gắng di chuyển thì làn sóng người tiếp theo lại ập tới", nhân chứng Leo Larsky nhớ lại.

Sự sợ hãi và hoảng loạn tràn ngập khắp thủ đô. Nhiều công nhân đến nơi làm việc với hy vọng được trả lương, nhưng phát hiện ra rằng ban quản lý đã rời đi từ trước. Tức giận và bị bỏ rơi, một số cư dân đã sử dụng bạo lực và cướp bóc.

"Nhiều vụ ẩu đả diễn ra trên đường phố, thanh niên đi hôi của, còn cảnh sát thì đi lại trên vỉa hè và hút thuốc. Chúng tôi không nhận được chỉ dẫn nào cả", nhà báo Liên Xô Nikolay Verzhbitsky viết về sự hoảng loạn ở Moskva trong ngày hôm đó.

Chính quyền Liên Xô sau đó áp dụng nhiều biện pháp quyết liệt để vãn hồi trật tự ở Moskva. Ngày 19/10, ba ngày sau cơn hoảng loạn bao trùm thủ đô, lãnh đạo Stalin ban hành sắc lệnh cấm ô tô và người dân không có giấy phép đặc biệt đi lại vào ban đêm, trong khi cảnh sát được quyền nổ súng vào các phần tử quá khích.

Quyết định ở lại thủ đô Moskva đang bị bao vây của Stalin phần nào trấn an người dân khi họ coi đó là dấu hiệu Hồng quân Liên Xô sẽ bảo vệ thành phố bằng mọi giá.

Nhờ các nỗ lực của Hồng quân, người dân Moskva không sơ tán hay tiếp tục hoảng loạn. Phát xít Đức sau đó cũng không thể chiếm Moskva bằng chiến lược chiến tranh chớp nhoáng (Blitzkrieg) và bị kéo vào cuộc chiến trường kỳ, cuối cùng rơi vào thảm bại.

Duy Sơn (Theo RBTH)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét