Thứ Hai, 23 tháng 8, 2021

'Biệt đội Dứa' giải cứu cựu đặc nhiệm Afghanistan

Các cựu binh, nhân viên tình báo Mỹ hợp sức trong chiến dịch đặc biệt giải cứu những đồng đội cũ người Afghanistan đang bị Taliban đe dọa.

"Biệt đội Dứa" được hình thành khi một nhóm đặc nhiệm quân đội và đặc vụ tình báo Mỹ hợp sức lại cùng nhau, tận dụng các đầu mối liên lạc của mình để đưa các binh sĩ tinh nhuệ, đặc tình và phiên dịch viên người Afghanistan di tản an toàn, khi hy vọng thoát khỏi tay Taliban của họ ngày càng mờ nhạt.

Chiến dịch giải cứu "Biệt đội Dứa" được khởi động vào cuối tuần trước, khi chính quyền Kabul sụp đổ. Mục tiêu đầu tiên của chiến dịch là đưa một cựu biệt kích Afghanistan đang bị Taliban truy lùng tới sân bay Kabul.

Cựu biệt kích này bị Taliban đòi nợ máu vì đã phối hợp với các lực lượng đặc nhiệm Mỹ hơn 10 năm trong các chiến dịch truy lùng thành viên cấp cao của Taliban

Hồi tháng 6, ông thoát chết trong gang tấc nhờ kịp thời rút khỏi một tiền đồn phía bắc Afghanistan ngay trước khi Taliban tràn tới. Tuy nhiên, suốt thời gian qua, cựu biệt kích này chưa được phê duyệt thị thực nhập cư đặc biệt sang Mỹ, dù thuộc diện nguy cơ cao.

Trước lời cầu cứu từ người đồng đội cũ, nhóm cựu đặc nhiệm Mỹ đã kêu gọi trợ lý nghị sĩ Florida Mike Waltz cùng các tình nguyện viên cứu trợ quốc tế và một nhân viên đại sứ quán Mỹ đang ở trong sân bay Kabul hỗ trợ chiến dịch giải cứu. Nhân viên ngoại giao này trở thành tai mắt ở vành đai an ninh, giúp nhận diện cựu biệt kích Afghanistan đang kẹt trong biển người quanh sân bay Hamid Karzai.

"Có hai người đã chết ngay cạnh tôi", cựu biệt kích Afghanistan thuật lại hành trình nhiều giờ để lần đến chốt kiểm soát an ninh của lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ ngay bên ngoài sân bay.

Quân Mỹ tăng viện cho sân bay Hamid Karzai, Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: USAF.

Quân Mỹ tăng viện cho sân bay Hamid Karzai, Kabul vào ngày 20/8. Ảnh: USAF.

Cố gắng lẩn tránh các tay súng Taliban đang lùng sục trong đám đông, cựu biệt kích này tìm đến được chốt gác và được cho vào cổng nhờ mật khẩu "Dứa". Nhóm đã thay đổi mật khẩu khi hoàn thành giai đoạn đầu của chiến dịch. Hai ngày sau, họ tiếp tục phối hợp đưa được gia đình của cựu biệt kích đến sân bay Kabul.

"Tôi rất phấn khởi. Phía bên kia hàng rào kẽm gai là Afghanistan, còn bên trong sân bay là Mỹ. Tôi nói với gia đình rằng chúng ta đang đứng trên đất Mỹ", cựu biệt kích này chia sẻ.

Một nhóm cựu quân nhân Mỹ và nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) khác cũng đang tổ chức mạng lưới hỗ trợ tương tự. Bí danh của nhóm, "Biệt đội Dunkirk", được lấy cảm hứng từ chiến dịch giải cứu quân đội Anh cùng lực lượng Đồng minh tại Pháp vào năm 1940.

Người phát ngôn nhóm, cựu trung tá lính thủy đánh bộ Mỹ Russell Worth Parker, khẳng định ông không thể bỏ mặc bạn bè rơi vào tay Taliban.

"Phần lớn sự nghiệp của tôi là những nhiệm vụ đặc biệt. Nhờ đó, tôi gặp gỡ nhiều người cùng tư tưởng, đã sống cùng người dân Afghanistan và yêu mến con người Afghanistan suốt 15-20 năm qua", ông nói.

Theo Parker, đa số thành viên nhóm đều từng tham chiến ở Afghanistan. Khi lực lượng Taliban lên nắm quyền, tin nhắn cầu cứu bắt đầu đổ đến dồn dập. Mạng lưới hình thành tự phát khi các cựu binh Mỹ chia sẻ trăn trở về số phận những đồng đội cũ còn kẹt lại ở Afghanistan.

"Biệt đội Dunkirk" của Parker còn có Mick Mulroy, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Ông có thời gian phục vụ trong lực lượng lính thủy đánh bộ và chuyên viên bán quân sự cho CIA. "Tôi cùng bạn bè còn sống ở Mỹ vào ngày hôm nay là nhờ sự dũng cảm của đồng đội trên chiến trường. Chúng tôi nợ họ và sẽ nỗ lực giữ lời hứa", Mulroy chia sẻ.

Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ sân bay Hamid Karzai, thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 20/8. Ảnh: USMC.

Lính thủy đánh bộ Mỹ bảo vệ sân bay Hamid Karzai, thủ đô Kabul của Afghanistan vào ngày 20/8. Ảnh: USMC.

Parker cho biết nhóm ông cùng một số mạng lưới tương tự đã tham gia giải cứu ít nhất 83 mục tiêu thuộc diện nguy cơ cao. Nỗ lực giải cứu tập trung vào thành viên những đơn vị tinh nhuệ trong quân đội Afghanistan, cùng phụ nữ và trẻ em.

"Chúng tôi đang thu thập dữ liệu, học hỏi, thích ứng và hành động nhanh hơn bộ máy quan liêu", cựu trung tá Scott Mann, lãnh đạo tổ chức phi lợi nhuận Heroes Journey và là thành viên sáng lập "Biệt đội Dứa", nhấn mạnh.

Lầu Năm Góc cho biết trong tuần qua đã đưa ít nhất 13.500 người Afghanistan và 2.500 công dân Mỹ rời Kabul.

Tuy nhiên, tốc độ sơ tán gần đây giảm đáng kể, từ 6.000 người ngày 20/8 còn 3.800 người ngày hôm sau, với nhiều lý do như khó khăn trong đàm phán tìm nước tiếp nhận tạm thời công dân Afghanistan chờ xử lý thị thực Mỹ, lực lượng Taliban chặn người dân tìm đường tới sân bay và tình trạng quá tải với hơn 16.000 người trong vùng an toàn.

Vẫn còn rất nhiều cựu biệt kích Afghanistan bị kẹt lại và bị đe dọa tính mạng. Cộng đồng cựu binh Mỹ cho biết họ liên tục nhận được lời khẩn cầu trong tuyệt vọng từ đồng đội và nguồn tin ở chiến trường cũ. Trước những diễn biến phức tạp trên thực địa, các nhóm giải cứu tự phát hết sức nỗ lực nhưng chỉ duy trì hoạt động với tôn chỉ cứu từng người một.

Gretchen Peters, giám đốc Trung tâm Mạng lưới Ngầm và Chống Tội phạm Xuyên quốc gia, cho hay trái tim của bà tan vỡ khi đọc thông điệp cầu cứu của những người bị kẹt lại. "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm là tìm cách giải cứu họ", Peters nói. "Và tôi sẽ cảm thấy bớt day dứt hơn khi đã cố mà không thành công, còn hơn là chẳng làm gì".

Trung Nhân (Theo ABC News)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét