Năm 2019, hơn một nửa số khoáng sản, gỗ, hải sản xuất khẩu từ Thái Bình Dương đều đổ về Trung Quốc, gây lo ngại về phát triển bền vững.
Theo phân tích dữ liệu thương mại của Guardian, Trung Quốc năm 2019 nhập khẩu 3,3 tỷ USD tài nguyên từ Thái Bình Dương, con số được giới chuyên gia đánh giá là "gây choáng váng về quy mô".
Với 4,8 triệu tấn gỗ, 4,8 triệu tấn khoáng sản và 72.000 tấn thủy sản nhập khẩu, khối lượng tài nguyên mà Trung Quốc thu về từ khu vực Thái Bình Dương nặng hơn 10 quốc gia nhập khẩu tiếp theo cộng lại.
Quốc gia đứng thứ hai về nhập khẩu tài nguyên khai thác từ Thái Bình Dương là Nhật Bản, với 4,1 triệu tấn khoáng sản, chủ yếu là dầu mỏ, 370.000 tấn gỗ và 24.000 tấn hải sản. Trong khi đó, Australia, quốc gia lâu nay có tầm ảnh hưởng lớn tại Thái Bình Dương, chỉ nhập khẩu 600.000 tấn khoáng sản, 5.000 tấn gỗ và 200 tấn hải sản.
Shane McLeod, nhà nghiên cứu tại Viện Lowy ở Australia, cho biết Trung Quốc trở thành khách hàng mua nhiều tài nguyên Thái Bình Dương nhất do vị trí địa lý gần gũi và nhu cầu phát triển kinh tế mạnh mẽ.
"Trung Quốc có niềm khao khát và nhu cầu tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên. Thái Bình Dương lại gần về mặt địa lý, giúp tuyến đường cung ứng ngắn hơn. Bạn có thể nhìn vào mỏ niken Ramu ở Papua New Guinea, nơi đang trực tiếp cung cấp nguyên liệu thô cho Trung Quốc, mà không cần vận chuyển quá xa", Macleod nói.
Trung Quốc thậm chí nhập khẩu tới hơn 90% tài nguyên khai thác từ Quần đảo Solomon, tính theo khối lượng. Hơn 90% tổng khối lượng gỗ xuất khẩu từ Papua New Guinea và Quần đảo Solomon cũng cập cảng Trung Quốc.
Ngoài nhập khẩu tài nguyên trực tiếp, dữ liệu từ Viện Doanh nghiệp Mỹ cho thấy các công ty Trung Quốc đã đầu tư hơn 2 tỷ USD vào ngành khai thác ở Thái Bình Dương trong hai thập kỷ qua. Chính phủ Trung Quốc cũng cung cấp hàng tỷ USD ngân sách cho khu vực này, đặc biệt cho lĩnh vực công nghiệp khai thác và đánh bắt.
Việc Trung Quốc nhập khẩu phần lớn tài nguyên từ Thái Bình Dương diễn ra trong bối cảnh nước này đang tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Mỹ và Australia tại khu vực.
Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại với tiềm lực kinh tế khổng lồ của mình, Trung Quốc sẽ dễ dàng vượt xa các nước khác, bao gồm Australia, trong năng lực "hút" tài nguyên từ khu vực Thái Bình Dương, đi kèm với đó là tác động to lớn đến môi trường do ngành công nghiệp khai thác, đặt ra thách thức về phát triển bền vững.
Trung Quốc là khách hàng lớn nhất của Thái Bình Dương, dù là tính theo khối lượng hay giá trị hàng hóa. Tuy nhiên, xét theo giá trị, Australia đứng ngay sau Trung Quốc với 2,8 tỷ USD hồi năm 2019. Nguyên nhân là nhiều sản phẩm Trung Quốc khai thác từ khu vực này có khối lượng lớn nhưng có giá trị tương đối thấp, như gỗ.
Papua New Guinea, Quần đảo Solomon, Vanuatu, Tonga và Palau đều thường xuyên xuất hơn 90% sản lượng gỗ sang Trung Quốc. Tuy nhiên, theo một số ước tính, gỗ khai thác bất hợp pháp chiếm tới 70% lượng gỗ tròn được xuất khẩu từ Quần đảo Solomon.
Theo giới chuyên gia, việc Trung Quốc nhập lượng gỗ lớn đến như vậy từ Thái Bình Dương liên quan đến việc nước này thiếu các điều luật chống nhập khẩu gỗ khai thác trái phép, cùng tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình về tác động đối với môi trường và xã hội.
"Do nạn tham nhũng dai dẳng ở Papua New Guinea và Quần đảo Solomon, tới nay vẫn không thể quy trách nhiệm cho ngành công nghiệp khai thác gỗ và những chính trị gia hưởng lợi từ đó", Lela Stanley, cố vấn chính sách của tổ chức phi chính phủ Global Witness, cho biết.
Ngành khai thác gỗ gây ra tác động lớn đối với các cộng đồng trong khu vực. "Hầu hết số gỗ đó được khai thác trái phép, thường thông qua hành vi vi phạm quyền sở hữu đất đai. Điều này không xa lạ gì ở Papua New Guinea, nhưng gây ảnh hưởng đến vô số người dân khắp đất nước. Phần lớn cộng đồng ở nông thôn phụ thuộc trực tiếp vào đất và rừng. Khi những cánh rừng biến mất hoặc bị đánh cắp, tác động sẽ vô cùng nghiêm trọng", Stanley nói.
Mặc dù luật lâm nghiệp mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ tháng 7/2020, hướng đến phát triển ngành thương mại gỗ bền vững và bảo vệ rừng Trung Quốc, vẫn có những lo ngại về hoạt động của một số công ty. "Ngay cả khi các điều luật và quy định thay đổi, sẽ cần thời gian và hoạt động thi hành luật hiệu quả để doanh nghiệp thay đổi hành vi", Stanley nêu ý kiến.
Về hoạt động ngư nghiệp, phần lớn quốc đảo nhỏ ở Thái Bình Dương chưa khai thác được toàn bộ giá trị của nguồn hải sản dồi dào. Theo một khảo sát về tàu thuyền hoạt động trên Thái Bình Dương hồi năm 2016, số tàu cá treo cờ Trung Quốc đánh bắt ở khu vực vượt xa bất kỳ quốc gia nào.
Trung Quốc có 290 tàu công nghiệp được cấp phép hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó, chiếm hơn 1/4 tổng số tàu cá, trong khi tất cả quốc gia Thái Bình Dương có tổng cộng 240 tàu.
Ngoài Papua New Guinea, rất ít tàu mang cờ của các nước Thái Bình Dương tiến hành đánh bắt xa bờ. Ngư dân địa phương chủ yếu đánh bắt ở những vùng ven biển. Tiến sĩ Hugh Govan tại Đại học Nam Thái Bình Dương, Fiji, cho biết có những loài giá trị cao trong khu vực này như hải sâm, nhưng nhiều vùng ven biển lại diễn ra tình trạng đánh bắt quá mức.
Thị trường xuất khẩu hải sâm chủ yếu là miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên, loài này bị đánh bắt nhiều đến mức Papua New Guinea quyết định ngừng khai thác chúng trong vài năm.
Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh là "quốc gia đánh bắt có trách nhiệm", "không khoan nhượng" cho những hành vi vi phạm luật và quy định liên quan đến các tàu đánh bắt xa bờ. "Chúng tôi đã tăng cường hợp tác quốc tế và đạt thành quả lớn trong việc cùng nhau chống đánh bắt trái phép, thúc đẩy nguồn thủy sản phát triển bền vững cùng các nước khác", bà nói.
Về ngành khoáng sản, tính theo khối lượng, Quần đảo Solomon đã xuất gần như tất cả số quặng họ khai thác được sang Trung Quốc, chủ yếu là quặng nhôm. Hơn 90% tổng giá trị xuất khẩu của Papua New Guinea là khoáng sản, trong đó hơn 30% khối lượng được đưa đến Trung Quốc.
Australia vẫn kiểm soát nhiều mỏ lớn nhất Papua New Guinea và nhập khẩu 2,5 tỷ USD vàng hồi năm 2019. Nước này cũng nhập gần như toàn bộ số vàng khai thác được từ Fiji. Xét theo khối lượng, chúng quá nhỏ so với số khoáng sản xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, chuyên gia McLeod cho biết khác biệt quan trọng giữa các đối tác thương mại Trung Quốc và Australia là cách doanh nghiệp chịu trách nhiệm về những vấn đề xã hội và môi trường tại địa phương.
Hoạt động khai thác quy mô lớn tại Papua New Guinea từng gây tác động thảm khốc với môi trường, bao gồm việc xử lý chất thải tại mỏ Ok Tedi của công ty liên doanh Anh - Australia BHP, mỏ Panguna thuộc quyền quản lý của tập đoàn Anh – Australia Rio Tinto, hay gần đây là mỏ Ramu do người Trung Quốc điều hành.
Nhiều công ty thuộc sở hữu nước ngoài đã rút khỏi các dự án khai khoáng sau khi hoạt động của họ được chứng minh là hủy hoại môi trường. "Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài không chịu sự giám sát kỹ lưỡng từ trong nước như doanh nghiệp thuộc những quốc gia phương Tây", McLeod nói.
Năm ngoái, chính phủ Papua New Guinea quyết định hủy hợp đồng cho thuê khai thác tại mỏ Porgera do người Trung Quốc sở hữu một phần, với lý do không nhận được lợi ích công bằng trong các dự án tài nguyên thiên nhiên lớn.
Công ty khai thác Zijin, đối tác liên doanh từ Trung Quốc, cáo buộc đây là "hệ quả của vấn đề chính trị quốc tế", đồng thời cảnh báo xung đột này có thể hủy hoại quan hệ song phương giữa Papua New Guinea và Trung Quốc.
Ánh Ngọc (Theo Guardian)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét