Thứ Sáu, 1 tháng 10, 2021

Hạm trưởng nêu lý do Anh điều tàu trực chiến ở châu Á

Hạm trưởng Hugh Botterill cho hay Anh điều tàu hai tàu tuần tra trực chiến ở châu Á vì tầm quan trọng của khu vực và cam kết với luật pháp quốc tế.

"Anh công nhận tầm quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đối với thế giới và ủng hộ quyền tự do đi lại qua các tuyến thương mại trọng yếu", trung tá Hugh Botterill, hạm trưởng tàu hộ vệ HMS Richmond của Hải quân Hoàng gia Anh, hôm nay nói với VnExpress về lý do Anh quyết định điều hai tàu tuần tra xa bờ HMS Tamar và HMS Spey đến trực chiến tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "từ 5 năm trở lên".

Trung tá Hugh Botterill, hạm trưởng HMS Richmond. Ảnh: ĐSQ Anh tại Việt Nam.

Trung tá Hugh Botterill, hạm trưởng HMS Richmond. Ảnh: ĐSQ Anh tại Việt Nam.

Trung tá Botterill là chỉ huy hộ vệ hạm HMS Richmond cập cảng Cam Ranh ở tỉnh Khánh Hòa hôm nay, đánh dấu lần thứ ba chiến hạm Anh tới thăm Việt Nam. Chuyến thăm của hộ vệ hạm Richmond diễn ra trong bối cảnh Anh tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với đợt triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay số 21 (CSG-21) cùng hai tàu tuần tra Tamar và Spey.

"Chúng tôi hy vọng trở thành đối tác châu Âu lâu dài của khu vực bằng sự hiện diện rộng rãi và đầy đủ nhất, nhằm hỗ trợ các liên kết thương mại mạnh mẽ hơn, các ưu tiên an ninh và giá trị chung", ông nói.

Ông giải thích tầm nhìn "Nước Anh toàn cầu" hậu Brexit bao gồm việc chuyển trọng tâm sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, khu vực mà Anh nhận ra tầm quan trọng ngày càng tăng và sẽ tham gia sâu hơn cùng khu vực ứng phó những thách thức toàn cầu.

Hạm trưởng Anh cho rằng London mong muốn thấy một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở, an toàn và ổn định, tạo điều kiện cho thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế trong khu vực lẫn toàn cầu. "Sự tăng trưởng này được thực hiện thông qua hệ thống quy tắc quốc tế mà Anh cam kết duy trì", ông khẳng định.

Đề cập đến chuyến thăm cảng Cam Ranh, hạm trưởng Botterill cho hay Anh mong muốn thể hiện cam kết về hiện diện nhất quán và đáng đáng tin cậy với các đối tác quan trọng ở khu vực như Việt Nam.

Chuyến thăm Việt Nam của hộ vệ hạm Richmond diễn ra vài tháng sau chuyến công du Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, cho thấy Anh ngày càng chú trọng tới mối quan hệ song phương quan trọng này, theo hạm trưởng Botterill.

Hộ vệ hạm HMS Richmond cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa ngày 1/10. Ảnh: ĐSQ Anh tai Việt Nam.

Hộ vệ hạm HMS Richmond cập cảng Cam Ranh, Khánh Hòa ngày 1/10. Ảnh: ĐSQ Anh tại Việt Nam.

Ông bày tỏ hy vọng sẽ triển khai các sự kiện tương tác quốc phòng ảo để giới thiệu với người dân Việt Nam về chiến hạm HMS Richmond và sứ mệnh của Anh, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 khiến các hoạt động tương tác trực tiếp không thể diễn ra.

Hộ vệ hạm Richmond thuộc lớp Type 23, được hải quân Anh biên chế tháng 6/1995, có lượng giãn nước 4.900 tấn, dài 133 m, tốc độ tối đa 52 km/h và hải trình lên tới 14.000 km. Thủy thủ đoàn của tàu gồm 185 người.

Nguyễn Tiến

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét