Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Những 'cậu bé' tuổi tứ tuần ăn bám bố mẹ

Hàn QuốcLee Young-wook, 61 tuổi, sống tại Seoul, không nỡ để cậu quý tử phải vất vả ra ngoài ở riêng, dù năm nay anh đã ngoài 30 tuổi.

Lee Jeong-kyu, 31 tuổi, con trai ông Young-wook, vẫn sống cùng bố mẹ trong ngôi nhà thuở bé tại Bundang, ngoại ô Seoul. Nhà của họ không phải biệt thự, chỉ là một căn hộ nhỏ vừa đủ cho ba người.

Bất chấp không gian chật chội, Jeong-kyu chưa bao giờ chuyển ra ngoài sống tự lập và cũng không có ý định đó. "Nói thực nhé, làm sao tôi có thể để đứa con trai quý giá này lăn lộn ngoài đời", bố anh quả quyết.

Jeong-kyu được coi là một thành viên của "bộ tộc kangaroo" Hàn Quốc, từ lóng dùng để mô tả những người quyết ăn bám bố mẹ, dù đã ngoài 30, thậm chí 40 tuổi. Cái tên gợi lên hình ảnh về kangaroo, loài thú lớn lên trong chiếc túi trước bụng mẹ và nhiều con không muốn rời đi dù đã lớn.

Lee Jeong-kyu (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi chơi cùng bố mẹ. Ảnh: NBC

Lee Jeong-kyu (ngoài cùng bên phải) trong một chuyến đi chơi cùng bố mẹ. Ảnh: NBC

Theo báo cáo công bố cuối tháng 3 của cơ quan thống kê quốc gia Hàn Quốc, hơn 50% người trưởng thành chưa lập gia đình trong độ tuổi 30-40 và 44% trong độ tuổi 40-44 ở nước này vẫn sống cùng bố mẹ.

Báo cáo gây xôn xao cả nước, làm dấy lên định kiến về "bộ tộc kangaroo" là những người vô dụng, ăn bám. Báo cáo cũng lưu ý 42% những người sống cùng bố mẹ là người thất nghiệp, còn truyền thông liên tục đưa tin về hình ảnh cha mẹ già kiệt sức nuôi những đứa con đã thành niên nhưng vẫn vô lo, không nghề nghiệp.

Bất chấp sự chú ý của truyền thông, giới chuyên gia nhận định tình trạng con cái trưởng thành vẫn sống cùng bố mẹ tại Hàn Quốc rất phổ biến.

"Hiện tượng bộ tộc kangaroo không phải mới xuất hiện ở Hàn Quốc, vì tỷ lệ người trưởng thành trong độ tuổi 30 và 40 sống cùng bố mẹ những năm 1980 và 2010 không mấy khác biệt", Kye Bong-oh, giáo sư xã hội học, đại học Kookmin, nói.

Thiếu độc lập kinh tế chỉ là một yếu tố khiến con cái không rời tổ, nhiều người tiếp tục sống cùng bố mẹ bởi nhiều lý do. Với một số người, sống cùng bố mẹ cho phép họ chăm sóc cha mẹ già cao tuổi dễ dàng hơn, đồng thời tiết kiệm tiền cho tương lai. Với một số người khác, đặc biệt là phụ nữ độc thân, lại viện quan điểm bảo thủ của bố mẹ làm lý do không ra ngoài sống.

Song Jung-hyun, 36 tuổi và Nang Yoon-jin, 33 tuổi, đã độc lập kinh tế từ lâu. Cả hai là giáo viên trường công ở Seoul, một trong những nghề nghiệp được ưa thích nhất tại Hàn Quốc. Nhưng bố mẹ họ luôn duy trì quan điểm phụ nữ chỉ nên chuyển ra ngoài khi lấy chồng.

"Bố mẹ tôi nghĩ rằng thế giới này là một nơi nguy hiểm với phụ nữ sống một mình", Song nói.

Nhiều người độc thân có thể cảm thấy ngột ngạt khi sống cùng bố mẹ, nhưng cả Song và Nang đều vui vẻ với cách sống này, đồng thời nhấn mạnh lợi ích thiết thực của nó.

"Mẹ vẫn làm bữa sáng, trả hóa đơn điện nước và sinh hoạt phí cho tôi. Không có gì khác thời tôi còn là sinh viên, ngoài việc bây giờ tôi đang đi làm", Nang nói. "Mẹ muốn tôi tiết kiệm tiền để lấy chồng".

Song cho hay sống cùng bố mẹ giúp cô tiết kiệm thời gian và tiền bạc, bởi cô không cần lo lắng phải giặt giũ quần áo hay làm việc nhà. Hơn nữa, khi cần lời khuyên hoặc muốn thảo luận những vấn đề quan trọng, cô chỉ cần sang gõ cửa phòng bố mẹ.

Ở cùng có lợi cho cả bố mẹ lẫn con cái, Song nói.

"Không chỉ tôi thích cách sống này, bố mẹ tôi cũng thế", cô bày tỏ. "Tuổi tác ngày một nhiều, bố mẹ tôi gặp khó khăn trong một số việc như sử dụng điện thoại thông minh hay giao dịch ngân hàng trực tuyến. Từ khi sống cùng nhau, tôi giúp đỡ bố mẹ tôi những chuyện như vậy. Bố mẹ thường nói không thể tưởng tượng nổi cuộc sống thiếu tôi sẽ ra sao".

Thuật ngữ "bộ tộc Kangaroo" phổ biến ở Hàn Quốc vào đầu những năm 2000, thời tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao, nhiều người tốt nghiệp đại học vẫn phải sống cùng bố mẹ do không tìm được việc làm.

Từ năm 1997 tới 1998, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp tăng vọt từ 5,7% lên 12,2% trước khi giảm nhẹ xuống 8,1% vào năm 2000, theo cơ quan thống kê Hàn Quốc. Năm 2020, tỷ lệ này là 9%.

Người ta vẫn coi những người thuộc "bộ tộc kangaroo" là kém cỏi về mặt xã hội và tài chính, nhưng sự kỳ thị đã giảm bớt. "Nhiều người bắt đầu nhận thấy ngày nay muốn độc lập kinh tế ngày càng khó", Kye nói.

Song Jung-hyun (giữa) trong chuyến du lịch nước ngoài cùng bố mẹ. Ảnh: NBC

Song Jung-hyun (giữa) trong chuyến du lịch nước ngoài cùng bố mẹ. Ảnh: NBC

Lee Chul-hee, giáo sư kinh tế học Đại học Quốc gia Seoul, lưu ý nền kinh tế Hàn Quốc đã khiến mục tiêu độc lập tài chính và tự chủ cuộc sống ngày càng khó khăn hơn với thế hệ trẻ.

"Giá nhà tại các thành phố lớn bao gồm Seoul tăng mạnh từ năm 2000, trong khi thị trường việc làm không ổn định, số lượng công việc có tính chất tạm thời ngày càng tăng", Lee nói. "Tất cả những yếu tố này đều khiến những người ở độ tuổi 30 và 40 gặp khó khăn hơn nếu muốn sống tự lập, rời khỏi nhà bố mẹ".

Trước thực tế con trai chưa từng có công ăn việc làm ổn định, ông Lee Young-wook tự tin mình lựa chọn đúng đắn khi không gây áp lực buộc con phải chuyển ra ngoài sống.

"Tôi và vợ đều muốn làm chỗ dựa vững chắc cho con trai", ông nói. "Tôi sẽ không lo lắng về chuyện của con ít nhất cho tới khi nó 35 tuổi".

Hồng Hạnh (Theo NBC News)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét