IS-K là nhóm cực đoan tách ra từ Taliban và nhanh chóng trở thành kẻ thù không đội trời chung, ngay cả khi Taliban đã kiểm soát được Afghanistan.
Taliban ngày 27/6 xác nhận ít nhất 28 thành viên nhóm này thiệt mạng trong hai vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul. Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K), nhánh cực kỳ bạo lực thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, tuyên bố nhận trách nhiệm với vụ tấn công đẫm máu này.
Giới quan sát cho rằng vụ đánh bom sân bay Kabul sẽ khiến nợ máu giữa Taliban và IS-K thêm chồng chất. Vụ đánh bom như lời nhắc nhở rằng cuộc chiến giữa Taliban và IS-K, nhóm khủng bố được coi như "đứa con hoang" của Taliban, chưa đi đến hồi kết.
Trong một cuộc phỏng vấn hôm 13/8 tại nhà tù Kabul, Abu Omar Khorasani, cựu thủ lĩnh IS-K, cho rằng đà tiến quân của Taliban trên khắp Afghanistan là dấu hiệu của sự thay đổi. Cả Taliban lẫn IS-K từng có chung một mục tiêu là đánh đuổi những "kẻ ngoại đạo" ra khỏi quốc gia Trung Á này.
"Họ sẽ thả tôi nếu họ là những tín đồ Hồi giáo tốt", Khorasani nói.
Hai ngày sau, các tay súng Taliban tiến vào Kabul, kiểm soát nhà tù và thả hàng trăm người, nhưng hành quyết Khorasani cùng 8 thành viên khác của IS-K.
6 năm trước, những thành viên người Pakistan bất mãn của Taliban đã tách ra và tự thành lập IS-K. Đây là một trong nhiều nhánh của IS ra đời sau khi nhóm phiến quân này trỗi dậy ở miền bắc Iraq hồi năm 2014, tạo ra sức ảnh hưởng rộng lớn.
Các thành viên nhóm này chủ yếu hoạt động ở miền đông Afghanistan, thuộc khu vực được biết tới như "tỉnh Khorasan", với tham vọng hợp nhất các vùng lãnh thổ Afghanistan vào địa bàn do IS kiểm soát.
Hafiz Saeed Khan, thủ lĩnh sáng lập IS-K, bị lực lượng Mỹ tiêu diệt năm 2016 và nhanh chóng được thay thế bằng Shahab Muhajir, một công dân Iraq. Ngay từ đầu, Taliban và IS-K đã coi nhau là kẻ thù do khác biệt về hệ tư tưởng, cũng như sự cạnh tranh quyết liệt để giành địa bàn.
Taliban khi đó đối đầu với liên quân do Mỹ dẫn đầu tại Afghanistan, song cũng tổ chức một cuộc chiến khác chống lại đối thủ "không đội trời chung" là IS-K.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết Taliban đôi khi được một số quốc gia, trong đó có cả Mỹ, hỗ trợ để giành chiến thắng trong các cuộc đối đầu với IS-K. Các thành viên IS-K bị đánh bật khỏi Afghanistan hoặc phải phân tán để ẩn náu. Taliban vấp phải rất ít sự kháng cự từ IS-K trong lúc đánh chiếm lãnh thổ Afghanistan sau khi Mỹ và đồng minh rút quân.
Việc IS hiện diện liên tục ở Afghanistan là có thể là lý do khiến Taliban nhận được sự hỗ trợ quốc tế, trong đó có Mỹ, quốc gia coi IS là mối đe dọa nghiêm trọng. Nga, Trung Quốc và Iran coi Taliban là trụ cột cho ổn định tại Afghanistan, lý do khiến họ tiếp tục duy trì hoạt động của đại sứ quán ở thủ đô Kabul sau khi Mỹ rút quân.
Tại cuộc họp báo sau vụ đánh bom tự sát ở sân bay Kabul, đại tướng Frank McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm của Mỹ, cho biết nước này đang dựa vào Taliban để sàng lọc những người Afghanistan xung quanh sân bay. "Chúng tôi tận dụng Taliban để bảo vệ mình nhiều nhất có thể", tướng McKenzie nói.
Khi Mỹ mở chiến dịch quân sự nhằm vào Afghanistan sau vụ tấn công 11/9, Taliban có rất ít đồng minh. Lực lượng này bị phương Tây chỉ trích vì tiếp nhận thành viên al-Qaeda, vốn bị coi là khủng bố, đồng thời bị các cường quốc khu vực như Nga và Iran phản đối.
Quan hệ giữa Taliban và al-Qaeda khi đó cũng không mấy êm đẹp. Nhiều thành viên Taliban phẫn nộ khi Osama bin Laden, thủ lĩnh của al-Qaeda lúc này, sử dụng Afghanistan làm căn cứ từ cuối những năm 1990. Vụ tấn công 11/9 và chiến dịch quân sự của Mỹ khiến thủ lĩnh của Taliban và al-Qaeda phải ẩn náu.
Đồng sáng lập Taliban Mullah Omar dường như không biết trước về vụ tấn công 11/9 và quan hệ của ông với bin Laden sau đó rất lạnh nhạt, dù cả hai đều ẩn náu ở Pakistan, chuyên gia về chủ nghĩa Hồi giáo Anne Stenersen cho biết. Sau khi đặc nhiệm Mỹ tiêu diệt bin Laden năm 2011, các tài liệu thu giữ cho thấy trùm al-Qaeda khi đó rất ít liên hệ với thủ lĩnh Taliban Omar.
Khi Mỹ chiếm đóng Afghanistan trong hai thập kỷ tiếp theo, Taliban và al-Qaeda có mối liên hệ chặt chẽ hơn và bắt đầu hợp nhất lực lượng từ năm 2009. Hai nhóm này mở chiến dịch tấn công quân đội chính phủ Afghanistan và lực lượng liên quân do Mỹ dẫn đầu, với loạt vụ tập kích, đánh bom và ám sát có chủ đích.
Động lực thay đổi khi al-Qaeda tìm cách ẩn mình và IS nổi lên vào năm 2015. IS đánh chiếm nhiều vùng lãnh thổ ở Syria và Iraq, đồng thời kêu gọi các tay súng tham gia để thiết lập một "nhà nước Hồi giáo" ở khu vực gồm lãnh thổ Afghanistan, Iraq cùng các quốc gia Trung Á từng thuộc Liên Xô.
IS tuyển mộ được nhiều tay súng bất mãn trong Taliban và những thành viên khác từ khu vực Trung Á và Nam Á, một số tham chiến ở Syria và Iraq. IS cũng kiểm soát hai khu vực tại Afghanistan, một ở tỉnh Nangarhar phía đông và một ở tính Jowzjan phía bắc. Taliban vốn coi IS là một trở ngại và không hoan nghênh diễn biến này.
Trong cuộc phỏng vấn hai ngày trước khi bị hành quyết, Khorasani nói IS có những mục tiêu toàn cầu tham vọng hơn, trong khi Taliban muốn giành lại quyền kiểm soát Afghanistan và không quan tâm đến việc giúp đỡ các nhóm vũ trang Hồi giáo nước ngoài.
"IS có kế hoạch toàn cầu. Khi mọi người hỏi ai thực sự có thể đại diện cho đạo Hồi và toàn bộ cộng đồng Hồi giáo, tất nhiên chúng tôi sẽ thu hút được sự chú ý hơn", Khorasani nói.
Một số quốc gia bắt đầu coi Taliban là lực lượng tiềm năng chống lại tham vọng toàn cầu của IS. "Có nhiều sự quan tâm đến điều này và đột nhiên xuất hiện mong muốn tìm thấy điểm chung nào đó với Taliban", Bruce Hoffman, chuyên gia an ninh tại Đại học Georgetown, nói. "Mọi người bắt đầu nói rằng Taliban có thể là nhóm chúng ta thuyết phục được".
Nga vẫn coi Taliban là tổ chức khủng bố, song bắt đầu đàm phán với nhóm này từ 5 năm trước, chuyên gia Trung Á tại Đại học Quốc gia Moskva Ivan Safranchuk cho biết. "Sự trỗi dậy của IS ở Afghanistan là động lực thúc đẩy các cuộc tiếp xúc này", Safranchuk nói.
Mỹ cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Taliban, song nước này phủ nhận. Tình báo Mỹ cho rằng Iran cũng hỗ trợ vũ khí cho Taliban. Trong khi đó, Trung Quốc năm nay tổ chức cuộc gặp với một phái đoàn cấp cao của Taliban.
Sau khi gia nhập IS-K, Khorasani trở thành thủ lĩnh khu vực, chức vụ cao cấp nhất của các thành viên IS, chịu trách nhiệm khu vực Nam Á và Viễn Đông.
Tương tự IS tại Syria và Iraq, IS-K khét tiếng với những video hành quyết rùng rợn, các vụ tấn công nhằm vào mục tiêu dân sự và dùng biện pháp bạo lực cực đoan nhằm vào bất cứ ai phản đối IS-K ở những nơi mà nhóm chiếm được.
Tại Nangarhar, IS-K hành quyết các già làng và dân địa phương bằng cách bịt mắt rồi bắt họ ngồi trên đống thuốc nổ trên sườn đồi, kích nổ và quay video. Khorasani nói IS-K coi những người bị hành quyết là tội phạm.
Khorasani cho hay các cuộc tấn công của IS-K thường mang lại lợi ích cho Taliban, bất chấp hai nhóm là kẻ thù của nhau. 4 phần tử đánh bom liều chết và 11 tay súng IS-K tổ chức vụ phá ngục ở Jalalabad năm ngoái, giải thoát hàng trăm tù nhân, trong đó có thành viên Taliban và IS.
Giao tranh giữa Taliban và IS-K bắt đầu nổ ra năm 2017 tại Jowzjan, sau khi một thủ lĩnh địa phương có quan hệ với Taliban cùng các tay súng dưới quyền thề trung thành với thủ lĩnh tối cao IS Abu Bakr al-Baghdadi.
Các tay súng IS gốc Afghanistan nói trên cùng một nhóm vũ trang người Uzbek mang tên Phong trào Hồi giáo Uzbekistan đánh chiếm hai thung lũng ở tỉnh Jowzjan và treo cờ IS, Khorasani nói.
Lời kể của Khorasani trùng với thông tin từ phía Mỹ về các cuộc giao tranh, trong đó liên quân do nước này dẫn đầu cùng quân chính phủ Afghanistan và cả Taliban giao tranh với IS-K trong nhiều tháng. Hàng trăm tay súng IS-K sau đó đầu hàng quân đội chính phủ Afghanistan.
IS-K tại Nangarhar cũng hứng các đòn tấn công của lực lượng Mỹ, quân chính phủ Afghanistan và Taliban. Không quân Mỹ thả GBU-43/B MOAB, được mệnh danh là mẹ của mọi loại bom và là vũ khí thông thường mạnh nhất của nước này, nhằm quét sạch khu phức hợp trong lòng núi đang bị các tay súng IS kiểm soát.
Mỹ tuyên bố hơn 90 thành viên IS-K bị tiêu diệt, gồm một số chỉ huy, trong vụ ném bom trên. Tuy nhiên, Khorasani bác bỏ và cho biết các tay súng IS-K đã rời khỏi khu phức hợp từ trước. "Các bên ủng hộ Taliban theo cách này hoặc cách khác khi họ chống lại chúng tôi", Khorasani nói. "Chẳng có gì bí mật khi Taliban bắt đầu giành chiến thắng".
Việc IS trỗi dậy và trở thành kẻ thù của quốc tế thúc đẩy nỗ lực ngoại giao toàn cầu của Taliban, khi lực lượng này tìm cách xóa bỏ tai tiếng là một nhóm khủng bố, các cựu quan chức chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn cho biết.
Mỹ đưa ra đề nghị được công nhận trên trường quốc tế cho Taliban trong các cuộc đàm phán về thỏa thuận hòa bình ở Doha, Qatar, sau đó trả tự do cho 5.000 thành viên Taliban trong các nhà tù tại Afghanistan.
Các cựu quan chức Afghanistan cho biết nhiều người trong số này đổ xô đến chiến trường và tăng cường lực lượng cho Taliban. Theo thỏa thuận đạt được ở Doha, Taliban hứa sẽ ngăn các nhóm vũ trang Hồi giáo tấn công phương Tây.
Khorasani cho biết rời Nangarhar vào năm ngoái khi tàn quân của IS-K phân tán lực lượng bên trong Afghanistan. Quân đội Mỹ và lực lượng chính phủ Afghanistan bắt Khorasani tại ngoại ô Kabul hồi tháng 5/2020.
Một thẩm phán Afghanistan đã kết án tử hình và 800 năm tù với Khorasani. Tuy nhiên, án tử hình này không phải do chính phủ Afghanistan thực thi, mà được các tay súng Taliban thực hiện, đánh dấu thêm một "món nợ" giữa lực lượng này với nhóm khủng bố cực đoan.
Nguyễn Tiến (Theo WSJ)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét