Thứ Hai, 4 tháng 10, 2021

Khối tài sản 100 triệu đô của vua nước nghèo Jordan

Hồ sơ Pandora hé lộ Vua Jordan sở hữu khối tài sản hơn 100 triệu USD, dù quốc gia này phải phụ thuộc phần lớn vào viện trợ nước ngoài.

Trước làn sóng biểu tình mạnh mẽ của người dân đòi chấm dứt tình trạng tham nhũng và nghèo đói, chính quyền Jordan tháng 6/2020 tuyên bố sẽ trừng trị những người cất giấu tài sản riêng, nhằm ngăn chặn khoảng 800 triệu USD bị tuồn khỏi nước này mỗi năm.

Thủ tướng Jordan khi đó là Omar al-Razzaz tuyên bố chiến dịch truy quét này là rất cần thiết để ứng phó tác động của Covid-19 đối với nền tài chính quốc tế. Thủ tướng Omar tuyên bố chính phủ sẽ lần theo từng đồng dinar mà công dân Jordan giấu ở các thiên đường thuế và đảm bảo mọi tài sản ở nước ngoài của họ đều trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, Hồ sơ Pandora được Hiệp hội các Nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) công bố ngày 3/10 đã tiết lộ những thông tin chấn động về khối tài sản ở nước ngoài của Quốc vương Abdullah II, người đứng đầu Jordan, một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Ông được cho là bí mật sở hữu 14 bất động sản trị giá hơn 106 triệu USD ở Anh và Mỹ, được mua từ năm 2003 đến 2017 thông qua các công ty offshore (công ty ngoại biên, đăng ký, hoạt động ở các thiên đường thuế nước ngoài).

Vua Abdullah II tại một cuộc họp ở thủ đô Amman, Jordan hôm 26/5. Ảnh: Reuters.

Vua Abdullah II tại một cuộc họp ở thủ đô Amman, Jordan hôm 26/5. Ảnh: Reuters.

Khối tài sản này bao gồm một căn nhà ở Ascot, một trong những thị trấn đắt đỏ nhất nước Anh, những căn hộ hàng triệu USD ở trung tâm London và ba căn hộ xa xỉ trong một khu phức hợp nhìn ra sông Potomac ở thủ đô Washington của Mỹ.

Ngoài ra, Vua Abdullah II được cho là sở hữu ba ngôi nhà bên bờ biển đang xây dựng ở Point Dume, một khu vực đắt đỏ ở Los Angeles. Một trong số đó là biệt thự 7 phòng ngủ nhìn thẳng ra Thái Bình Dương, được mua năm 2014 thông qua công ty offshore Nabisco Holdings với giá 33,5 triệu USD.

Hồ sơ Pandora tiết lộ các cố vấn của Quốc vương 59 tuổi đã tìm mọi cách để che giấu số tài sản ở nước ngoài của ông. Kế toán, luật sư ở Thụy Sĩ và quần đảo Virgin thuộc Anh đã thay mặt Vua Abdullah II thành lập nhiều công ty offshore và không đưa tên ông vào các hồ sơ đăng ký nhà đất công khai hay bí mật của chính quyền sở tại.

Trong thư thay mặt Vua Abdullah II gửi tới ICIJ, các luật sư phủ nhận mọi thông tin không đúng về việc sở hữu nhà thông qua công ty offshore, đồng thời thêm rằng Quốc vương Jordan không bắt buộc phải nộp thuế theo luật nước này.

Các chuyên gia am hiểu về khu vực cho hay việc thời điểm các vụ mua bán này được công bố trong Hồ sơ Pandora có thể gây nhiều rắc rối chính trị cho Quốc vương Abdullah II. Hầu hết bất động sản ở Anh và Mỹ được mua từ năm 2011, sau phong trào biểu tình Mùa xuân Arab, có thể khiến nhiều người Jordan quay lưng với Abdullah II.

Jordan là một trong những quốc gia nghèo nhất Trung Đông, khi hầu như không có tài nguyên dầu mỏ và khan hiếm nguồn nước ngọt. Vương quốc này chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ nước ngoài để hỗ trợ người dân và hàng triệu người tị nạn. Riêng năm ngoái, Mỹ đã cung cấp cho Jordan 1,5 tỷ USD thông qua viện trợ và tài trợ quân sự. Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí hỗ trợ 218 triệu USD để giúp quốc gia này ứng phó Covid-19.

"Jordan không có nhiều tiền giống các chế độ quân chủ Trung Đông khác như Arab Saudi để cho phép một quốc vương phô trương sự giàu có của mình", Annelle Sheline, chuyên gia về chính trị và tôn giáo ở Trung Đông tại Viện Quincy ở Washington, nói. "Nếu Quốc vương Jordan thể hiện sự giàu có một cách công khai hơn, nó không chỉ khiến người dân phẫn nộ mà còn chọc giận các nhà tài trợ phương Tây".

Các luật sư Anh của Quốc vương Jordan nói ông có lý do riêng tư và an ninh để sở hữu tài sản thông qua các công ty offshore, mà không liên quan tới hành vi trốn thuế hoặc bất kỳ mục đích không phù hợp nào khác. Họ thêm rằng ông chưa từng lạm dụng công quỹ hoặc tiền viện trợ nước ngoài và toàn bộ tài sản đều được mua bằng nguồn cá nhân. Vua Abdullah II rất quan tâm tới Jordan và người dân, đồng thời luôn hành động liêm chính và vì lợi ích tốt nhất của quốc gia, theo các luật sư.

Nhóm luật sư nói hầu hết công ty offshore được đề cập trong Hồ sơ Pandora không còn tồn tại hoặc không liên quan tới nhà vua, thêm rằng một số tài sản theo tài liệu của ICIJ không thuộc về Quốc vương. Tuy nhiên, các luật sư từ chối giải thích chi tiết hơn, do lo ngại về quyền riêng tư và an ninh của Vua Abdullah II và gia đình.

Vua Abdullah II từ lâu được biết đến với hình ảnh một quốc vương ôn hòa và có xu hướng hiện đại. Ông từng được đào tạo ở Học viện Quân sự Hoàng gia Anh và Đại học Oxford, kế vị ngai vàng Jordan từ năm 1999, sau khi quốc vương Hussein qua đời.

Vua Abdullah II và hoàng hậu Rania, người Palestine sinh ra ở Kuwait, được mô tả là cặp đôi quyền lực "hiện đại" nhất Trung Đông. Họ gặp nhau trong một tiệc tối ở Amman, thủ đô Jordan, khi nữ hoàng tương lai, cũng là người có tầm ảnh hưởng trên Instagram, đang làm việc cho Apple.

So với các láng giềng chìm trong chiến tranh và xung đột như Syria, Iraq và Israel, vương quốc Jordan của Abdullah được xem như một "ốc đảo" tương đối yên bình. Quốc gia 10 triệu dân là đồng minh quan trọng của Mỹ và là nơi đặt các căn cứ quân sự quan trọng trong suốt cuộc chiến của Mỹ tại Iraq năm 2003. Jordan nhận hàng tỷ USD viện trợ mỗi năm từ Mỹ, EU và nhiều nước khác, phần lớn trong đó dành cho những người Syria và Palestine trong các trại tị nạn ở Jordan.

Tuy nhiên, nền kinh tế trì trệ và số lượng lớn người tị nạn là những vấn đề dẫn tới nhiều mâu thuẫn trong nước. Năm 2012, thời điểm Hồ sơ Pandora cho là Abdullah đã mua một bất động sản ở Washington, hàng nghìn người dân Jordan đã xuống đường biểu tình phản đối bỏ trợ cấp nhiên liệu, quyết định mà nhiều người cho rằng sẽ đẩy họ vào cảnh nghèo đói. Lần đầu tiên, họ chỉ trích Quốc vương Abdullah, khi hét vang "tiền của người dân đã đi đâu?"

Thái tử Abdullah (giữa) trong đám cưới với vợ Rania (thứ hai từ bên trái) vào năm 1993. Ảnh: Reuters.

Abdullah (giữa), khi còn là Thái tử Jordan, trong đám cưới với vợ Rania (thứ hai từ bên trái) vào năm 1993. Ảnh: Reuters.

Hồ sơ Pandora tiết lộ Vua Abdullah đã sở hữu ít nhất 36 công ty offshore tại các thiên đường thuế, gồm Guinevere Enterprises Ltd., một trong những công ty được thành lập đầu tiên vào năm 1995 ở quần đảo Virgin thuộc Anh.

Dù hồ sơ bị rò rỉ không liệt kê các tài sản cá nhân của nhà vua, vị trí và giá trị của chúng có thể được đối chiếu với tên các công ty offshore trong hồ sơ tài sản công khai. Các nhà điều tra đã xác định 12 công ty của Quốc vương Jordan sở hữu các bất động sản, gồm một căn hộ chung cư trị giá 6,5 triệu USD ở khu phố Georgetown, Washington, được mua năm 2012 bởi công ty Zayer Ltd. Năm 2016, thái tử Hussein, con trai quốc vương, tốt nghiệp Đại học Georgetown, cách khu chung cư cao cấp này 10 phút đi bộ.

Hồ sơ Pandora không tiết lộ chính xác tài sản hoặc mục đích của các công ty offshore khác mà Quốc vương Jordan sở hữu. Một số được mô tả là nơi sở hữu những khoản đầu tư không xác định ở Mỹ và châu Âu.

Hai trong số ba biệt thự ở thành phố Malibu đang được đại tu, theo hồ sơ quy hoạch của bang California. Một biệt thự sẽ được phá dỡ và xây dựng lại với kích thước gấp đôi. Một căn sẽ sớm được xây thêm hồ bơi mới, giàn hoa bằng thép và khu tiệc nướng ngoài trời.

Khi các phóng viên gần đây chuyến ghé thăm, các căn biệt thự này dường như trống rỗng. "Đang xây gara để xe cho chủ sở hữu", một công nhân hét lên qua hàng rào trong khu vực xây dựng.

Thanh Tâm (Theo ICIJ)

Adblock test (Why?)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét