Thứ Ba, 1 tháng 6, 2021

Vaccine Trung Quốc khoét chia rẽ chính trị Thái Lan

Vaccine Sinovac đang được Thái Lan triển khai tiêm cho người dân, song vấp phải sự hoài nghi từ công chúng do thiếu niềm tin vào chính quyền.

Thái Lan đang trải qua sóng Covid-19 thứ ba, cũng là đợt dịch nghiêm trọng nhất, khi số ca nhiễm bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 4. Đến 27/5, tổng số ca nhiễm tính từ ngày 1/4 là 112.354, trong đó 785 người đã tử vong. Các biến chủng nguy hiểm từ Ấn Độ và Nam Phi cũng đã xuất hiện, khiến chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phải đẩy nhanh triển khai tiêm chủng.

AstraZeneca và Sinovac là hai loại vaccine đang được Thái Lan sử dụng. Bắc Kinh đã chuyển giao khoảng 6 triệu liều Sinovac cho Bangkok, biến nó trở thành loại vaccine được sử dụng rộng rãi nhất tại Thái Lan.

Thùng chứa vaccine Sinovac của Trung Quốc được dỡ xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Thùng vaccine Sinovac của Trung Quốc được dỡ xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, hồi tháng hai. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, tâm lý ngờ vực đối với chính quyền Prayuth đang khiến không ít người dân Thái Lan do dự trước quyết định tiêm vaccine Trung Quốc. Niềm tin đối với bộ máy lãnh đạo đang ở mức thấp, dẫn đến việc công chúng thiếu cảm giác an toàn đối với các loại vaccine mà chính phủ thu mua, theo giới quan sát.

Sinovac đã trở thành đề tài chỉ trích rộng rãi vì hàng loạt lý do. Khác với hầu hết những loại vaccine Covid-19 đang được sử dụng trên thế giới, Sinovac là một vaccine bất hoạt được phát triển từ những tác nhân đã được làm suy yếu. Điều này có nghĩa tác dụng phụ của nó sẽ ít, nhưng hiệu quả được cho là không cao.

Ở cấp độ xã hội, việc Sinovac là vaccine Trung Quốc khiến nó khó được chấp nhận hơn ở Thái Lan. Không ít người dân Thái Lan hiện nay nhìn Trung Quốc với con mắt hoài nghi, thậm chí thù địch và các sản phẩm từ Trung Quốc thường bị nhiều người coi là hàng giá rẻ, chất lượng thấp.

Mặt khác, Sinovac cũng phải đối mặt với các vấn đề liên quan tới động cơ chính trị, khi chính quyền Thủ tướng Prayuth bị cáo buộc là quá nhân nhượng, ngả về phía Trung Quốc.

Cuộc đảo chính năm 2014 đưa ông Prayuth, khi đó là tư lệnh lục quân, lên nắm quyền, nhưng nó cũng làm phức tạp thêm mối quan hệ giữa Thái Lan với phương Tây. Trung Quốc, nước không chỉ trích Thái Lan khi quay trở lại chính quyền quân sự dưới thời Prayuth, dường như là một cường quốc đồng minh hấp dẫn hơn.

Nền kinh tế Thái Lan ngày càng trở nên phụ thuộc vào đầu tư và du lịch từ Trung Quốc. Quan hệ quốc phòng đã được tăng cường đáng kể với hoạt động mua bán vũ khí, trao đổi quân sự tích cực, trong đó phải kể đến hợp đồng Thái Lan mua tàu ngầm Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này hồi năm ngoái bị hoãn lại trước phản ứng dữ dội từ người dân.

Thái Lan không có tranh chấp lãnh thổ hay hàng hải với Trung Quốc, giúp quan hệ song phương không trải qua sóng gió. Chính sách ngoại giao trong thời kỳ đại dịch của Bắc Kinh càng thắt chặt hơn mối quan hệ, khi Bắc Kinh đẩy mạnh tặng vật tư y tế và mới đây là các liều vaccine Sinovac cho chính quyền Thủ tướng Prayuth.

Vai trò cũng như ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh đã thúc đẩy lo âu và tâm lý chống Trung Quốc vốn âm ỉ tại Thái Lan, chuyên gia đánh giá. Chủ nghĩa bài Trung Quốc đặc biệt phổ biến trong nhóm những người dùng Internet trẻ tuổi thân phương Tây, vốn coi chính phủ Trung Quốc và chính quyền Thủ tướng Prayuth là "cùng hội cùng thuyền".

Tâm lý chống Trung Quốc cùng với việc chính quyền Prayuth quá phụ thuộc vào vaccine Sinovac, chậm chạp triển khai mua vaccine từ những hãng khác lập tức được các đảng phái đối lập tận dụng.

Hồi đầu năm, đảng đối lập Phuea Thai bày tỏ quan ngại về độ an toàn cũng như tính minh bạch của vaccine Sinovac. Phát ngôn viên đảng Tiến lên (Move Forward) từng tranh cãi trên mạng với Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul về tính hiệu quả của Sinovac.

Dù phản đối, các nghị sĩ đối lập cho biết họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiêm loại vaccine do chính phủ chỉ định.

Làn sóng phản đối vaccine Sinovac đang bùng lên mạnh mẽ trong một bộ phận giới trẻ Thái Lan. Ngôi sao hạng A Chompoo Araya mới đây đã gây ra một cuộc tranh cãi trực tuyến nảy lửa khi cô thông báo đã tiêm vaccine Sinovac, đồng thời đưa ra một bài đánh giá về quy trình tiêm chủng, tuyên bố "vaccine tốt nhất là vaccine mà bạn có thể tiêm trước".

Nhiều người dùng Twitter cho rằng bài đánh giá này mang động cơ chính trị và bày tỏ thất vọng với Chompoo vì "ủng hộ" vaccine "hạng bét". Một số người dùng còn chỉ ra việc Chompoo đã im lặng trước việc cảnh sát dùng vũ lực với người biểu tình Thái Lan hồi năm ngoái và kết luận cô "chống lại các diễn biến tiến bộ".

Những người cực đoan hơn đốt nóng thêm tranh cãi bằng việc lập một danh sách những người nổi tiếng đã công khai ủng hộ Sinovac. Trong khi đó, bên bảo vệ họ nói rằng người nổi tiếng, dù chịu tác động từ chính phủ hay không, có quyền tự do lựa chọn vaccine mà họ muốn.

Cuộc thảo luận càng trở nên sôi nổi khi các gương mặt chính trị từ cả phe chống và ủng hộ chính phủ tham gia. Pannika Wanich, thành viên đảng Tương lai Phía trước vốn đã giải thể, mỉa mai bằng câu hỏi liệu Chompoo được nổi tiếng là nhờ chính phủ hay công chúng.

Trái lại, Thứ trưởng Y tế Satit Pitutach ca ngợi Chompoo vì quyết định này. Seri Wongmontha, một người nổi tiếng trên truyền thông từng tích cực tham gia vào cuộc biểu tình chống chính phủ Yingluck dẫn tới cuộc đảo chính năm 2014, cáo buộc sự thật đã bị bóp méo nhằm bôi nhọ chính quyền Thủ tướng Prayuth.

Những tranh cãi liên quan đến vaccine Sinovac là ví dụ mới nhất về tình trạng chia rẽ chính trị ngày càng mở rộng và sâu sắc ở Thái Lan, bình luận viên Tita Sanglee từ Channel News Asia đánh giá. Mối quan hệ chặt chẽ giữa chính quyền Prayuth với Trung Quốc và vai trò ngày càng tăng của các phương tiện truyền thông kỹ thuật số đã làm trầm trọng thêm căng thẳng giữa cái gọi là những người theo chủ nghĩa dân tộc và những nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở nước này.

Vũ Hoàng (Theo CNA)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét