Thứ Ba, 5 tháng 10, 2021

EU có thể sắp đánh giá thuốc chống Covid-19 molnupiravir

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết họ sẽ cân nhắc việc đánh giá molnupiravir, loại thuốc chống Covid-19 đang được thử nghiệm, trong những ngày tới.

"Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ xem xét liệu có nên bắt đầu đánh giá cuốn chiếu loại thuốc này hay không. Tất nhiên, mục tiêu là tìm hiểu xem dữ liệu có đủ để hỗ trợ quá trình đánh giá cuốn chiếu hay không", Marco Cavaleri, người đứng đầu chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), trả lời phóng viên hôm 5/10 khi được hỏi về thuốc molnupiravir của hãng dược Mỹ Merck.

Cavaleri cho biết EMA đã nắm được "một số kết quả hàng đầu đang được công ty đưa ra" về molnupiravir, trong khi Merck cho hay họ có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng loại thuốc này lên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), cùng các cơ quan quản lý khác trên toàn thế giới.

Các viên thuốc molnupiravir trong bức ảnh được nhà sản xuất công bố hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Các viên thuốc molnupiravir trong bức ảnh được nhà sản xuất công bố hồi tháng 5. Ảnh: AFP.

Đại diện Merck hôm 1/10 cho biết molnupiravir có tác dụng giảm gần 50% nguy cơ nhập viện và tử vong vì Covid-19, sau khi phân tích thử nghiệm lâm sàng Giai đoạn Ba với 775 bệnh nhân. Australia hôm qua thông báo đặt mua 300.000 liều molnupiravir. Một số nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan và Malaysia cũng đang đàm phán để mua loại thuốc tiềm năng này.

Theo quy trình đánh giá cuốn chiếu, EMA có thể đẩy nhanh phê duyệt thuốc bằng cách xem xét dữ liệu an toàn và hiệu quả có sẵn, thay vì chờ đợi cho đến khi nhà sản xuất chính thức nộp đơn xin cấp phép. Việc phê duyệt có thể mất vài tháng.

Thế giới ghi nhận 236.533.666 ca nhiễm nCoV và 4.830.107 ca tử vong, tăng lần lượt 650.210 và 15.199, trong khi 213.619.610 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Maria Van Kerkhove, quan chức phụ trách kỹ thuật về Covid-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hôm 5/10 cảnh báo thế giới "chưa thoát khỏi mối nguy" trong cuộc chiến chống đại dịch, ngay cả khi nhiều người nghĩ nó sắp chấm dứt. "Tình hình vẫn rất biến động, bởi chúng ta chưa kiểm soát được virus này", bà cho biết.

Van Kerkhove cho biết WHO đang thảo luận về viễn cảnh đại dịch trong 3-18 tháng tới. Theo bà, Covid-19 cuối cùng cũng sẽ được kiểm soát, nhưng "vẫn có thể xuất hiện những đợt bùng phát" bởi sẽ có nhiều người không được tiêm chủng vì các lý do khác nhau.

Tại một số nước, chiến dịch tiêm chủng Covid-19 gặp khó khăn vì những người bài vaccine. Để giải quyết vấn đề này, các hãng dược phẩm đang nỗ lực phát triển những loại thuốc phòng ngừa và điều trị Covid-19 bằng phương pháp kháng thể, nổi bật là AstraZeneca.

Hãng dược phẩm Anh - Thụy Điển này đã nộp đơn lên FDA để xin phê duyệt sử dụng khẩn cấp thuốc ngừa Covid-19 AZD7442. "Với hồ sơ xin cấp phép này, chúng tôi đang tiến thêm một bước đến việc cung cấp thêm lựa chọn giúp bảo vệ trước Covid-19", Mene Pangalos, phó chủ tịch điều hành AstraZeneca, cho hay.

Hồ sơ được AstraZeneca nộp lên FDA bao gồm dữ liệu từ thử nghiệm giai đoạn cuối, cho thấy AZD7442 giúp giảm 77% nguy cơ phát triển triệu chứng Covid-19. Loại thuốc này được tạo ra nhờ kết hợp hai kháng thể đơn dòng, ban đầu được phát triển với mục đích điều trị cho người đã nhiễm virus, nhưng sau đó ghi nhận cả công dụng phòng ngừa.

Theo AstraZeneca, AZD7442 có thể bảo vệ những người không có phản ứng miễn dịch đủ mạnh với các vaccine Covid-19, hoặc để bổ sung công dụng của tiêm chủng ở những người cần được bảo vệ nhiều hơn, như các binh sĩ. Nếu được FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp, đây sẽ là loại thuốc điều trị phòng ngừa Covid-19 đầu tiên được dùng tại Mỹ.

Các loại thuốc mới thắp hy vọng kiểm soát đại dịch trong bối cảnh số ca nhiễm mới và nhập viện trung bình tại Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, giảm gần 30% trong hai tuần qua, nhờ tiêm chủng và thay đổi hành vi.

Các nhà dịch tễ học đánh giá đây là dấu hiệu đáng khích lệ, cho thấy làn sóng lây nhiễm do biến chủng Delta có thể đã qua đỉnh và không xuất hiện đợt bùng phát lớn khác. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhấn mạnh nCoV vẫn là mối đe dọa tiềm tàng do nhiều người chưa tiêm vaccine và nguy cơ xuất hiện biến chủng mới.

Israel, quốc gia tiêm chủng thành công hàng đầu thế giới, gần đây vẫn ghi nhận số ca nhiễm nCoV tăng nhanh. Phần lớn số ca trở nặng tại nước này là những người chưa tiêm chủng. Theo hướng dẫn mới, người dân Israel phải tiêm mũi tăng cường mới đủ điều kiện nhận thẻ xanh Covid-19, khiến hơn hai triệu người có thể mất chứng nhận này.

Tại Đông Nam Á, giới chức y tế Lào đang cân nhắc cho phép những ca Covid-19 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng tự cách ly tại nhà thay vì nhập viện, trong bối cảnh số ca nhiễm gia tăng. Khuyến cáo này cũng đang được xem xét đối với những người tiếp xúc gần với ca nhiễm.

Ánh Ngọc (Theo AFP, Reuters)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét